Năm Ất Tỵ nói chuyện rắn: Kỳ án Lệ Chi Viên và câu chuyện rắn báo oán
admin100
2025-01-03T22:15:53-05:00
2025-01-03T22:15:53-05:00
http://nguyenduyxuan.net/kho-tri-thuc/nam-at-ty-noi-chuyen-ran-ky-an-le-chi-vien-va-cau-chuyen-ran-bao-oan-12496.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2017_02/image-20190505150407-8.png
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ sáu - 03/01/2025 22:12
Kỳ án Lệ Chi Viên cho đến bây giờ vẫn còn những tranh cãi xung quanh cái chết của vua Lê Thánh Tông và nguyên nhân thực sự dẫn đến vụ thảm án có một không hai trong lịch sử. Có điều, nỗi oan giáng lên đầu Nguyễn Trãi là có thực, buộc ông phải chịu họa tru di tam tộc.
Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu là Ức Trai, quê ở Hải Dương. Ông là nhà quân sự, chính trị và nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc; một trong những khai quốc công thần của triều đại Hậu Lê. Năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, UNESCO đã vinh danh ông là Danh nhân văn hóa thế giới.
Án oan Lệ Chi Viên…
Sự nghiệp chính trị và văn hóa của Nguyễn Trãi lẫy lừng là vậy nhưng cuộc đời ông thật lắm thăng trầm. Một sự kiện hy hữu trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam đã cướp đi mạng sống của ông cùng rất nhiều người trong gia tộc. Đó là vụ án Lệ Chi Viên xảy ra vào đầu tháng 8 năm 1442, triều vua Lê Thái Tông.
Về vụ án này, sử gia Ngô Sỹ Liên trong "Đại Việt sử ký toàn thư" viết: “Tháng 8, ngày mồng 4, vua (Lê Thái Tông) về đến vườn Vải huyện Gia Định bỗng bị bạo bệnh rồi băng. Trước đây, vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền đông, xa giá về tới vườn Vải, xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng. Các quan bí mật đưa về, ngày mồng 6 đến kinh sư, nửa đêm đem và cung rồi mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua…”.
Đời sau, bàn về vụ án Lệ Chi Viên, nhà sử học Lê Quý Đôn (1726-1784) trong “Đại Việt thông sử” cho biết thêm thông tin quan trọng liên quan đến vụ án: “Khi vua Thái Tông đi tuần tra phía đông, mắc bệnh nguy kịch, Thiếu úy Trịnh Khả hầu hạ thuốc men không rời lúc nào”.[1]
Các Sử quan triều Nguyễn (Thế kỷ XIX) trong “Khâm định Việt Sử thông giám cương mục” cũng chép về vụ án: “Tháng 7 mùa thu, nhà vua tuần hành ở phía đông, duyệt võ ở Chí Linh. Nguyễn Trãi đón mời, nhà vua đến chơi chùa núi Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Tháng 8 nhà vua về đến huyện Gia Định thì mất…Đến đây đi tuần ở phía Đông, xa giá quay về đến Trại Vải làng Đại Lại, huyện Gia Định thì mắc chứng sốt rét, Thị Lộ vào hầu suốt đêm, nhà vua mất. Trăm quan giấu kín chuyện này, lặng lẽ rước ngư giá về kinh đô. Nửa đêm vào đến trong cung mới phát tang. Người ta đều nói Thị Lộ giết vua bèn bắt giết Thị Lộ… Giết thừa chỉ Nhập nội Đại Hành khiển trí sĩ Nguyễn Trãi, tru di cả họ. Trãi phải chịu liên lụy vì người vợ lẽ Thị Lộ. Người ta đều cho là oan.”
Kỳ án Lệ Chi Viên cho đến bây giờ vẫn còn những tranh cãi xung quanh cái chết của vua Lê Thánh Tông và nguyên nhân thực sự dẫn đến vụ thảm án có một không hai trong lịch sử. Có điều, nỗi oan giáng lên đầu Nguyễn Trãi là có thực, buộc ông phải chịu họa tru di tam tộc.
Hai mươi hai năm sau khi vụ án xảy ra, tháng 8 năm 1464, vua Lê Thánh Tông lên ngôi đã chiêu tuyết cho Nguyễn Trãi bằng việc ban chế phong tặng tước “Tế Văn Hầu” cho ông. Trong bài thơ "Quân minh thần lương" (dịch nghĩa: Vua sáng tôi hiền) nhà vua đã có câu thơ nổi tiếng ca tụng Nguyễn Trãi: "Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (Lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê).
Rõ ràng là Nguyễn Trãi được minh oan. Còn vợ ông, bà Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ, người có mặt trong đêm vua mất, cho đến nay vẫn chưa có phán quyết nào khôi phục sự trong trắng và minh oan cho một người phụ nữ xứng đáng là anh thư trong lịch sử đất nước.
