“Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng vợ lẻ, lặng lẻ … vào thời LM de Rhodes và những hệ luỵ” (phần 38)

Chủ nhật - 15/01/2023 07:39
Phần này bàn về cách dùng đặc biệt "vợ lẻ" từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Cụm danh từ này - cũng như một nhóm từ vựng liên hệ như vợ chính, chính thê, vợ cả, vợ lớn, thiếp, vợ bé, vợ mọn - vợ nhỏ phản ánh truyền thống đa thê của các nước Á Châu từ xa xưa.
Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Không phải ngẫu nhiên mà các giáo sĩ đều ghi nhận quan sát cá nhân và nhận xét của mình về truyền thống này khi sang Á Đông, chỉ ra một cách biệt rất lớn giữa các văn hoá Á Đông và Đạo Thiên Chúa vào TK 17. Ngoài ra, đây cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến việc cấm đạo tại các nước này, nhất là ở VN. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức). Các bản Nôm của LM Maiorica là ĐCGS (Đức Chúa Giê Su), KNLMPS (Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh), CTTr (bộ Các Thánh Truyện), MACC (Mùa Ăn Chay Cả), TCTM (Thiên Chúa Thánh Mẫu), TCTGKM (Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông) …v.v…Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).  
Để hiểu rõ hơn chủ đề bài viết này, ta hãy lượt qua bối cảnh truyền đạo vào đầu TK 17. Nóng hổi từ kết quả của Công Đồng Trentô  (1545-1563, viết tắt là CĐT), các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông cảm nhận ngay sự khác biệt giữa chế độ hôn nhân của các xã hội bản địa: không có sự chứng nhận của giới chức ‘thẩm quyền’ trong đám cưới (td. phải có mặt người đại diện CG như linh mục theo CĐT) hay hai người chứng (CĐT), và không được lấy hơn một người vợ và không được ly dị khi người phối ngẫu còn sống (tính bất khả phân ly/CĐT). Trung thành với giáo huấn từ CĐT, Dòng Tên (Jesuits) đã thành lập từ năm 1540 (Inhaxiô nhà Loyola/Ignatius of Loyola), bắt đầu có những hoạt động nổi bật  trong công cuộc truyền đạo 'rất nhiệt thành' ngay từ thời đầu tiên. Dòng Tên tổ chức rất quy củ và đã gởi các giáo sĩ đến Việt Nam như Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes, Girolamo Maiorica ...v.v... Nên nhắc ở đây là Công Đồng Trentô tái khẳng định bí tích hôn nhân , một trong 7 bí tích (sacrement): Rửa Tội, Thêm Sức, Mình Thánh Chúa, Giải Tội, Xức Dầu Thánh, Truyền Chức Thánh, và Hôn Phối.
1. Chế độ nhiều vợ (đa thê) ở VN
1.1 Một trong những điều dễ nhận ra khi các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo là chế độ nhiều vợ trong xã hội. Một trong những giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong là LM Cristoforo Borri (1583-1632), xuất thân là một nhà khoa học tự nhiên , cho nên các nhân xét của ông rất đáng chú ý. Một trong những tài liệu ông viết là "Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina" (222 trang bằng tiếng Ý) xuất bản vào năm 1631 (La Mã), sau đó được dịch ra tiếng Pháp, Đức, Hà Lan, La Tinh và Anh - xem hình chụp bản dịch tiếng Pháp ở trang dưới. LM Borri đã ghi nhận tục đa thê trong chương VI Phần Một trang 79, trích một đoạn liên hệ (tạm dịch/NCT)"... mặc dù những người giàu có thì truyền thống có nhiều thê thiếp để cho thấy đẳng cấp  của họ, nếu không như vậy thì họ bị cho là hà tiện. Những bà vợ này được gọi là vợ thứ hai, thứ ba, thứ tư tuỳ theo thứ tự của mỗi người - họ đều phải phục tùng người vợ cả - mà theo chúng tôi người vợ cả là người vợ thật đã chọn các bà vợ mọn theo sở thích của chồng mình ...". Không những có các phần viết về tục đa thê như trên, LM Borri còn dành cả một chương sau (chương V Phần Hai trang 151-173) viết về đời sống gia đình và hệ quả khi có một vợ một chồng (theo CG), cho thấy nhiều áp lực đè nặng lên một vị quan lớn: td. ông vừa nói vừa rơi nước mắt "... Làm thế nào mà các bà lại vào đạo CG, các bà muốn bỏ tôi chăng? Sao các bà không biết rằng theo lời giảng của LM đạo CG thì cấm không cho nhiều vợ? Hoặc các bà tìm nơi mới sống hay các bà ở lại đây thì tôi tìm nhà khác để ở..." trích một đoạn từ trang 162 (sđd, tạm dịch/NCT).
LM Marini trong cuốn "Histoire nouvelle et curieuse des royaumes de Tunquin et de Lao" (sđd) dành 19 trang viết về việc cưới hỏi ở An Nam (từ trang 152 đến trang 170). Hình dưới chụp một đoạn từ trang 157 kể chuyện các giáo sĩ giải thích lợi ích của "một vợ một chồng" cho dân khi muốn vào đạo, các bất lợi của chế độ đa thê ... Ông còn ước tính vua Lê có khoảng 500 tới 600 cung phi.
    Một đoạn từ trang 157 (Marini, sđd)
Tài liệu in ra của LM Marini bằng tiếng Pháp (hình chụp bên trên) cho thấy lỗi chính tả như monogamie thì in sai thành monigamie (chế độ đơn phối ngẫu/một vợ một chồng). Điều này cho thấy khả năng in sai, ngay cả trong tiếng Âu Châu, dẫn đến khả năng thợ in sai dấu hỏi và ngã của tiếng Việt trong các tài liệu Tây phuơng thời kì manh nha của chữ quốc ngữ.
 
Trang đầu và trang 79 bản tường thuật của LM Cristoforo Borri (bản dịch ra tiếng Pháp năm 1631 của LM Antoine de la Croix cùng Dòng Tên).
1.2 LM de Rhodes cũng nhắc đến sự giao cấu (đi lại về xác thịt/trai gái ~ giao cảm) thì chỉ có giữa vợ và chồng (hay một vợ một chồng), tuy không nói trực tiếp đến chế độ đa thê trong xã hôi, nhưng ông khuyên là "không nên lấy bạn  khác" như đoạn này trích từ phần cuối trang 299 Phép Giảng Tám Ngày "f Giái thứ ſáu thì cấm mọi viẹc tà dâm, khi chảng phải viẹc ngay, tlao᷄ một bợ một chào᷄ : g vì chưng khi đức Chúa blời định viẹc ếy, cho người ta được con cái, mà nuei nấng cho nên, h viẹc ếy thì khá, khi có du᷄̀ cho được con cái chính, mà thôi : i viẹc naò tà dâm làm ra con cái naò chảng được, thì càng lỗy. k mà ſự giao cảm cho ngay, thì phải có một bợ một chào᷄, l cho nên khi bạn còn ſóu᷄, ai là ai chảng nên lếy bạn khác : m vì ꞗệy đạo thánh đức Chúa blời cấm, dầu lếy nhều ꞗợ, dầu rảy bọ mình, n vì chưng đầu hết chảng có thói ếy, như miệng thánh đức Chúa Ieſu đã dĕạy chúng tôi : o vì chưng đức Chúa blời đầu hết tlao cho ou᷄ Adam, có một bà Eua, làm bạn, p mà ou᷄ Adam ở cu᷄̀ bà ếy, cho đến chết, là chín tlam ba mươi năm".
Trong "Dòng Máu Anh Hùng" trang 86-87 (sđd) kể lại chuyện các bà vuơng phi lo cho số phận của mình không còn chỗ dựa nếu chỉ có ‘một vợ một chồng’. Một bà đã sai một quan đến cảnh báo cha Đắc Lộ: “Hỡi các Tây Giang Đạo Trưởng, sao các ngươi lại đến giảng trong nước ta một đạo lý trái với tục đa thê trong nước ta? Các ngươi chỉ cho phép thần dân của ta được có một vợ một chồng khi mà ta muốn có thêm nhiều tôi trung. Từ nay, cấm các ngươi không được truyền bá đạo sai trái ấy nữa. Nếu bất tuân lệnh ta, thì các ngươi phải biết rằng mất đầu thì cái chân không thể đứng vững được, nghĩa là ta sẽ trừ diệt nguyên nhân sâu xa ra khỏi nước ta” (hết trích). Chính các sự than phiền từ vương phi như trên đã góp phần vào lệnh cấm đạo đầu tiên ở Đàng Ngoài (thời Trịnh Tráng, 1629).
Ngoài các ghi chép từ LM Borri hay de Rhodes, cũng có vài bản tường thuật đề cập đến chế độ đa thê như từ LM Dòng Tên Francisco Cardim (1646), khi ông kể về cuộc tranh luận giữa một giáo dân và một nhà Nho lương dân trước mặt quan trấn thủ ở Đàng Trong "Quan trấn thủ nhìn nhận sự thật và rất mực quý trọng đạo ta, nhưng ông không theo vì ông chưa giải quyết được việc riêng của ông là có số rất đông vợ mọn, nhưng ông để cho bà vợ chính  thành Kitô hữu nếu bà muốn và thực ra bà đã tin theo đạo ta và chúng tôi hi vọng chồng bà cũng theo cách thức của bà trở lại đạo" (hết trích từ trang 108 Tường Trình Về Đàng Trong, bản dịch của Hồng Nhuệ, sđd).
Chính vì chế độ nhiều vợ - nhất là từ các quan chức đương thời - mà các giáo sĩ đã phải ‘làm quen’ với một nhóm danh từ liên hệ, phản ánh qua tự điển VBL và PGTN. Để ý là không những là một truyền thống xã hội lâu đời, chế độ đa thê/đa thiếp (nhiều vợ) còn được pháp luật chấp nhận (td. bộ luật Hồng Đức chẳng hạn). Đây là một cấu trúc xã hội bản địa mà các thừa sai cần phải nắm vững để quá trình truyền đạo dễ dàng và hữu hiệu hơn phần nào.
2. Nhóm từ liên hệ đến vợ
    VBL trang 70
     VBL trang 753
 VBL/406 VBL/765
