Năm Dần với các nhân vật & sự kiện lịch sử của cách mạng Việt Nam

Thứ bảy - 29/01/2022 08:30
Bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc có biết bao dấu mốc quan trọng diễn ra trong các năm Dần (tính theo lịch âm), góp phần dệt nên những trang vàng chói lọi trong truyền thống hào hùng của đất nước.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Do khuôn khổ bài báo, tác giả bài viết chỉ có thể phác qua những nét cơ bản về các nhân vật và sự kiện tiêu biểu gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua.

Năm Canh Dần, 1890

Chủ tịch Hồ Chí Minh chào đời ngày 19-5 ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà nho yêu nước.

Ngày 3-6-1911, Người ra nước ngoài, làm nhiều nghề, tham gia cuộc vận động cách mạng của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình.

Ngày 28-1-1941, sau 30 năm bôn ba khắp thế giới đi tìm con đường cứu nước, Hồ Chí Minh trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Người là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và thế giới.

Năm Nhâm Dần, 1902

Tổng bí thư Lê Hồng Phong sinh ngày 6 tháng 9 tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Ông là một trong những lãnh tụ cách mạng tiền bối xuất sắc của Đảng.

Tháng 3 năm 1935, tại Đại hội I của Đảng ở Ma Cao (Trung Quốc), ông được bầu làm Tổng Bí thư. Tháng 7 năm 1935, ông dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Moskva, được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.

Ngày 22 tháng 6 năm 1939, ông bị mật thám Pháp bắt lần thứ nhất tại Sài Gòn, bị kết án 6 tháng tù và trục xuất về quê Nghệ An.

Ngày 6 tháng 2 năm 1940, ông bị bắt lần thứ hai, bị kết án 5 năm tù và đày đi Côn Đảo.

Ngày 6 tháng 9 năm 1942, ông qua đời tại nhà tù Côn Đảo đúng vào sinh nhật lần thứ 40 của mình.

Năm Nhâm Dần, 1902

Nhà hoạt động cách mạng Phan Đăng Lưu sinh ngày 5-5-1902 tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Ông tham gia Hội Phục Việt (sau đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng). Ngày 15-12-1928, sang Trung Quốc để liên lạc với Tổng bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Cuối năm 1929 ông bị giặc Pháp bắt, kết án 3 năm tù khổ sai, đày đi Buôn Ma Thuột. Tại đây, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1936 ông được trả tự do và tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1938 ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương.

Tháng 11/1940, sau khi tham dự Hội nghị Trung ương 7 tại Đình Bảng (Bắc Ninh), ông trở lại miền Nam để hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, theo quyết định của Trung ương. Tối 22-11-1940, do có chỉ điểm nên ngay sau khi vừa đặt chân đến Sài Gòn, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình. Ngày 26-8-1941, ông bị chúng xử bắn tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, Gia Định.

Năm Giáp Dần, 1914

Người cộng sản trẻ tuổi Lý Tự Trọng sinh ngày 20 tháng 10 năm 1914, tại làng Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom - Thái Lan; quê gốc ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 1923, Lý Tự Trọng được đưa sang Trung Quốc học tập, và hoạt động trong Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí. Năm 1926, ông về nước, làm liên lạc cho Xứ ủy Nam Kỳ.

Ngày 9 tháng 2 năm 1931, trong buổi mít tinh kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Le Grand để bảo vệ diễn giả Phan Bôi đang diễn thuyết tại quảng trường Lareni, Sài Gòn. Tuy nhiên, sau đó ông đã bị bắt và bị kết án tử hình ngày 20 tháng 11 năm 1931 khi mới 17 tuổi.

Năm Bính Dần, 1926. Chí sĩ Phan Chu Trinh qua đời

Phan Chu Trinh là nhà chí sỹ yêu nước nổi tiếng đầu thế kỷ XX. Ông sinh ngày 9 tháng 9 năm 1872, người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam.

Ngày 24 tháng 3 năm 1926, ông qua đời tại Sài Gòn.

Bất chấp sự ngăn cản của chính quyền thực dân, phong trào làm lễ truy điệu Phan Châu Trinh được tổ chức rộng rãi ở khắp ba kỳ. Đám tang của ông trở thành một sự kiện chính trị nổi bật, là cuộc biểu dương lòng ái quốc vĩ đại của nhân dân – “một sự thức tỉnh trong toàn quốc” (Hồ Chí Minh, 1983, tập 3, tr. 20) - vì khát vọng giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, lầm than.

Năm Canh Dần, 1950. Chiến thắng Biên giới

Chiến dịch Biên giới Thu đông 1950 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng kiêm chính ủy mặt trận, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng kiêm Tham mưu trưởng chiến dịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trực tiếp tham gia công tác chỉ đạo và tham mưu. Ngày 13/9/1950, Người đến Đông Khê, trực tiếp theo dõi trận đánh mở màn của quân ta.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước phát triển vượt bậc về trình độ tác chiến tập trung của quân đội ta, làm thay đổi cục diện chiến tranh, khai thông biên giới Việt – Trung, đưa cuộc kháng chiến của quân và dân ta bước sang giai đoạn chủ động tiến công và phản công, buộc thực dân Pháp phải chuyển dần vào thế phòng ngự bị động.

Năm Giáp Dần 1974: Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Ngày 19-1 năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa là không thể chối cãi. Nó đã được khẳng định qua các thời kỳ lịch sử của nhà nước phong kiến Việt Nam. Chúng ta có rất nhiều tư liệu, thư tịch cổ, di sản văn hoá vật thể và phi vật thể từ xa xưa ở trong và ngoài nước minh chứng cho sự xác lập chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Hoàng Sa mãi mãi là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Năm Bính Dần, 1986. Đại hội Đảng lần thứ VI chính thức phát động công cuộc Đổi mới

Đại hội Đảng lần thứ VI, từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 12-1986, chính thức đề ra đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

35 năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của đất nước về mọi mặt chính trị, kinh tế, đời sống xã hội đã chứng minh đường lối đổi mới của Đảng là hết sức đúng đắn.

Đánh giá về vị thế của đất nước trong bối cảnh hiện tại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Nguyễn Duy Xuân (sưu tầm & biên soạn)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
22/12
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM
80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP
QĐND VIỆT NAM
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập243
  • Hôm nay40,651
  • Tháng hiện tại320,264
  • Tổng lượt truy cập62,390,917
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây