Chứng kiến phiên tòa xử 54 bị cáo vụ “chuyến bay giải cứu”, nghe họ trần tình khai báo, khóc lóc, van xin… càng thấy mâu thuẫn đến khó tin.
Chỉ chăm chăm ăn tiền
Những ngày này dư luận cả nước bị cuốn theo diễn biến phiên tòa có một không hai trong lịch sử nền tư pháp cách mạng: xét xử 54 bị cáo trong đại án “chuyến bay giải cứu” xảy ra vào thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch Covid-19.
Rồi đây, cho dù phiên tòa kết thúc như thế nào thì “vụ chuyến bay giải cứu”, cùng với vụ “kít Việt Á”, vẫn là những minh chứng cho nỗ lực phòng chống tham nhũng cũng như chiều kích của vấn nạn tham nhũng trong giai đoạn này của đất nước.
Những cá nhân, bất kể là ai, nhân danh nền hành chính để phục vụ cho mưu đồ vơ vét tiền bạc của người dân trong cơn hoạn nạn vì đại dịch phải bị trừng trị.
Hàng trăm bị cáo trong hai đại án nêu trên đều là những kẻ có danh, có địa vị trong bộ máy nhà nước các cấp, ấy vậy mà khi nhận tiền lại “không nhận thức được là vi phạm” như bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng ngoại giao khai trước tòa.
Cựu Cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan thậm chí biện bạch “luôn coi công dân bị mắc kẹt và gặp khó khăn ở nước ngoài như người thân của gia đình mình, cần hỗ trợ đưa về sớm và hiệu quả nhất".
Vụ án “chuyến bay giải cứu” là mối quan tâm tầm quốc gia. Các bị cáo bất chấp kỷ cương phép nước, coi chuyện ăn tiền dân như là chuyện đương nhiên.
Họ mờ mắt vì tiền đến mức bỏ qua nỗ lực chống tham nhũng đang trong giai đoạn cao trào và lờ đi nhiều gương đã bị mang ra xử trong nhiều vụ án trước đó.
Ung nhọt, dẫu có đau, cũng phải cắt bỏ
Nhân đây xin được nhắc lại vụ án tham nhũng xảy ra cách đây 73 năm. Bị cáo là Trần Dụ Châu, đại tá, Cục trưởng Cục Quân trang Tổng cục Cung cấp, và đồng bọn do có hành vi tham nhũng quân nhu nên bị truy tố trước Tòa án binh. Thời đó pháp luật hình sự chưa được pháp điển hóa (từ sau Cách mạng Tháng Tám đến 1955 việc xét xử tội phạm hình sự áp dụng các đạo luật hình sự cũ. Năm 1985, nhà nước ta mới thông qua Bộ luật hình sự đầu tiên và đã trải qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi).
Nhưng với tội trạng nghiêm trọng do mình gây ra, ngày 5 tháng 9 năm 1950, tại thị xã Thái Nguyên, Trần Dụ Châu đã bị kết án tử hình về tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến; bị tịch thu 3/4 tài sản; bị tước quân hàm Đại tá và khai trừ ra khỏi Đảng ngay tại phiên tòa.
Trước sự thật đau lòng này, Bác Hồ dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”.
Đó là một bản án nghiêm khắc, có tác dụng răn đe, ngăn ngừa tội phạm tham nhũng và các loại tội phạm hình sự khác, củng cố niềm tin và khối đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Trần Dụ Châu có lẽ là người duy nhất từ khi khai sinh chế độ cho đến nay bị kết án tử hình vì tội tham nhũng.
Từ vụ kít Việt Á, vụ “chuyến bay giải cứu” và hàng chục đại án tham nhũng, lãng phí khác xảy ra trong thời gian vừa qua có thể thấy, ngày nay tội phạm tham nhũng không chỉ một Trần Dụ Châu mà có rất nhiều Trần Dụ Châu.
Mức độ phạm tội và gây hại cho đất nước của họ gấp trăm lần Trần Dụ Châu xưa nhưng “kỳ diệu” thay là chưa một ai trong số họ phải trả giá bằng mạng sống của mình dù đã có điều luật quy định cụ thể.
Vụ “chuyến bay giải cứu” rúng động dư luận trong và ngoài nước, phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; hàng chục kẻ nhận hối lộ hàng trăm tỷ đồng, chạm và vượt mức án tử hình nhưng chỉ duy nhất cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế bị đại diện Viện kiểm sát Hà Nội đề nghị án tử.
Những anh hùng vô danh
Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, đồng bào cả nước và các lực lượng tuyến đầu có thể nói đã gồng hết sức mình để chịu đựng, để chống chọi và vượt qua dịch giã bất chấp khó khăn, hiểm nguy đang rình rập, đe dọa tính mạng.
Trong cơn bĩ cực đó, có hàng trăm, hàng ngàn người thực sự là anh hùng nhưng họ mãi mãi vô danh. Họ tham gia chống dịch vì sinh mạng đồng bào, vì bình yên cuộc sống mà không gợn chút suy tư, tính toán thiệt hơn.
Họ gồm đủ mọi thành phần trong xã hội, từ cụ già neo đơn đến em nhỏ, từ người nông dân nghèo đến người buôn bán vặt kiếm sống hằng ngày… ai cũng muốn góp chút công sức, tiền bạc của mình, dù chỉ là mớ rau, quả trứng để sẻ chia, đồng hành cùng người dân trong các khu cách ly vượt qua thử thách nguy nan của dịch bệnh.
Họ là những nhân viên y tế làm việc cật lực ngày đêm, dù kiệt sức vẫn gượng dậy cùng đồng đội tiếp tục truy vết, chữa trị, chăm sóc bệnh nhân. Công việc của họ vất vả, cực nhọc nhưng không một ai than vãn mà trái lại, luôn động viên nhau gắng sức, chẳng phải vì những đồng tiền bồi dưỡng ít ỏi mà họ nghiễm nhiên được hưởng nhưng phải đợi dài cổ ba bốn tháng sau mới có.
Họ đau nỗi đau tuyệt vọng, mất mát của đồng bào trong đại dịch. Họ sẵn sàng đón nhận điều xấu nhất có thể ập đến giữa lằn ranh mong manh sống/chết. Trên ngực họ không một tấm huân chương nhưng lại có thứ huân chương siêu hạng, đó là những vết hằn trên mặt và đôi bàn tay bợt bạt sau bao ngày đeo khẩu trang, găng tay phòng dịch. Lòng dân đã trao cho họ huân chương cao quý với tất cả niềm tin yêu và sự biết ơn vô bờ bến.
Nhớ lại những ngày khốc liệt giữa đại dịch, tim người vẫn còn buốt đau.
Bây giờ, chứng kiến phiên tòa xử 54 bị cáo vụ “chuyến bay giải cứu”, nghe họ trần tình khai báo, khóc lóc, van xin… càng thấy mâu thuẫn đến khó tin.
Tại sao giữa lúc đại nạn họ lại ứng xử với đồng bào mình táng tận lương tâm đến thế?
Phiên tòa rồi sẽ kết thúc, họ phải chịu hình phạt của luật pháp. Nhưng còn tòa án lương tâm và sự phán xét của dư luận sẽ không dừng lại với họ.