Về tấm bằng tiến sĩ của "quốc trung hiền sĩ" Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang)
admin100
2024-06-27T04:30:25-04:00
2024-06-27T04:30:25-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/ve-tam-bang-tien-si-cua-quoc-trung-hien-si-vuong-tan-viet-thuong-toa-thich-chan-quang-12328.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/bao/vuong-tan-viet.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ năm - 27/06/2024 03:27
Vương Tấn Việt (pháp danh Thích Chân Quang) sinh năm 1959 tại Đắk Lắk.
Vương Tấn Việt (pháp danh Thích Chân Quang) sinh năm 1959 tại Đắk Lắk. 30 tuổi (1989) mới tốt nghiệp cấp 3 hệ Bổ túc văn hóa. Năm 2001, ông tốt nghiệp cử nhân ngành tiếng Anh của Trường Đại học Hà Nội, hệ đào tạo từ xa. Sự nghiệp học hành của Vương Tấn Việt bỗng tăng tốc khi 60 tuổi (2019) lấy văn bằng 2 cử nhân luật "tại chức" (vừa học vừa làm) tại cơ sở đào tạo của Đại học Luật Hà Nội tại Trường Cao đẳng Bách Việt, TPHCM; 62 tuổi (2021) lấy bằng tiến sĩ, cũng tại ĐH Luật Hà Nội. Tháng 12 năm 2023, bắt đầu làm nghiên cứu tiến sĩ ngành Tôn giáo học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Về tấm bằng tiến sĩ luật gây sốc dư luận
Ngày 3/10/2021, ông Việt có đơn xin rút ngắn thời gian đào tạo và cũng chính ngày đó, ông lại có đơn xin bảo vệ luận án cấp trường. Còn ngày bảo vệ thì trong cùng một báo cáo nhưng ĐH Luật lại đưa ra hai con số: ngày 3/12/2021 và ngày 9/12/2021. Chả nhẽ lãnh đạo ĐH Luật bị lẫn rồi chăng?
Việc lấy bằng tiến sĩ của ông Việt quả là siêu tốc khi ngày 26/12/2019, ông được công nhận nghiên cứu sinh theo Quyết định 5114/QĐ-ĐHLHN của Trường ĐH Luật Hà Nội, thì 24 tháng sau, ngày 9/12/2021, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường tại Trường ĐH Luật Hà Nội.
Theo quy chế của ĐH Luật HN (Thông báo 230 quy định điều kiện dự tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ phải là “Cử nhân luật hệ CHÍNH QUY loại giỏi trở lên”), ông Việt đương nhiên không đủ điều kiện dự tuyển vì ông ta học tại chức hệ vừa học vừa làm. Thế mà 11 tháng sau, ĐH Luật Hà Nội vẫn ra quyết định công nhận ông Việt trúng NCS.
Ly kỳ nhất là thời điểm ông Việt làm nghiên cứu sinh, đại dịch Covid-19 bùng phát khắp cả nước. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều nơi gồng mình chống dịch với tinh thần như chống giặc. Các cơ sở giáo dục, nhiều công sở phải làm việc online. Câu hỏi đặt ra là làm sao trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng như thế, ông Việt và các thày hướng dẫn ông bằng cách nào mà hoàn thành được các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ theo đúng "quy trình" như lãnh đạo ĐH Luật HN đã lên tiếng?
Làm 1 phép tính sơ như này sẽ biết ông Việt - thầy Quang có bộ óc vĩ đại như thế nào. 2 năm (24 tháng), dù không học thạc sĩ thì chắc cũng phải hoàn thành khoảng 25-30 tiểu luận (theo chương trình cao học). Đồng thời hoàn thành NCS phải có 1 bài luận đề cương đầu vào, 3 chuyên đề, 2 bài nghiên cứu đăng tạp chí, 1 semina luận án.
Như vậy trong 24 tháng mà thầy Quang phải viết:
- Nếu tính 25 tiểu luận thì thành 32 bài viết (bài luận). Tức 32 bài/24 tháng.
- Nếu tính 30 tiểu luận thì thành 37 bài viết (bài luận). Tức 37 bài/ 24 tháng.
Thật sự kinh ngạc. Chỉ có bộ óc thánh nhân mới làm nổi. Xin bái phục!
Sau khi vụ làm tiến sĩ của ông Việt bị cư dân mạng soi, rất khó hiểu là, clip bảo vệ luận án tiến sĩ của ông Việt đăng công khai trên YouTube ngay lập tức bị gỡ bỏ.
Trường ĐH Luật HN và Bộ GD&ĐT và các nhà khoa học nói gì?
Trước bức xúc của dư luận nghi vấn có gì không minh bạch trong quá trình làm tiến sĩ của ông Vương Tân Việt, ông PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) khẳng định: Toàn bộ quá trình đào tạo, công nhận trình độ tiến sĩ đều được hội đồng đánh giá thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các bước theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT” (Báo VNN).
Ngày 25/6, Bộ GD&ĐT phát đi văn bản hỏa tốc, yêu cầu Trường Đại học Luật Hà Nội khẩn trương báo cáo về quá trình tuyển sinh, đào tạo (gồm cả việc nộp hồ sơ phản biện, bảo vệ luận án...) và có minh chứng kèm theo đối với hồ sơ của ông Vương Tấn Việt. Công văn yêu cầu Trường Đại học Luật Hà Nội gửi báo cáo về Bộ trong ngày 26-6-2024. Tuy nhiên đến ngày 27/6, Bộ vẫn chưa nhận được báo cáo của ĐH Luật HN.
Những ngày qua, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng về nội dung luận án tiến sĩ "Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam". Trên trang Fb cá nhân, GS.TS Luật Ngô Huy Cương nhận xét: “một luận án sai trái cơ bản tới mức phỉ nhổ vào luật học cũng như các khoa học khác (kể cả chính trị học)”. “Chỉ cần ở giác độ luật tư, nhất là luật hợp đồng (nơi được coi là dễ minh chứng nhất cho quan niệm quyền lợi phải đi liền với nghĩa vụ) thì luận án của thích chân quang đã đáng vứt vào sọt rác”, GS.TS Ngô Huy Cương khẳng định.
Một thông tin khác cho biết, ngay sau khi nhận bằng tiến sĩ, ông Việt “hiến tặng” ĐH Luật HN phòng tập Gym trị giá 129.275.000 đồng.
Vụ việc dù chưa được sáng tỏ nhưng một lần nữa cho thấy liêm chính học thuật nước nhà đang bị thao túng để cho ra lò những "hiền sĩ" kiểu "lò ấp" đã từng khiến dư luận dậy sóng mấy năm trước.
Không chỉ có ĐH Luật nâng tầm Vương Tấn Việt bằng tấm bằng tiến sĩ gây tranh cãi, góp sức cổ võ, nâng bi cho "quốc trung hiền sĩ", “quốc đại hồng ân” (những hư danh mà Vương Tấn Việt tự phong) còn có ông gs Hoàng Chí Bảo. Trong clip đang lan truyền trên mạng xã hội, ông Bảo không ngần ngại khi so sánh Vương Tấn Việt với Hồ Chí Minh. Một sự trơ trẽn hết chỗ nói.
27/6/2024
Nguyễn Duy Xuân (tổng hợp thông tin từ báo chí, mạng XH)