“Sự cố” có phải là "một từ vô nghĩa"?

Thứ ba - 29/11/2022 15:25
“Những từ dùng sai trong tiếng Việt” là bài viết có rất nhiều sai sót, thậm chí là “tuyên truyền nhảm”, nhưng lại được không ít người tâm đắc, đăng tải, chia sẻ rộng rãi trên mạng trong nhiều năm qua. Không rõ bài viết của ai, chỉ thấy người ta ghi là “sưu tầm”.
Còn sưu tầm ở đâu thì không thấy ghi rõ. Theo tìm hiểu của tôi, thì bài viết này từng được đăng trên trang của nhà văn Triệu Xuân (trieuxuan.vn) vào “Thứ sáu, 02:20 Ngày 17/01/2014”, phần cuối bài ghi “Đỗ Duy Ngọc soạn theo tư liệu trên internet”, với lời chú “tác giả gửi w.w.w trieuxuan.info”.

Như vậy, có thể tạm xác định tác giả bài viết có tên là Đỗ Duy Ngọc (ĐDN).

Bẵng đi một thời gian, một người có tên tuổi trong giới nghiên cứu (TS. TĐAS) tiếp tục “copy, hiệu chỉnh, và dán lên FB”, với lời giới thiệu “CÓ THỂ HỮU ÍCH CHO MẤY NGƯỜI MẦN NGHỀ VIẾT LÁCH”. Lạ lùng thay, chia sẻ của TS. TĐAS lập tức nhận được rất nhiều ý kiến tâm đắc với hàng trăm lượt chia sẻ!

Xin dẫn chứng và đính chính một số mục tiêu biểu:

Tại mục  “5-Dùng từ vô nghĩa” tác giả ĐDN, “phê bình” như sau:

“* SỰ CỐ: Lại một từ vô nghĩa nữa nhưng đang được dùng một cách rộng rãi để chỉ một sự rắc rối vừa mới xảy ra. Trong tiếng Hán - Việt có từ kép “cố sự” (故事) có nghĩa là “chuyện cũ”, chứ làm gì có từ “sự cố”. Cái nghĩa mà hiện nay người ta gán cho từ vô nghĩa đó thực là lạ lùng, không thể chấp nhận được.”(hết trích).

         Dĩ nhiên, kết luận trên đây hoàn toàn sai.

Hán ngữ đại từ điển (La Trúc Phong chủ biên - Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã – 1993) thu thập và giảng nghĩa từ “sự cố” 事故 (trích dẫn 3 nghĩa có liên quan) như sau:

1. Sự việc, vấn đề [sự tình, vấn đề-事情,問題].(*)

2. Biến cố [biến cố-變故].

3. Nay dùng để gọi những tổn thất hoặc tai hoạ xảy ra ngoài ý muốn [kim dụng dĩ xưng ý ngoại đích tổn thất hoặc tai hoạ-今用以稱意外的損失或災禍].

Nghĩa 3 của “sự cố” ghi trong Hán ngữ đại từ điển được hiểu tương tự trong tiếng Việt: “hiện tượng bất thường và không hay xảy ra trong một quá trình hoạt động nào đó” (Từ điển tiếng Việt - Hoàng Phê-Vietlex).

Có lẽ do không hiểu nghĩa yếu tố cấu tạo từ (cố-cũ + sự-chuyện = cố sự = chuyện cũ; nay đảo lại thành sự-chuyện + cố-cũ = sự cố = vô nghĩa), nên tác giả ĐDN mới phán “sự cố” là một từ vô nghĩa chăng?

Thực ra, tuy có cùng tự hình là 故, nhưng cố 故 trong cố sự 故事 có nghĩa = cũ; còn cố 故 trong sự cố 事故 lại có nghĩa là điều không may xảy ra.

Về mặt cấu tạo từ, nếu như cố sự 故事 (chuyện cũ; điển cố) là từ ghép chính phụ, thì sự cố 事故 lại là ghép đẳng lập: SỰ có nghĩa là biến cố, sự cố; mà CỐ cũng có nghĩa là sự cố, biến cố.

Hán ngữ đại từ điển giảng nghĩa của sự và cố như sau:

-SỰ 9. biến cố; sự cố [biến cố; sự cố - 變故; 事故]

-CỐ 4. biến cố không may hoặc ngoài ý muốn [ý ngoại hoặc bất hạnh đích sự biến - 意外或不幸的事變].

Vì SỰ có nghĩa là sự cố, nên khi ta nói hữu sự (hay có chuyện, có việc), là ý chỉ có sự/việc lôi thôi rắc rối xảy ra. Từ điển Hoàng Phê-Vietlex: “hữu sự • 有事 t. [cũ] có việc, có biến cố xảy ra. “(…) mình sinh sống ở cái làng này từ tấm bé (…) gặp phải cái lúc hữu sự như thế này mình lại đâm đầu bỏ đi còn ra thế nào nữa.” (Kim Lân).

Như vậy, ta có thể đi đến kết luận: Từ sự cố 事故 có cả trong tiếng Hán lẫn tiếng Việt, với nghĩa rất rõ ràng và hoàn toàn không có gì sai. Theo đây, lời tác giả ĐDN “Cái nghĩa mà hiện nay người ta gán cho từ vô nghĩa đó thực là lạ lùng, không thể chấp nhận được”, xin được sửa lại thành: “Điều mà tác giả ĐDN cho rằng SỰ CỐ LÀ MỘT TỪ VÔ NGHĨA thực là lạ lùng, không thể chấp nhận được”!

6/2021
Hoàng Tuấn Công
(Theo tuancongthuphong.blogspot.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập206
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm191
  • Hôm nay28,364
  • Tháng hiện tại461,906
  • Tổng lượt truy cập60,345,713
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây