Trong bài viết của mình trên trang cá nhân, PGS. TS Ngô Minh Oanh (nguyên Trưởng khoa Sử ĐHSP TP Hồ Chí Minh) kể về chuyến đi thăm đảo Cồn Cỏ ở Quảng Trị. Tác giả đăng kèm hình ảnh tấm bia đá đặt nơi đảo nhỏ anh hùng, trên bia có khắc bài thơ của cố nhà thơ Hồ Khải Đại.
Nguyên văn bài thơ khắc trên bia: “Sóng gọi hồn tôi về đảo nhỏ/ Đảo nhỏ kiên cường Cồn Cỏ ta ơi/ Chiến hạm nổi lên bốn bề sóng gió/ Những trái tim như ngọc sáng ngời”.
Đọc bài thơ khắc trên bia, PGS. TS Ngô Minh Oanh tỏ ý băn khoăn: “Không biết BTC khi khắc bài thơ này có xin phép tác giả Hồ Khải Đại và nhà thơ có biết không, vì nếu tác giả muốn kế thừa câu thơ của Tố Hữu thì nên để trong ngoặc kép, hoặc thì nên chăng chọn một bài thơ khác tiêu biểu và thuyết phục hơn để tôn vinh đảo Cồn Cỏ!”?
Sau khi đọc tút của PGS. TS Ngô Minh Oanh, tôi cũng bị cuốn vào câu cuối bài thơ khắc trên bia đá cùng điều trăn trở của nhà sử học có tâm hồn thi ca. Liệu đây có phải là sơ suất của nhà thơ Hồ Khải Đại hay của người tạc bia khi quên không đặt câu thơ cuối trong ngoặc kép?
Tôi biết đến nhà thơ Hồ Khải Đại từ những năm chống Mỹ cứu nước nhưng cũng không có nhiều thông tin về cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của ông - một nhà thơ chiến sĩ, thuộc thế hệ lão thành đã có nhiều đóng cho nền thơ ca cách mạng Việt Nam.
Thông tin về tác phẩm của ông trên Internet cũng rất ít ỏi. Tôi gõ cả bài thơ khắc bia đá ở Cồn Cỏ để tìm kiếm trên Google nhưng cũng không có thông tin gì khác ngoài một số bài viết (cả trước và sau khi nhà thơ mất – 18 tháng 2/2015) có trích dẫn bài thơ (hay một khổ thơ?) này của Hồ Khải Đại.
Trong bài “Cồn Cỏ - “ngôi sao lửa” hóa “làng đảo xanh” đăng báo Hà Tĩnh ngày 1/9/2014,[1] tác giả Phan Thế Cải viết: “Sóng gọi hồn tôi về đảo nhỏ/ Đảo nhỏ kiên cường Cồn Cỏ ta ơi/ Chiến hạm nổi lên bốn bề sóng gió/ Những trái tim như ngọc sáng ngời” (tác giả bài viết tạm gọi đây là bản 1).
Trong ghi chép “Về với Cồn Cỏ” đăng trên báo Quân khu 4, ngày 30/6/2019,[2] tác giả Hồ Lĩnh viết: “… Sóng gọi hồn tôi về đảo nhỏ kiên cường/ Cồn Cỏ ta ơi chiến hạm nổi lên bốn bề sóng gió/ Những trái tim như ngọc sáng ngời" (bản 2).
Bản của Nguyễn Ngọc Chiến trong bài “Xuân Diệu và bài thơ dang dở về Cồn Cỏ”,[3] đăng báo Văn nghệ, 3/5/2019: “Sóng gọi hồn ta về đảo nhỏ/ Đảo nhỏ anh hùng Cồn Cỏ ta ơi/ Chiến hạm nổi bốn bề sóng gió/ Mang những trái tim vàng ngọc chói ngời” (bản 3).
Trong bài "Đảo thép" Cồn Cỏ (bài 1)” đăng báo Quân đội Nhân dân ngày 29/5/2010,[4] hai tác giả Hoàng Tiến – Quang Thái viết: "Ngay từ hồi còn là học sinh, tôi đã từng được nghe nhiều lần bài thơ của Hồ Khải Đại viết về đảo Cồn Cỏ trong những năm chiến tranh: “Sóng gọi hồn ta về với đảo nhỏ/ Đảo nhỏ anh hùng Cồn Cỏ ta ơi/ Chiến hạm nổi bốn bề sóng gió/ Mang trái tim vàng ngọc chói ngời!” (bản 4).
Tác giả, nhà thơ Ngô Minh trong ghi chép “Dưới tán bàng vuông Cồn Cỏ”, đăng báo Công an thành phố Đà Nẵng, 17/08/2010[5] cũng viết: “Sóng gọi hồn ta về với đảo nhỏ/ Đảo nhỏ anh hùng Cồn Cỏ ta ơi/ Chiến hạm nổi bốn bề sóng gió/ Mang trái tim như ngọc chói ngời!” (bản 5).
Nhận xét chung: trong các bài viết nói trên, văn bản thơ Hồ Khải Đại được các tác giả chép lại có sự khác biệt về câu chữ. Bản 2 của Hồ Lĩnh so với bản 1 của Phan Thế Cải chỉ còn 3 câu, câu 4 không thay đổi: “Sóng gọi hồn tôi về đảo nhỏ kiên cường/ Cồn Cỏ ta ơi chiến hạm nổi lên bốn bề sóng gió/ Những trái tim như ngọc sáng ngời”.
Về các chi tiết bất hợp lý trong bản 1 và bản 2. Câu “Chiến hạm nổi lên bốn bề sóng gió”, chữ “lên” không phản ánh đúng hình tượng Cồn Cỏ anh hùng. Trong chiến tranh chống Mỹ, Cồn Cỏ kiên cường được ví như một chiến hạm nổi không bao giờ chìm trước bom đạn hủy diệt ác liệt của quân thù. Việc thêm chữ “lên” đã làm thay đổi hoàn toàn hình tượng thơ. Cồn Cỏ được tác giả ví như chiến hạm, đâu phải là chiến hạm thật để mà… nổi lên hay lặn xuống giữa “bốn bề sóng gió”. Hồ Khải Đại – một nhà thơ, chiến sĩ đã từng trải qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh chắc chắn hiểu rất rõ điều đó.
Câu 4 ở bản 1 và bản 2 giống nhau, hoàn toàn trùng khớp với câu thơ trong bài thơ Mẹ Tơm của Tố Hữu: “Những trái tim như ngọc sáng ngời”. Câu hỏi đặt ra ở đây là nhà thơ Hồ Khải Đại có mượn thơ Tố Hữu không? Thật tiếc, chúng tôi không có bản gốc của Hồ Khải Đại để đối chiếu. Có điều chắc chắn, nếu mượn thơ Tố Hữu, nhà thơ Hồ Khải Đại cũng không ngây thơ đến mức “quên” đặt trong dấu ngoặc kép.
Xem xét các văn bản 3, 4, 5 thì câu hỏi trên có lẽ đã có lời đáp. Hồ Khải Đại không mượn thơ Tố Hữu. Tuy nhiên cả ba bản này đều có sự khác nhau về từ. Bản 3 Nguyễn Ngọc Chiến chép: “Mang những trái tim vàng ngọc chói ngời”. Bản 4 của Hoàng Tiến – Quang Thái: “Mang trái tim vàng ngọc chói ngời!”. Bản 5 của Ngô Minh: “Mang trái tim như ngọc chói ngời!”.
Ngoài ra các chi tiết khác lệch nhau sau đây giữa các bản chép bài thơ cũng cần phải được làm rõ: “về đảo nhỏ” hay “về với đảo nhỏ”?; “đảo nhỏ kiên cường” hay “đảo nhỏ anh hùng”?.
Tạm thời có thể kết luận, trong 5 bản trích thơ Hồ Khải Đại, các bản 3, 4, 5 so với các bản 1, 2 có nhiều điểm khác biệt và có lẽ gần với nguyên tác của Hồ Khải Đại hơn.
Rất mong các nhà nghiên cứu, người thân và bạn bè của nhà thơ Hồ Khải Đại lên tiếng để trả lại sự chính xác cho bài thơ khắc trên bia đá đặt ở Cồn Cỏ - nơi được coi là biểu tượng cho ý chí ý kiên cường và lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam, hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Tháng 7/2023 Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo: [1] (https://baohatinh.vn/xa-hoi/con-co-ngoi-sao-lua-hoa-lang-dao-xanh/85687.htm)
[2] (http://baoquankhu4.com.vn/quoc-phong-an-ninh/ve-voi-con-co.html)
[3] (http://baovannghe.com.vn/xuan-dieu-va-bai-tho-dang-do-ve-con-co-19095.html)
[4] (https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/dao-thep-con-co-bai-1-449922)
[5] https://cadn.com.vn/duoi-tan-bang-vuong-con-co-post16201.html