Thử đoán lý do? Có thể tạm cho rằng, từ trước đến nay, hầu như chưa có nghiên cứu nào xác định chính xác được ngày thành lập Hội Văn hóa cứu quốc.
Thật ra thì tài liệu về Hội Văn hóa cứu quốc không hẳn là quá hiếm. Có điều, trước mắt người nghiên cứu thì hầu như chỉ thấy những hồi ký, hồi ức của một số thành viên, chứ chưa có tài liệu chuẩn xác về việc thành lập Hội.
Có những bài soạn tìm thấy trên mạng internet, trong đó viết rằng Hội Văn hóa cứu quốc thành lập tháng 4/1943 (?). Không rõ những người soạn căn cứ vào đâu?
Triển lãm Văn hóa, tháng 9 năm 1945, tại Nhà Khai Trí Tiến Đức
Người ta biết, bản Đề cương về văn hóa được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn và được thông qua tại Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng họp tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên), tháng 2/1943. Một trong những công việc đầu tiên mà Đảng đề ra phải thực hiện chính là “tổ chức nhà văn” (1), tức là tổ chức các văn nghệ sĩ vào một đoàn thể do Đảng lãnh đạo. Trong điều kiện hoạt động bí mật và bị đàn áp gắt gao, nếu chỉ 2 tháng sau đã thành lập được Hội, thì người viết sử hậu thế đã lạc quan đến mức dễ dãi!
Cố nhiên điều căn bản nhất vẫn là căn cứ tài liệu nào? Nếu căn cứ vào hồi ức, hồi cố của những người trong cuộc, nhưng được kể lại và ghi lại vào thời gian đã cách xa sự kiện đến trên nửa thế kỷ, lúc các thành viên ấy đã về già, trí nhớ đã suy giảm, thì rất khó chuẩn xác! Ngay khi chưa có tài liệu khả tín, chỉ cần đối chiếu các hồi ức của họ với nhau, sẽ thấy những chênh lệch đáng kể về dữ liệu đưa ra.
80 năm thành lập Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam (6/1943 - 6/2023) - 1
Các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, tháng 11 năm 1946. Ảnh tư liệu.
Trong vòng dăm bảy năm gần đây, từ nguồn sách Đông Dương do Thư viện quốc gia Pháp đưa lên mạng, có thể tìm được mấy tài liệu sau đây, liên quan đến hoạt động của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam:
1. “Điều lệ Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam” (trong Mặt trận Việt Minh), bản in typo, nhà in Lê Văn Tân, Hà Nội, xong ngày 1/10/1945, gồm 8 trang ruột, 4 trang bìa, khổ nhỏ.
2. “Chỉ thị về việc lập Chi nhánh Văn hóa cứu quốc hàng tỉnh”, do Ban Chấp hành Trung ương Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam biên soạn, bản in typo, nhà in Lê Văn Tân, Hà Nội, in xong ngày 24/11/1945, gồm 8 trang ruột và 4 trang bìa, khổ nhỏ.
Ngoài ra, theo dõi kỹ hơn các tin tức trên báo chí ở Hà Nội ngay sau ngày Tuyên ngôn độc lập, 2/9/1945, ta sẽ có được ít nhiều thông tin về hoạt động của Văn hóa cứu quốc.
Bản “Điều lệ Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam” gồm 11 khoản:
- Quy định tên Hội (khoản I - Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam).
- Mục đích của Hội (khoản II - “Liên lạc hết thảy những nhà văn hóa Việt Nam tha thiết với văn hóa để đả phá những xu hướng văn hóa phản tiến bộ, để kiến thiết cho nước Việt Nam một nền văn hóa mới có đủ ba tính chất khoa học, đại chúng và dân tộc cần thiết cho cuộc phục hưng cấp bách của nước nhà và hợp với trào lưu thế giới. Trong khi nước Việt Nam chưa độc lập, nghĩa là chưa có điều kiện căn bản để kiến thiết văn hóa mới, Hội liên hiệp với những đảng cách mạng chân chính để cùng mưu giải phóng dân tộc, đồng thời với những công tác về văn hóa”).
- Điều kiện vào Hội (khoản III - là người Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, yêu văn hóa, dù đã hay chưa có công trình văn hóa, công nhận mục đích của hội, có 2 hội viên giới thiệu và bảo lĩnh, phải qua 3 tháng dự bị).
- Nhiệm vụ Hội viên (khoản IV - gồm 8 điểm: trung thành, hoạt động trong một tổ chức của hội, giữ bí mật, đóng nguyệt liễm).
