“Nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm” đang làm hỏng cán bộ!
admin100
2022-09-01T16:18:00-04:00
2022-09-01T16:18:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/nghiem-tuc-kiem-diem-rut-kinh-nghiem-dang-lam-hong-can-bo-11600.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2016_08/dung-qui-trinh1.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ năm - 01/09/2022 16:18
Cố tình cưỡng bức “nghiêm túc kiểm điểm”, “rút kinh nghiệm sâu sắc” để xem nó như một hình thức kỉ luật là vô lối, phá hỏng sự trong sáng của tiếng Việt.
Dư luận bấy lâu nay đã quá quen với chuyện “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm” khi các cơ quan, ban ngành xử lý sai phạm của cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý của mình.
Sai phạm dẫn đến thất thoát, lãng phí tiền tỉ: Nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm(!).
“Nâng đỡ không trong sáng”: Nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm(!).
Bổ nhiệm người nhà thần tốc: Nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm(!).
Giáo sư, tiến sĩ đạo văn: Nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm(!).
Lãnh đạo không thực hiện lời hứa trách nhiệm: Nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm(!).
...
Có thể nói, nghiêm túc kiểm điểm không biết mệt mỏi và sợi giây kinh nghiệm dài vô tận. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã từng thốt lên: “Sợi dây dài nhất là sợi dây kinh nghiệm, rút hoài không hết, ai cũng rút, năm nào cũng rút, kỳ họp nào cũng rút kinh nghiệm mà vẫn còn”.
Điều lạ là không hiểu tự bao giờ, người ta mặc nhiên xem “nghiêm túc kiểm điểm”, “rút kinh nghiệm” là những mức xử lí sai phạm của cán bộ công chức.
Trong thực tế, khi phát hiện cán bộ, công chức, nhân viên có biểu hiện sai phạm thì cơ quan, tổ chức thường tiến hành họp để phân tích, mổ xẻ tính chất, mực độ sai phạm, từ đó đề xuất hướng giải quyết. Nếu sai phạm chưa đến mức kỷ luật (theo quy định của Luật pháp) thì cá nhân chỉ bị phê bình trước tập thể. Đó là chuyện bình thường trong hoạt động quản lý nhà nước, không thể “nghiêm trọng hóa”, cố ý đánh tráo khái niệm, lập lờ đánh lận con đen, coi “kiểm điểm” như là một hình thức kỷ luật.
Điều đáng quan tâm là, chuyện “nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm” cứ lặp đi lặp lại (bất kể sai phạm nặng hay nhẹ) sẽ thành “chân lý” buộc dư luận phải thừa nhận. Đó là mối nguy lớn trong công tác quản lý cán bộ hiện nay.
Xin hãy một lần xem xét lại ý nghĩa đích thực của những từ này.
Với từ “kiểm điểm”, các từ điển hiện hành đều định nghĩa: Xem xét đánh giá lại những việc đã làm để rút ra nhận xét, đánh giá chung.
Thế cho nên kiểm điểm là việc làm thường ngày, thường niên. Không chỉ cán bộ công chức kiểm điểm mà bất cứ ai cũng có thể làm kiểm điểm để rút ra bài học, kinh nghiệm trong xử lý công việc của mình.
Về từ “kinh nghiệm”, Hán - Việt từ điển của cụ Đào Duy Anh giải thích: Điều mình đã nghiệm qua, điều mình từng nghe thấy.
Nói cách khác, kinh nghiệm là sự hiểu biết do từng trải trong công việc, trong cuộc sống, đúc kết thành những bài học, tốt thì phát huy, yếu kém thì khắc phục.
Như vậy kiểm điểm hay rút kinh nghiệm là những việc ai cũng nên làm để tiếp tục hoàn thiện bản thân hay đạt được thành quả như mong muốn trong mọi công việc. Đó không thể là hình thức xử lí, là thang độ đánh giá sai phạm của con người.
Cố tình cưỡng bức “nghiêm túc kiểm điểm”, “rút kinh nghiệm sâu sắc” để xem nó như một hình thức kỉ luật là vô lối, phá hỏng sự trong sáng của tiếng Việt. Và nguy hiểm hơn, nó trở thành bửu bối, che chắn cho những sai phạm, đánh đồng người tốt kẻ xấu, làm hỏng cán bộ công chức nhà nước, đánh mất niềm tin của nhân dân.
Nguyễn Duy Xuân