Đọc bản tin đăng trên các báo:
Thành lập Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm, độc giả không khỏi giật mình. Giật mình bởi cụm từ lạ (theo kiểu “tàu lạ”): An điều dưỡng.
“An điều dưỡng” là gì? Dò khắp từ điển chẳng thấy từ này. Giỏi như anh “Gúc gồ” mà cũng chào thua.
Đành tách ra mà tìm hiểu vậy.
Trong trường hợp này, người ta đã cố gán ghép theo kiểu “nhà máy cao xà lá” hai từ an dưỡng và điều dưỡng thành “an điều dưỡng”.
Toàn cảnh trung tâm. Ảnh TTO
An dưỡng: Nghỉ ngơi và bồi dưỡng để lấy lại sức.
Điều dưỡng: Là sự bảo vệ, nâng cao, tối ưu về sức khoẻ và các khả năng; dự phòng bệnh và sang thương; xoa dịu nỗi đau qua chẩn đoán và điều trị đáp ứng con người; tăng cường chăm sóc các cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội (theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Từ này xuất hiện khi điều dưỡng được xem như là một nghề trong hệ thống y tế.
Tóm lại, an dưỡng hay điều dưỡng đều nhằm mục đích chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho con người.
Ai cũng hiểu điều đó, chỉ người đặt tên Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm là không hiểu.
Tàu ngầm thì bảo dưỡng chứ sao lại an dưỡng hay điều dưỡng?
Nhưng đọc kĩ bản tin, độc giả mới hay mình “bé cái nhầm”! Đối tượng được an dưỡng hay điều dưỡng ở đây không phải là tàu ngầm mà là thủy thủ của nó(!).
Ôi, chữ với nghĩa, tên với tuổi. Tương lai tiếng Việt sẽ ra sao khi người ta vẫn “vô tư” làm cho nó ngày càng bí hiểm(!) theo kiểu “cong mềm mại”?
Người Yêu Tiếng Việt