… và câu chuyện “Rắn báo oán”
Vụ án gây rúng động dư luận đương thời. Có lẽ vì thế mà người ta dựng lên câu chuyện rắn báo oán. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi, đây là câu chuyện do tầng lớp Nho sĩ bịa đặt ra nhằm huyền thoại hóa tấn thảm kịch của Nguyễn Trãi, xóa mờ sự thật về tấn thảm kịch ấy để có một cách giải thích hợp với lý trí trước cái chết oan khốc của một vị khai quốc công thần như ông và cả dòng họ ông. Nguyễn Đổng Chi cho rằng, sự tích "Rắn báo oán" này được thêu dệt dựa trên hai câu chuyện có nội dung tương tự ở Trung Quốc: truyện Phương Chính Học đời Nguyên và truyện Ngô Trân đời Tống.
Về sự tích “Rắn báo oán”, truyện kể rằng: thời Nguyễn Trãi còn dạy học ở quê là làng Nhị Khê, một đêm nằm mê thấy một phụ nữ mặc quần áo trắng dẫn theo một đàn con đến xin tha chết, hoãn việc dọn vườn để mẹ con họ đi khỏi. Ông thiếp đi, dậy muộn, thì người nhà vào báo khi dọn vườn thấy một ổ rắn, con rắn mẹ màu trắng bị nhát cuốc bổ vào đứt khúc đuôi chạy mất, còn lũ rắn con bị giết. Tối hôm ấy, Nguyễn Trãi ngồi bên án thư đọc sách, nghe thấy tiếng động trên mái nhà, ngó lên xem thấy con rắn trắng thò cổ nhìn ông. Ông đứng lên đuổi. Con rắn bò đi, cái đuôi cụt nhỏ xuống một giọt máu vào đúng chữ “đại” thấm qua ba trang sách. Đó là điểm báo trước ông sẽ bị tru di ba đời.
Câu chuyện hoang đường này có nhiều dị bản. Có dị bản ghi ông đồ dạy học họ Nguyễn là ông nội của Nguyễn Trãi. Bản này có đoạn: “Lúc này ông đồ đã mất, con ông cũng lưu lạc chết ở quê người, chỉ còn cháu bé lúc này là Nguyễn Trãi bấy giờ đang làm quan đại thần ở kinh đô, chức cả quyền cao, vua quan đều trọng vọng”.[2]
Ở một dị bản khác, nhân vật ông đồ lại là Nguyễn Phi Khanh, cha của Nguyễn Trãi: “Một hôm ông Nguyễn Phi Khanh cho học trò phát cỏ trong vườn để cất lớp học. Đến đêm, ông nằm mộng thấy một người đàn bà dẫn bầy con nhỏ đến xin ông thư thả ít hôm, vì bận con mọn nên chưa kịp dời nhà, ông nhận lời.
Đến khi học trò của ông phát cỏ đập chết một bầy rắn con, lúc ấy ông mới hiểu ra ý nghĩa của giấc mộng, nhưng muộn rồi. Đêm đó khi ông ngồi đọc sách thì có con rắn bò trên xà nhà, nhỏ xuống 1 giọt máu thấm ngay chữ “tộc” qua 3 lớp giấy, ứng với việc gia tộc của ông bị hại đến 3 họ”.[3]
Rõ ràng, sự tích “Rắn báo oán” mang màu sắc hoang đường, được người đời dựa vào truyền thuyết có sẵn trong dân gian kết hợp với sự kiện lịch sử, thêu dệt thành câu chuyện đậm chất mê tín dị đoan. Đó có thể là cách lý giải của dân gian về một vụ án oan thảm khốc vượt quá sức chịu đựng của tâm lý con người. Hoặc như trên đã nói, đó cũng có thể là do tầng lớp Nho sĩ bịa đặt ra nhằm huyền thoại hóa tấn thảm kịch của Nguyễn Trãi, xóa mờ sự thật về tấn thảm kịch ấy.
Gần 600 năm trôi qua, khi nhìn nhận về vụ án Lệ Chi Viên, mỗi người đều có những cách tiếp cận và quan điểm khác nhau, nhưng tựu trung lại, vụ án này là nỗi oan khuất - “án ngờ lòa mây” - của Nguyễn Trãi. Cả dân tộc này, trước sau vẫn giữ tấm lòng kính trọng và tiếc thương ông - vị khai quốc công thần - người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Việt Nam và thế giới.
Tháng 12/2024
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
[1] Vụ án Lệ Chi Viên và sự ly tán của gia đình, họ tộc Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Cường, Tạp chí Văn hóa Thể thao & Du lịch, số 4 (221) tháng 7- 2017.
[2] Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, sachhayonline.com.
[3] Gần sáu trăm năm day dứt Lệ Chi Viên, Diệp Chi, baophapluat.vn, ngày 15/9/2019.