100 năm ngày sinh tư lệnh huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên (1.3.1923 - 1.3.2023): Chiến thắng mưa bom bão đạn

Thứ tư - 01/03/2023 07:31
Dấu son chói lọi nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng hơn 70 năm của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1923 - 2019) là những năm tháng được trao trọng trách Tư lệnh Đoàn 559 - Binh đoàn Trường Sơn và trở thành vị tư lệnh huyền thoại…
 
100 năm ngày sinh tư lệnh huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên (1.3.1923 - 1.3.2023): Chiến thắng mưa bom bão đạn


TẦM VÓC MỘT VỊ TƯỚNG

Lịch sử ghi nhận trong gần 10 năm làm Tư lệnh Đoàn 559 - Binh đoàn Trường Sơn, ông đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc.

Đường Trường Sơn là hệ thống đường giao thông với 5 trục dọc và 21 trục ngang, tổng chiều dài hơn 17.000 km, cho xe cơ giới vận chuyển gần 2 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực vào Nam. Cũng trên con đường huyền thoại này, chỉ từ năm 1973 - 1975, bằng xe cơ giới, 40 vạn quân được chuyên chở và tổ chức hành quân cho 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường, chuyển hàng vạn thương binh về hậu phương, đưa hàng ngàn thiếu nhi vượt Trường Sơn ra Bắc học tập. Những người lính Trường Sơn còn lắp đặt đường ống xăng dầu dài 1.400 km…

Ghi nhận những cống hiến xuất sắc của vị tư lệnh cung đường huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên, năm 1974, ông được Đảng và Nhà nước phong quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.

Những ngày này, tích cực chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, tự hào rằng Quảng Bình là nơi sản sinh ra nhiều danh tướng, nhưng vị trí của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong tâm thức người dân Quảng Bình chỉ đứng sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp, "người anh cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam.

"Cuộc đời của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên dù ở vị trí nào cũng để lại những dấu ấn đặc biệt. Trong đó, tên tuổi ông đã gắn với Bộ đội Trường Sơn, với đường Hồ Chí Minh… Thông qua dịp kỷ niệm này, tỉnh Quảng Bình một lần nữa nhắc nhớ mọi người về một vị tướng tài ba, nhất là đối với thế hệ trẻ", ông Phong chia sẻ.

KHÔNG BỊ KHUẤT PHỤC

Đã là bộ đội Trường Sơn, dù là lính thời chiến đổ máu để giành độc lập tự do hay lính thời bình đổ mồ hôi để xây dựng đất nước, họ luôn dành vị trí đặc biệt trong tim mình cho trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu, Phó chủ tịch Hội truyền thống bộ đội Trường Sơn, nhấn mạnh rằng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vào Đoàn 559 đã tạo nên bước ngoặt về tư tưởng và hành động. Theo thiếu tướng Hậu, thời điểm cuối năm 1967, do địch đánh phá quá ác liệt đường Trường Sơn nên đã nảy ra một cuộc tranh luận. Một số ý kiến cho rằng quân ta phải lùi vào rừng, sử dụng các phương thức vận tải thô sơ để tiếp vận vào Nam. Ý kiến khác muốn tiếp tục vận tải hàng hóa bằng ô tô.

"Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chọn phương án 2 sau khi đi thị sát thực tế, đặc biệt là các trọng điểm đánh phá. Trung tướng cho rằng quân ta không thể ở mãi trong rừng mà cần đưa tất cả các lực lượng pháo cao xạ, công binh, quân y, vận tải… ra bám lấy tuyến đường Trường Sơn. Dồn toàn bộ con người, phương tiện cho đường luôn thông, "tác chiến hợp đồng binh chủng". Thay vì chỉ phòng thủ thì phải lấy tiến công làm chủ đạo", thiếu tướng Hậu kể.

Theo thiếu tướng Hậu, những chủ trương đúng đắn của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lập tức đạt hiệu quả trong thực tiễn, tạo nên bước ngoặt trên chiến trường và điều đó đã thổi những luồng sinh khí, tinh thần chiến đấu mới, mạnh mẽ trong hết thảy bộ đội Trường Sơn.

"Chúng tôi đã được Tư lệnh dạy và truyền cho tinh thần chiến đấu, vươn lên, không bị khuất phục trước một khó khăn nào. Quan điểm của Tư lệnh là lính Trường Sơn không có quyền nói "không thể làm được", mà chỉ có quyền nói "làm thế nào để làm được", thiếu tướng Hậu nhớ lại.

TẠC VÀO NÚI ĐÁ TRƯỜNG SƠN

Tên tuổi trung tướng Đồng Sỹ Nguyên như khắc tạc vào đá núi Trường Sơn. Trong chiến tranh, ông là tư lệnh của những người lính mở đường Trường Sơn, tiếp tế cho miền Nam.

Chiến tranh chưa kết thúc, ông đã nghĩ ngay đến việc xây dựng nghĩa trang để đưa đồng đội về nằm bên nhau. Hòa bình, ông làm đặc phái viên của Chính phủ để mở đường Hồ Chí Minh. Huyền thoại tiếp nối huyền thoại.

Đi qua hàng trăm trận chiến, chứng kiến bao mất mát, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên hiểu hơn ai hết về nỗi khát khao cháy bỏng của người mẹ, người cha, của các gia đình đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc. Ấy là chăm lo mộ phần cho người đã khuất.

Từ tháng 3.1973, mệnh lệnh của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được triển khai trên toàn lực lượng Trường Sơn. Các đơn vị từ cấp trung đoàn, binh trạm, sư đoàn trên khắp chiến trường Trường Sơn trải dài 7 tỉnh Nam Lào đều tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ mang về đất mẹ. Nhiệm vụ chi viện chiến trường thời kỳ này là vô cùng to lớn và khẩn trương. Cắt lực lượng và phương tiện để làm nhiệm vụ đặc biệt nói trên là một khó khăn rất lớn, nhưng việc nghĩa thì không thể không làm. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ thị: "Vì nghĩa cả, vì truyền thống, đạo lý dân tộc, bằng mọi giá Bộ đội Trường Sơn vẫn phải làm cho bằng được".

TRỌN MỘT CON ĐƯỜNG

Trong hồi ký Trọn một con đường, khi nhắc về quê hương thôn Trung, xã Quảng Trung, H.Quảng Trạch (nay là TX.Ba Đồn, Quảng Bình), trung tướng Đồng Sỹ Nguyên viết: "Quê hương là đỉnh núi, dòng sông... với tôi điều đó thật thiêng liêng, nguồn sức mạnh lớn lao giúp tôi vượt qua bao khó khăn, thử thách cam go suốt cuộc đời hoạt động cách mạng".

Về người mẹ tảo tần của mình, bà Đặng Thị Cấp, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên dành những dòng rất đỗi trìu mến: "Tôi luôn thấy ở người mẹ kính yêu của mình kết tinh gần như hết thảy các đức tính, phẩm chất tuyệt vời của người phụ nữ VN. Đoan trang, hồn hậu, tinh tế, thánh thiện… Suốt đời làm lụng, hy sinh vì công danh thành đạt của chồng, sự trưởng thành khôn lớn của các con. Mẹ luôn là niềm tin, là điểm tựa như bàn thạch của mỗi chúng tôi".

Vị tư lệnh huyền thoại này cũng trải qua nhiều mất mát trong chiến tranh. Người con thứ tư của ông, Nguyễn Tiến Quân, đã giấu gia đình thi tuyển vào quân đội, đứng trong hàng ngũ Quân đoàn 1 tiến về Sài Gòn năm 1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 1978, sĩ quan pháo binh Nguyễn Tiến Quân xin quay về đơn vị chiến đấu ở biên giới phía bắc.

Biết chuyện, tướng Đồng Sỹ Nguyên không cấm cản dù với một câu nói của mình, ông có thể đưa con lui về phía sau. Tết năm 1979, tướng Đồng Sỹ Nguyên có lên biên giới phía bắc thăm con và đó là lần cuối cùng ông gặp con trai. Bởi chỉ 10 ngày sau đó, sĩ quan pháo binh Nguyễn Tiến Quân hy sinh khi chiến tranh biên giới phía bắc nổ ra.

Từ giữa năm 1974, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn tranh thủ mọi nơi, mọi lúc tìm chọn vị trí xây dựng nghĩa trang. Các địa điểm ban đầu gồm Đường 20 - Quyết Thắng (Quảng Bình), khu vực Đầu Mầu, Đường 9 thuộc H.Cam Lộ và Bến Tắt, H.Gio Linh (Quảng Trị). Sau khi trực tiếp xuyên rừng, lội bộ cùng trinh sát công binh tìm địa điểm, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên quyết định chốt đồi Bến Tắt.

Trong cuốn hồi ký Trọn một con đường, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng chia sẻ: "Bến Tắt ngoài ý nghĩa là điểm lưu giữ dấu ấn về buổi phôi thai đường Trường Sơn, gần trục giao thông Bắc - Nam xuyên Việt, chúng tôi còn muốn những đồng đội, đồng chí yêu quý của mình được yên nghỉ bên dòng Bến Hải, ranh giới chia cắt hai miền Bắc - Nam".

Ngày 24.2.1975, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn được Bộ Tư lệnh Trường Sơn khởi công xây dựng và hoàn thành ngày 10.4.1977, làm nơi an nghỉ của hơn 1 vạn anh hùng liệt sĩ đường Trường Sơn huyền thoại. Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa trang trọng, có ý nghĩa lớn thể hiện lòng thương nhớ những người đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp thống nhất non sông.

Ông Lê Minh Tâm, 80 tuổi, nguyên cán bộ Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên (sau này tách ra 3 tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình), là một trong những người được UBND tỉnh Bình Trị Thiên giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn từ Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng chuyển giao cho tỉnh năm 1982. Ông khẳng định: "Để có một địa chỉ tâm linh như Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn bây giờ, vai trò lớn nhất thuộc về trung tướng Đồng Sỹ Nguyên".

Trong những anh hùng liệt sĩ nằm lại Trường Sơn, có một người được xem là tri kỷ của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Đó là Chính ủy Bộ đội Trường Sơn Đặng Tính (hy sinh ngày 3.4.1973). Họ là bạn chiến đấu từ thời chống Pháp, tiếp tục sát cánh cùng nhau ở Trường Sơn sau khi Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đề xuất với Quân ủy Trung ương chọn ông Đặng Tính là Chính ủy Bộ đội Trường Sơn.

SAU KHI NGHỈ HƯU VẪN "RA TRẬN"

Sau ngày đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tiếp tục được tín nhiệm, phân công giữ nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Xây dựng… Năm 1991, ông thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và được cử làm đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 "Trồng, bảo vệ rừng phòng hộ", tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng nói: "Đất nước có chiến tranh, tôi quyết tâm phục vụ quân đội và thật vinh dự tự hào làm người lính của Bác Hồ, của nhân dân. Nhưng từ trong chiến tranh, tôi đã hằng tâm niệm và nung nấu ý định khi đất nước thanh bình sẽ xếp súng gươm, xin chuyển ngành ra làm kinh tế".

Thực tế, trong giai đoạn đầu đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã cùng với tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh.

Nhưng có lẽ dấu ấn lớn nhất của của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chính là "ra trận" lần nữa ở Trường Sơn khi đứng trong hàng ngũ cố vấn cho việc xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh ngày nay. Trước đó, ông từng viết trong hồi ký: "Là một trong những người trực tiếp tổ chức xây dựng hệ thống đường - cầu Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ, khi kết thúc chiến tranh, trong tôi luôn nung nấu ước vọng thiết tha đường Trường Sơn được hiện đại hóa để phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa, củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước".

Cơ hội đến với trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khi dự án đường Trường Sơn được Chính phủ phê duyệt. Vậy nên dù đã nghỉ hưu, tuổi cao, sức yếu, ông vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ "ra trận" một lần nữa, làm đặc phái viên của Chính phủ, đôn đốc việc mở đường. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng là người đầu tiên đề xuất đổi tên công trình xa lộ Bắc - Nam thành đường Hồ Chí Minh.

Nguyễn Phúc
Nguồn báo Thanh Niên

GÁNH VÁC NHIỀU TRỌNG TRÁCH

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, sinh ngày 1.3.1923 tại xã Quảng Trung, H.Quảng Trạch (nay là TX.Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Ông sớm giác ngộ cách mạng và đứng vào hàng ngũ của Đảng khi mới 16 tuổi.

Từ năm 1941 - 1948, ông hoạt động cách mạng ở tỉnh Quảng Bình, Thái Lan và Lào; từng được T.Ư cử đi học nhiều lớp về quân sự cả trong và ngoài nước, sau đó giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội.

Từ năm 1967 đến tháng 6.1976, ông đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Bộ Chỉ huy Đoàn 559 với nhiệm vụ tổ chức xây dựng và khai thác đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, chi viện sức người và khí tài hậu cần cho chiến trường miền Nam, phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Từ tháng 12.1976, ông giữ các chức vụ: Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng) kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT, Đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 và tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh…

Ông là Ủy viên T.Ư Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công hạng nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý khác.

"MỘT TRONG NHỮNG THÀNH TỰU VĨ ĐẠI NHẤT VỀ CÔNG BINH"

Cựu quyền Bộ trưởng Không quân Mỹ Merrill McPeak (87 tuổi) từng thực hiện 269 phi vụ oanh tạc tại Việt Nam vào những năm 1969 - 1970 nhằm vào đường mòn Hồ Chí Minh (đường Trường Sơn). Trong bài viết trên tờ The New York Times, ông kể rằng miền Bắc không thể duy trì chiến dịch ở miền Nam nếu không có tuyến đường đưa nguồn lực hỗ trợ là đường mòn Hồ Chí Minh. Khi đó, tuyến đường được xây dựng trong môi trường đầy thử thách trên vùng núi hiểm trở, dân cư thưa thớt và nhiều khu vực rừng rậm.

Theo cựu binh Mỹ này, đường mòn Hồ Chí Minh là một trong những thành tựu vĩ đại nhất lịch sử về công binh, và tất cả đều bị che khuất khỏi tầm nhìn, ngoại trừ dấu vết của chính con đường. "Chúng tôi đã tấn công các điểm nghẽn, nhưng ngày hôm sau đường vòng liền xuất hiện. Chúng tôi oanh tạc lòng đường, nhưng con đường mòn liền uốn lượn quanh đó", ông kể. Theo ông, đường mòn Hồ Chí Minh giống như một mê cung hơn là một con đường, khi nó cứ bị phá nát, biến mất rồi lại xuất hiện.

Ông Merrill McPeak thừa nhận Mỹ chưa từng chặn được đường mòn Hồ Chí Minh. Theo tờ The Washington Post, máy bay quân sự Mỹ đã ném ít nhất 1,7 triệu tấn bom trong nỗ lực bất thành nhằm chia cắt đường mòn Hồ Chí Minh. Bộ đội VN và lực lượng tình nguyện đã làm xuyên đêm để lấp các hố bom, mở đường mới xuyên rừng rậm. Nhờ đó, dòng người và hàng tiếp tế chưa bao giờ bị gián đoạn quá vài ngày.

Khánh An

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập182
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm181
  • Hôm nay41,537
  • Tháng hiện tại222,911
  • Tổng lượt truy cập60,106,718
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây