Làm tướng đừng để dân khinh

Thứ năm - 09/08/2018 21:24
Tướng phải cho ra tướng để xứng danh, để không hổ thẹn với nhân dân, đất nước.
"Tướng gì mấy ông!". Đấy là câu nói của bà bán bún đậu mắm tôm gần nhà tôi. Khi mấy vị thực khách chiều đang bàn tán chuyện một loạt tướng vừa bị Ban Bí thư và Bộ Chính trị kỉ luật vì những vi phạm rất nghiêm trọng.

Câu nói của bà chủ quán cứ ám ảnh trong đầu tôi. “Tướng gì mấy ông!”. Ngẫm ra thật chua chát, buồn.

Từ xưa tới nay, nhắc đến tướng ai cũng nghĩ, đấy là kết tinh của tài thao lược quân sự và lòng dũng cảm vô song. Tướng xưa thời cha ông đánh giặc cũng như tướng nay qua hai cuộc trường kì kháng chiến đều xứng danh anh hùng, được nhân dân kính trọng, sử sách lưu tiếng thơm.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nhắc nhở, đạo làm tướng phải hội đủ 6 tiêu chí: trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung.

Các vị tướng của ta thời đánh Pháp, đánh Mỹ đều đã thể hiện được những phẩm chất ấy, lập nên những chiến công lừng lẫy. Có người đã trở thành biểu tượng của dân tộc anh hùng nơi tuyến đầu chống đế quốc thực dân một thời của nhân loại. Tướng lúc bấy giờ đúng là hiền tài, và vì thế, số lượng không nhiều lắm. Thế cho nên, dân ai cũng biết mặt nhớ tên. Việc phong tướng trong quân đội cũng như công an rất chặt chẽ, tương xứng với tài đức, sự cống hiến và nhiệm vụ của cá nhân.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân đội có 36 tướng. Số lượng tướng công an lúc bấy giờ cũng không nhiều, trần qui định cho bộ trưởng công an không vượt hàm trung tướng.

Thế rồi chỉ trong khoảng 20 năm lại nay, mặc dù là thời bình nhưng số lượng tướng của quân đội và công an bỗng tăng vọt. Hiện quân đội có 415 tướng; công an có 205 tướng, tập trung phần lớn ở các cơ quan bộ. Đấy là chưa kể hàng trăm tướng đã nghỉ hưu theo chế độ.

Nhưng vấn đề không nằm ở số lượng, mặc dù dân gian vẫn lưu truyền câu ngạn ngữ “Ra ngõ gặp tướng”.

Với số lượng tướng nhiều như thế, vấn đề đặt ra là chất lượng có đảm bảo không? Có đáp ứng được tiêu chí mà Cụ Hồ đã vạch ra “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung” không?

Câu trả lời có lẽ đã có sau khi các tướng Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh dính vòng lao lí. Đặc biệt vừa mới đây, một loạt tướng trong đó có những người đương chức trong công an, quân đội bị kỉ luật bởi những sai phạm nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng mà UB Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra.

Dư luận sốc mặc dù đã biết trước việc gì đến rồi cũng sẽ đến.

“Tướng gì mấy ông!”. Câu nói ấy của bà chủ quán đã đủ nội hàm và không thể có lời bình nào sâu sắc hơn.

Họ là những con sâu bự trong bầy sâu đang hủy hoại đất nước.

Dư luận nhân dân hết sức đồng tình và tin tưởng tuyệt đối ở công cuộc chống tham nhũng hiện nay của Đảng và Nhà nước.

Nhưng để làm trong sạch bộ máy chính quyền cũng như các lực lượng vũ trang, cần mạnh mẽ loại bỏ những kẻ thoái hóa biến chất - những kẻ mang danh tướng, leo lên tướng bằng mọi giá - đang hủy hoại thanh danh và sức mạnh của quân đội, công an.

Để lựa chọn được người tài, hạn chế kẻ cơ hội tìm mọi cách chen vào hàng ngũ tướng lĩnh, cần rà soát lại các văn bản pháp luật liên quan, siết chặt tiêu chuẩn, thu hẹp diện phong tướng.

Tóm lại, đã là tướng thì không thể bất tài thất đức.

Tướng phải cho ra tướng để xứng danh, để không hổ thẹn với nhân dân, đất nước.

01-8-2018

Nguyễn Duy Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Giáo dục
VÌ MỘT NỀN GIÁO DỤC NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG
 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập66
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm63
  • Hôm nay13,501
  • Tháng hiện tại13,501
  • Tổng lượt truy cập50,597,884
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây