“Hối hận” – “hối” và “hận”
admin100
2022-09-14T16:45:00-04:00
2022-09-14T16:45:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/kho-tri-thuc/hoi-han-hoi-va-han-11619.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/source/thanh-ngu.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ tư - 14/09/2022 16:45
Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên):
-“HỐI HẬN tt. Cảm thấy đau lòng, ân hận khi nghĩ lại những lỗi lầm đã gây ra. Hối hận vì hành vi thiếu suy nghĩ của mình”.
Thực ra, hối hận 悔恨 là từ ghép đẳng lập gốc Hán [đồng đại]: hối 悔 nghĩa là ăn năn, hối tiếc (như Sống buông thả có lúc hối không kịp); hận 恨 nghĩa là giận oán, tiếc nuối (như Tôi hận anh suốt đời; Tôi chỉ hận là không về kịp để nhìn mặt cha lần cuối). Ta có thể dễ dàng đặt một câu văn mà trong đó, hối và hận đóng vai trò là những từ độc lập trong hành chức. Ví dụ: Ngày càng sa lầy ở Ukraine, giờ đây Putin có hối cũng đã muộn. Nhưng trải hơn 200 ngày tiến hành cuộc chiến xâm lược bẩn thỉu này, xem ra ông ta chẳng những không “hối”, mà còn đang “hận” vì không chiếm được Kiev trong vòng 72 giờ:
-Hán ngữ đại từ điển: “hối: 1 hối hận; hối tiếc; 2 hối lỗi; sửa lỗi.” [悔:1.悔恨; 後悔; 2.悔過; 改過]; “hận: 1 oán hận, coi là kẻ thù; 2 ân hận; hối tiếc.” [恨: 1.怨恨, 仇視: 2.失悔; 遺憾]; “hối hận: vì lỗi lầm mà tự thấy hận.” [悔恨: 懊悔].
-Từ điển Thanh Nghị: “hối • đt. Ăn năn <> Làm bậy mà không biết hối.”; “hận • dt. Oán giận <> Mang hận suốt đời”.
-Từ điển Hoàng Phê-Vietlex: “hối • 悔 đg. cảm thấy tiếc và băn khoăn, day dứt vì đã trót làm điều lầm lỗi. đã trót rồi có hối cũng không kịp ~ “Lúc nóng lên, làm bừa không nghĩ gì. Sau tha hồ mà hối.” (Đỗ Đức Thu). Đn: hối hận”; “hận恨 • 2 buồn day dứt vì đã không làm được như mong muốn. chỉ hận một điều là không về kịp ~ “Bộ Đông chu mất ở Hà Nội, không đem đi được. Thế mới sầu đời chứ! Hận quá.” (Nam Cao).
Như vậy, hối hận là từ ghép đẳng lập, không phải từ láy.
Tham khảo: Trong sách Hình thái học trong từ láy tiếng Việt, Phan Ngọc cho rằng, nhóm biên soạn Từ điển từ láy tiếng Việt xếp hối hận vào từ láy là không đúng, lý do “hai thanh điệu của hai âm tiết được xét không phải cùng bổng (có dấu sắc, không, hỏi)”.
Tôi cho rằng chứng lý này yếu. Bởi nói về từ láy, chính Phan Ngọc đã từng cho rằng “quy tắc nào cũng có ngoại lệ”. Theo đây, ta không thể xem hối hận là từ láy, bởi đơn giản đây là từ ghép đẳng lập, trong đó hối và hận đều là những từ độc lập trong hành chức.
Hoàng Tuấn Công/9/2022
(Trích “Phê bình khảo cứu Từ điển từ láy tiếng Việt” - bản thảo Viết lúc nông nhàn)