Tự điển VBL và PGTN cho thấy các cách dùng chỉ đẳng cấp trong chế độ đa thê: vợ cả , vợ thật, vợ chính, chính thê (4 cách gọi vợ chính) so với vợ lẻ, vợ mọn, nàng hầu, thiếp, phi, bá (thiếp của vị quan đứng đầu hay trấn thủ), vợ sau, bà sang (tên gọi thiếp của một vi vua đã chết) (8 cách gọi vợ thứ). Thật là thú vị khi số danh từ chỉ vợ lẽ bằng hai lần số danh từ chỉ vợ chính theo VBL, phản ánh phần nào thực trạng xã hội vào TK 17. Đây là không kể hai từ HV phu (chồng, VBL trang 603) và phụ (vợ, VBL trang 606). Sau này, LM Béhaine (Đàng Trong, 1772/1773) còn thêm vợ gạnh (vợ lẽ), sau đó còn thấy các dạng vợ thiếp (vợ lẽ), vợ thứ, vợ bé, vợ nhỏ, vợ đầu, vợ trước, vợ lớn, bà nhỏ, phòng nhì ...v.v... Để ý là có sự lẫn lộn dấu hỏi và dấu ngã của lẻ và lẽ (vợ lẻ - vợ lẽ) đã hiện diện ngay từ thời VBL, tuy nhiên với nét nghĩa lẻ là ít (parum tiếng La Tinh) hay nhỏ, bé, mọn khác với lớn/cả/chính thì giải thích được các cách dùng như vợ mọn, vợ thiếp, vợ (bà) bé, vợ nhỏ (có lúc gọi là vợ nhí/NCT). Vợ lẽ (lẽ dấu ngã) như dạng thường dùng bây giờ không có phù hợp với hoàn cảnh như đã trình bày ở trên (lẽ dấu hỏi), phần sau sẽ tìm hiểu thêm các khả năng vợ lẻ (lẻ dấu hỏi) lại trở thành vợ lẽ (lẽ dấu ngã). Mẫu số chung cho các từ trên là vợ. Thành ra ta nên xem lại chữ vợ (tiếng Mường Bi  là bỡ) và khả năng liên hệ đến chữ phụ HV.
2.1 Chữ phụ 婦 (thanh mẫu tịnh 並 vận mẫu vưu 尤 thượng thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
房九切 phòng cửu thiết (TVGT, ĐV)
符九切 phù cửu thiết (NT, TTTH)
房久切 phòng cửu thiết (QV)
扶缶切 phù phữu thiết (TV, LT, VH)
TNAV ghi vận bộ 魚模 ngư mô (khứ thanh)
CV ghi cùng vần/thượng thanh 阜 婦 負 萯 偩 (phụ)
CV ghi cùng vần/khứ thanh 附 坿 駙 鮒 祔 柎 胕 賻 父 跗 婦 負 萯 偩 (phụ)
房缶切,音阜 phòng phữu thiết, âm phụ (CV, TVi)
防父切,音附 phòng phụ thiết, âm phụ (CV)
房父切,音附 phòng phụ thiết, âm phụ (TVi)
符遇切,音附 phù ngộ thiết, âm phụ (CTT)
芳尾切,音斐 phương vĩ thiết, âm phỉ (KH)
音斐 âm phỉ (CTT) ...v.v...
Giọng BK bây giờ là fù so với giọng Quảng Đông fu5 và các giọng Mân Nam 客家话:[陆丰腔] fu5 [梅县腔] fu5 fu3 [东莞腔] fu5 [客语拼音字汇] bu1 fu4 [宝安腔] fu3 [客英字典] fu5 [台湾四县腔] fu5 [沙头角腔] fu5 [海陆丰腔] fu6 fu5, giọng Mân Nam/Đài Loan hu7, tiếng Nhật fu và tiếng Hàn pwu. Một dạng âm cổ phục nguyên của phụ là *biəu. Để ý các dạng chữ Nôm cổ dùng âm bị 備 hay 备 để chỉ vợ, phù hợp với khả năng biến âm b > v (phân bua ~ phân vua, bổ ~ vá ...). So sánh các tương quan b - v sau đây:
phân bua - phân vua
bổ 補 - vá
bộ 步 - vã (đi bộ)
bộ 捕 - vồ
bố 布 - vải
bả 播 - vãi (gieo)
bổn 本 - vốn
bái 拜 - vái
bích 壁 - vách
Hay tương quan đồng đại bằm - vằm, bốc - vốc ...v.v…
Tiếng Mường (Bi) vẫn còn bảo lưu phần nào phụ âm đầu b- như bua (~ vua), bai (~ vai), bải (~ vái), biết (~ viết), bừa (~ vừa), bỡi (~ với), bỗi (~ vội), bớ (~ vỡ) ...v.v...
Giáp cốt văn cho thấy chữ phụ là loại chữ hội ý , gồm có chữ (bộ) nữ 女 và hình khắc cái chổi quét nhà, hàm ý công việc của phụ nữ trong gia đình phong kiến ngày xưa, mở rộng nghĩa chỉ người con gái đã có gia đình (có chồng) - xem lịch sử của chữ phụ bên dưới. Để ý trong Giáp cốt văn, chữ trửu 帚 (cái chổi) có lúc dùng thay cho phụ.
Shang
Western Zhou
Shuowen Jiezi (compiled in Han)
Liushutong (compiled in Ming)

Oracle bone script
Giáp cốt văn
    Bronze inscriptions  
Chung đỉnh văn    Small seal script
Tiểu triện    Transcribed ancient scripts
Chữ triện cổ < Lục thư thông thời Minh
               
Lịch sử cấu tạo chữ phụ (vợ) cho thất phần nào thành kiến về phái nữ đã hiện diện từ lâu đời ở Trung Quốc, so với khuynh hướng trọng nam khinh nữ trong xã hội phong kiến Á Đông. VBL cũng ghi một từ chỉ vợ là thê (mục thê, trang 753) và thiếp (vợ mọn, vợ lẻ - VBL trang 765), hãy xem lại cấu trúc các chữ này theo dòng thời gian cho thấy rõ hơn các mối quan hệ xã hội truyền thống.
2.2 Chữ thê 妻 (thanh mẫu thanh 清 vận mẫu tề 齊 bình/khứ thanh, khai khẩu tứ đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
七稽切 thất kê thiết (TVGT, QV)
千兮切 thiên hề thiết (NT, TTTH)
千西切,音凄 thiên tê/tây thiết, âm thê (TV, VH, LT, CV, TVi)
千咨切,恣平聲 thiên tư thiết, tứ bình thanh (TV)
七計切,音砌 thất kế thiết, âm thế (QV, TV, LT, CV, KH)
TNAV ghi vận bộ 齊微 tề vi (dương bình/khứ thanh)
CV ghi cùng vần/bình thanh 妻 雌 萋 淒 凄 悽 霋 緀 (thê thư)
CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 切 砌 墄 𥉻 妻 (*thiết thế) …v.v…
Giọng BK bây iờ là qī qì (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông cai1 cai3 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] ci1 [台湾四县腔] ci1 ci5 [客英字典] ci1 [客语拼音字汇] qi1 [沙头角腔] ci1 [东莞腔] ci1 [宝安腔] ci1 [陆丰腔] ci1 [海陆丰腔] ci1 ci5 潮州话:ci1, tiếng Nhật sai sei và tiếng Hàn cheo.
Thê HV chỉ người vợ một cách tổng quát, khác với thiếp HV là nàng hầu, vợ lẽ. Theo TVGT thì chữ thê gồm chữ nữ và hai chữ triệt 屮 và hựu 又 ở trên Chữ hựu tượng hình, chỉ bàn tay của người phụ nữ, đang cầm chổi để quét nhà (hàm ý chức phận của người đàn bà trong gia đình, cũng giống cấu trúc chữ phụ đã viết bên trên). Một cách giải thích khác là một bàn tay nắm tóc  (hay chải tóc) người phụ nữ hay bắt lấy về làm vợ. Một dạng cổ của chữ thê là chữ nữ ở dưới chữ tiếu 肖, chữ tiếu cũng có nghĩa là cổ hay quý 貴 (giá cao): hàm ý phải mất một giá cao khi lấy vợ (so với nạp tiền cheo cho làng xã bên nhà gái).
Historical forms of the character 妻
Western Zhou
Shuowen Jiezi (compiled in Han)
Liushutong (compiled in Ming)

Bronze inscriptions
Chung đỉnh văn    Small seal script
Tiểu triện < thời Hán    Transcribed ancient scripts
Chữ triện cổ < Lục thư thông thời Minh
          
2.3 Chữ thiếp 妾 (thanh mẫu 清 thanh, vận mẫu 葉 diệp, nhập thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
七接切 thất tiếp thiết (TVGT, NT, QV, TV, VH, LT, TTTH, LTCN 六書正譌, CV, TVi)
TNAV ghi vận bộ 車遮 xa già (入聲作上聲 nhập thanh tắc thượng thanh)
CV ghi cùng vần/nhập thanh 妾 唼 緁 (thiếp xiệp)
七業切 thất nghiệp thiết (CTT) ...v.v...
Giọng BK bây giờ là qiè (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông cip3 và các giọng Mân Nam 客家话:[沙头角腔] ciap7 [台湾四县腔] ciap7 [梅县腔] ciap7 [海陆丰腔] ciap7 [客英字典] ciap7 [宝安腔] ciap7 [客语拼音字汇] qiab5 [东莞腔] ciap7 [陆丰腔] ziap7, tiếng Nhật là shō và tiếng Hàn cheop.
Nghĩa gốc của thiếp là người con gái có tội và là người giúp việc/nàng hầu (thường bị xăm vào người dấu nô lệ). Giáp cốt văn cho thấy chữ thiếp gồm có chữ nữ và chữ khiên 䇂 (chữ cổ không còn dùng nữa, hiện diện trong TVGT nghĩa là tội) hàm ý tội phạm người nữ. Sau này nét nghĩa nữ phạm nhân mở rộng để chỉ nô tì, vợ lẽ ...
Historical forms of the character 妾
Shang
Western Zhou
Shuowen Jiezi (compiled in Han)
Liushutong (compiled in Ming)

Oracle bone script
Giáp cốt văn
    Bronze inscriptions
Chung đỉnh văn    Small seal script
Tiểu triện < thời Hán    Transcribed ancient scripts
Chữ triện cổ < Lục thư thông thời Minh
               
3. Vợ lẻ

Cách dùng vợ lẻ xuất hiện trong mục lẻ (VBL trang 406): lẻ  là parum (tiếng La Tinh) nghĩa là ít, nhỏ, chút và giải thích cách dùng tiền lẻ là tiền nhỏ (ít, dư ra từ một số tiền lớn) như một trăm và năm thì năm gọi là tiền lẻ. Một cách dùng khác là lặng lẻ (VBL trang 406) tương đương với cách dùng ít đều (ít điều) cũng cho thấy nét nghĩa ít (nhỏ, không nhiều - không lớn) của lẻ. Thành ra không ngạc nhiên khi vợ lẻ cũng được ghi vào cùng một đoạn với tiền lẻ, lặng lẻ: vợ lẻ hàm ý không phải là vợ cả (vợ lớn) mà chỉ là vợ thứ - (vợ, bà) nhỏ, (vợ) bé, (vợ) mọn - tất cả các tính từ lẻ, mọn, bé, nhỏ đều cùng một nét nghĩa . Một dữ kiện cần lưu ý ở đây là vào thời VBL cũng có khả năng lẫn lộn vợ lẻ (lẻ dấu hỏi) và vợ lẽ (lẽ dấu ngã) như trang 765 mục thiếp (ghi thiếp = vợ mọn, vợ lẽ) - không thấy mục sửa lỗi chính tả của VBL ghi về sự nhầm lẫn này. Tuy nhiên vào thời VBL, người Việt đã có thể phân biệt thanh hỏi và ngã (trong 6 thanh điệu ngang, sắc, ngã, huyền, nặng, hỏi), td. VBL trang 529 ghi cửa ngỏ (là cửa mở) so với cửa ngõ (là cửa phía ngoài/trước nhà) và cho một cách nói đáng để ý "để chẻnh ngỏ chẳng bưng" (nghĩa là để cái chĩnh mở mà không đóng lại/NCT: chẻnh/chỉnh  ~ chĩnh, chẳng ~ không, bưng ~ đóng). Xem hình một cái chĩnh so với cái cong bên dưới (tự điển Vallot):
 Vallot (1898, sđd)
Tuy nhiên, mục cửa (VBL trang 138) lại có sự lẫn lộn thanh hỏi và ngã: "cửa ngõ" lại in thành "cửa ngỏ"! Xem cách dùng dấu hỏi và ngã cho các dạng chỉnh - chĩnh: chỉnh xuất hiện trước (VBL), sau này (td. Béhaine 1772/1773) mới ghi các dạng chỉnh 整 (tề chỉnh, tu chỉnh) khác với chĩnh 埕 (trình HV). Như vậy là có quan hệ gì giữa khuynh hướng biến đổi vợ lẻ (lẻ dấu hỏi thời VBL) thành vợ lẽ (lẽ dấu ngã trong tiếng Việt hiện đại), chỉnh (dấu hỏi thời VBL) thành chĩnh (dấu ngã trong tiếng Việt hiện đại)?
     
Lẫn lộn hỏi ngã trong VBL: vui vể - vui vẽ
 
Lẫn lộn hỏi ngã trong VBL: ông bà ông vải - ông bà ông vãi.

3.1 Tóm tắt các cách dùng dấu hỏi và ngã trong VBL
Khảo sát một nhóm gồm 395 từ dùng dấu hỏi và ngã trong VBL thì có
a) 70 từ phân biệt hỏi/ngã như ngỏ - ngõ, lẻ - lẽ (mlẽ, nhẽ), mở - mỡ, nhủ - nhũ, nhản - nhãn, nổi - nỗi, chử - chữ, sải - sãi, vẻ - vẽ, bảo - bão, cổ - cỗ, sẻ - sẽ, bể - bễ, mủ - mũ, hỉ - hĩ ….Sự phân biệt hỏi ngã của các từ này vẫn còn hiện diện trong tiếng Việt hiện đại.
b) 291 trong 395 từ khảo sát chỉ dùng dấu hỏi chứ không dùng dấu ngã: td. chỉnh, lỉnh, vả, kẻ, đỉ, nghỉ, dưởng, dả, đẻ, bải, bổn, ảnh, đải, đỏ, kẻm, hổn, hủ, giả, ghẻ, gả, mỉn, mảy, phẩu, quỉ, rẩy, vỉ, vửa, trủng ... Số từ dùng thanh hỏi trong số từ khảo sát là 361/395 = 91.4%.
c) 34 trong 395 từ khảo sát chỉ dùng dấu ngã chứ không dùng dấu hỏi: td. những, lễ, hữu (hỡu), giữ, dỗ, vỗ, quãng, rưỡi, thĩ, xã, thễ ...
Như vậy số từ dùng dấu ngã trong 395 từ khảo sát bên trên (VBL) là 104 hay 104/395 = 26.5%. Theo GS Hoàng Phê ("Dấu hỏi hay dấu ngã" Trung tâm tự điển học, tháng 1 năm 1996) thì trong 1270 âm tiết tiếng Việt với dấu hỏi hoặc với dấu ngã, trong đó có 793 âm tiết (chiếm 62%) viết dấu hỏi, 477 âm tiết (38%) viết dấu ngã. Thành ra, sau gần 400 năm, phần trăm dùng dấu ngã đã tăng từ 26.5 đến 38 hay +11.5 (%).
3.2 Vợ lẻ > vợ lẽ
Khuynh hướng biến đổi vợ lẻ (lẻ dấu hỏi) thành vợ lẽ (lẽ dấu ngã) còn thấy trong các cách dùng sau đây
lạng lẻ (VBL) trở thành lặng lẽ (tiếng Việt hậu kì)     (1)
tục tỉu (VBL)  > tục tĩu                 (2)
lạnh lẻo (VBL) > lạnh lẽo                 (3)
đẹp đẻ (VBL) > đẹp đẽ                  (4)
mạnh mẻ (VBL) > mạnh mẽ             (5)
Nhưng sạch sẽ đã hiện diện vào thời VBL (mục sạch, VBL trang 669)!
Một cách giải thích tại sao dạng vợ lẽ hay cấu trúc (thanh nặng + thanh ngã) khá ổn định so với cấu trúc vợ lẻ (thanh nặng + thanh hỏi) là vì các thanh điệu huyền, nặng và ngã đều thuộc âm vực thấp . Thí dụ như: lầm lỡ, sàm sỡ, vạm vỡ, vội vã, gọn ghẽ, mạnh mẽ, quạnh qhẽ, ngạo nghễ, vạm vỡ, lặng lẽ, lạnh lẽo, bạc bẽo, sặc sỡ, rực rỡ, rộn rã, vội vã, nghiệt ngã, hậu hĩ, hậu hĩnh, ngộ nghĩnh, gạt gẫm, hụt hẫng , dựa dẫm, kệch cỡm, nhẹ nhõm, bập bõm, chập chững , lộng lẫy, chặt chẽ, sạch sẽ, ngặt nghẽo, khập khiễng, đục đẽo, ruộng rẫy, giặc giã, giặt giũ, giận dỗi, bụ bẫm, dạy dỗ , gặp gỡ, dụ dỗ, lạ lẫm, gạ gẫm, rộng rãi, tục tĩu, nhục nhã, dạn dĩ, rạng rỡ, rệu rã, tập tễnh, khập khễnh ...v.v...
Khuynh hướng biến đổi dấu hỏi thành dấu ngã đã có từ thời Béhaine (1772/1773) ở Đàng Trong cho đến ngày nay như đẹp đẽ, lặng lẽ, mạnh mẽ, tục tĩu, lạnh lẽo. Ở Đàng Ngoài, đáng chú ý là các tài liệu chép tay của LM Philphê Bỉnh, đặc biệt khi ông chép lại tự điển VBL, mục lẻ như tiền lẻ, lẻ (ít) nhưng lại đổi vở lẻ thành vợ lẽ (lẽ dấu ngã):
 VBL chép tay (Philiphê Bỉnh viết ở Lisbon 1797)
Một dữ kiện thú vị là LM Morrone (khoảng đầu TK 19) đã đổi (xoá) dấu hỏi để thay bằng dấu ngã (lẻ thành lẽ)! Ông người cùng thời với Philiphê Binh, tác giả bảng từ vựng chép tay  phản ánh tiếng nói Đàng Ngoài (dù rằng tựa đề lại là Cochin Sinense hàm ý Đàng Trong, sđd), đều dùng thanh ngã giống nhau - xem hình chụp bên dưới:
 
Ngoài ra, vợ lẽ thường dùng ở Đàng Ngoài  (theo học giả Trương Vĩnh Ký, sđd) cho nên có khả năng cao khi dùng dấu ngã để nhấn mạnh hay phân biệt - td. giọng Hà Nội hiện nay phân biệt rất rõ 6 thanh điệu so với các phương ngữ ở Trung Bộ hay Nam Bộ.
Để ý là thanh hỏi (vợ lẻ) có lẽ phù hợp (cùng thanh điệu với trẻ, mẻ, giẻ) với câu tục ngữ "chết trẻ còn hơn lấy lẻ (chồng người)" thay vì dạng thông dụng hơn là "chết trẻ còn hơn lấy lẽ", hay câu "làm lẻ, ăn bát mẻ nằm chiếu manh" (trích từ 南國方言俗語備錄 Nam quốc phương ngôn tục ngữ bị lục) thay vì 'làm lẽ'  hay
Vợ lẽ như giẻ chùi chân
Chùi rồi lại vứt ra sân
Gọi ông hàng xóm đem chân đến chùi …v.v…
Nhìn lại một số giả thuyết về nguồn gốc thanh điệu tiếng Việt, như theo GS André Haudricourt (1954, bài viết đã dẫn trong phần 5) thì tiếng Việt cổ hay nói chung là họ Mon-Khmer không có thanh điệu, sau khi tiếp xúc với họ ngôn ngữ Tày Thái cổ thì bắt đầu đơn tiết hoá và phát triển thanh điệu. Một số tác giả cho rằng khi rút gọn âm cuối thì tạo ra thanh điệu, điển hình và đầu tiên hết là nhận xét của học giả André Haudricourt trong các bài viết từ năm 1954, sau đó Edwin Pulleyblank bổ túc thêm về nguồn gốc thanh điệu qua các dữ kiện về tiếng Hán Cổ. Thí dụ như vào đầu công nguyên, tiếng Việt không có thanh điệu và quá trính các biến âm ghi lại trong bảng sau:
 
Khi so sánh một số từ trong VBL dùng thanh hỏi và ngã thì một nhận xét là số lượng thanh ngã đã phát triển thêm cho đến ngày nay, phù hợp với khuynh hướng phát triển thanh điệu của Haudricourt, tuy nhiên quá trình gia tăng số lượng thanh điệu (trở thành 6 thanh) không phải hoàn toàn chấm dứt ở TK 12 như Haudricourt đề nghị. Không những thế, khả năng thanh hỏi hình thành trước (tần suất cao trong các tài liệu như VBL/PGTN) so với thanh ngã cũng cần được tra cứu thêm. Đây là một chủ đề cần được nghiên cứu sâu xa hơn và không nằm trong phạm vi bài viết nhỏ này.
3.3 Lẻ và lẽ qua chữ Nôm
Lẻ và lẽ chữ Nôm cổ đều dùng chữ lễ 禮 hay 礼, td. Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa:
私房蓬礼突包 庄堪
“Tư phòng”: buồng lẻ đột vào chẳng kham (24a)
Hay trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập (18a):
咍𢚸付默彙髙審 禮䏾尋尼准 永清
Hay lòng phó mặc vừng cao thẳm. Lẻ bóng tìm nơi chốn vắng thanh.
…v.v…
Các dạng chữ Nôm hậu kì dùng thanh phù lễ hợp với chữ chích 隻 (biểu ý) hay còn dùng chữ lí HV 理 chỉ lẽ (lí lẽ) còn lẻ thì vẫn dùng chữ lễ HV (Béhaine/Taberd). Như vậy chữ Nôm không cho ta khả năng phân biệt thanh hỏi và ngã trong trường hợp này - cũng như các trường hợp như âm mả và mã đều có thanh phù mã 馬 (ngựa), sẻ và sẽ đều có thanh phù sĩ 仕 (làm quan), mỏ và mõ đều có thanh phù mỗ 某 (đại từ không xác định), chửa và chữa có thanh phù là 渚 chử (bãi nhỏ) ...v.v... Do đó sự lẫn lộn hỏi ngã cũng đã hiện diện khi dùng chữ Nôm.
4. Chế độ đa thê và việc cấm đạo
Như đã viết bên trên, một trong 7 bí tích là phép hôn nhân hay phép "một vợ một chồng", LM de Rhodes đã phải ghi dạng HV tương đương là "nhịt (nhất) phu nhịt (nhất) phụ" (mục phụ, VBL trang 606 - hình chụp bên dưới) để dễ ‘tiếp cận’ với quan chức đương thời (thường có học/rành chữ Nho). LM de Rhodes nhắc lại bí tích này trong PGTN trang 299 "khi chẳng phải việc ngay trong một vợ một chồng ... Mà sự giao cảm cho ngay, thì phải có một vợ một chồng". Ngay cả các giáo sĩ Dòng Tên đàn anh của De Rhodes như Matteo Ricci hoàn toàn không chấp nhận chế độ đa thê ở Trung Quốc, dù đã cố gắng dung hoà tư tưởng Khổng giáo với giáo lý CG. Do đó, vấn đề hôn nhân theo CG và chế độ đa thê trở thành một bức rào cản rất khó vượt qua và cũng trở thành một nguyên nhân dẫn đến việc cấm đạo - nhất là khi từ vua đến quan và dân đen đều có thể thực hành chế độ đa thê đa thiếp (được luật pháp cho phép như luật Hồng Đức chẳng hạn). Không những chỉ có LM de Rhodes dùng "nhất phu nhất phụ", LM Marini cũng dùng thành ngữ HV này trong tác phẩm của ông để nhắc nhở giáo dân bí tích quan trọng này trong CG - xem các hình chụp bên dưới:
   VBL trang 606   Marini (sđd)
Có lẽ nên nhắc lại ở đây cách dùng HV nhất phu nhất phụ 一夫一婦: từng được dùng bởi văn hào Phùng Mộng Long 馮夢龍 (1574-1646), tác giả của tiểu tuyết nổi tiếng Đông Chu Liệt Quốc và Tam Ngôn:
《醒世恆言.卷一.兩縣令競義婚孤女》:「待他長成,就本縣擇個門當戶對的人家,一夫一婦,嫁他出去
《 Tỉnh Thế Hằng Ngôn. quyển nhất. lưỡng huyền lệnh cạnh nghĩa hôn cô nữ》:"đãi tha trường thành,tựu bổn huyền trạch cá môn đương hộ đối đích nhân gia, nhất phu nhất phụ, giá tha xuất khứ".
Có thể thấy ảnh hưởng rất rõ nét của từ HV trong trường hợp trên, phần nào từ các bậc túc nho bản dịa, đã 'mớm' cho các giáo sĩ truyền đạo Tây phương khi cố gắng giải thích khái niệm một vợ một chồng cho quảng đại quần chúng cho dễ 'hoà nhập' hơn.
4.1 LM Marini, truyền giáo ở Đàng Ngoài từ 1647-1658, tóm tắt những nguyên nhân đưa đến thái độ thù nghịch và cấm đạo Công Giáo như sau: Vì trong đạo có nhiều thực hành và tập tục khác biệt, vì các sư sãi vu cáo người Công Giáo phá chùa bẻ tượng, vì các thầy cúng tuyên truyền là sự có mặt của Công Giáo gây ra các tai ương, và sau cùng là luật nhất phu nhất phụ của đạo. Ngoài ra còn một lý do nữa là nhờ cấm đạo mà các quan chức có thể làm tiền các người Công Giáo (trang 95, Dòng Máu Anh Hùng, sđd).
4.2 Theo LM Philiphê Bỉnh cách đây 2 TK, trong tài liệu chép tay "Truyện nước Anam Đàng Trong" trang 25-28, thì có các nguyên nhân cấm đạo sau đây
a) Vua/chúa sợ bị mất nước cho người ngoại quốc
b) Quan chức không được có nhiều vợ (vì CG không cho phép - chỉ cho "một vợ một chồng")
c) Các sư sãi ganh ghét đạo, không có người bố thí (cho chùa chiền) như trước đây
4.3 Hai mục trên là các nguyên nhân cấm đạo nhìn từ giáo dân địa phương (Philiphê Bỉnh) hay giáo sĩ Tây phương (LM Marini), sắc chỉ sau đây cho thấy cách nhìn từ chính quyền bản địa (Trịnh Tráng, năm 1629):“Hoàng thượng sắc dụ cho nhân dân biết, các Tây Giang Đạo Trưởng ở trong triều trẫm không có dạy nhân dân những đạo lý sai lầm hại dân hại nước, nhưng để đề phòng điều có thể xẩy ra sau này, hoặc những âm mưu hiện đang ngấm ngầm xếp đặt mà Trẫm chưa điều tra ra, Trẫm cấm ngặt từ đây các thần dân của Trẫm không được đi lại với các Đạo Trưởng và tin theo đạo đó nữa” (Dòng Máu Anh Hùng, sđd). Nguyên nhân đưa ra trong các đạo dụ thường có tính chất tổng quát và ‘mơ hồ’ hơn.
Tóm lại, xem lại các cách danh từ chỉ vợ như vợ cả và chính thê HV, vợ mọn/vợ lẻ cho thấy một xã hội VN từng theo chế độ đa thê truyền thống , đã để lại dấu ấn trong ngôn ngữ. Ngoài ra, ảnh hưởng của phương ngữ cũng khá rõ nét khi vợ cả, vợ lẻ (> vơ lẽ trong tiếng Việt hiện đại) là thông dụng ở Đàng Ngoài (Đông Kinh), và chính sự lẫn lộn thanh hỏi và ngã cũng phân biệt các phương ngữ theo quá trình Nam tiến. Tự điển VBL cho ta dữ kiện xác định cấu trúc vợ lẻ (lẻ dấu hỏi, hàm ý nhỏ bé, ít, dư ra như trong cách dùng thời VBL như tiền lẻ, lặng lẻ ~ ít đều) cũng như khả năng lẫn lộn hỏi và ngã đã hiện diện từ thời bình minh của chữ quốc ngữ, ngay cả khi khảo sát cấu trúc chữ Nôm. Khuynh hướng dùng dạng vợ lẽ (lẽ dấu ngã) thời nay không những là dấu ấn của Đàng Ngoài (Đông Kinh) mà cho thấy phần nào khuynh hướng phát triển thanh điệu của tiếng Việt theo dòng thời gian; td. trong 395 từ khảo sát (VBL) thì thanh hỏi chiếm một số lượng đáng kể (91.4%) và thanh ngã đã tăng gần 50% trong khoảng thời gian 400 năm từ thời VBL. Cách dùng truyền thống vợ cả, vợ lẻ/vợ mọn còn phản ánh phần nào kết quả của bộ luật Hồng Đức (bảo lưu chế độ đẳng cấp, đa thê, gia trưởng) nên khoảng cách giữa phép hôn nhân CG và phong tục xã hội VN lại càng lớn hơn bình thường, dẫn đến một hệ luỵ là sự không hài lòng từ quan chức đương thời (kể cả vua và chúa Đàng Ngoài và Đàng Trong) và dĩ nhiên là các sắc chỉ cấm đạo từ thời này sang thời kia. Lẫn lộn hỏi và ngã có thể là do lỗi chính tả trong các tài liệu được phát hành hay do quán tính của phương ngữ làm vấn đề tìm hiểu không đơn giản. Hi vọng bài này gợi ý cho người đọc tìm hiểu sâu xa hơn về lịch sử tiếng Việt, nhất là ảnh hưởng tương tác của các quy luật âm thanh (ngữ âm, td. vợ lẽ cùng âm vực) và phương ngữ  đối với cách dùng (ngữ nghĩa, td. vợ lẻ/VBL).

5. Tài liệu tham khảo chính

1) Mark J. Alves (2018) "Early Sino-Vietnamese Lexical Data and the Relative Chronology of Tonogenesis in Chinese and Vietnamese" Bulletin of Chinese Linguistics 11 (2018) 3-33.
2) Samuel Baron (1865) "A Description of the kingdom of Tonqueen" đăng lại bởi John Walhoe, London (1732) - trang 656 đến trang 707 trong tuyển tập này) - có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn http://www.lexilogos.com/vietnam_carte.htm .
3) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).
“Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ” 聖教要理國語 (khoảng 1774) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như https://pdfcoffee.com/qdownload/1774-thanh-giao-yeu-ly-quoc-ngu-ba-da-loc–pdf-free.html …v.v…  
4) Philiphê Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.
(1822) “Phép Giảng Tám Ngày”, “Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị” … Các tài liệu viết tay của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.
5) Christoforo Borri (1631) "Relation de la nouvelle mission des pères de la Compagnie de Jesus au Royaume de la Cochinchine ..." - có thể tham khảo toàn văn (tiếng Pháp) trang này https://archive.org/details/bub_gb_wzM3ebxodF4C/page/n169/mode/2up?view=theater hay bản dịch ra tiếng Việt trên trang này chẳng hạn (Bonifacy/Phạm Văn Bân 2011) https://thunhan.org/images/file/OGaaTdIb0wgQAKwp/mar-31-11-cristoforo-borri-vietnamese-avril-5-1-.pdf ...v.v...
6) Nguyễn Tài Cẩn (1979) "Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt" NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội. Tái bản nhiều lần - NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2000...
7) Đỗ Quang Chính sj (2003) "Nhìn lại Giáo Hội hòa mình trong xã hội Việt Nam" - có thể đọc toàn bài trên trang này https://dongten.net/nhin-l%e1%ba%a1i-giao-h%e1%bb%99i-hoa-minh-tron(1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).
8) Dror, Olga; Taylor, K. W. Chủ biên. (2006) “Views of Seventeenth-Century Vietnam: Christoforo Borri on Cochinchina and Samuel Baron on Tonkin” Southeast Asia Program Publications. Ithaca, NY: Cornell University Press.
9) Haudricourt André G. (1954) "De l'origine de la ton de Vietnamien" Journal Asiatique 242:69-82.
(1953) “La place du vietnamien dans les langues austroasiatiques” Bulletin de la socíété de Linguistique de Paris 49(1): 122-128.
10) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).
11) Gustave Hue (1937) “Dictionnaire annamite-chinois-français” Imprimerie Trung-hoà – NXB Khai Trí (Sài Gòn) in lại năm 1971 theo bản gốc năm 1937
12) Nguyễn Văn Khang (Chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (2002) "Từ điển Mường Việt" NXB Văn Hóa Dân Tộc (Hà Nội).
13) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) "Petit dictionnaire francais annamite" Imprimerie de l'union Nguyễn Văn Của (SAIGON).
14) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển trung", "Đức Chúa Giê-Su - Quyển chi cửu & Quyển chi thập", "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh", “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, "Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh - Quyển thứ ba", “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003 - LM Nguyễn Hưng).
15) Giovanni Filippo de Marini (1666) "Histoire nouvelle et curieuse des royaumes de Tunquin et de Lao" NXB Clouzier (Paris, Pháp).
16) Josepho Maria Morrone (khoảng đầu TK 19) “Lexicon Cochin-sinense Latinum” đăng trong cuốn “A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing” viết bởi nhà ngôn ngữ Mỹ Peter Stephen Du Ponceau (1838), in lại bởi NXB Kessinger Publishing. Kèm thêm bảng từ vựng căn bản có 333 chữ Nôm và chữ quốc ngữ với giải thích.
17) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.
(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).
“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).
“Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).
18) Nguyễn Ngọc San (2003) "Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử" NXB Đại Học Sư Phạm (Hà Nội).
19) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale) và cuốn tự điển La Tinh – Việt (1838).
20) Cao Tự Thanh (2016) "Độ lệch giữa chữ quốc ngữ và tiếng Việt" - có thể đọc toàn bài trên trang này http://tiasang.com.vn/-giao-duc/Do-lech-giua-chu-quoc-ngu-va-tieng-Viet--10001/
21) Vũ Thành (2020) "Dòng Máu Anh Hùng" tái bản năm 2020 - Imprimatur Philip M. Hanna, D.D., J.C.D. Archbishop of New Orleans June 24, 1987. Có thể tham khảo toàn văn trên trang này https://www.nguoitinhuu.org/martyrs/sach_in.pdf  
22) J. S. Theurel (1877) “Dictionarum Anamitico-Latinum” LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT) – Ninh Phú (Đàng Ngoài).
23) Nguyễn Cung Thông (2021) Loạt bài viết như "Tiếng Việt từ thế kỉ 17 – từ Luận Phép Học đến Khoa Học (phần 27)", “Tiếng Việt từ TK 17: thợ dào, thợ rèn, thợ máy … dộng chúa (phần 30)” (NCT: đặc biệt về tương quan đ – d như đao dao, đã dã …) có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2021/06/17/tieng-viet-tu-tk-17-tho-dao-tho-ren-tho-may-dong-chua-phan-30/  …v.v…
(2006) "Những thành kiến hoá thạch' về phái nữ qua chữ viết (bộ nữ)" - có thể xem toàn bài trên trang này chẳng hạn https://dotchuoinon.com/2016/05/25/nhung-thanh-kien-hoa-thach-ve-phai-nu-qua-chu-viet-bo-nu/ …
24) Đoàn Thiện Thuật (1976) "Ngữ Âm Tiếng Việt" NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội (tái bản năm 2007).
25) Pierre-Gabriel Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” NXB F.H. Schneider (Hà Nội).
(1905) “Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin” Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi.
Phụ Trương
1. Ngay cả vào thời đại của người viết/NCT (td. thập niên 1950, 1960) ở miền Nam VN vẫn còn ghi trong giấy khai sinh cấp bậc của người vợ (vợ chính hay vợ thứ) như một tờ trích lục bộ khai sinh bên dưới - giấy khai sinh hiện tại thì không còn ghi như vậy. Hình sau trích từ trang https://thuongmaitruongxua.vn/bai-viet/giay-to-van-bang-hoc-sinh-xua/ban-trich-luc-khai-sinh-1962.html
 
2. Lẫn lộn dấu hỏi và ngã vào thời LM de Rhodes
Phần sửa lỗi chính tả của Phép Giảng Tám Ngày cho thấy khả năng lẫn lộn hỏi và ngã: rữa - rửa, chửa - chữa (3 lần trong hình chụp lại), đả - đã. Tuy nhiên không thấy sửa cách viết vợ lẽ (lẽ dấu ngã) thay vì vợ lẻ (lẻ dấu hỏi) trong phần sửa lỗi chính tả của VBL.
 
3 Đáng chú ý là Vallot (Đàng Ngoài)) ghi concubine là vợ lẻ trong đợt xuất bản 1898, nhưng trong đột xuất bản 1904 lại ghi là vợ lẽ:
  Vallot (1898) lẻ (1898) > lẽ (1904)
4. Ca dao tục ngữ trích từ Nam quốc phương ngôn tục ngữ bị lục: chết trẻ còn hơn lấy lẽ chồng người, cũng thì lấy lẽ người ăn bát mẽ nằm chiếu manh ... Để ý lẽ chữ Nôm viết bằng bộ nữ hợp với chữ lễ 礼 trẻ chữ Nôm viết bằng chữ trĩ 稚 và mẻ chữ Nôm viết bằng bộ thổ hợp với chữ mỹ 𡎤
 
Nguyễn Cung Thông

Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@gmail.com

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập149
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm148
  • Hôm nay41,537
  • Tháng hiện tại224,369
  • Tổng lượt truy cập60,108,176
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây