Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội – được báo chí phản ánh mấy hôm nay - khiến dư luận sửng sốt.
Theo đó, qua tổng kiểm tra gần 70.000 công trình ở Hà Nội, cơ quan chức năng ghi nhận 7.300 nhà không phép, 2.300 nhà sai phép, trong đó có 385 chung cư mini; hơn 30.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà thuê trọ và trên 36.000 nhà ở kết hợp kinh doanh sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao.
Huyện Đông Anh đứng đầu thành phố với 5.795 công trình không phép; nếu tính theo mật độ diện tích thì cứ 1km2 có khoảng 31 công trình sai phép. Tỷ lệ đó, toàn thành phố là 3 công trình sai phạm/1km2. Quả là những con số ngoài sức tưởng tượng của mọi người.
Các quận, huyện khác cũng có số lượng công trình vi phạm rất nhiều như Hai Bà Trưng 855, Nam Từ Liêm 559, Cầu Giấy 433, Thanh Xuân 353, Ba Đình 268, Tây Hồ 260, Hoàn Kiếm 216, , Bắc Từ Liêm 203,...
Đấy là chưa kể còn 33.500 công trình chậm báo cáo kết quả rà soát hoặc chưa rà soát xong ở một số quận, huyện.[1]
Hà Nội đã từng có những công trình xây dựng sai phép “nổi tiếng” cả nước
Đó là tòa nhà 8B Lê Trực được báo chí phản ánh từ cuối năm 2015. Ngay lúc phát hiện ra sai phạm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng của dự án. Tuy nhiên phải mất hơn 5 năm đình chỉ xây dựng, cưỡng chế, phong tỏa, việc xử lý tòa nhà 8B Lê Trực mới hoàn thành.
Gần đây, tòa nhà trên phố Đội Cấn (phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) của một đại gia nổi tiếng, có nhiều vi phạm trật tự xây dựng, gây xôn xao dư luận. Một lãnh đạo Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị của quận Ba Đình cho biết, các thông tin mà báo chí đã đăng tải, phản ánh về các vi phạm trật tự xây dựng tại công trình này đều đúng. Điều rất lạ là "Công trình này có thông báo khởi công, có biên bản kiểm tra nhưng lực lượng chức năng không lập biên bản vi phạm hành chính vì nếu lập biên bản vi phạm thì phải phạt tiền và phải dỡ phần vi phạm”.[2]
Còn ông Hoàng Minh Dũng Tiến - bí thư Quận ủy Ba Đình – dù khẳng định rất hùng hồn trước báo chí: "Quan điểm của quận là xử lý không có vùng cấm, bất cứ ai, công dân nào vi phạm đều phải ứng xử và xử lý như nhau. Tinh thần là xử lý nghiêm theo đúng quy định, vi phạm đến đâu thì xử lý nghiêm túc đến đó" nhưng khi được phóng viên hỏi về hướng xử lý sẽ được tiến hành như thế nào, ông Tiến lại bảo đây là "vấn đề khó", "không phải nói phạt cho tồn tại", mà phải xem xét tổng thể.[3]
Ai chống lưng cho những công trình sai phạm ở Hà Nội?
Thời điểm xảy ra vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, trả lời báo chí bên lề Hội nghị lấy ý kiến của các cán bộ nguyên lãnh đạo TP Hà Nội về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đề nghị phải xem xét trách nhiệm của cán bộ địa phương để xảy ra sai phạm trong xây dựng chung cư mini.[4]
Theo nguyên Bí thư Thành ủy, có thực tế công trình vi phạm bị lập biên bản xử phạt xong lại cho tồn tại. Ông cho rằng, không chỉ riêng chung cư mini bị cháy ở phố Khương Hạ, mà còn nhiều công trình vi phạm khác và "đằng sau là những thế lực chống lưng".
Thế lực chống lưng cho những công trình sai phép mà ông Nghị nói là ai? Câu trả lời chẳng phải đâu xa lạ mà chính là những cán bộ địa phương như nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đã khẳng định.
Cũng liên quan đến vụ cháy thảm khốc chung cư mini Khương Hạ, ông Đặng Hồng Thái, nguyên Phó chủ tịch quận Thanh Xuân cho biết đã từng ra quyết định xử phạt, cưỡng chế công trình vi phạm, giao phường Khương Đình thực hiện. Tuy nhiên, vị phó chủ tịch này lại nói: "Còn tiếp theo thế nào thì tôi không biết". Hóa ra, trên chỉ biết ra quyết định xử phạt, còn việc xử lý và kết quả xử lý ra sao, lãnh đạo không cần quan tâm.[5]
Lối mòn “phạt cho tồn tại” hay làm lơ bởi “quà cảm ơn” là những nguyên nhân cơ bản, dung dưỡng các công trình xây dựng trái phép. Cái gọi là “xử lý nghiêm theo đúng quy định, vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó” chỉ như một đoạn băng ghi âm sẵn để khi bất cứ vụ việc sai phạm nào xảy ra, người chịu trách nhiệm cũng có thể “mở băng” nói làu làu mà không hề nhịu miệng.
Đã từ lâu, dư luận chứng kiến và biết rất rõ, người dân chỉ cần đổ đống cát hay một ít vật liệu xây dựng khác trên hè phố, trước cửa nhà là ngay lập tức, cán bộ chức trách ở phường xã đến “hỏi thăm” ngay. Nhưng “hỏi thăm” không phải để xử lý nếu công trình chưa cấp phép hoặc sai phép theo luật định. Và cứ thế, cứ thế… để đến hôm nay, dư luận mới ngã ngửa ra rằng, ngay giữa thủ đô, cũng có đến mười ngàn công trình xây dựng trái phép thì quả là năng lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp “không phải dạng vừa đâu”!