Về một số câu tục ngữ "chưa rõ nghĩa" (Kỳ 4)

Thứ năm - 18/08/2022 09:28
Trong Từ điển tục ngữ Việt (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh - 2010) có một số câu Nguyễn Đức Dương thu thập, nhưng xếp vào diện “chưa rõ nghĩa”. Cách làm này thể hiện sự thận trọng, và cũng có cái hay là lưu ý cho độc giả và các nhà nghiên cứu về những vấn đề còn bỏ ngỏ.
Sau đây chúng tôi xin đưa ra cách giải thích về những câu “chưa rõ nghĩa” này (phần gạch đầu dòng sau số mục, đặt trong ngoặc kép là nguyên văn của Từ điển tục ngữ Việt).

(Tiếp theo kỳ 3)
 
14-“Đừng khinh cây cỏ, đừng bỏ bòng bong Chưa rõ nghĩa”.

Trong Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà Dược học Đỗ Tất Lợi cho biết: “Trong nhân dân dùng thòng bong sắc uống làm thông tiểu tiện, chữa đi tiểu khó khăn, đái buốt, đau. Còn dùng làm thuốc lợi sữa […] còn dùng ngoài, không kể liều lượng, giã nát đắp các vết thương vết loét ecpet loang vòng (mụn rộp loang vòng)”.

Tục ngữ có câu “Thuốc Nam đánh giặc, thuốc Bắc lấy tiền”. Thật vậy. Cây cỏ xung quanh ta đều là những vị thuốc quý, chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Ngay như cây bòng bong/thòng bong hoang dại, mang phận “cỏ nội hoa hèn” cũng không nên xem thường, vứt bỏ nó.

15-“Gà người gáy gà nhà ta sáng Chưa rõ nghĩa”.

Khi gà gáy sang canh, ban đầu một con trong xóm cất tiếng, tức thì hàng loạt con khác cất tiếng gáy theo. Chữ “sáng” trong “gà nhà ta sáng” có nghĩa là nhận biết, thức tỉnh. Dường như con gà nhà người gáy, đã đánh thức gà nhà ta gáy theo. Tục ngữ Mường cũng có câu gần nghĩa: “Gà nhà người gáy sáng mường nhà ta” (Kha cỏ cằn bứng máng, tràng bứng mếnh). Như vậy, ý dân gian muốn nói: những cái hay, cái đẹp thường có tác động tốt đến kẻ bên cạnh, kiểu Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng vậy.

15-“Giàu về bạn; sang về vợ Chưa rõ nghĩa”.

17-“Giàu vì bạn, sang vì vợ Chưa rõ nghĩa”.

Hai dị bản này đề cao vai trò của bạn bè, người vợ trong gia đình: bạn bè tốt có thể giúp đỡ nhau trong công việc làm ăn; vợ đảm đang, chăm chút gia đình, khôn khéo trong giao tiếp khiến chồng mát mặt. Chữ “vì” ở đây nghĩa là bởi, bởi vì.

18-“Hà tiện cùng Bụt thí phát[?] cùng ma Chưa rõ nghĩa”.

“Thí phát” là gì? Thí 施 có nghĩa đem tiền của cứu giúp người; phát 發 cũng có nghĩa là lấy tiền của giúp người (cùng nghĩa với thí 施 trong bố thí 布施; phát 發 trong phát chẩn 發賬). Thí phát 施發 hay phát phóng 發放 có nghĩa là phân phát tiền gạo cứu giúp người. Tục ngữ hàm ý chê: với người tốt (bụt) thì keo kiệt, tính toán chi ly; với kẻ ma mãnh, quỷ quyệt lại phóng tay làm phúc. Đó là một lối ăn ở, ứng xử ngược đời vẫn thường thấy trong xã hội.

19-“Họ nhà khoai không ngứa cũng lăn tăn Chưa rõ nghĩa”.

“Họ nhà khoai” ở đây không phải khoai lang (thuộc họ Bìm bìm), mà chỉ các giống khoai thuộc họ Ráy (Araceae) như khoai ngứa, khoai ăn tàu, khoai môn, khoai sọ, dọc mùng,… Trong đó, loại khoai ngứa, ráy dại… chuyên dùng để chăn nuôi lợn. Các loại khoai không ngứa như khoai ăn tàu, dọc mùng,… được thu hái thân (tàu) làm rau ăn; còn khoai môn, khoai sọ…thì lấy củ. Dù gọi là “không ngứa”, nhưng trong thực tế, các loại khoai làm thực phẩm này vẫn có chút “lăn tăn”, tức hơi gợi cảm giác kích ứng da hay miệng lưỡi tí chút khi ăn.

Họ nhà khoai không ngứa cũng lăn tăn, ý nói: Cùng dòng giống, bản chất không tốt, thì dù ít hay nhiều cũng mang đặc trưng của dòng giống ấy (hàm ý chê). Lưu ý, cùng một lối triết lý, so sánh, nhưng câu Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, lại hàm ý khen: Con nhà dòng dõi thì ít nhiều cũng kế thừa được những cái tốt đẹp của cha ông.

20-“Khoai lang nóng bàng [?] là chín Chưa rõ nghĩa”.

“Bàng”, hay phẳn (tiếng Thanh Hoá) ở đây có nghĩa là vung, nắp xoong. “Chưa nóng bàng” (lối nói ngoa dụ của dân gian) hàm ý: khoai lang luộc rất mau chín. Cách nói ngoa dụ này tương tự câu Gạo mùa treo chái chùa cũng chín, ý nói gạo mùa cho cơm mềm, dễ nấu tới mức chỉ cần treo ở đầu chái chùa, nhờ sức nóng của hương khói cũng đủ chín.

21-“Lúa trổ mâm xôi [?] đầy nồi chồng vợ Chưa rõ nghĩa”.

Có thành ngữ Đầy như mâm xôi. “Lúa trổ mâm xôi” có nghĩa lúa tốt, bông to, trổ thoát đồng đều. Cả ruộng lúa đồng loạt đơm bông và phơi màu ngồn ngộn, trông đầy lên như mâm xôi, là báo hiệu được mùa, ấm no hạnh phúc (“đầy nồi chồng vợ”). Đây là kinh nghiệm của nông dân khi đi thăm đồng. Quan sát lúa thời kỳ trổ bông, người ta có thể dự đoán, đánh giá khá chính xác năng suất lúa khi thu hoạch.

 22-“Mẹ cú  con tiên; mẹ hiền con xục xạc[?] Chưa rõ nghĩa”.

Thực ra, Mẹ cú con tiên; mẹ hiền con xục xạc(sic), chính là dị bản của câu Cha mẹ cú đẻ con tiên, mà chính Nguyễn Đức Dương đã thu thập và giải thích là: “Cha mẹ đều là lũ cú (xấu xí) nhưng con cái sinh ra lại xinh đẹp như tiên đồng. Hay dùng để chỉ rõ sự hơn hẳn của con cái so với cha mẹ nhờ vào hồng phúc của tổ tiên”.

Ở mục Cha mẹ cú đẻ con tiên chúng tôi có góp ý như sau:

“Thực ra đây chỉ là nhận xét về một hiện tượng xảy ra trong thực tế: có trường hợp “cha mẹ” vốn xấu xí, hèn kém, nhưng lại sinh ra được những đứa con thông minh, sáng sủa, do kết hợp được gen tốt của cha mẹ. Thế nên tục ngữ Tày cũng có câu nhận xét tương tự: “Mẻ cày rủc, lủc nàng tiên - Mẹ xấu như con cóc, đứa con lại đẹp như nàng tiên”. Việc soạn giả lý giải thêm nguyên nhân là “nhờ vào hồng phúc của tổ tiên”, một mặt trở nên thừa, mặt khác lại thiếu cơ sở khoa học.

Đến câu Mẹ cú  con tiên; mẹ hiền con xục xạc, có lẽ do không hiểu “xục xạc” là gì, nên Nguyễn Đức Dương xếp vào diện “chưa rõ nghĩa”.

Thực ra viết đúng là sục sạc, chứ không phải “xục xạc”. Phương ngữ Thanh Hoá sục sạc có nghĩa là kẻ phá phách, hỗn láo (ví dụ: Nghịch như sục sạc!). Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) giảng sục sạc là “thô-lỗ, không lễ-phép: Đồ sục-sạc”.

Như vậy, trái ngược với hiện tượng Mẹ cú đẻ con tiên (Cha mẹ xấu xí đẻ con xinh đẹp), là Mẹ hiền con sục sạc (Cha mẹ hiền từ đẻ con nghịch ngợm, hỗn láo).

(còn tiếp)

Hoàng Tuấn Công (trích bản thảo “Viết lúc nông nhàn” sắp xuất bản)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập164
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm162
  • Hôm nay41,537
  • Tháng hiện tại225,688
  • Tổng lượt truy cập60,109,495
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây