Khi Viện kiểm sát hội thảo về dấu hai chấm

Thứ hai - 09/10/2023 05:01
Viện KSND quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng ) vừa tổ chức tọa đàm "Nghiên cứu về sự không thống nhất trong quy định về việc viết hoa hay không viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất sau dấu hai chấm (:)".
 
Hình ảnh tại hội thảo. Ảnh PLO
Hình ảnh tại hội thảo. Ảnh PLO
Buổi tọa đàm đã có 9 lượt trình bày ý kiến tham luận và đồng thuận với việc viết hoa chữ cái sau dấu hai chấm (:).

Đánh giá về việc tổ chức và kết quả của buổi tọa đàm, dư luận cho rằng, Viện KSND quận Thanh Khê đã làm cái việc không trúng với chuyên môn của mình, đồng thời hiểu chưa đúng nội dung quy định chính tả trong các văn bản pháp quy hiện hành.

Theo lãnh đạo Viện KSND quận Thanh Khê, Nghị định 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Công tác văn thư, sau dấu hai chấm (:) không còn bắt buộc phải viết hoa chữ cái đầu âm tiết như quy định trước đây mà tùy nghi viết hoa theo quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Nghị định 30.

Cách hiểu như trên là chưa đúng với tinh thần của Nghị định 30/2020 của Chính phủ.

Phụ lục II của Nghị định 30 nêu 5 nội dung quy định viết hoa trong văn bản hành chính, trong đó có “Mục I. Viết hoa vì phép đặt câu: Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh: Sau dấu chấm câu (.); sau dấu chấm hỏi (?); sau dấu chấm than (!) và khi xuống dòng”.

Tuy việc viết hoa sau dấu hai chấm (:) không còn nhắc đến ở đây (vốn được quy định trong Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ) nhưng cũng không hề có chữ nào của mục này đem đến cách hiểu “tùy nghi viết hoa”.

Cho dù Phụ lục II không còn nhắc đến viết hoa sau dấu hai chấm (:) nhưng không có nghĩa như thế là tùy tiện trong cách viết hoa. Quy tắc viết hoa đã được ràng buộc ngay ở tên gọi của Mục I: Viết hoa vì phép đặt câu. Xin nhắc lại, “Viết hoa vì phép đặt câu”.

Lãnh đạo Viện KSND quận Thanh Khê còn viện dẫn Quy định số 4148-QĐ/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng với lý do văn bản này của Đảng “cũng quy định phải viết hoa chữ cái đầu âm tiết sau dấu hai chấm (:)”. Thực hư thế nào? Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ VIẾT HOA, PHIÊN ÂM, Điều 3. Quy định về viết hoa, khoản 1. Viết hoa vì phép đặt câu, ghi: “Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết trong các trường hợp sau: Đầu dòng văn bản; đầu câu sau dấu chấm (.) (…); sau dấu hai chấm (:) của các đề mục/vấn đề (có thể xuống dòng hoặc không xuống dòng)”. Rõ ràng Quy định 4148 đã khoanh vùng rất cụ thể: Viết hoa sau dấu hai chấm (:) của các đề mục/vấn đề chứ không phải sau bất cứ dấu hai chấm (:) nào.

Cũng xin nhắc thêm tác dụng của dấu hai chấm (:).

Dấu hai chấm thường được sử dụng để:

- Báo hiệu lời nói của một nhân vật. Khi sử dụng để báo hiệu lời nói của nhân vật, dấu hai chấm thường được phối hợp với dấu ngoặc kép hoặc dấu gạch ngang để đánh dấu rõ ràng lời nói của nhân vật và tránh gây nhầm lẫn cho người đọc.

- Đánh dấu lời dẫn trực tiếp trong bài văn hoặc trích dẫn từ một tài liệu khác. Khi sử dụng dấu hai chấm để đánh dấu lời dẫn trực tiếp, người viết cần phải kết hợp với dấu ngoặc kép để giúp người đọc nhận biết được phần lời dẫn.

Cả hai trường hợp trên, sau dấu hai chấm, chữ cái đầu của âm tiết đầu tiên được viết hoa để đảm bảo nguyên tắc “viết hoa vì phép đặt câu”.

