Nguyễn Đình Chiểu là một tượng đài, một danh nhân văn hóa hết sức tiêu biểu của Việt Nam. Ông còn là một hình mẫu của con người luôn vượt lên những khó khăn nghịch cảnh của cuộc sống và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời để phụng sự con người như tinh thần của Hiến chương của UNESCO.
(Kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, 1.7.1822 – 1.7.2022)
Nguyễn Đình Chiểu xuất thân trong gia đình nhà nho. Cha ông là Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Mẹ ông là bà Trương Thị Thiệt, vợ thứ của ông Nguyễn Đình Huy.
Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ (1 tháng 7 năm 1822), tại quê mẹ là làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).
Thuở nhỏ, Nguyễn Đình Chiểu được mẹ nuôi dạy. Năm lên 6, 7 tuổi, ông theo học với một ông thầy đồ ở làng.
Năm 1848 đang ở Huế chuẩn bị dự khoa thi năm Kỷ Dậu (1849) thì được tin mẹ mất ở Gia Định, ông bỏ thi, dẫn em theo đường bộ trở về Nam chịu tang mẹ.
Trên đường trở về, vì quá thương khóc mẹ, vì vất vả và thời tiết thất thường, nên đến Quảng Nam thì Nguyễn Đình Chiểu lâm trọng bệnh, bị mù cả hai mắt. Nguyễn Đình Chiểu đóng cửa chịu tang mẹ cho đến năm 1851 thì mở trường dạy học và làm thuốc ở Bình Vi (Gia Định).
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho tiết tháo, sống theo đạo nghĩa, tuy bị mù cả hai mắt lại gặp lúc biến loạn nhưng vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con có hiếu, người thầy mẫu mực, mà còn là một nhà thơ yêu nước, đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị. Cuộc đời ông là tấm gương sáng chói về nghị lực phi thường vượt qua số phận, trọn đời vì đạo lí dân tộc, vì sự tồn vong của giống nòi.
Nguyễn Đình Chiểu là một tượng đài, một danh nhân văn hóa hết sức tiêu biểu của Việt Nam. Ông còn là một hình mẫu của con người luôn vượt lên những khó khăn nghịch cảnh của cuộc sống và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời để phụng sự con người như tinh thần của Hiến chương của UNESCO.
Vì thế mà ngày 23/11/2021 tại Paris (Pháp), UNESCO đã thông qua nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại.
*
Trong hoàn cảnh đau thương của đất nước lúc bấy giờ, Nguyễn Đình Chiểu đã coi văn chương như một thứ vũ khí nhiệm mầu. Có thể nói ông đã bổ sung và làm phong phú thêm quan niệm xưa của Nguyễn Trãi “Văn dĩ tải đạo” bằng lời khẳng định dứt khoát chức năng, nhiệm vụ của văn chương: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Văn chương theo quan niệm của ông là để chở đạo và làm vũ khí chống lại cái ác. Đạo ở đây là đạo lí dân tộc, đạo nghĩa ở đời, là niềm tin, tình yêu thương đồng bào, là lòng căm thù cái ác, căm thù giặc của một nhà nho khí khái. Nhưng chở đạo thôi chưa đủ, văn chương còn phải gánh lấy trách nhiệm trước cuộc đời, đấu tranh diệt trừ cái ác, cái xấu để cho đạo thấm nhuần trong nhân dân.
Quan niệm ấy thể hiện nhất quán trong toàn bộ sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu ở cả hai thời kì sáng tác: trước và sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Bộ mà tập trung nhất là ở hai tác phẩm nổi tiếng là Lục Vân Tiên và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc lần đầu tiên hình tượng người nông dân xuất hiện trong văn học nước nhà. Họ là những “manh lệ” cả đời “Cui cút làm ăn; Toan lo nghèo khó….Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ” thế mà phút chốc trở thành người anh hùng cứu nước.
Sau khi chiếm được thành Gia Định vào đầu năm 1859, quân Pháp bắt đầu một quá trình mở rộng tấn công ra các vùng lân cận như Tân An, Cần Giuộc, Gò Công v.v...
Đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (ngày 16 tháng 12 năm 1861), nghĩa quân của Trương Công Định, Phan Văn Đạt,... đã quả cảm tập kích đồn Pháp ở Cần Giuộc.
Trong trận tập kích ấy, khoảng 20 nghĩa sĩ đã bỏ mình vì nghĩa lớn, khiến người dân trong vùng hết sức xúc động, tiếc thương: “Đoái sông Cầm Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng;/Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ”.
Theo yêu cầu của Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, Nguyễn Đình Chiểu làm bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, để đọc tại buổi truy điệu các nghĩa sĩ đã hi sinh trong trận đánh này.
Có thể nói Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca bi tráng về “người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang”(*), là bức tượng đài bất tử về những người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc đã dũng cảm chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc với tinh thần “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc… muôn kiếp nguyện được trả thù kia”.
Qua bài văn tế nổi tiếng này, chúng ta càng hiểu thêm tư tưởng, đạo lí và hành động của con người Nguyễn Đình Chiểu. Ông không may mắn để có được đôi mắt tỏ tường như bao người bình thường khác nhưng ông lại nhìn rõ cuộc đời và thế sự hơn cả những kẻ sáng mắt lúc bấy giờ mà làm tay sai cho giặc:
Dù đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ (Ngư tiều y thuật vấn đáp)
Ngẫm lại, câu thơ trên không chỉ dành riêng cho ông. Nó như một lời nhắc nhở, răn dạy các thế hệ sau phải biết giữ gìn đạo lí dân tộc, truyền thống ông cha. Đó là cái gốc muôn đời cho non sông vững bền. Ông đã tỏ rõ thái độ của mình “sống làm chi theo quân tà đạo” và bất hợp tác với giặc, bởi đã có lần bọn Michel Ponchon, tỉnh trưởng Bến Tre tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc ông nhưng đều thất bại.
Câu văn “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc” không chỉ là ngợi ca các anh hùng nghĩa sĩ Cần Giuộc mà đấy cũng chính là con người Nguyễn Đình Chiểu, một tấm lòng suốt đời trung trinh với dân với nước.
Mỗi lần đọc lại những câu thơ bất hủ của Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta không giấu nổi niềm xúc động lớn lao bởi những gì ông thể hiện cho đến bây giờ và có lẽ mãi mãi về sau vẫn còn nóng hổi. Nó vẫn là khuôn vàng thước ngọc để cho ta phấn đấu vì đạo lí dân tộc, vì nhân cách làm người.
Nguyễn Đình Chiểu mãi mãi là ngôi sao sáng trên bầu trời văn hóa Việt Nam.
Chú thích:
(*) Phạm Văn Đồng: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc