- Một thời người ta đã bàn nhiều về thơ của bà, “Khi thì nói nàng tục mà không dâm/ Khi thì bảo nàng dâm mà không tục” (Hoàng Trung Thông trong bài thơ đã nhắc ở trên). May mắn là ngay cả ở những thời điểm tồn tại kiểu phê bình văn học thô thiển thì quan điểm “kết án” thơ Hồ Xuân Hương cũng không thắng thế. Vẫn Hoàng Trung Thông viết về thơ bà: “Đọc lên sang sảng/ Ai thẹn thì cúi đầu/ Ai thích thì nghĩ lâu/ Đó là nàng thơ của một thời một thuở/ Đó là thơ mà không ai không nhớ”.
Ngày 23.11.2021, UNESCO và các nước thành viên đã thông qua Nghị quyết vào năm 2022 sẽ cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 2022) và 250 năm ngày sinh (1772 – 2022), 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Việc tôn vinh Hồ Xuân Hương, bên cạnh dựa trên giá trị nghệ thuật sự nghiệp thi ca của bà còn là một biểu hiện của tôn vinh bình đẳng giới, đề cao nữ quyền.
Một khát vọng không giấu giếm
Nhà văn Nguyễn Tuân rõ là đã mê Hồ Xuân Hương nên ông mới viết cái bài “Băm sáu cái nõn nường Hồ Xuân Hương”. Nõn, nường là các từ chỉ bộ phận sinh dục, nõn là của nam, nường là của nữ. Nguyễn Tuân viết: “Thế giới quan, nhân sinh quan của Xuân Hương là một nhỡn quan nõn nường. Bất cứ cái gì, bất kể lúc nào và ở đâu, vẫn vang nên chỉ nõn và nường. Câu nào, chữ vần nào cũng chỉ có mỗi cái sự như thế của cái ấy và cái nọ”.
Quả đúng như bậc trưởng lão làng văn nhận xét, hầu như bài thơ Nôm nào, câu thơ Nôm nào của Hồ Xuân Hương cũng gợi cho người đọc nghĩ về những “cái ấy” và “chuyện ấy”: Cỏ gà lún phún leo quanh mép/ Cá giếc le te lội giữa dòng” (Giếng nước); “Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm/ Nứt ra một lõ hõm hòm hom/ Người quen cõi Phật chen chân xọc/ Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm” (Động Hương tích); “Mỏng dày chừng ấy chành ba góc/ Rộng hẹp dường nào, cắm một cây/ Càng nóng bao nhiêu thời càng mát/ Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày” (Cái quạt 1); “Cửa con đỏ loét tùm hum nóc/ Hòn đá xanh rì lún phú rêu/ Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc/ Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo/ Hiền nhân quân tử ai là chẳng/ Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo” (Đèo Ba Dội); “Trai đu gối hạc lom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng/ Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới/ Hai hàng chân ngọc duỗi song song” (Đánh đu)…
Một thời người ta đã bàn nhiều về thơ của bà, “Khi thì nói nàng tục mà không dâm/ Khi thì bảo nàng dâm mà không tục” (Hoàng Trung Thông trong bài thơ đã nhắc ở trên). May mắn là ngay cả ở những thời điểm tồn tại kiểu phê bình văn học thô thiển thì quan điểm “kết án” thơ Hồ Xuân Hương cũng không thắng thế. Vẫn Hoàng Trung Thông viết về thơ bà: “Đọc lên sang sảng/ Ai thẹn thì cúi đầu/ Ai thích thì nghĩ lâu/ Đó là nàng thơ của một thời một thuở/ Đó là thơ mà không ai không nhớ”. Và có lẽ nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã rất có lý khi ông thác lời nữ sĩ mà viết: “Tôi gần gũi với những khát khao không yên của con người hiện đại… Tôi là cái ham muốn muôn đời của con người, muốn được sống thật đầy tròn vẹn. Và cũng là cái ham muốn vượt lên trên mọi ràng buộc, không chịu khuất phục các quy phạm, muốn vứt bỏ hết mọi sự thiêng liêng đắp điếm giả tạo để tìm tới cái thiêng liêng chân chính của cuộc sống”.
Điều kỳ lạ là người thể hiện cái “ham muốn muôn đời” ấy lại là một phụ nữ (ở đây, lại bất chợt nhớ đến một nhân vật nữ trong chèo – Thị Màu, cũng là một ham muốn không giấu giếm, một sự vượt lên sự ràng buộc, phá bỏ quy phạm) và có thể nói công khai ở thời đại mà hầu hết các câu thơ của các tác giả viết ra làm cho người ta, nói như F. Engels, tưởng như “con người không có bộ phận sinh dục”. Đó là cái vĩ đại của Hồ Xuân Hương. Và điều đó đã khiến những nỗi khát khao của bà, của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, những khát khao của con người nói chung lồng trong những câu thơ độc đáo vang vọng tới chúng ta sau mấy trăm năm và sẽ còn ngân vang mãi.