Trong bài viết: “Sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1không chỉ riêng bộ Cánh Diều” tác giả Xuân Dương đã “nhặt sạn” như sau (trích):
-“Trong tiếng Việt, các cụm từ “hạt lúa” và “hạt thóc” đôi khi được dùng với ý nghĩa tương tự, tuy nhiên thực tế cũng có sự phân biệt, khi chưa gặt, khi hạt còn gắn trên “bông lúa” thì gọi là “hạt lúa”, khi bị tuốt khỏi bông thì hạt đó gọi là “hạt thóc”.
Áp dụng vào ngữ cảnh bài “Gà mẹ chăm con” thì sử dụng từ “hạt lúa” là không phù hợp bởi liên quan đến câu: “Khi hết lúa, gà mẹ gọi con ra khóm chuối ở cuối vườn”.
“Lúa” là loại cây trồng, không phải hạt, nói “hết lúa” không có nghĩa là “hết thóc”, vì thế ngữ liệu bài viết không phù hợp về khoa học, “lúa” không phải thứ mà đàn gà tìm kiếm bởi trâu bò có thể ăn “lúa” chứ gà thì không.
Nếu bài viết được sửa: “… Ở đó có nhiều hạt thóc còn sót lại” thì câu văn phía dưới: “Khi hết thóc … ” sẽ không gặp vấn đề về “sạn”.(hết trích).
Có một số điều cần trao đổi với tác giả Xuân Dương như sau:
1-Lúa và thóc là hai từ đồng nghĩa:
Hàng chục cuốn từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay đã dùng “lúa” để định nghĩa cho “thóc” như sau:
-Từ điển Hoàng Phê (bản Vietlex): “thóc • d. hạt LÚA còn nguyên cả vỏ trấu”.
-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “thóc • dt.Hột LÚA”.
-Việt Nam tự điển (Khai trí): “thóc • Hột LÚA còn nguyên vỏ”.
V.V…
Theo đây, “LÚA”, “HẠT LÚA” là cách gọi khác của “THÓC”, “HẠT THÓC”, và không có bất cứ lưu ý nào về việc phải còn ở trên bông mới được gọi là “hạt lúa”.
2-Hạt “lúa” cũng không phải là phương ngữ:
Lúa với nghĩa là thóc được sử dụng ở cả ba miền, và xuất hiện rất nhiều trong văn chương, thơ ca, bất kể lúa còn trên bông, hay đã thành hạt rời:
-Bài hát thiếu nhi Hạt lúa vàng.
-Em yêu hạt lúa vàng.
-Bài Đóng nhanh lúa tốt, cùng trong một bài, chỗ dùng “thóc”, chỗ dùng “lúa”:
3-“Thóc lúa” là từ chỉ chung thóc hay lúa.
Gọi “lúa đầy bồ” hay “thóc đầy bồ” , “xay lúa” hay “xay thóc”, “cối xay lúa” hay “cối xay thóc”, với nghĩa chỉ hạt lúa đã rời bông, đều không sai (Tục ngữ: “Xay lúa thì khỏi ẵm em”).
4-Gà có ăn lúa ngoài đồng không?
Ngay như khi còn là “bông lúa” chín, thì gà vẫn kéo cả đàn ra đồng "ăn lúa” như trâu bò. Cái khác trâu bò là khi ăn, chúng…trừ rơm rạ lại.
Điều thú vị là người Thanh Hoá gọi thường gọi thóc là “lúa”: “hạt lúa củ khoai”; “chum khoai bồ lúa”; “xay lúa giã gạo”; “hết lúa”; “đong lúa”…Nhưng, nếu hạt lúa còn sót lại trong gạo, thì lại gọi là “hạt thóc”, chứ không phải “hạt lúa”; và người ta gọi là “nhặt thóc” chứ không phải “nhặt lúa”, "gạo lẫn thóc" chứ không phải "gạo lẫn lúa"…Hoặc nói “Thóc đâu mà đãi gà rừng” chứ không nói “Lúa đâu mà đãi gà rừng”; "Một tiền gà ba tiền thóc", chứ không nói “Một tiền gà ba tiền lúa”...
Như vậy, gà vẫn có thể “ăn lúa” như ...”ăn thóc”, và “lúa” chính là “thóc” chứ không phải “sạn”!
Hoàng Tuấn Công/10/2020
(Lưu ý: Bài viết này chỉ đơn thuần nói chuyện chữ nghĩa, không liên quan đến lợi ích của bất kì nhóm biên soạn sách giáo khoa nào).
Theo Blog tác tác giả