70 năm Hiệp định Genève: Khát vọng hòa bình, thống nhất non sông

Thứ hai - 22/07/2024 18:01
Hiệp định Genève là một mốc son đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam.

Ngày 8/5/1954, một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", Hội nghị Genève bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp với 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn, Hiệp định Genève đã được ký vào ngày 20/7/1954.

Hiệp định Genève là một mốc son đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam; mở ra thời kỳ chiến lược mới của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Trước đó, trả lời phỏng vấn của một nhà báo Thụy Điển ngày 26/11/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình, thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó" và “cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”. (1)

Ngày 6/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: "Với những vấn đề được thảo luận, Hội nghị đã mở đường cho việc lập lại hoà bình ở Đông Dương. Trên cơ sở đó, nếu đối phương cũng thành thật muốn đàm phán như chúng ta (Việt Nam) mà cũng cố gắng để lập lại hòa bình ở Đông Dương, thì hoà bình Đông Dương có thể thực hiện. Theo đúng lập trường của ta từ trước đến nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ tiếp tục cố gắng đấu tranh cho hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc...".(2)

Trong suốt quá trình đàm phán đi đến ký kết Hiệp định, phía Việt Nam luôn kiên định lập trường cơ bản của mình là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Nước Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập của ba quốc gia trên bán đảo Đông Dương. Vấn đề thống nhất nước Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài.

Tuy nhiên, theo Hiệp định đã ký kết, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Các bên tham gia Hội nghị nhấn mạnh rằng "Dù bất cứ trường hợp nào, không thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ".
 
Ngay sau khi Hiệp định Genève được ký kết, trả lời Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoán trước Mỹ sẽ tìm cách phá bỏ Hiệp định để chia cắt Việt Nam: "Theo đúng lập trường của ta từ trước đến nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ tiếp tục cố gắng đấu tranh cho hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc. Đồng thời, chúng ta phải có tinh thần cảnh giác rất cao đối với âm mưu của đế quốc Mỹ định cản trở hai bên đi đến hiệp định đình chiến và mưu mô lập khối liên minh quân sự có tính chất xâm lược, chia châu Á thành những tập đoàn đối lập để dễ xâm lược và khống chế Đông Dương cùng Đông Nam Á.".(3)

Ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: "Đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ.", và khẳng định: "Trung, Nam, Bắc đều là bờ cõi của nước ta, nước ta nhất định thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng.”.(4)

Sự chia cắt đất nước theo Hiệp định chỉ là tạm thời. Hai miền phải thống nhất trước tháng 7 năm 1956 bằng tổng tuyển cử "tự do và dân chủ".

Ngày 13/7/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố khi trả lời hãng thông tấn AP (Mỹ): "Nhân dân cả nước Việt Nam sẽ đấu tranh mạnh hơn để cho có tổng tuyển cử tự do trong khắp cả nước. Đó là nguyện vọng tha thiết của toàn dân Việt Nam đã được Hiệp định Geneva1954 thừa nhận… Đất nước Việt Nam từ Bắc đến Nam là một khối, cần được thống nhất. Không thể chia cắt Việt Nam làm hai nước riêng biệt, cũng như không thể chia cắt Hoa Kỳ thành hai nước riêng biệt…".(5)

Những lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện khát vọng cao cả của đồng bào ta suốt từ Nam chí Bắc về hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được” – Đó là chân lý vĩnh hằng của một dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý.

Thế nhưng, để bảo vệ chân lý đó, nhân dân ta đã phải trải qua hơn hai mươi năm trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh.

Tuy Hiệp định Genève không có điều khoản nào quy định chi tiết về thời điểm cũng như cách thức tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam - Bắc Việt Nam nhưng Bản tuyên bố cuối cùng ngày 21/7/1954 của Hội nghị Genève ghi rõ cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7/1956. Cam kết ấy giữa các bên tham gia Hội nghị đã không thành hiện thực, bởi Mỹ, trên thực tế đã ủng hộ việc Việt Nam Cộng hòa từ chối tổ chức Tổng tuyển cử tự do thống nhất Việt Nam.

Sông Bến Hải – Vĩ tuyến 17 bất đắc dĩ trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt đất nước nhưng khát vọng hòa bình, thống nhất non sông của cả dân tộc thì không một thế lực hắc ám nào có thể chia cắt nổi. “Ta đi tới, không thể gì chia cắt/ Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau/ Trời ta chỉ một trên đầu/ Bắc Nam liền một biển/ Lòng ta không giới tuyến/ Lòng ta chung một Cụ Hồ/ Lòng ta chung một Thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!”. Nhà thơ Tố Hữu đã nói lên ý chí và quyết tâm của hai mươi lăm triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước lúc bấy giờ bằng những câu thơ xúc động lòng người như thế.

Khát vọng hòa bình, thống nhất non sông còn được Bác Hồ khích lệ trong những vần thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước hằng năm. Trong thơ chúc Tết Giáp Thìn (1964), Người bày tỏ niềm tin vững chắc: “Bắc Nam như cội với cành,/ Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng./ Rồi đây thống nhất thành công,/ Bắc Nam ta lại vui chung một nhà”.

Còn trong thơ chúc Tết Kỷ Dậu (1969), lời thơ của Người mang âm hưởng hào hùng, đầy tính dự báo chiến lược và niềm tin tất thắng của dân tộc trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ và tay sai:“Vì độc lập, vì tự do,/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào./ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,/ Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”.

Đó là mùa Xuân Ất Mão 1975 lịch sử. Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, quân và dân ta đã biến khát vọng hòa bình, thống nhất non sông của Bác Hồ và của cả dân tộc sau mấy chục năm đất nước bị chia cắt thành hiện thực. Từ đây, lịch sử đất nước sang trang, bước vào kỷ nguyên mới để hôm nay, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.”.(6)
 
Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève, 14/7/2024
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
(1, 2) Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2011, Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 8, trang 340.
(3). Bản tin Việt Nam Thông tấn xã ngày 6/7/1954.  
4). Nguyễn Quang Ngọc 2006, Chương XI – Việt Nam trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng chế độ dân chủ mới (1945-1954), Tiến trình Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, Giáo dục, Tr.315-324.
(5). https://baochinhphu.vn/bac-ho-voi-hiep-dinh-geneva-102167289.htm
(6). https://vtv.vn/chinh-tri/voi-tat-ca-su-khiem-ton-chung-ta-van-co-the-noi-rang-dat-nuoc-ta-chua-bao-gio-co-duoc-tiem-luc-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-nhu-ngay-nay-20210126121805801.htm


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập99
  • Hôm nay16,407
  • Tháng hiện tại155,366
  • Tổng lượt truy cập60,039,173
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây