Có hay không tầng lớp tinh hoa, quý tộc Việt?

Thứ ba - 27/09/2022 20:12
Ba bốn tháng trước, các đại gia Trịnh Văn Quyết (tập đoàn FLC), Đỗ Anh Dũng (tập đoàn Tân Hoàng Minh) bị tống giam. Các TS như Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Quốc Anh,... bị bắt.
Và mới đây nhất ngày 26/9/2022, ông Bùi Nhật Quang, phó GS.TS, UVTƯ, bí thư Đảng ủy, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 2 phó chủ tịch, các lãnh đạo khác của Viện và Ban thường vụ Đảng ủy Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 bị kỷ luật.

Họ đều là "hiền tài, nguyên khí" quốc gia.

Xin đăng lại bài viết này từ năm 2018. Tính thời sự vẫn còn nóng hổi.

*

Cuộc tranh luận xoay quanh chuyện xây nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch 1500 tỉ ở Thủ Thiêm nảy sinh tình tiết mới, khiến cộng đồng mạng “nổi đóa” khi nhạc sĩ Anh Quân (chồng ca sĩ Mỹ Linh) đăng một status trên trang cá nhân của mình.

Trong status, Anh Quân đặt vấn đề: “Tôi trộm nghĩ nếu đa số người dân Việt Nam đều nói "tôi không cần nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch", thế thì liệu Việt Nam chúng ta có tồn tại tầng lớp tinh hoa, quí tộc hay không?”.

Và Anh Quân khẳng định: “Nếu Việt Nam không có tầng lớp tinh hoa, quý tộc có hiểu biết và nếp sống văn minh như người dân các nước phát triển, thì ai sẽ là người dẫn dắt dân tộc Việt trở thành quốc gia giàu có, văn minh, sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới ?”.

Nhân chuyện này, xin trao đổi đôi điều xoay quanh vấn đề mà Anh Quân đặt ra: Việt Nam (hiện nay) có tồn tại tầng lớp tinh hoa, quí tộc hay không?

Để trả lời câu hỏi này, trước hết xin hãy tìm hiểu các khái niệm tinh hoa, quí tộc và các nội dung liên quan.

Tinh hoa và tầng lớp tinh hoa

Các từ điển đều thống nhất định nghĩa: “tinh hoa” là “phần tinh tuý, tốt đẹp nhất, quan trọng nhất”.

Theo cách hiểu trên, tinh hoa có thể có ở mọi tầng lớp, địa vị, tuổi tác. Họ là người tài giỏi nhất trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình, được xã hội thừa nhận, ví như một người thợ tài hoa, một vận động viên vô địch thế giới, một nhà văn xuất chúng.

Nhưng tinh hoa còn phải được nhìn nhận ở một góc độ khác, quan trọng hơn, đó là tầm ảnh hưởng xã hội của những người được coi là tinh hoa. Với tài năng, đức độ hơn người của mình, người tinh hoa tạo ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người khác và tự mình có vai trò dẫn dắt cộng đồng dân tộc.

Lịch sử Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đã từng xuất hiện những người được xem là tinh hoa của dân tộc, thời đại.

Các anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung,…; các danh nhân văn hóa như Lương Thế Vinh, Chu Văn An, Nguyễn Du,…; các chí sĩ cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh,… là tinh hoa của đất nước qua các thời kì lịch sử.

Chủ tịch Hồ chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tinh hoa đất nước thời hiện đại.

Đấy là nói về tinh hoa và tầng lớp tinh hoa.

Còn về quý tộc và tầng lớp quý tộc?

Quý tộc là người thuộc tầng lớp trên, xuất hiện trong xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến hay các quốc gia quân chủ.
Các từ điển uy tín như Oxford, Cambridge, Collins, MacMillan đều có định nghĩa tương tự nhau về "quý tộc", với những đặc điểm sau: 1/ thuộc về một dòng họ giữ địa vị cao trong xã hội, 2/ nhất là những người có nguồn gốc như trên ngay từ khi mới lọt lòng, 3/ có tước hiệu hoặc không và 4/ đặc biệt có nguồn gốc từ thời phong kiến.

Quý tộc là một tầng lớp, một giai cấp, có quyền lợi, địa vị cao sang được công nhận so với các tầng lớp khác trong xã hội.

Cái cao sang của tầng lớp quý tộc thể hiện ở nếp sống lịch thiệp đầy khuôn phép; được dạy dỗ và đào tạo bài bản, có trình độ hiểu biết sâu xa; có tinh thần vị tha, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm; trung thành với các chuẩn mực, quy tắc đạo đức đã được xây dựng bất chấp hoàn cảnh.

Tóm lại, quý tộc phải hội đủ những điều kiện: vật chất (đủ giàu để không còn phải lo gánh nặng cơm áo gạo tiền, tất nhiên là giàu chính đáng); văn hóa (trình độ học vấn và văn hóa ứng xử), tinh thần (ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng).

Ở châu Âu, giai cấp quý tộc đã từng khẳng định được vị thế của mình trong tiến trình lịch sử.

Ở Việt Nam, xã hội thời phong kiến có hai giai tầng chủ yếu, địa chủ phong kiến và bình dân.

Địa chủ phong kiến gồm 2 bộ phận, địa chủ quý tộc quan liêu và địa chủ bình dân.

Địa chủ quý tộc quan liêu bao gồm hoàng tộc và quan chức trong bộ máy nhà nước. Bộ phận này không ổn định, địa vị quyền lợi và sự tồn tại của họ gắn chặt với triều đại mà họ phục vụ. Khi triều đại suy vong thì địa vị quyền lợi của họ cũng sa sút, bị loại khỏi giai tầng của mình.

Việt Nam hiện nay có tồn tại tầng lớp tinh hoa, quý tộc hay không?

Để trả lời cho câu hỏi này, xin dẫn ra đây ý kiến của Giáo sư Trần Ngọc Vương: “Việt Nam ngày nay không có một tầng lớp tinh hoa, dù có những người có trí tuệ, địa vị xã hội hay sự giàu có”.

“Chúng ta có không ít những người có trí tuệ, song không có tầng lớp trí thức, nếu trí thức không chỉ được xem là có trí tuệ, mà còn được xem là có tinh thần thức tỉnh xã hội”, GS Trần Ngọc Vương nhấn mạnh.

Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Huỳnh Mai thì cho rằng: “Chỉ xin nói, hôm nay, rằng nếu ai đó có cảm tưởng rằng mình giàu sang, thông minh, có tri thức, … và tự xem như là tinh hoa của xã hội… những người ấy có lẽ phải khiêm tốn hơn một tí: một tinh hoa của xã hội mà một người có ảnh hưởng cho cả cộng đồng và đánh dấu một khúc ngoặc đặc biệt cho lịch sử…”

Về tầng lớp quý tộc, GS Trần Ngọc Vương nhận định: “Chúng ta có một loạt những người có địa vị xã hội, song không có tầng lớp quý tộc, nếu quý tộc không chỉ được xem là có địa vị xã hội, mà còn được xem là có cốt cách thanh cao.

Chúng ta có đáng kể những người giàu có, song không có tầng lớp thượng lưu, nếu thượng lưu không chỉ được xem là giàu có, mà còn được xem là có phẩm giá đáng được ngưỡng vọng”.

Xã hội Việt Nam hiện thời chưa hình thành tầng lớp tinh hoa dù không thể phủ nhận “có một nhóm người có các giá trị ấy (giá trị tinh hoa chuẩn mực). Họ rải rác trong số hơn 90 triệu người Việt Nam” nhưng “Xét về lượng, họ không đủ hùng hậu để hình thành một tầng lớp, và vì vậy, ảnh hưởng của họ không đủ mạnh mẽ”.

Còn tầng lớp quý tộc? Đại gia hay giới nhà giàu Việt hiện nay tuy đo độ giàu có thì không thua kém thiên hạ nhưng đa số họ vẫn chưa vượt qua giới hạn “trọc phú”. Họ chỉ mới đáp ứng được một tiêu chí (giàu có) nhưng không phải là quan trọng nhất. Họ chưa đủ tầm trí tuệ, văn hóa để “là người dẫn dắt dân tộc Việt trở thành quốc gia giàu có, văn minh” như nhạc sĩ Anh Quân kì vọng.

Nhưng, bất hạnh thay, chúng ta lại đang không hiểu hoặc cố tình không hiểu khái niệm để rồi ngộ nhận về cái gọi là “tầng lớp tinh hoa, quý tộc” hiện nay.

Tôi bỗng nhớ tới chuyện xảy ra cách đây chục năm, khiến báo chí và dư luận luận lúc bấy giờ bị “choáng”, gọi đây là một vụ bê bối và phản cảm.

Đó là chuyện một nhà xuất bản nổi tiếng cho ra lò cuốn sách của hai ông giáo sư, tiến sĩ luận về tài năng và đắc dụng. Trong cuốn sách đó, hai vị “hiền tài” đất nước đã “bê” một đại gia ở phố núi Tây Nguyên đặt ngang hàng với 14 nhân tài của lịch sử Việt Nam và thế giới.

Chả nhẽ đấy lại là “tinh hoa”, là “quý tộc” của đất nước?

15/10/2018
Nguyễn Duy Xuân (rút trong tập Chuyện nhặt cà phê sáng sắp xb)

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
20/11
NGÀY NHÀ GIÁO VN 20/11
VÌ MỘT NỀN GIÁO DỤC
NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập71
  • Hôm nay25,833
  • Tháng hiện tại30,433
  • Tổng lượt truy cập61,188,848
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây