Nghệ sĩ Văn Cao ông là thiên tài hay vĩ nhân thời đại (1)

Chủ nhật - 10/07/2022 23:15
Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Việt Nam có nhiều thiên tài xuất hiện sớm, đặc biệt là Văn Cao xuất hiện khá sớm ở cả ba lĩnh vực: thơ ca, âm nhạc và hội họa.
 
Nhạc sĩ Văn Cao
Nhạc sĩ Văn Cao

LTS: Nhà báo Nghệ sĩ  Nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng có ý định xuất ản một cuốn sách với  tựa đề Tinh hoa Tỏa sáng đất trời Nam với 45 chân dung danh nhân đương thời bằng những mẩu chuyện, những bài viết và những ảnh chụp họ mà ông được biết, được tiếp xúc trong bốn chục năm qua. Đây chỉ là con số rất nhỏ trong hàng trăm, hàng ngàn nhân tài lớn của đất nước. Qua bài viết của ông, ta thấy rõ tấm lòng của ông, góc nhìn của ông về những người mà ông đã gặp, yêu quý và ngưỡng mộ. Thời báo Văn học nghệ thuật sẽ lần lượt giới thiệu các chân dung danh nhân dưới ngòi bút của tác giả với bạn đọc.

Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Việt Nam có nhiều thiên tài xuất hiện sớm, đặc biệt là Văn Cao xuất hiện khá sớm ở cả ba lĩnh vực: thơ ca, âm nhạc và hội họa.

Nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ Văn Cao. Ảnh Lê Quang Châu

Văn Cao sinh ngày 15/11/1923, viết tác phẩm âm nhạc “Buồn tàn thu” năm 1939 khi đang ở tuổi 16, làm bài thơ ‘Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” năm 1940 khi ở tuổi 17, có tác phẩm hội họa từ năm 1942, hai lần tham dự trong triển lãm Unique tại nhà Khai Trí Tiến Đức và tham dự triển lãm hội họa “Duy Nhất” năm 1944 khi 21 tuổi. Văn Cao viết “Tiến quân ca” (1944) chỉ một năm sau đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyển chọn và Đại hội Quốc Dân Đồng Bào công nhận là Quốc ca Việt Nam.

Năng khiếu “trời cho” đã đành nhưng còn được thừa hưởng thành quả của các tài năng sáng chói từ Haydn, Mozart, Beethoven (âm nhạc); Hegel (nhà triết học vĩ đại Đức), trong thơ như R.M.Relke, như Tagor (Ấn Độ); như Gaugain, VanGogh, như Picasso (hội họa)... và cuộc kháng chiến thần thánh thời đại Hồ Chí Minh ùa vào trong anh để rồi Văn Cao có một “Tiến quân ca”, “Làng tôi”, “Trường ca sông Lô” và “Tiến về Hà Nội” bất hủ - những tác phẩm âm nhạc sống mãi cùng năm tháng.

Ông Văn Cao lên Từ Sơn (Bắc Ninh) chấm tranh thiếu nhi và kể chuyện cụ Hồ chọn Quốc ca

Mùa hè năm 1978, ông Văn Cao lên Từ Sơn (Bắc Ninh) chấm tranh thiếu nhi và kể chuyện cụ Hồ chọn “Quốc ca”. Sự kiện này tôi đã viết in trên một số báo và tạp chí và in trong sách.

Nhạc sĩ Văn Cao và bài hát “Tiến quân ca”

Cuộc chọn tranh diễn ra một ngày. Buổi tối dành cho tiệc rượu. Ngoài nhạc sĩ Văn Cao còn có tôi, họa sĩ Vũ Kim Hàm và nhà nghiên cứu âm nhạc quan họ -nhạc sĩ Hồng Thao. Rượu “quốc lủi” làng Lã, xã Tân Hồng – Từ Sơn là ngon có tiếng và uống tại làng Phù Lưu, nhắm với lạc rang, ngô rang, thịt chó các món và nói chuyện hoàn toàn về âm nhạc.

Chớp thời cơ, tôi vào đề luôn:

- Bác Văn Cao sáng tác “Tiến quân ca” và trở thành “Quốc ca” vào thời điểm nào?

- Mình nhớ không nhầm thì vào khoảng đầu tháng 10 năm 1944.

Bài hát lúc đầu là “Tiến quân ca”, do nhà cách mạng Vũ Quý góp ý và khuyến khích viết cho Trường Quân – Chính kháng Nhật. Lời bài hát lúc đầu là “Đoàn quân Việt Minh đi chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước...”!

- Nhưng thưa bác, bài “Tiến quân ca” khi nào trở thành “Quốc ca”?

- Vào thời điểm đang diễn ra cuộc cách mạng Tháng Tám long trời lở đất.

Ông Văn Cao vẫn ngồi xếp chân bằng tròn trên chiếc chiếu cạp điều, tì tay lên trán. Bằng một giọng sôi nổi: “Ở chiến khu hôm ấy mình đang viết tổng phổ cho một bản nhạc mới thì được liên lạc báo tin lên gặp cụ Hồ Chí Minh. Thời đó thường gọi là cụ Hồ Chí Minh, nhưng hôm nay, khi kể với các bạn mình thay bằng tiếng Bác cho thân mật và dễ kể hơn”.

Trên đường đi mình với tâm trạng hồi hộp và tim đập rất mạnh. Đến nơi đã thấy có anh Nguyễn Đình Thi đang ngồi cạnh Bác. Tôi cúi đầu chào Bác. Bác cười vui và thân mật bảo:

- Hôm nay Bác cho gọi chú Thi và chú Văn Cao đến có một việc vô cùng hệ trọng: Giờ phút lịch sử thiêng liêng của đất nước đã sắp đến. Khi đất nước giành được độc lập, ắt phải có việc đặt tên nước, chọn Quốc ca, Quốc kỳ. Tên nước dĩ nhiên vẫn là Việt Nam rồi. Quốc kỳ dự kiến sẽ là cờ đỏ sao vàng năm cánh. Còn Quốc ca, quốc gia nào cũng phải có. Bác nhận thấy hai chú có những bài hát phù hợp, nét nhạc trầm hùng, lời có thể chọn làm quốc ca được. Hôm nay Bác cháu ta cùng sơ tuyển nhé. Chỉ được quyền sơ tuyển thôi.

Được Bác cho phép tôi lần lượt trình bày cả hai bài. Bài thứ nhất là “Chiến sĩ Việt Nam”. Bài thứ hai là “Tiến quân ca”.

Ông Văn Cao vừa nói và đôi bàn tay làm điệu bộ. Ông dùng đôi mắt để chinh phục người nghe. Ông hát: “Bao chiến....sĩ anh hùng... Lạnh lùng vung gươm ra sa trường...Ngựa phi nơi xa kìa nghe tiếng vang bên trời rộn ràng...”. Đôi bàn tay ông Văn Cao vung lên dồn dập như đang phi ngựa. Miệng gầm lên: “Pầm, pầm, pầm...pà...ầ...m!”.

Ông tự hòa âm phối khí bằng miệng rồi tiếp. Bác chăm chú lắng nghe tôi hát và tay Bác cũng dập dềnh đánh nhịp. Bác gật gù tán thưởng như để khuyến khích và nói: “Chú trình bày tiếp bài thứ hai đi”. Tôi “vâng” rồi hát tiếp bài “Tiến quân ca’. Bác chờ tôi trình bày xong bài thứ hai. Bác nói tiếp: Bây giờ đến lượt chú Thi. Anh Nguyễn Đình Thi trình bày bài “Diệt phát xít” của mình và trình bày thêm bài “Du kích ca” của Đỗ Nhuận.

Sau giây phút cân nhắc, Bác hỏi:

- Ý hai chú nên chọn bài nào?

Ông Nguyễn Đình Thi cười. Tôi trả lời ngay:

- Thưa Bác, cháu chỉ biết sáng tác. Tuyển chọn tác phẩm nào là quyền tối cao của Bác. Bác thay mặt cho đất nước và quốc dân đồng bào để quyết định ạ.

- Hai chú có ý nhường thì Bác xin nhận. Bác nói đại ý: Theo Bác, cả bốn bài đều có nét nhạc trầm hùng, khỏe khoắn, mang được hơi thở và vận khí của đất nước. Nhưng đây là giai đoạn cuộc kháng chiến và Cách mạng đã sắp đến hồi kết thúc thắng lợi. Thời gian rất khẩn trương, đừng để đồng bào phải đứng lâu khi chào cờ, hát quốc ca. Do đó, Bác cân nhắc và quyết định lấy bài “Tiến quân ca” làm “Quốc ca”. Từ giờ phút này mới chỉ có Bác cháu ta biết, cần phải tuyệt đối giữ bí mật đấy! Sắp tới, ngày 16/8/1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang) Đại hội quốc dân đồng bào họp, Bác sẽ tiến cử bài “Tiến quân ca” làm quốc ca. Cờ đỏ sao vàng năm cánh làm quốc kỳ để Đại hội thông qua.

Từ giờ phút được gặp Bác, tôi sống trong tâm trạng sung sướng, mong đợi và hồi hộp. Tôi tiếp tục trở về với nhiệm vụ của “Chiến sĩ thành Hoàng Diệu” có nhiệm vụ in ấn tài liệu tuyên truyền, tiễu trừ Việt gian phản động làm tay sai cho Nhật – Pháp, bảo vệ chính quyền cách mạng. Trong khi làm nhiệm vụ, họ không biết tôi là ai. Họ chỉ nghe tiếng và kháo nhau: Văn Cao rất giỏi và gan dạ. Bắn súng bằng cả hai tay, kể cả khi đang chạy. Thoắt ẩn thoắt hiện, nhanh như một con sóc rừng, “làm thịt” kẻ gian cứ như không. Nhiều người dân ở Hà Nội và Hải Phòng thời ấy đều biết tiếng.

Đặt chén rượu xuống chiếu, ông Văn Cao cười khà khà. Đấy chỉ là lời đồn nhưng cũng đến tai Văn Cao đấy!

Chập tối ngày 16/8, anh em tổ công tác đặc biệt đến loan tin cho biết: Ngày 17/8/1945, tại Quảng trường Nhà hát lớn thành phố sẽ diễn ra cuộc biểu tình lớn. Tôi đang nghỉ ốm, bàn giao vũ khí cho tổ công tác, nhưng nghe tin ấy thì dẫu ốm cũng mặc! Tôi quyết định cuốc bộ ra Quảng trường thì chợt nhìn trên bao lơn Nhà hát Lớn hiện ra lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, thật vĩ đại, to khủng khiếp, từ từ hạ xuống đoàn người biểu tình trong tiếng hoan hô từng đợt, từng đợt. Bài “Quốc ca" được cử hành thật trang nghiêm, hùng tráng. Tôi khóc trong niềm vui và hạnh phúc quá lớn, quá bất ngờ! Tôi khóc trong giờ phút thiêng liêng ấy.

Trước mắt chúng tôi, lúc này ông Văn Cao vẫn đang khóc, khóc thật sự như một đứa trẻ.

Văn Cao khóc ở Hà Nội – Văn Cao khóc  bên trời tây

Sinh thời, nhà văn lớn Nguyên Hồng thường hay khóc, đã có nhiều người biết đến. Vui khóc, buồn cũng khóc. Thấy ai khổ thì thương rồi cũng khóc ngay được, đó là người nghệ sĩ có đôi mắt tinh tường, bộ óc suy nghĩ nhanh, trái tim nhạy cảm, sớm phát hiện và đưa ra quyết định: Phải khóc mởi hả, mới sẻ chia được! Văn Cao cũng không ngoại lệ.

Năm 1951, tại Đại hội liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới tổ chức ở Berlin, Cộng hòa Dân chủ Đức, Văn Cao có bài hát “Làng tôi” được Ban tổ chức tuyển chọn đi dự thi và được giải. Văn Cao được cấp Bằng khen bài “Làng tôi” cùng với bài “Chiều Mát-xcơ-va” của tác giả Nga. Bài hát ấy sau này cũng trở nên nổi tiếng thế giới.

Năm 1982, ông Văn Cao được Hội Nhạc sĩ Đức mời sang thăm và nghỉ dưỡng. Cùng đi còn có nhạc sĩ Đàm Linh người chỉ huy dàn nhạc trẻ và tài năng, kém ông 9 tuổi. Thời gian nghỉ dưỡng là hai tháng.

Trong chuyến đi này, nhạc sĩ Văn Cao không sáng tác nhạc mà dành thời gian để ông ký họa một loạt chân dung các nhạc sĩ nổi tiếng của Đức mà ông đã gặp. Ông vẽ bằng đủ các thể loại, thủ pháp từ tả thực đến ấn tượng, siêu thực rồi cả hiện đại nữa. Các bức ký họa của Văn Cao đều thể hiện một phong cách riêng, rất phóng khoáng và tùy hứng của tác giả, bằng cách nhìn chủ quan và khách quan của mình mà thể hiện, xen lẫn những ký ức mà ông vận dụng khi đặt bút vẽ.

Các bạn nhạc sĩ Đức rất ngưỡng mộ nhạc sĩ “Quốc ca” Văn Cao, họa sĩ Văn Cao “xuất thần” khi thể hiện; nhất là lúc các bạn Đức quan sát thấy ông “múa bút” khi đang uống rượu tới độ giữa tỉnh và say, lúc ấy mới thăng hoa, phát lộ ra một Văn Cao – nghệ sĩ đa tài.

Trần Đương là nhà văn, dịch giả kiêm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú nhiều năm ở Đức, có lần đến thăm ngôi nhà này và vẫn còn thấy một loạt ký họa chân dung của Văn Cao vẽ, được lưu giữ trong tủ kính rất trang trọng. Hồi trẻ, Trần Đương học ở Đức, anh còn chứng kiến cô giáo chủ nhiệm đích thân dịch bài hát “Làng tôi” của Văn Cao ra lời hát bằng tiếng Đức và dạy hát cho học sinh Việt Nam. Trần Đương đã có lần kể cho tác giả Văn Cao nghe, ông rất cảm động.

Sau gần hai tháng, sắp hết thời gian nghỉ dưỡng, Hội Nhạc sĩ Đức bố trí cho Văn Cao và Đàm Linh đến thăm một thành phố nghệ thuật cổ kính – Thành phố Dresden, thăm dòng sông Elbe đã đi vào thơ ca, hội họa và âm nhạc, thăm nhà thờ lớn và Bảo tàng nghệ thuật ở Dresden.

Đoàn xuống xe, đang đứng ngắm dòng sông nổi tiếng – sông Elbe. Bất thần, từ phía nhà thờ lớn và cổ kính vang lên giai điệu bài hát “Làng tôi” của Văn Cao, do ban nhạc nhà thờ hòa tấu. Xúc động đột ngột và hết sức ngỡ ngàng, ông hỏi các bạn Đức và được trả lời: Bài hát này được nhà thờ thành phố Desden thường xuyên sử dụng để khai lễ đã từ lâu. Ông Văn Cao khóc. Nước mắt trào ra bên khóe mắt.

Sau khi các bạn nhạc sĩ Đức biết bài “Làng tôi” là một kiệt tác âm nhạc của Văn Cao đã viết ở Việt Nam, bên một dòng sông quê hương từ năm 1948, khi ấy nhạc sĩ Văn Cao mới 25 tuổi. Họ tròn xoe mắt thán phục Văn Cao xuất hiện tài năng âm nhạc từ rất sớm nhưng họ chưa biết rằng Văn Cao viết tác phẩm âm nhạc “Buồn tàn thu” rất nổi tiếng khi mới 16 tuổi. Các bạn Đức lại càng chăm chú lắng nghe bản nhạc “Làng tôi” vẫn đang được cử hành. Còn Văn Cao thì chìm trong xúc động.

Hôm nay, ở nơi xứ sở xa xôi này, được nghe giai điệu “Làng tôi” phát ra từ bên trời Tây, từ nhà thờ lớn soi bóng bên dòng sông Elbe. Ông Văn Cao khe khẽ thốt lên: “Ôi, âm nhạc linh thiêng, âm nhạc không biên giới, âm nhạc chắp cánh bay cao, bay xa tới mọi xứ sở, chân trời!”.

Văn Cao khóc trong bài “Quốc ca” Việt Nam ở Hà Nội - Văn Cao lại khóc bên trời Tây, bên dòng sông Elbe, bên thành phố nghệ thuật cổ kính trên nước Đức – nơi sinh ra Mozart, sinh ra thiên tài âm nhạc Beethoven và nhiều danh nhân khác.

Từ “Trường ca sông Lô”…

Tháng 10/2007, tròn 60 năm chiến dịch Thu - Đông 1947 quân ta đại thắng. Đoàn nhiếp ảnh Hồng Hà lên sáng tác ở Tuyên Quang, Hà Giang và Cao Bằng... Khi trở về qua một khúc sông Lô, đoàn dừng xe, mỗi người đi một ngả. Tôi dừng lại hồi lâu ở một khúc sông uốn lượn. Cuối thu, trời se lạnh. Nắng trải vàng mỏng và gió hiu hiu thổi nhưng vẫn không xóa được bóng hình mờ ảo của đoàn thuyền đánh cá đang nghỉ ngơi, đậu theo một bố cục dích dắc tự nhiên rất đẹp.

Tôi dựng máy, ngắm và bấm cố định hình ảnh khúc sông Lô với “khúc ca thanh bình” ấy để kính tặng cố nhạc sĩ thiên tài Văn Cao. Bấm máy xong, tội lặng người đi. Một ký ức năm xưa hiện về: 60 năm trước trên con sông này từng nổi sóng cuồn cuộn. Nước như sôi lên sùng sục bởi sự giãy giụa, quẫy đạp của những tàu chiến Pháp bị pháo binh Việt Minh hạ sát. Hàng trăm sĩ quan và binh lính Pháp chết phơi thây, máu đỏ lòm cả dòng sông thanh bình ấy, kết liễu luôn cả cái mộng xâm lăng, dám chủ động đem đại quân tung lưới bủa vây hòng tiêu diệt căn cứ đầu não của cách mạng Việt Nam.

Chiến dịch Thu - Đông 1947 quân ta đại thắng. Để ghi lại chiến công vang lừng ấy, hàng chục các nhà văn nhà báo, họa sĩ, phóng viên nhiếp ảnh, các nhạc sĩ danh tiếng được đưa lên mặt trận. Nhạc sĩ Văn Cao cũng nằm trong số văn nghệ sĩ “át chủ bài” ấy. Cả gia đình, vợ chồng con cái gồng gánh lên đường, nhập với đoàn người buôn muối, trà trộn đi qua đồn địch để lên Phú Thọ.

Ổn định xong chỗ ở cho gia đình, Văn Cao xin được đi thị sát trận chiến sông Lô đang còn phơi xác giặc. Anh đã chủ động tìm gặp đồng chí Doãn Tuế - người chỉ huy pháo binh cực kỳ gan dạ. Với chiến thuật “Đặt gần bắn thẳng”, anh đã chỉ huy đơn vị tiếp cận, trận đầu đã bắn cháy hai tàu chiến, bắn bị thương thêm hai chiếc khác. Hàng trăm sĩ quan và binh lính phơi xác, máu đỏ lòm trên dòng sông Lô oai hùng. Nhân dân quanh vùng chiến sự hết sức khâm phục, đặt cho Doãn Tuế danh hiệu là “Ông Voi gầm”.

Được tin nhạc sĩ trẻ Văn Cao đến gặp, Doãn Tuế rất vui và ngưỡng mộ một tài năng lớn đến với mình và trực tiếp đưa Văn Cao đi dọc đôi bờ sông Lô, nơi chiến sự mới xảy ra. Những vạt lau đổ rạp, gẫy nát, còn loang lổ và ám mùi khói lửa. Xác giặc vẫn còn nổi lềnh bềnh trôi, nhưng nhân dân ở những xóm làng ven sông bị giặc Pháp đốt cháy trụi cả nhà cửa nhưng nét mặt họ vẫn hoan hỉ vui mừng chiến thắng, cùng nhau hối hả trở về dựng lại nhà cửa và nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Văn Cao tranh thủ cùng tham gia đánh cá với đồng bào trên sông quanh vùng vừa có chiến sự để tư duy tưởng tượng ra cái âm hưởng của chiến công. Tiếng tàu chiến hú vang, đoàn tàu giặc phăm phăm xé nước cưỡi sóng. Tiếng “Voi gầm” ầm vang của súng Ba-dô-ka bắn thẳng. Đoàn tàu giặc tan xác tung lên bốc cháy. Tiếng kêu hoảng hốt của kẻ chưa kịp chết thét đến thê thảm. Cảnh xác giặc tung lên trước khi rơi xuống mặt sông, máu loang đỏ lòm. Bên cảnh tượng quân Pháp đốt cháy xóm làng hai bên bờ sông, khói vẫn còn âm ỉ. Cảnh người già bị bắn chết, phụ nữ bị hãm hiếp, trẻ em bị chúng quăng vào đống lửa hoặc quẳng xuống dòng nước sông Lô và cảnh quân Pháp thua trận đã rút chạy. Cảnh nhân dân hân hoan đón bộ đội về làng mừng chiến thắng. Cảnh những đoàn thuyền đánh cá đang tung lưới, sóng nước vỗ ì oạp bên mạn thuyền. Cảnh đỏ lửa trên sông, họ đang chuẩn bị cho bữa ăn tối và tiếng hò khoan nhặt tan trong gió thoảng đêm thu... để rồi lời ca du dương trầm bổng mênh mông tha thiết của “Trường ca sông Lô” cất lên.

“Trường ca sông Lô” tức thì được dàn dựng, dưới sự chỉ huy hòa âm phối khí của nhạc khí kèn đồng oai nghiêm hùng vĩ. Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên đã làm sống dậy chiến công trong “Trường ca sông Lô” oai hùng và bất hủ.

Bộ đội ngồi nghe cùng dậm dật chân tay đánh nhịp và khi trường ca kết thúc, họ đã đứng dậy hoan hô và vây quanh Văn Cao – chàng thanh niên mới 24 tuổi đời. Họ đã công kênh Văn Cao như một người anh hùng vì anh đã nói lên những gì trong họ.

Văn Cao muôn năm! – Văn Cao vinh quang!

Văn Cao tuyệt vời! Và hôm nay họ tung hô Văn Cao vĩ đại!

Oai hùng thay Trường ca sông Lô!


 ....Đến “Tiến về Hà Nội”

“Tiến về Hà Nội” như trong tiểu sử của tác giả thì được viết năm 1947. Có tài liệu lại nói viết năm 1948 và chính thức ra mắt năm 1949, nhưng điều chắc chắn là được viết sau thành công vang dội của “Trường ca Sông Lô” bất hủ; do sự khuyến khích của Tướng Lê Quang Đạo, đúng như trong hồi ký của Văn Cao.

Bài “Tiến về Hà Nội” không cánh mà bay. Bộ đội hát, dân công hát. Nhân dân Nam Bắc đều hát theo nhịp hành khúc “Tiến về Hà Nội”. Bài hát “bay” cả vào nhà tù đế quốc. Tù nhân hát. Họ hát như xé toang lồng ngực. Họ hy vọng một ngày không xa sẽ cùng quân dân tiến về Hà Nội: “Trùng trùng quân đi như sóng...”!

Không hiểu sao tự nhiên có dư luận tung lên, sặc mùi đố kỵ, rằng: Bài hát ra đời năm 1949 khi đất nước đang còn trong giai đoạn cam go mà đã lạc quan tếu! Đã hò hét nhau tiến về Hà Nội. Họ tự cho mình cái quyền được “dạy bảo” và quy chụp vô lối, sặc mùi đánh hôi và cơ hội. Văn Cao khi ấy tuy còn trẻ nhưng rất bình tâm và nghe ngóng không phản ứng và cũng không thanh minh. Đến ngày 10/10/1954, cả Hà Nội một khí thế bừng lên: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về / Chúng ta đi reo vui, lúc quân thù đầu hàng / Cờ ngày nào tung bay trên phố!...”.

Những gì diễn ra sáng ngày 10/10/1954, cờ và hoa cùng hàng vạn người vui sướng đến rơi nước mắt. Khi chúng ta được xem những trường đoạn phim của nhà quay phim Liên Xô nổi tiếng Các – Men mới thấy đúng như Văn Cao mô tả cách đây đã 5 năm. Chưa cần nghe nhạc, chỉ đọc phần lời bài hát đã thấy tài năng trong tư duy tưởng tượng của Văn Cao là siêu phàm, rằng: “Năm cửa Ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa xuống cành nở năm cánh đào/ Chảy dòng sương sớm long lanh”... Tác giả chưa cần viết nhạc, chỉ riêng phần lời nhưng đã có văn, có thơ, có nhạc, có họa mà cũng có cả phần tử tung tin lạc quan tếu! Thử hỏi rằng tác giả Văn Cao không phiền lòng sao được?

Tháng 9/1986, nhà văn Tô Hoài cử tôi đến gặp nhạc sĩ Văn Cao để đặt ông viết bài dưới dạng hồi ký khi sáng tác bài “Tiến về Hà Nội” để kịp in trên Tuần báo Văn Nghệ Người Hà Nội số ra ngày 10/10/1986 – Thời kỳ mở đầu cho công cuộc đổi mới đất nước.

Lúc đầu ông do dự và tâm sự. Tôi hiểu, bởi cái án vô hình “Nhân văn giai phẩm” vẫn treo lơ lửng trên đầu ông, lại còn bị tiếng “lạc quan tếu” nữa chứ! Ông không nói ra nhưng tôi cũng đủ hiểu và ông cũng chỉ do dự thôi: “Mình không viết ra thì sau này ai biết đâu cái suy nghĩ của thằng nghệ sĩ trước những sự kiện trọng đại của đất nước, của dân tộc khi đưa vào tác phẩm nó khó khăn, lao tâm khổ tứ, nó đòi hỏi đến tài năng, sự tiên cảm nghệ sĩ là thế nào?...”

Khi sáng tác “Tiến quân ca” và “Tiến về Hà Nội” tôi đều có linh tính, cảm nhận, đón bắt sự kiện, tưởng tượng để hoàn thành tác phẩm trước khi sự kiện lịch sử sẽ đến với nó. Xin độc giả hãy đọc đôi dòng của bác Văn sẽ rõ. Thời kỳ này vẫn phải ký tên tác giả chỉ là “Văn” mà không có chữ “Cao”:

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 1986. Anh Hoàng Kim Đáng thân mến!

Giữ đúng lời hứa với anh, tôi đã viết xong bài hồi ký kỷ niệm ngày tôi viết “Tiến về Hà Nội”. Chiều hôm qua tôi chờ mãi mà không thấy anh tới, chắc vì trời mưa. Hôm nay tôi nhờ cháu Hòa mang tới để anh kịp in vào số báo ngày 10/10/1986 tới. Nếu như chữ nghĩa còn trúc trắc hoặc câu văn chưa gọn, anh có thể sửa vài chữ cũng không sao. Tình hình thông qua ban lãnh đạo Tòa báo như thế nào thì mong anh cho biết sớm nhé. Nhờ anh đánh máy quá cho tôi xin một bản và tôi xin lại bản viết tay nhé. Chúc anh khỏe và vui. Thân mến! Văn Cao.


Trong bức thư này ông mới ký tên đủ hai chữ Văn Cao, còn trong tác phẩm in trên báo vẫn chỉ ký chữ “Văn” mà thôi. Bài này Tòa soạn ký đủ tên tác giả là Văn Cao hẳn hoi để bạn đọc biết đến tác giả “Tiến về Hà Nội” còn khỏe cả về tinh thần, trí tuệ và cả thân thể nữa.

Hôm tôi đến gửi bác Văn Cao bản đánh máy và bản viết tay, ông rất vui mời tôi chén rượu và nói chậm rãi:

- Anh đặt tôi viết thì xin cảm ơn. Dù in hay không in vẫn là của tôi. Tôi nhận lời viết và đáp lại cái tình mà anh có nhã ý đến với tôi. Không biết thời điểm này Tô Hoài, ông chủ bản báo của anh đã chịu in cho tôi chưa?

Tôi liền trả lời ngay:

- Thưa chính bác Tô Hoài cử Đáng đến gặp bác để đặt bài viết đấy ạ!

- Thế hả! Văn Cao sẽ chờ bài đó ra mắt đúng ngày 10/10/1986. Xin chúc mừng và cạn chén!

(còn nữa)
Hoàng Kim Đáng (TB.VHNT)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập135
  • Hôm nay41,537
  • Tháng hiện tại223,815
  • Tổng lượt truy cập60,107,622
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây