Tôi thật sự xúc động khi nhìn thấy vật bé mọn ấy của tuổi học trò, được người thầy cùng thế hệ với cha mình gìn giữ, nâng niu như một báu vật. Càng xúc động hơn khi kỷ vật đó thầy không cất kín trong rương hòm hay chưng nơi tủ kính mà lại đem sử dụng hằng ngày như bao vật dụng khác trong nhà suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Về quê một chiều tháng Bảy. Tôi đến thăm thầy giáo cũ hồi học cấp 1 – thầy Hoàng Đình Ân, năm nay đã ngoài 90 mươi tuổi - người cùng làng với tôi.
Lúc chia tay, thầy tiễn tôi ra ngõ. Rồi như sực nhớ ra điều gì, thầy bảo hượm lại một tí, có cái này cho cậu xem đây.
Thầy đi vội vào nhà rồi trở ra ngay, trên tay cầm chiếc hộp gỗ nho nhỏ giơ lên trước mặt tôi, cười hỏi:
- Cậu có biết cái gì đây không?
- Dạ….
- Hộp đựng kim chỉ của nhà mình đấy! Thầy vẫn thường xưng hô với trò một cách thân tình như thế.
Tôi nhìn thấy vài cuộn chỉ trong chiếc hộp gỗ nhỏ nhắn đã xỉn màu thời gian mà chẳng hiểu mô tê gì. Như đọc được ý nghĩ của tôi, thầy nói, đó là sản phẩm thủ công của cậu hồi lớp 4 đấy. Nghe thầy nói thế, tôi ngạc nhiên thực sự.
Cầm chiếc hộp gỗ nhỏ nhắn trong tay, mân mê từng góc cạnh đã lên màu thời gian, ký ức xưa bỗng ùa về.
Đó là năm học 1968-1969. Lúc ấy, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ đang trong giai đoạn rất ác liệt. Quê tôi thuộc tuyến lửa Khu 4, là trọng điểm bắn phá của máy bay giặc vì nơi ấy có tuyến đường huyết mạch 15A chi viện cho chiến trường miền Nam.
4 năm học cấp I, lứa học sinh chúng tôi trải qua ba lần sơ tán, khi thì học trong nhà dân, khi thì trong lán tre nứa dựng tạm, bốn phía hào lũy bao quanh.
Đến trường đầu đội mũ rơm
Vai mang xắc vải, mắt gờm tàu bay
Xung quanh hào lũy đắp dày
“Con ma” Mỹ rú, tiếng thầy vút cao
Năm lớp 4, chúng tôi sơ tán về xóm Vụng, ngoài bãi sông sát chân đê Tả Lam. Lớp học đặt trong vườn nhà ông Cu Xuân. Bây giờ, sau mấy chục năm, ký ức đã mờ dần theo thời gian. Tôi chỉ còn nhớ mang máng lớp của chúng tôi ẩn hiện dưới vườn cây rợp tán lá. Ngày ấy, xóm Vụng cũng như các xóm khác ngoài bãi sông, đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi nhờ phù sa bồi đắp sau những trận lụt hằng năm.
Tôi nhớ ngày ấy, chúng tôi hay chơi trò đá kiện hoặc chọi gụ trong giờ ra chơi nhưng phổ biến nhất vẫn là đá kiện vì trò ấy đơn giản. Chỉ cần một tờ giấy vở học trò gấp đôi lại rồi cắt thành từng “lá” nhỏ, lấy đồng xu bọc lại, phần “lá” cho xòe ra là có ngay một cái kiện đá mệt nghỉ. Bây giờ cũng trò chơi ấy, bọn trẻ dùng quả cầu làm bằng lông gà mua ở hiệu tạp hóa, và không ai gọi bằng cái tên đá kiện nữa.
Vậy mà, cái hộp gỗ thủ công thì tôi lại không nhớ. Bỗng thấy mình tệ quá.
Nhưng tôi thật sự xúc động khi nhìn thấy vật bé mọn ấy của tuổi học trò, được người thầy cùng thế hệ với cha mình gìn giữ, nâng niu như một báu vật. Càng xúc động hơn khi kỷ vật đó thầy không cất kín trong rương hòm hay chưng nơi tủ kính mà lại đem sử dụng hằng ngày như bao vật dụng khác trong nhà suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Trải qua bao biến cố như chiến tranh, di dời nhà cửa cùng thời gian đằng đẵng, thầy vẫn giữ nguyên vẹn món đồ của học trò – một cái hộp gỗ bé nhỏ, mộc mạc, giá trị vật chất chả đáng gì. Bây giờ không thiếu những cái hộp đựng kim chỉ đẹp hơn, sang hơn. Vậy mà…
Nghĩ thế, bỗng thấy lòng mình rưng rưng.
Ngày xưa, thầy dạy tôi những bài học về tri thức, về đạo làm người. Bây giờ đã qua hơn nửa cuộc đời, thầy lại dạy tôi thêm bài học về đối nhân xử thế.
Những bài học giản dị, không thể gọi thành tên nhưng lại sâu sắc, lay động lòng người. Nó không có không có trong sách vở, không có trong các môn học đạo đức hay giáo dục công dân khô khan. Nó chỉ có trong tâm huyết của những nhà giáo trọn đời gắn bó, yêu nghề và thương trò như thầy – thế hệ vàng của nền giáo dục cách mạng.