Nghĩ từ chuyện Bác Hồ phong tướng: chất lượng hàng đầu
admin100
2023-06-09T16:06:00-04:00
2023-06-09T16:06:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/nghi-tu-chuyen-bac-ho-phong-tuong-chat-luong-hang-dau-11918.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2017_03/bac-ho1.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ sáu - 09/06/2023 16:06
Về “Tư cách một người tướng”, Bác Hồ nêu quan điểm gói gọn trong 6 chữ “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”.
Sau chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947, ngày 20/01/1948, Bác Hồ ký Sắc lệnh phong quân hàm cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Theo Sắc lệnh này, hàm Đại tướng được trao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình và hàm Thiếu tướng cho 9 đồng chí khác.
Lễ phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra ngày 27/5/1948 tại một hội trường mới dựng bằng tre nứa bên dòng suối ở cánh đồng Nà Lọm, Phú Đình, Định Hóa. Theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại buổi lễ, Bác Hồ tay cầm Sắc lệnh gọi ông lên trước bàn thờ Tổ quốc. Bằng giọng trang nghiêm và xúc động, Người nói: “Hôm nay thay mặt Chính phủ và nhân dân…” rồi Bác bỗng ngừng lời, rút khăn tay lau nước mắt. Lát sau, Bác nói tiếp: “…Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…”.
Sau sự kiện này, một phóng viên phương Tây hỏi Bác vì sao một lúc phong nhiều tướng, tá như vậy? Việc phong cấp này được tiến hành dựa theo những tiêu chuẩn nào? Bác đã trả lời giản dị: Đánh thắng Đại tá phong Đại tá; đánh thắng Thiếu tướng phong Thiếu tướng; thắng Trung tướng phong Trung tướng; thắng Đại tướng phong Đại tướng.
Ba tháng sau, vào tháng 8 năm 1948 tại Hội nghị Quân sự lần thứ V, nói về “Tư cách một người tướng”, Bác Hồ nêu quan điểm gói gọn trong 6 chữ “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”.
Các sĩ quan quân đội được phong tướng ngày ấy cũng như sau này đã không phụ lòng tin của Đảng, Bác Hồ và nhân dân. Họ đã cùng lớp lớp cán bộ chiến sĩ, nhân dân vào sinh ra tử, lập nên những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, hoàn thành sự nghiệp vẻ vang giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Họ là những vị tướng trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, những vị tướng vào sinh ra tử, dạn dày qua trận mạc của một thời quân với dân như cá với nước, sẵn sàng xả thân khi Tổ quốc cần. Họ là tướng – tướng lừng danh - nhưng đều là lính Cụ Hồ.
Những con số sau đây thật thú vị. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, quân đội có 14 sĩ quan cấp tướng. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân đội có 36 sĩ quan cấp tướng. Đối với lực lượng công an, trước năm 1975 chỉ có 3 sĩ quan cấp tướng.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, số lượng sĩ quan cấp tướng của cả quân đội và công an tăng nhanh, nhất là từ sau năm 2005. Chỉ tính riêng nhiệm kỳ 2016 – 2021, Chủ tịch nước đã ký quyết định thăng quân hàm và cấp bậc hàm cấp tướng đối với 400 sĩ quan Quân đội nhân dân và 174 sĩ quan Công an nhân dân.
Hiện Quốc hội đang thảo luận về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân. Rất nhiều đại biểu đã đăng đàn phát biểu bày tỏ quan điểm về việc phong tướng.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nêu phản ánh của cử tri “Có ý kiến cho rằng, sao trong thời bình mà tướng nhiều thế?”, “Đặc biệt từ những năm 2000 trở lại đây, số lượng tướng trong lực lượng vũ trang nói chung và ngành công an nói riêng đã tăng lên nhiều. Nhiều cán bộ lão thành trong lực lượng vũ trang đã có ý kiến”. Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau): "xã hội đang nói là tướng công an nhiều quá".
Nhiều đại biểu nhấn mạnh đến chất lượng đội ngũ tướng lĩnh. “Có lúc, chúng ta đã thực hiện việc phong hàm quá nhanh, nhiều lượt trong một năm, nhưng chất lượng đội ngũ tướng lĩnh là điều cần phải suy nghĩ. Cử tri đang băn khoăn vì một số cán bộ tướng lĩnh vi phạm pháp luật trong thời gian qua”, đại biểu Nguyễn Tạo nói.
Trở lại câu chuyện Bác Hồ phong tướng, câu nói giản dị của Người “đánh thắng Thiếu tướng phong Thiếu tướng; thắng Trung tướng phong Trung tướng; thắng Đại tướng phong Đại tướng” suy cho cùng đấy chính là quan điểm phong tướng lấy chất lượng làm đầu: đó là tầm vóc, uy tín; là năng lực chỉ huy; là tài thao lược cầm quân.
Thế cho nên, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình, người làm tướng phải xứng danh “Tư cách một người tướng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, phải hội đủ những phẩm chất tiêu biểu mà Người đã nêu ra: “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”.
2/6/2023
Nguyễn Duy Xuân