Cuộc chiến Biên giới 1979: Lịch sử phải được nhìn nhận với sự thật đầy đủ

Chủ nhật - 17/02/2019 02:08

Chien tranh 1979

Chien tranh 1979
Ngày này cách nay 40 năm (17/2/1979-17/2/2019), cuộc Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc diễn ra trên toàn tuyến Biên giới phía Bắc Việt Nam. Lịch sử phải được nhìn nhận với sự thật đầy đủ.
Cuộc Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc diễn ra trên toàn tuyến Biên giới phía Bắc chống quân bành trướng Trung Quốc xâm lược diễn ra rạng sáng ngày 17-2-1979 đến nay vừa tròn 40 năm.

40 năm qua, có những lúc chúng ta “im lặng” vì “đại cục”, vì thật tình mong muốn giữ mối bang giao giữa hai quốc gia láng giềng “núi liền núi sông liền sông”, từng có quan hệ gắn bó “môi hở răng lạnh”.

40 năm cũng là độ lùi thời gian cần thiết để chúng ta nhìn lại sự kiện bi hùng này trong lịch sử giữ nước của dân tộc, với hi vọng giúp các thế hệ con cháu mai sau hiểu đúng bản chất một cuộc chiến.

Báo chí trong nước những ngày qua đăng tải hàng loạt thông tin về cuộc Chiến tranh 40 năm trước với tinh thần tôn trọng sự thật, sòng phẳng với lịch sử như bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định trong một bài viết của mình đăng trên báo Điện tử Giáo dục. [1]

Ngày 15.2, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc – 40 năm nhìn lại (1979-2019)".
 
Đây là hội thảo cấp quốc gia đầu tiên về cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc bảo vệ Tổ quốc với 60 báo cáo tham luận, “Khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc; Tri ân và tôn vinh đồng bào, chiến sĩ từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, đặc biệt là của thế hệ trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân, xương máu và tính mạng để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.[2]

Dư luận hoan nghênh Hội thảo nhưng cũng không khỏi băn khoăn về tên gọi của nó: “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc – 40 năm nhìn lại (1979-2019)".

Cụm từ “cuộc chiến đấu” khiến không ít người “tâm tư”. Bởi đây là một cuộc hội thảo khoa học nên ngôn từ, thuật ngữ phải hết sức chính xác.

40 năm qua, dù có những lúc không công khai nhưng các văn kiện, sách báo đều gọi là “chiến tranh biên giới phía Bắc”.

Trên trang nhất báo Nhân dân số 9020, ra Chủ nhật ngày 18/2/1979 đăng “Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của những người cầm quyền Trung Quốc”.

Tra từ điển thì thấy, hai khái niệm “chiến đấu” và “chiến tranh” được định nghĩa rất khác nhau.

- Chiến đấu (fight): Tính từ, Có tính chất đấu tranh (Kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn (Hồ Chí Minh). Động từ: Đánh nhau trong cuộc chiến tranh.

- Chiến tranh: (War) là hiện tượng chính trị – xã hội có tính chất lịch sử, sự tiếp tục của chính trị bằng bạo lực giữa các tập đoàn xã hội trong một nước hoặc giữa các nước hay liên minh các nước với nhau. Đặc trưng của chiến tranh là đấu tranh vũ trang có tổ chức, theo những quy tắc nhất định và thường kết hợp với các hình thức đấu tranh khác (chính trị, kinh tế, ngoại giao,...).[3]

Từ điển Đào Duy Anh: Nước này với nước nọ đánh nhau,tranh nhau bằng võ lực (Hán - Việt từ điển, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1996)

Trong một diễn biến liên quan, trả lời phỏng vấn của báo Vietnamnet, ông Phạm Hồng Tung - GS Sử học - hiện đang giảng dạy tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho rằng: “cần tuyệt đối tránh các ngôn từ, hình ảnh, lối trình bày mang tính gây hấn, biểu cảm, miệt thị. Các ngôn từ biểu cảm, miệt thị, như “chúng”, “quân địch”, “giặc”, “dã man”, “tàn bạo”, “khát máu” … không hề giúp cho các lập luận, phân tích, đánh giá gia tăng tính thuyết phục, trái lại, làm bộc lộ rõ thái độ định kiến, áp đặt, phiến diện, thiếu khách quan và do đó, thiếu tính thuyết phục”.[4]

Tôi xin tranh luận trên tinh thần xây dựng. Xin thưa với nhà sử học, cuộc chiến tranh nào cũng bao hàm hai đối tượng địch – ta; quân ta – quân địch, quân giặc, chúng. Bây giờ ông bảo không sử dụng những những thuật ngữ đó thì gọi kẻ thù của đất nước (trong một cuộc chiến tranh cụ thể) là gì, chắc không phải là ông, là “bạn”?

Và đã là kẻ thù (địch, giặc, chúng) từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều có chung bản chất: “dã man”, “tàn bạo”, “khát máu”.

Giáo sư Tung nên nhớ, cuộc chiến nào cũng gắn với một thời điểm lịch sử cụ thể. Những ngôn từ mà ông “lo ngại” cũng mang tính lịch sử cụ thể, nó chỉ để gọi những kẻ chủ mưu và tham gia chiến tranh xâm lược, trong trường hợp này là nhà cầm quyền Trung Quốc và quân đội của họ lúc bấy giờ. Không ai lại hiểu, những “giặc, quân giặc, chúng, địch, tàn bạo, dã man, khát máu,…” là chính quyền và nhân dân Trung Quốc hiện nay.

Giáo sư hãy đọc lại Bình Ngô đại cáo. Gần 600 năm trước, người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi từng viết: “- Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng (Toại linh Tuyên Đức chi giảo đồng, độc binh vô yếm)

- Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán (Tuấn sinh linh chi huyết dĩ nhuận kiệt hiệt chi vẫn nha)”.

Chả nhẽ viết như thế, Nguyễn Trãi cũng “bộc lộ rõ thái độ định kiến, áp đặt, phiến diện, thiếu khách quan và do đó, thiếu tính thuyết phục”?

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn nói trên, ông Tung đề xuất: “Bây giờ chính là lúc giới sử học của hai nước nên ngồi lại, thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử hai nước”.

Ông Tung nhận xét: “lịch sử về những cuộc chiến trong quá khứ như cuộc chiến tranh của nhà Hán đàn áp khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cuộc chiến tranh của nhà Tống với nhà Lý, cuộc chiến tranh ba lần Mông Nguyên xâm lược Đại Việt,… đang được giảng dạy ở trong các trường phổ thông hai nước rất khác nhau”.  

Vì thế, theo nhà sử học này, “Chỉ có thể bằng con đường hòa giải lịch sử thì chúng ta mới góp phần “giải độc lịch sử”.

Tại sao giới sử học hai nước phải ngồi lại với nhau mà thảo luận để thống nhất “những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử hai nước” và “giải độc lịch sử” như ông Tung đề xuất? Nguyên tắc gì? Giải độc gì?

Dù là người ngoại đạo, ngu ngơ về kiến thức lịch sử nhưng tôi cũng hiểu được bài học vỡ lòng rằng, lịch sử là tấm gương soi chiếu quá khứ do đó viết sử hay dạy sử đều phải tôn trọng sự thật, chính xác, khách quan.

Dư luận rất tán thành quan điểm của bà Nguyễn Thị Bình, Lịch sử phải được nhìn nhận với sự thật đầy đủ.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng: Ta tôn trọng lịch sử, sòng phẳng với lịch sử không có nghĩa là chúng ta kích động hận thù.

Con em chúng ta cần biết và có quyền biết lịch sử, biết những gì mà ông cha đã làm, để tự hào và tiếp nối truyền thống
”.[5]

Nghiên cứu sinh môn Lịch sử Vũ Minh Hoàng, Đại học Cornell (Hoa Kỳ) cũng cho rằng, “khẩn trương giải mật các tài liệu liên quan đến cuộc chiến tranh này, để các học giả, quan chức, và dân chúng có thể tự do thảo luận về lịch sử một cách thẳng thắn, có cơ sở.”.[6]

Trong lúc đó, suốt 40 năm qua, phía Trung Quốc vẫn tuyên truyền, giảng dạy cho các thế hệ học sinh và người dân của họ rằng chiến tranh Biên giới Việt - Trung tháng 2/1979 là “cuộc chiến tranh phản kích chống Việt Nam để tự vệ” (phản Việt phòng vệ chiến tranh) nhằm trừng phạt “tiểu bá” Việt Nam vong ân bội nghĩa, tay sai của Liên Xô(!?)

Còn chúng ta thì sao? Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 bản in năm 2001 có 3 đoạn, 24 dòng viết về chiến tranh biên giới phía Bắc nhưng đến bản in năm 2018 chỉ còn 2 đoạn, 4 câu, 11 dòng.

Chừng ấy thôi cũng đủ để thấy, chúng ta đã ứng xử như thế nào trước sự thật lịch sử còn rất mới mẻ này.

Xin hãy để thể hiện lịch sử đất nước đúng với bản chất khoa học của nó. Tài liệu lịch sử không phải là tác phẩm tuyên truyền, không có chuyện thỏa hiệp trong việc viết, dạy lịch sử dân tộc.

Xin hãy nhớ câu nói đã thành ngạn ngữ của nhà thơ Gamzatov, “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác”!

16-2-2019
40 năm Chiến tranh Bảo vệ Biên giới phía Bắc Tổ quốc

Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:


[1,5]. http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Song-phang-voi-lich-su-khong-phai-la-kich-dong-han-thu-post195264.gd
[2]. http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Cuoc-chien-dau-bao-ve-bien-gioi-phia-Bac-cua-To-quoc--40-nam-nhin-lai-post195686.gd
[3]. https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh
[4]. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/chien-tranh-bien-gioi-nam-1979-se-co-mat-trong-chuong-trinh-pho-thong-moi-ra-sao-507597.html
[6]. https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/bien-gioi-thang-2-1979-trung-quoc-am-muu-dung-thu-doan-507103.html


Bài đã đăng trên Vietnamnet, 17-2-2019. Tít bài chúng tôi sửa theo báo (Báo có cắt bỏ một số doạn): https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/cuoc-chien-bien-gioi-nam-1979-lich-su-phai-duoc-nhin-nhan-voi-su-that-day-du-508406.html

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
2025
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
XUÂN ẤT TỴ 2025
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập106
  • Hôm nay37,085
  • Tháng hiện tại613,420
  • Tổng lượt truy cập64,215,345
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây