Những ngôi nhà cao tầng, dạng “biệt thự” quê đang thi nhau mọc lên. Đó là những ngôi nhà được xây theo cấu trúc hiện đại bằng các dòng tiền chảy từ Nhật, Hàn, Đài Loan về. Những dòng tiền ấy đã chảy từ mấy năm nay khi “công cuộc” xuất khẩu lao động ở nhà quê phát triển rầm rộ.
(Đoản văn, Nguyễn Duy Xuân)
Sau hai năm bị cách ly bởi dịch bệnh Covid-19, hôm nay trở về bỗng thấy quê hương thay đổi nhiều quá. Các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở được nâng cấp hoành tráng, sáng trưng màu sơn. Con kênh chạy dọc đường ven đồng làng cũng đang được xây mới.
Sắp tới còn vui hơn nữa khi cây cầu bắc qua sông Lam nơi bến đò Vạn Rú được khởi công, nối cao tốc từ cảng Cửa Lò sang nước bạn Lào. Tôi tin Xuân Lâm quê nhà lúc ấy sẽ rất khác với một vị thế mới.
Một căn "biệt thự" sắp hoàn thành. Ảnh NDX.
Nhưng ấn tượng nhất là những ngôi nhà cao tầng, dạng “biệt thự” quê đang thi nhau mọc lên. Đó là những ngôi nhà được xây theo cấu trúc hiện đại bằng các dòng tiền chảy từ Nhật, Hàn, Đài Loan về. Những dòng tiền ấy đã chảy từ mấy năm nay khi “công cuộc” xuất khẩu lao động ở nhà quê phát triển rầm rộ.
Con em trong làng tốt nghiệp Trung học phổ thông xong nếu không đỗ đại học thì hoặc là đi làm công nhân các khu công nghiệp bên Kim Liên hay dưới Vinh, hoặc là tìm cách sang các nước xứ tư bản bản nói trên, kiếm tiền bằng chính sức lao động cật lực của mình. Ở vùng đất thuần nông như quê tôi thì đấy là giải pháp mang lại hiệu quả nhanh nhất, tốt nhất cho công cuộc “xóa đói giảm nghèo”.
Chẳng nói đâu xa, chỉ mấy anh em họ hàng nhà tôi cũng đã đóng góp cả chục cháu cho sự nghiệp xuất khẩu lao động vĩ đại. Tiền lương các cháu gửi về tháng vài chục triệu. Năm đầu tiên dành để thanh toán các khoản “lộ phí” cho thủ tục “đầu tiên”. Từ năm thứ hai trở đi bắt đầu tích lũy, có của ăn của để, giúp gia đình mở mày mở mặt với làng xóm.
Anh chị họ tôi tuy không thuộc diện nghèo nhưng mấy chục năm nay luôn trong cảnh giật gấu vá vai, vất vả cực nhọc lo cái ăn cái mặc hằng ngày. Chuyện nhà cao cửa rộng trong mơ cũng chưa dám nghĩ tới. Ấy vậy mà, ở tuổi 60, giấc mơ đời ấy đã trở thành hiện thực sau khi hai đứa con của anh chị, một trai một gái sang Nhật làm ăn được ba năm. Biết thân biết phận con nhà nghèo nên cả hai anh em đều rất chăm chỉ làm việc, lại còn tranh thủ tăng ca kiếm thêm tiền.
Nỗ lực của các cháu đã làm nên sự thay đổi kỳ diệu. Ngôi nhà cũ nhỏ bé xập xệ không còn nữa. Thay vào đó là một căn nhà hai tầng khang trang còn thơm mùi sơn công nghiệp. Mừng cho anh chị, vui vì các cháu biết cách chăm chỉ làm ăn.
Ngõ xóm tôi. Ảnh NDX
Nhiều gia đình trong xóm có con em xuất khẩu lao động đều thay da đổi thịt. Chiều chiều lên bờ đê hóng gió và ngắm cảnh, thấy bức tranh quê đã thay đổi đi nhiều. Trên nền của bức tranh xam xám muôn đời ấy giờ đã thấy sáng rỡ hình ảnh của những ngôi nhà hai ba tầng, được “vẽ” bằng những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi của người lao động nơi xứ người.