Điều trăn trở trước thềm 20/11
admin100
2018-11-22T03:11:00-05:00
2018-11-22T03:11:00-05:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/dieu-tran-tro-truoc-them-20-11-4633.html
/themes/default/images/no_image.gif
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ năm - 22/11/2018 03:11
Giáo dục Việt Nam muốn khai phóng, tôi nghĩ, trước hết phải “khai phóng” đạo đức, nhân cách và trí tuệ người thầy!
Gần đến ngày 20-11 nhưng vẫn phải đọc những thông tin buồn về nghề giáo.
Chuyện xảy ra ở một trường THCS huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Thông tin trên báo chí cho hay, cô giáo T đuổi học sinh vì... bố làm thợ xây, mẹ bán hàng?!
Mẹ của L. – học sinh bị cô giáo đuổi - cho biết: “Con gái tôi đang trong giờ học của cô, khi cô phát hiện một vỏ hộp sữa dưới chân nó, thay vì nhắc nhở nhẹ nhàng học sinh vứt vào thùng rác, cô bắt cả lớp mua mỗi đứa 1 vỉ sữa (không rõ mục đích ), con tôi bảo bố mẹ không có tiền mua thì cô hỏi bố mẹ cô làm nghề gì.
Khi con bé trả là bố mẹ con làm nghề thợ xây và bán hàng thì cô xúc phạm con bé là 'Chị chỉ cần nói như vậy là tôi biết bố mẹ chị là cái loại gì rồi, bố nào con đấy, rau nào sâu đấy' rồi đuổi nó ra khỏi lớp 5 tuần nay mà không thông qua giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường”.
Nếu đây là sự thực thì cô giáo T cùng lúc mắc nhiều lỗi, những lỗi không thể chấp được đối với một nhà sư phạm: Hành vi ứng xử phản giáo dục, khó hiểu về một tình huống sư phạm (khi cô phát hiện một vỏ hộp sữa dưới chân học sinh); có thái độ, lời nói xúc phạm học sinh và phụ hunh (“tôi biết bố mẹ chị là cái loại gì rồi”); suy xét áp đặt (“bố nào con đấy, rau nào sâu đấy”); vượt quyền (đuổi học sinh ra khỏi lớp 5 tuần liền).
Đây không phải là lần đầu tiên cô giáo T có những hành vi, lời nói phản giáo dục như vậy.
Theo phản ánh của phụ huynh, cô giáo T đã từng tát chảy máu miệng, gãy răng học sinh; ép buộc học sinh những lớp cô dạy GDCD phải mua thêm sách tham khảo về danh ngôn,…
Thái độ, hành vi, lời nói của cô giáo T rõ ràng là không mô phạm, trái ngược với những phẩm chất cần có của một người thầy.
Điều đáng buồn là hiện nay, những người thầy như cô giáo T không hiếm. Không ít những thầy cô giáo hành xử thiếu văn hóa, mang tính bạo lực đối với học sinh mà dư luận đã từng lên án trong thời gian qua. Môi trường sư phạm đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những người thầy đã chọn nhầm nghề như thế.
Vẫn biết làm người không ai nắm tay cả ngày. Nhưng với nghề giáo, sự ràng buộc của nghề, sự khắt khe của môi trường sư phạm buộc người trong nghề phải biết kiềm chế; thái độ, lời nói, hành vi phải luôn luôn hướng đến chuẩn mực sư phạm. Buông thả, tùy tiện, nóng nảy, … sẽ làm hoen đi hình ảnh đẹp của người thầy trong con mắt học sinh và cộng đồng xã hội.
Ngày 20/11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam – không chỉ là ngày vui mà còn là ngày để mỗi thầy cô, cán bộ viên chức trong ngành tự soi và tự điều chỉnh lại mình cho xứng với niềm tin yêu và sự tôn vinh của xã hội.
Giáo dục Việt Nam muốn khai phóng, tôi nghĩ, trước hết phải “khai phóng” đạo đức, nhân cách và trí tuệ người thầy!
18-11-2018
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo: http://soha.vn/co-giao-duoi-hoc-sinh-vi-bo-lam-tho-xay-me-ban-hang-20181117103631673.htm