Kỷ niệm 100 năm sinh thiên tài Văn Cao: Văn Cao, trăm năm một bậc kỳ tài: Chọn Quốc ca và lần dự thay bất thành

Thứ hai - 13/11/2023 17:01
Tháng 8-1945, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã chọn Tiến quân ca của Văn Cao làm Quốc ca nước Việt Nam độc lập sắp thành hiện thực. Quốc hội khóa I đã ghi trong Hiến pháp năm 1946 chọn bài này làm Quốc ca của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
 
Nhạc sĩ Văn Cao
Nhạc sĩ Văn Cao

Chọn Quốc ca trước ngày tổng khởi nghĩa

Hơn 30 năm sau, một cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới được tổ chức khá rầm rộ và không khỏi khiến Văn Cao héo hon thêm sau hàng chục năm mỏi mòn nhiều vì vụ Nhân văn - Giai phẩm, nhưng rồi ông vẫn lừng lững là tác giả Quốc ca.

Giữa ngày thu Hà Nội, Văn Thao với mái tóc dài bạc trắng hất ngược ra sau, râu cũng dài và gương mặt xương xương rất giống với cha mình, ngồi ôn lại những chuyện về cha làu làu như mới hôm qua hai cha con vẫn thường ngồi tâm sự với nhau.

Chuyện chọn Quốc ca, ông kể ngày 16-8-1945, tại Đại hội Quốc dân đồng bào họp ở Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) để bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Bác Hồ chọn Quốc ca, Quốc kỳ cho nước Việt Nam độc lập đang đến rất gần.

Trước đó, Nguyễn Đình Thi được giao nhiệm vụ tham khảo ý kiến một số đại biểu để chọn các ca khúc cách mạng tiêu biểu gửi lên cho Bác chọn Quốc ca.


Lời bài hát quốc ca được Quốc hội thông qua năm 1955 - Ảnh: T.ĐIỂU chụp lại từ Trung tâm lưu trữ quốc gia

Đúng sáng 16-8-1945, Nguyễn Đình Thi trực tiếp thể hiện ba bài hát bằng kèn harmonica gồm bài Tiến quân ca và Chiến sĩ Việt Minh (sau đổi thành Chiến sĩ Việt Nam của Văn Cao), bài Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi. Nghe xong, Bác có ý kiến bài Diệt phát xít rất ý nghĩa, nhưng chủ nghĩa phát xít đã tan rã rồi nên chọn bài này làm Quốc ca không hợp nữa.

Bài Chiến sĩ Việt Minh bác rất thích, đặc biệt là đoạn cuối với những câu hát: "Thề phục quốc tiến lên Việt Nam/Lập quyền dân, tiến lên Việt Nam...".

Nhưng bài này khó hát nên khó phổ biến rộng rãi, lại hơi dài, dân đứng chào cờ hát Quốc ca sẽ... mỏi chân (Bác hài hước). Theo Bác, bài Tiến quân ca là hợp lý nhất, vừa ngắn gọn, dân dễ hát dễ thuộc, vừa như lời hiệu triệu mạnh mẽ.

Ngay chiều hôm đó, họp đại hội chọn Quốc kỳ là lá cờ đỏ với ngôi sao vàng năm cánh ở giữa, chọn Tiến quân ca là Quốc ca và phát lệnh Tổng khởi nghĩa tháng Tám.

Chuyện Bác Hồ chọn Quốc ca từ ba bài hát trên cũng được nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha xác nhận rằng chính ông đã nghe Văn Cao kể lại những lời mà Nguyễn Đình Thi đã kể lại cho Văn Cao.

Chiều tối lá cờ đỏ sao vàng được trao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước đoàn quân làm lễ chào cờ bằng bài Tiến quân ca để Đoàn Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân xuất quân.

Ngày 17-8-1945, chính phủ ông Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít tinh của viên chức Hà Nội để phản đối Mặt trận Việt Minh, nhưng cuối cùng đã được biến thành cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh.

Đội danh dự Việt Minh (Đội trừ gian) do Văn Cao phụ trách có nhiệm vụ bảo vệ các đội tuyên truyền.

Ông Phạm Đức - người sống cùng Văn Cao trên căn gác trọ 45 Nguyễn Thượng Hiền, kết nối Văn Cao gặp lại Vũ Quý, chứng kiến những ngày Văn Cao viết Tiến quân ca - là người đã giật micro của phát thanh viên chính phủ Trần Trọng Kim hát luôn bài Tiến quân ca, bắt nhịp cho cả đoàn người cùng hát vang bài hát vừa được Đại hội Quốc dân Tân Trào chọn làm Quốc ca.

"Bài Tiến quân ca đã nổ như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra... Bài Tiến quân ca đã là của dân tộc Việt Nam độc lập kể từ ngày hôm đó", nhạc sĩ Văn Cao từng ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ này trong bài viết Tại sao tôi viết Tiến quân ca? ngày 7-7-1976, được đăng lại trong tập nhạc Thiên Thai, NXB Trẻ in năm 1988.

"Ông vẫn là tác giả Quốc ca"

Chuyện về Tiến quân ca, nhiều bạn trẻ ngày nay sẽ ngạc nhiên khi biết lời quốc ca họ được nghe ngày nay thực ra vào năm 1955 đã được Quốc hội thông qua việc chỉnh sửa vài từ so với bản thảo mà nhạc sĩ Văn Cao đã viết năm 1944. Và đặc biệt là một giai đoạn vận động sáng tác Quốc ca mới thay cho bài Tiến quân ca, nhưng không thành công.

Trong kho lưu trữ Trung tâm Lưu trữ quốc gia còn lưu thông báo viết tay của Ban vận động sáng tác quốc ca mới năm 1982, báo cáo việc chọn 17 tác phẩm vào vòng ba.

Thông báo viết: "Nhằm mục đích giới thiệu, phổ biến rộng rãi trong nhân dân để xin ý kiến trước khi tuyển chọn vào vòng bốn, Ban vận động sáng tác Quốc ca mới sẽ cho phát thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam và đài phát thanh ở các tỉnh, thành phố về 17 bài hát trên đây.

Đồng thời cho in một tập nhạc gồm 17 bài này để gửi tới các nơi trọng điểm lấy ý kiến tại các tỉnh, thành phố, các đoàn thể trung ương và trong quân đội".

Văn Thao kể thực ra ý tưởng muốn thay Quốc ca đã có ý kiến nêu ra khi vừa thống nhất đất nước.

Có ý kiến muốn đưa bài Giải phóng miền Nam (Lưu Hữu Phước) vốn được dùng là Quốc ca của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thời chống Mỹ dùng làm Quốc ca cho nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tuy nhiên bài hát với nhịp điệu nhanh này khi chơi với tốc độ chậm ở hình thức cử Quốc thiều thì không chơi được. Vậy là các ý kiến vẫn nghiêng về giữ bài Tiến quân ca làm Quốc ca cho nước Việt Nam thống nhất.

Hiến pháp mới ra đời năm 1980, thì trong Quốc hội (Chủ tịch là ông Trường Chinh) lại có ý định muốn thay Quốc ca. Năm 1981, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa VI đã quyết định tổ chức cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới, tiến hành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trưởng Ban vận động là ông Xuân Thủy (phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội), ông Cù Huy Cận (lúc đó làm bộ trưởng phụ trách công tác văn hóa, giáo dục ở Phủ Thủ tướng) làm phó trưởng ban.

Cuộc thi nhận bài từ tháng 5 đến tháng 12-1981, nhận được gần 1.500 bài hát gửi về. 17 bài hát được chọn vào vòng ba, trong đó có tác phẩm của những tác giả quen thuộc như: Huy Du, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân, Nguyễn Trọng Tạo...

Giữa lúc cuộc thi Quốc ca mới đang rầm rộ ở trong nước, năm 1982, nhận lời mời của Cộng hòa dân chủ Đức, Văn Cao sau một cơn đau dạ dạy rất nặng đã cùng nhạc sĩ Đàm Linh đến thăm đất nước này.

Bà Nghiêm Thúy Băng kể hồi đó Đông Đức mời hai vợ chồng bà nhưng Hội Nhạc sĩ Việt Nam yêu cầu ông đi cùng nhạc sĩ Đàm Linh - một cán bộ của hội. Lần ấy, Văn Cao còn được sắp xếp nghỉ dưỡng vài ngày ở ngôi nhà của cố tác giả Quốc ca Đông Đức, ngôi nhà giữa khu vườn xinh đẹp đầy tiếng chim hót mỗi buổi sớm mai.

Khi Văn Cao về thì mọi việc xong xuôi. Bà Thúy Băng kể khi chồng bà nhập cảnh, hải quan tươi cười chào hỏi, chúc mừng: Ông đi hai tháng không tìm được bài Quốc ca mới, ông vẫn là tác giả Quốc ca.

----

Sau một thời gian lấy ý kiến nhân dân, không có bài nào được ủng hộ. "Bài Quốc ca đã thuộc về nhân dân", ông Văn Thao nói. Bà Thúy Băng kể thêm cuối đời ông Trường Chinh còn cho thư ký đến nhà Văn Cao tặng ông mấy lọ sâm, mời Văn Cao đến chơi nhà.

Kể từ sau cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới năm 1982 không thành thì không còn ai nhắc chuyện thay Quốc ca nữa. Cũng kể từ đó, tác giả Quốc ca dần xuất hiện trở lại trong đời sống văn nghệ chuẩn bị được "cởi trói".

Thiên Điểu
Báo Tuổi trẻ Online: https://tuoitre.vn/van-cao-tram-nam-mot-bac-ky-tai-ky-2-chon-quoc-ca-va-lan-du-thay-bat-thanh-20231108105520267.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập47
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm43
  • Hôm nay18,881
  • Tháng hiện tại1,076,417
  • Tổng lượt truy cập55,191,121
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây