Sức sống của một vùng đất

Thứ hai - 15/01/2024 04:00
Ba mươi năm nay, cái tên Cư Dliê M’nông không còn xa lạ gì với người yêu Tây Nguyên bởi nó rất Tây Nguyên.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Đình Đối, tên gọi Cư Dliê M’nông được người dân bản xứ cắt nghĩa là “rừng nối rừng trùng điệp” - vì thế trong không gian ấy, “phổ văn hóa rừng” đã hình thành và chi phối sâu sắc, thấm đẫm trong đời sống của cộng đồng người Êđê tại chỗ.

Từ bao đời nay, đồng bào Êđê trải qua bao thế hệ cùng với đồng bào các dân tộc khác trên vùng đất Cư Dliê M’nông, đã tạo nên những giá trị văn hoá phong phú, đa dạng, mang dấu ấn đặc sắc của từng dân tộc, vùng miền có mặt trên địa bàn.

Thiên nhiên hào phóng đã ban tặng cho vùng đất này sự màu mỡ, phì nhiêu, mưa thuận gió hòa. Người dân Cư Dliê M’nông cần cù trong lao động sản xuất; kiên trì, sáng tạo, bền bỉ trong công cuộc xây dựng đất nước quê hương. Đó là những lợi thế cơ bản giúp Cư Dliê M’nông trong suốt 30 năm qua không ngừng thay da đổi thịt, và đã trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới cách đây 5 năm.

Tiếp tôi tại trụ sở UBND xã, ông Nguyễn Sỹ Kiêm, Chủ tịch UBND xã – người đã có gần ba mươi năm gắn bó với vùng đất này và trưởng thành từ một cán bộ đoàn - cho biết, lúc mới thành lập, xã có tổng diện tích tự nhiên là 6.340 ha, có 7 thôn và 5 buôn với tổng dân số khoảng 4.791 nhân khẩu. Chi bộ Đảng lâm thời có 21 đảng viên, có 2 nông trường sản xuất đứng chân trên địa bàn (công ty cà phê Đ‘Rao và Công ty cà phê nông trường 352).

Tuy có thế mạnh về điều kiện địa lý, địa hình, đất đai và nguồn nhân lực nhưng những năm đầu mới thành lập xã, Cư Dliê M’nông gặp không ít khó khăn: cơ sở vật chất ban đầu còn nghèo nàn thiếu thốn, hạ tầng giao thông kém, đi lại hết sức khó khăn; điện, đường, trường, trạm đều chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ hộ nghèo cao; đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị còn yếu và thiếu; lực lượng đảng viên mỏng,…

Nhờ sự đoàn kết, nỗ lực sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc ở địa phương, bộ mặt Cư Dliê M’nông đã dần thay đổi. Từ một xã thuần nông, xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay Cư DLiê M’nông đã có một nền tảng kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, theo hướng bền vững.

Hiện tại quy mô dân số của xã lên đến hơn 11 ngàn người, tỷ lệ đồng bào dân tộc Ê đê chiếm 1/3. Đảng bộ xã có 332 đảng viên. Các tổ chức xã hội, đoàn thể đều phát triển mạnh.

Cách đây 5 năm, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đạt hơn 73,9 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 7 tỷ đồng. Các tuyến đường trục liên xã, liên thôn, ngõ xóm, đường trục chính nội đồng đã được cứng hóa trên 70%. Chợ trung tâm được xây dựng khang trang với số tiền đầu tư gần 50 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Nếu như trước đây, toàn xã không có một chiếc ô tô thì nay con số đã lên 78 chiếc, xe cày phục vụ sản xuất 2000 chiếc.

Năm 2022, thu ngân sách toàn xã đạt 11.556.894.000đ (chỉ tiêu của năm là 6.880.000.000đ). Sản phẩm nông nghiệp: cà phê 10.000 tấn, hồ tiêu: 450 tấn, sầu riêng 2000 tấn, lúa 400 tấn, đàn bò 1700 con, lợn 3500 con, gia cầm khoảng 12000 con, ong mật 380 đàn.

Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 20 lần so với năm 1993 (lúc mới thành lập xã). Chương trình xóa đói giảm nghèo đạt nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, đến nay chỉ còn 6,7%. Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của các cấp, xã đã hỗ trợ các hộ nghèo xóa được hàng trăm nhà tạm bợ, với tổng nguồn lực hỗ trợ trên 10 tỷ đồng.

95% gia đình được công nhận gia đình văn hóa. 14/14 thôn buôn được công nhận khu dân cư văn hóa.

Định hướng cho chặng đường sắp tới của xã nhà, Chủ tịch xã Nguyễn Sỹ Kiêm cho biết, chúng tôi luôn quán triệt sâu sắc và nhất quán quan điểm của Đảng “Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”.


Trụ sở UBND xã Cư Dliê M’nông

Rời trụ sở Ủy ban, chia tay vị Chủ tịch xã có thâm niên gần ba mươi năm lăn lộn với phong trào, tôi làm một cuộc du ngoạn nho nhỏ trên mấy trục đường chính của xã. Cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa thôi nhưng ấn tượng đọng lại thì thật sâu sắc. Dù gì thì mình cũng đã quá quen thuộc với vùng đất này từ hơn hai mươi năm trước nên không khó để cảm nhận được những bước chuyển mình lớn lao của Cư Dliê M’nông từ thuở cái tên Đ’Rao gắn với nông trường cà phê nổi tiếng. Biết bao mồ hôi, nước mắt của các thế hệ cán bộ, đảng viên và người dân Cư Dliê M’nông mới có được thành quả to lớn, đầy hoa thơm, trái ngọt hôm nay.


Vườn sầu riêng chất lượng cao.

Tôi cảm nhận được nét rạng rỡ không chỉ trên từng khuôn mặt người dân Cư Dliê M’nông mà còn lan tỏa trên khắp màu xanh bạt ngàn của cà phê, tiêu và sầu riêng trải dài tít tắp nơi vùng đất giàu đẹp, nghĩa tình.

Tháng Chạp Quý Mão
Nguyễn Duy Xuân


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập191
  • Hôm nay32,164
  • Tháng hiện tại423,684
  • Tổng lượt truy cập59,321,337
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây