Cách đây mấy năm khi biết mình bệnh, ông đã mơ ước khi mất đi “Lá rụng về cội" - được an nghỉ ở nghĩa địa quê nhà, không giành đất của Dân sau khi đã nằm xuống.
Trái tim của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ngừng đập vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024.
“Gần 60 năm công tác, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và gia quyến đồng chí.”. (Thông cáo đặc biệt phát chiều 20/7).
Theo Thông cáo đặc biệt, linh cữu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội. Lễ viếng được tổ chức từ 7h đến 22h ngày 25/7 và 7h đến 13h ngày 26/7; lễ truy điệu 13h ngày 26/7. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội).
Nghĩa trang Mai Dịch được xây dựng từ năm 1956 với tổng diện tích là 5,9 hecta. Diện tích này chỉ nhỉnh hơn khu lăng mộ của một vị lãnh đạo cấp cao chút ít.
Mỗi phần mộ ở Mai Dịch chỉ chiếm khoảng 6m2, thật bé nhỏ so với mộ phần của một số vị lãnh đạo khác có diện tích từ một vài ngàn m2 đến 55 ngàn m2.
Nghĩa trang Mai Dịch là nơi an nghỉ của 1.228 liệt sĩ và 394 nhân vật nổi tiếng là cán bộ chính trị cấp cao là Ủy viên Trung ương Đảng trở lên bao gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương; nhà hoạt động xã hội, văn hoá, khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tiêu biểu; các tướng lĩnh công an, quân đội; anh hùng lực lượng vũ trang.
Tại đây, ở vị trí trung tâm có mộ phần các bậc tiền bối của cách mạng: Lê Duẩn, Phạm Hùng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Chí Thanh,…
Mộ ông Lê Duẩn tại nghĩa trang Mai Dịch
Với TBT Nguyễn Phú Trọng, cách đây mấy năm khi biết mình bệnh, ông đã mơ ước khi mất đi “Lá rụng về cội" - được an nghỉ ở nghĩa địa quê nhà, không giành đất của Dân sau khi đã nằm xuống.
Phu nhân TBT Nguyễn Phú Trọng, bà Ngô Thị Mận cho biết: “Khi khỏe ông nhà tôi nói làm quan chức nhà nào to dành ở khi chết còn dành đất của dân để xây lăng mộ, đời sau con cháu nó nguyền rủa…”. Bà nói thêm: “Sống đừng để phải xót xa ân hận về với cát bụi lại càng phải giản dị và khiêm tốn”. TBT Nguyễn Phú Trọng quả là một nhân cách lớn, suốt đời phấn đấu không mệt mỏi vì nước, vì dân.
Thật. Chả bù cho những ai chức đã to vật vưỡng vẫn cố thu vén lợi ích nhóm, lợi ích gia đình, dòng tộc mặc cho dân chúng vẫn ngày đêm vất vả lặn ngụp trong cuộc mưu sinh; và cho cả những ai cả khi chết rồi vẫn chiếm đất của dân, nhỏ thì vài ngàn mét vuông, to thì cả héc: “Lo mồ to mả đẹp/ Lo lễ lạt linh đình/ Lo bảo tàng lưu niệm/ Lo bia đá tượng đồng/ Còn thứ bia vĩnh viễn/ Chẳng mấy kẻ quan tâm/ Ấy là tấm bia... miệng/ Trong lòng của muôn dân”.