- Quyền lợi Hội viên (khoản V - gồm 3 điểm: đề nghị, thảo luận, biểu quyết, bầu cử ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo hội).
- Nguyên tắc tổ chức (khoản VI - dân chủ tập trung).
- Hệ thống tổ chức (khoản VII - gồm 4 điểm: 5 Hội viên họp thành một chi, các chi trong 1 tỉnh họp thành bộ tỉnh, các bộ tỉnh, thành họp thành Hội).
- Các Ủy ban chấp hành các cấp (khoản VIII - quy định cơ cấu, thời hạn, quy chế liên lạc giữa các cấp).
- Kỷ luật (khoản IX - quy định các mức, từ phê bình, cảnh cáo, đến khai trừ, quy định các cấp có quyền xét xử).
- Tài chính (khoản X - quỹ hội trông vào nguyệt liễm của hội viên và kinh doanh của hội, các món được tặng hảo).
- Sửa đổi điều lệ (khoản XI - chỉ Đại hội đại biểu toàn quốc mới có quyền sửa đổi các điều trong điều lệ).
Phần cuối điều lệ ghi rõ: Điều lệ này được “hội nghị thông qua ngày 20 tháng 6 năm 1943”, ký tên các “hội viên sáng lập” gồm: Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Đình Thi, Vũ Quốc Uy, Như Phong (2).
Như vậy, Hội nghị thông qua điều lệ Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam ngày 20/6/1943 chính là Hội nghị thành lập Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam.
Việc có các “hội viên sáng lập” ký tên dưới bản điều lệ được Hội nghị thông qua cũng gián tiếp cho biết, tại Hội nghị này đã không tiến hành bầu cử Ban Chấp hành và các chức danh lãnh đạo Hội. Điều này có thể được giải thích bởi tình trạng hoạt động trong bí mật, các hội viên, các cá nhân và nhóm hội viên chỉ biết nhau ở mức rất hạn chế, việc họp hành thảo luận phần lớn được tiến hành trong phạm vi các nhóm, do một số cán bộ của Trung ương Đảng (như Lê Quang Đạo, Trần Độ, Trần Quốc Hương), của xứ ủy Bắc Kỳ (như Vũ Quốc Uy, Khuất Duy Tiến) trực tiếp phụ trách.
“Chỉ thị về việc lập Chi nhánh Văn hóa cứu quốc hàng tỉnh” là tài liệu do Trung ương Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam soạn, nhằm triển khai công tác phát triển Hội ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Nội dung chỉ thị là sự khai triển các khoản VII, VIII trong điều lệ Hội.
Tất nhiên sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Hội Văn hóa cứu quốc đã chuyển từ bí mật sang hoạt động công khai. Nếu cuộc họp ngày 11/6/1945 bàn việc ra báo (tờ “Tiền tuyến” sau đổi là “Tiên phong”) có thể xem là cuộc họp cuối cùng trong bí mật (biên bản ghi tên người dự họp đều là bí danh: Sinh/Khuất Duy Tiến, Trang/Trần Quốc Hương/, Vo/Vũ Quốc Uy, Châu/Nguyễn Đình Thi, Huy/Nguyễn Huy Tưởng, Bắc/?, Trân/?, Hùng/?, Nam/?), thì cuộc họp ngày 5/9/1945 là cuộc họp hoàn toàn công khai. Báo “Cứu quốc” đưa tin về cuộc họp khoáng đại (mở rộng) này.
“Vào khoảng năm 1943, một nhóm văn sĩ, nghệ sĩ (…) mạnh dạn đứng hẳn vào trong hàng ngũ chống phát-xít, giải phóng dân tộc. Tổ chức của nhóm người trí thức ấy lấy tên là Văn hóa cứu quốc hội. Mục đích là tranh đấu trên mặt trận văn hóa, một mặt chống với những sự tuyên truyền văn hóa “nhồi sọ” của bọn phát-xít, một mặt sửa soạn xây dựng một nền văn hóa Việt Nam mới. Vì hoàn cảnh lúc đó, Văn hóa cứu quốc hội chỉ có thể hoạt động khó khăn, nguy hiểm trong vòng bí mật, hoặc len lỏi lợi dụng những khả năng hợp pháp hết sức chật hẹp.
Hoàn cảnh bây giờ đã đổi. Văn hóa cứu quốc hội đã triệu tập một kỳ khoảng đại hội nghị, hôm 5/9/45 vừa rồi, để định một chương trình hành động mới, trong những điều kiện tự do thuận tiện mới. Chủ tịch buổi họp là anh Nguyễn Đình Thi.
(…) Thảo luận về tình hình và nhiệm vụ của văn hóa trong thời kỳ này xong rồi, Hội nghị ấn định một chương trình hành động, ứng đáp với tình thế hiện thời.” (3)
Hội nghị này nêu chương trình hành động gồm 4 điểm chính: 1. Triệu tập Hội nghị Văn hóa toàn quốc để động viên các lực lượng văn hóa phụng sự nền độc lập nước nhà; 2. Giúp sức cho Bộ Tuyên truyền của Chính phủ lâm thời; 3. Sưu tầm tài liệu làm “Sách đen” tố cáo tội ác thực dân Pháp; 4. Cho ra tạp chí “Tiên phong”, cơ quan của Văn hóa cứu quốc, trước đây vẫn viết và in trong bí mật.
Đây là đoạn cuối bài báo: “Đoạn rồi Hội nghị bầu lại Ban Chấp hành của Văn hóa cứu quốc hội. Ban Chấp hành bây giờ có năm anh là: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Hữu Đang, Đặng Thai Mai, Trang, Nguyễn Huy Tưởng” (4) (các văn nghệ sĩ đều ghi họ tên thật, riêng cán bộ Trung ương Đảng vẫn ghi bí danh Trang, tức Trần Quốc Hương).
Kể từ thời điểm này, Văn hóa cứu quốc phát triển nhanh chóng về lực lượng, thêm nhiều hội viên từ các địa phương, các ngành văn hóa văn nghệ; nhiều tỉnh thành lập Chi hội Văn hóa cứu quốc. Hội có nhiều hoạt động về báo chí, xuất bản trong hai năm 1945 - 1946.
Trong kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một số thành viên Văn hóa cứu quốc đã trúng cử Đại biểu Quốc hội (khóa I: 1946 - 1960): Trần Huy Liệu, Nguyễn Huy Tưởng, Cù Huy Cận, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Phú Tứ, Ngô Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Phan Thao, Huỳnh Văn Gấm, Lê Tư Lành...
Trung ương Đảng đã chỉ định Trần Huy Liệu làm chủ tịch Hội để chuẩn bị và tiến hành Đại hội Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam lần thứ hai (11 - 13/10/1946). Đại hội này đã bầu ra một Ban Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam nhiệm kỳ 1946 - 1947 gồm 14 người, với cơ cấu cụ thể: Chủ tịch: Đặng Thai Mai, Tổng thư ký: Hoài Thanh, các Phó tổng thư ký: Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng; các Ủy viên: Văn Cao, Ngô Quang Châu, Nguyễn Đỗ Cung, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Tỵ, Chế Lan Viên; các Ủy viên dự khuyết: Trương Chính, Minh Đạo, Lưu Quý Kỳ) (5).
Chính Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam đã đảm nhiệm việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội (24/11/1946), và Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai tại Việt Bắc (16 - 20/7/1948), thành lập Hội Văn hóa Việt Nam.
Với việc Đảng cử cán bộ xúc tiến thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (Đại hội thứ nhất, các ngày 23 - 25/7/1948) để tập hợp văn nghệ sĩ, và sau đó, với việc thành lập Ban Văn Sử Địa (cuối năm 1953) để tiến tới tập hợp trí thức khoa học, Hội Văn hóa cứu quốc đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử.
Thiết nghĩ, nay đã có đủ căn cứ tư liệu để xác nhận ngày 20/6/1943 là ngày thành lập Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam.
Chú thích
(1) Đảng Cộng sản Đông Dương (1943): Đề cương về văn hóa Việt Nam, phần “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác-xít Đông Dương, nhất là những nhà văn hóa mác-xít Việt Nam”, Tiên phong, Hà Nội, số 1 (10/11/1945), trang 21.
(2) Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam (trong Mặt trận Việt Minh): Điều lệ, bản in, nhà in Lê Văn Tân, Hà Nội, xong ngày 1/10/1945.
(3), (4) “Cuộc khoáng đại hội nghị của Văn hóa cứu quốc hội”, Cứu quốc, Hà Nội, số 39 (10/9/1945), trang 2.
(5) Danh sách Ban Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam 1946 - 1947, Tiên phong, số 22 (1/11/1946).
Lại Nguyên Ân
Theo Artimes.vn
Đăng trên báo Văn nghệ, 1/5/2023 với tít bài: Một số dữ liệu khả tín về Hội văn hóa cứu quốc qua tư liệu mới tìm thấy (http://baovannghe.com.vn/mot-so-du-lieu-kha-tin-ve-hoi-van-hoa-cuu-quoc-qua-tu-lieu-moi-tim-thay-27500.html)