Bộ trưởng giải thích thế, chưa thể yên lòng dân
admin100
2022-06-03T20:29:00-04:00
2022-06-03T20:29:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/bo-truong-giai-thich-the-chua-the-yen-long-dan-11462.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2018_09/image-20180911103636-1.png
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ sáu - 03/06/2022 20:29
Chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK như Bộ trưởng nhắc đến ở trên, là nhằm mục đích tốt hơn về nội dung và hình thức, giá cả phải chăng hơn chứ không phải là để đẩy giá thành cao ngất ngưởng trong khi đời sống của đa số người lao động còn khó khăn và họ vừa trải qua đại dịch Covid-19.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, các đại biểu đã tán thành ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đưa việc thực hiện Nghị quyết số 88 năm 2014 và Nghị quyết số 51 năm 2017 về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào nội dung giám sát trong năm tới. Đây là vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm hiện nay.
Ý kiến của các đại biểu thảo luận tại Hội trường xoay quanh mấy điểm:
Một là, nhiều chương trình giáo dục không phù hợp, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) còn in sai, hình ảnh không chuẩn mực.
Hai là, SGK chỉ sử dụng một lần, gây lãng phí, tốn kém tiền bạc của nhân dân, đặc biệt là những gia đình nghèo có con đi học.
Ba là, việc có nhiều bộ SGK gây lúng túng trong việc lựa chọn đối với các cơ sở giáo dục.
Bốn là, vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc lựa chọn SGK để đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch nhằm tránh điều mà đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đã cảnh báo: "Dư luận đã đặt câu hỏi liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa hay không?".
Trước ý kiến nêu trên của một số đại biểu Quốc hội, sáng 25/5, tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có những giải thích thêm.
Tuy nhiên, giải thích của Bộ trưởng chỉ xoay quanh chuyện giá SGK mới cho lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 7, lớp 10.
Theo ông, giá SGK mới tăng lên gấp đôi gấp ba là do “hệ thống biên soạn mới, xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội là xã hội hóa nhiều bộ sách và các loại sách biên soạn khổ lớn hơn, giấy tốt hơn”; do “giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên"; “các quy trình từ biên soạn, giới thiệu, thử nghiệm, phát hành..., doanh nghiệp đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính” nên giá bộ sách mới dao động từ 200.000 đến 300.000 đồng.
Theo Bộ trưởng, sách cũ (chương trình 2016) được Nhà nước “bỏ tiền cho rất nhiều khâu từ biên soạn, thẩm định” và “khổ nhỏ hơn, giấy xấu” nên giá chỉ dao động từ 50.000 đến hơn 100.000 đồng.
Dư luận lấy làm băn khoăn trước những giải thích của Bộ trưởng. Cách giải thích đó nghe quen quen, tựa như chuyện mỗi lần giá nhiên liệu tăng thì bó rau, tô phở, ly cà phê,… lại “ăn” theo. Mà bó rau, tô phở có tăng thì cũng chỉ mươi mười lăm phần trăm, nghĩa là ở mức “thượng đế” chấp nhận được. Chứ cứ gấp đôi, gấp ba như SGK thì chỉ có dẹp tiệm sớm.
Bộ trưởng cho rằng do SGK mới khổ to hơn (19 x 26,5 cm so với 17 x 24 cm của sách cũ), giấy tốt hơn, in đẹp hơn,… Về điểm này, Bộ trưởng nói không sai nhưng thật khó thuyết phục. Phụ huynh có trong tay cả sách cũ và sách mới, họ thừa biết độ chênh lệch giá cả do những khác biệt về hình thức giữa hai bộ sách nhưng chắc chắn không thể đến mức quá cao như vậy.
Theo Bộ trưởng, trước đây Nhà nước tổ chức biên soạn, thẩm định,… nên giá thành rẻ hơn bây giờ do doanh nghiệp đảm nhiệm. Thế thì xin mạo muội hỏi, vai trò quản lý nhà nước của Bộ ở đâu mà lại để cho doanh nghiệp tự kê khai giá? Đấy là chưa nói đến chuyện, sách cũ hay sách mới đều từ các dự án đổi mới chương trình, sách giáo khoa có giá hàng trăm tỉ của Bộ mà ra. Và lạ thay, tiếng là xã hội hóa nhưng lại có những nhóm biên soạn, những chủ biên, tổng chủ biên “ôm” trọn hết bộ sách này sang bộ sách khác của các dự án nói trên trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK như Bộ trưởng nhắc đến ở trên, là nhằm mục đích tốt hơn về nội dung và hình thức, giá cả phải chăng hơn chứ không phải là để đẩy giá thành cao ngất ngưởng trong khi đời sống của đa số người lao động còn khó khăn và họ vừa trải qua đại dịch Covid-19.
Trước phản ánh của dư luận về việc SGK chỉ sử dụng một lần, gây lãng phí, tốn kém tiền bạc của nhân dân, tăng thêm gánh nặng khó khăn cho những gia đình nghèo có con đi học, Bộ trưởng Sơn khẳng định các sách biên soạn mới là hoàn toàn dùng lại được chứ không phải là sách dùng một lần.
Về vấn đề này, mong Bộ trưởng hãy thử “vi hành” một lần, mục sở thị việc dùng SGK của học sinh, nhất là ở bậc tiểu học thì sẽ thấy điều mà dư luận phản đối không phải là không có cơ sở.
Và giả sử, nếu SGK dùng được nhiều năm nhưng với việc có nhiều bộ sách để ngành giáo dục các địa phương được toàn quyền lựa chọn thì chuyện dùng một lần vẫn có thể xảy ra. Không loại trừ khả năng là năm nay địa phương chọn bộ sách A, năm sau lại chọn bộ sách B hay bộ sách C.
Đấy chính là vấn đề Bộ trưởng cần phải lưu ý và có giải pháp ngăn chặn ngay điều mà đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đã cảnh báo: "Dư luận đã đặt câu hỏi liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa hay không?".
26/5/2022
Nguyễn Duy Xuân