- Liệt kê, giải thích cho phần trước của câu. Trường hợp này, đối tượng liệt kê có cấu trúc là đơn vị từ, cụm từ (đơn vị đồng đẳng) nên không viết hoa, ngoại trừ tên riêng. Ví dụ: “Hàng hóa bày bán trong siêu thị rất phong phú: bánh kẹo các loại, hoa quả, thực phẩm tươi sống,…”.

Về nguyên tắc, quy định chính tả do Chính phủ ban hành (thông qua nghị định) mang tính pháp quy, bắt buộc mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân phải tuân thủ nhằm đảm bảo tính chuẩn mực, thống nhất trong mọi hoạt động giao tiếp Nhà nước có sử dụng tiếng Việt (nói và viết). Do đó không thể có chuyện “để thống nhất trong trình bày văn bản trong ngành kiểm sát nhân dân và giúp hình thức trình bày văn bản đẹp hơn, thuận mắt hơn (tác giả bài viết nhấn mạnh) thì sau dấu hai chấm (:) người viết nên viết hoa chữ cái đầu âm tiết theo Quyết định 393 của Viện KSND Tối cao quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính trong ngành kiểm sát nhân dân” như quan điểm trình bày tại hội thảo của Viện KSND quận Thanh Khê.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Khương - Viện KSND quận Thanh Khê - cho biết sau khi nghị định 30 ra đời thì có một số trường hợp không viết hoa, tùy nghi khi soạn thảo văn bản, không thống nhất, dẫn đến những cơ quan nhà nước nhiều khi soạn thảo văn bản không nhất quán, thậm chí có trường hợp gây hiểu nhầm, ảnh hưởng đến việc thi hành án.(*)

Xin hỏi ông Viện trưởng, tại Viện KSND quận Thanh Khê đã có trường hợp nào văn bản do cơ quan soạn thảo trong đó có bản án gây hiểu nhầm, ảnh hưởng đến việc thi hành án vì viết hoa tùy tiện hay chưa? Chuyện này rõ ràng là không thể áp đặt theo cảm tính, nói lấy được mà phải có cơ sở khoa học và chứng cứ thuyết phục.

Tiếng Việt, chữ Việt là thống nhất trên toàn cõi Việt Nam và trong mọi lĩnh vực giao tiếp hằng ngày. Mỗi ngành, mỗi nghề có thể có lượng từ vựng là thuật ngữ, từ chuyên môn đặc trưng nhưng đó không phải là ngôn ngữ riêng của ngành. Quy định về chính tả trong đó có việc viết hoa cũng vậy.
 
Trong khi chưa có văn bản pháp quy nào bác bỏ Nghị định 30/2020 của Chính phủ thì việc soạn thảo văn bản hằng ngày của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, địa phương phải nghiêm túc tuân thủ theo Nghị định này để đảm bảo sự nghiêm minh của kỷ cương phép nước.

Muốn soạn thảo được những văn bản hành chính “sạch”: đúng quy cách, đúng văn phong, đúng chính tả, chặt chẽ trong diễn đạt, chính xác trong sử dụng từ ngữ thì vấn đề cốt lõi vẫn là con người. Con người ở đây là đội ngũ cán bộ công chức ngoài năng lực chuyên môn còn phải có trình độ hiểu biết sâu sắc về tiếng Việt.

Có lẽ vì thế mà cách đây 6 năm, tại Hội nghị triển khai công tác của ngành tòa án năm 2017, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao lúc đó cho biết, ngành tòa án sẽ mở lớp tập huấn mời các giáo viên dạy văn đến dạy về chính tả, ngữ pháp và từng dấu chấm, dấu phẩy… cho cán bộ nhân viên trong ngành.

6/10/2023
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
(*) https://tuoitre.vn/vien-kiem-sat-thanh-khe-noi-gi-ve-toa-dam-viet-hoa-hay-khong-viet-hoa-chu-cai-dau-sau-dau-hai-cham-20231005125257532.htm
Đăng VietNamNet: https://vietnamnet.vn/khi-vien-hoi-thao-ve-dau-hai-cham-2199587.html
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập225
  • Hôm nay32,337
  • Tháng hiện tại465,879
  • Tổng lượt truy cập60,349,686
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây