Huấn luyện viên Park Hang Seo và chuyện “Dụng nhân như dụng mộc”

Thứ tư - 08/01/2020 20:16
Đất nước chỉ thực sự phát triển bền vững khi triệu triệu người đồng lòng chung sức, hiền tài được trọng dụng, không còn những “hoại nhân” cản bước đường đi tới tương lai tươi đẹp của dân tộc.

Huấn luyện viên Park Hang Seo

“Dụng nhân như dụng mộc” là nguyên tắc được cổ nhân đúc kết về nghệ thuật dùng người tựa như việc thợ mộc chọn gỗ làm nhà hay đồ gia dụng.

Người thợ lành nghề là người hiểu biết sâu sắc và sử dụng một cách hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất các chủng loại, chất liệu gỗ phù hợp với công năng, làm tăng giá trị sản phẩm mà mình sẽ làm ra. Họ là nghệ nhân thực sự.

Việc “dụng nhân” cũng vậy. Vai trò của người đứng đầu, người có nhiệm vụ tuyển chọn nhân sự chẳng khác gì nghệ nhân “dụng mộc”, phải nắm bắt được phẩm chất đối tượng, tài năng cũng như tính cách để đặt họ vào vị trí phù hợp với sở trường, tức là đúng người đúng việc. Người có con mắt tinh đời trong chuyện này nhiều khi chỉ cần “Trông mặt mà bắt hình dong”, biết ngay ai người tài giỏi. Chuyện “dụng nhân” của họ đạt tầm mức nghệ thuật – nghệ thuật dùng người.

Nghệ thuật dùng người là sự tiến bộ của văn minh nhân loại. Một xã hội tổ có chức chặt chẽ, quy cũ, có tôn ti trật tự quan ra quan, dân ra dân chính là thành quả của chuyện “dụng nhân”.

Người xưa nói: “Dùng một hảo nhân, những hảo nhân khác sẽ đến. Dùng một hoại nhân, những hoại nhân khác sẽ theo về”. Chuyện “dụng nhân” vì thế, sẽ là động lực thúc đẩy xã hội phát triển nếu chọn được “hảo nhân”, và ngược lại sẽ khiến xã hội lụn bại nếu chỉ chọn “hoại nhân”.

Từ chuyện “dụng nhân” của người xưa nghĩ đến chuyện “dụng nhân” của người nay.

Trong thành công vang dội mà HLV Park Hang Seo mang lại cho bóng đá Việt thời gian qua có bài học sâu sắc về “dụng nhân”.

Trước ông Park, đã có rất nhiều HLV, cả nội lẫn ngoại, nổi tiếng có chuyên môn giỏi, dẫn dắt các đội tuyển bóng đá nam cấp quốc gia. Đỉnh cao mà tuyển Việt Nam từng giành được là lần đầu tiên vô địch AFF Suzuki Cup 2008 dưới thời HLV Calisto. Nhưng phong độ không ổn định và nhiều lý do khác mang tính chất nội bộ khiến bóng đá nam vẫn trầy trật trên con đường đi tới đỉnh cao vinh quang của bóng đá khu vực.

Thế rồi ông Park xuất hiện. Là một HLV còn rất xa lạ với bóng đã Việt nhưng có lẽ ông là người duy nhất đã bắt đúng bệnh, đã dũng cảm bày tỏ quan điểm của mình trước khi đặt bút ký hợp đồng với VFF.

Ông Park được toàn quyền lựa chọn cầu thủ cho đội tuyển, điều chưa từng xảy ra đối với các HLV tiền nhiệm bởi cái bóng quá lớn của VFF và những “ông kẹ” có khả năng chi phối nhất cử nhất động của đội tuyển bóng đá quốc gia.

Chỉ sau một thời gian ngắn, ông Park đã khiến dư luận tâm phục khẩu phục vì các đội tuyển cấp quốc gia dưới bàn tay “phù thủy” của ông như lột xác. Con mắt tinh đời cũng như tâm huyết lớn lao vì sự phát triển của bóng đá Việt đã giúp ông chọn đúng cầu thủ mà mình cần. Ông quả là bậc thầy của việc “dụng nhân như dụng mộc”.

Chọn được người giỏi và dùng họ như thế nào để họ phát huy được sở trường, sở đoản là hai vấn đề song hành của việc “dụng nhân”. Ông Park đã làm tốt cả hai. Thành công của ông mang lại cho bóng đá Việt hai năm qua đã cho chúng ta thấy điều đó.

Tài “dụng nhân” của ông Park thể hiện ở ba yếu tố: Chọn đúng người, phát huy được năng lực sở trường của họ, kết nối từng cá thể thành tập thể đầy sức mạnh. Ông không chỉ là bậc thầy của việc “dụng nhân”, ông còn là bậc thầy của việc truyền cảm hứng cho học trò, những người được ông yêu thương quý trọng bằng tình cha con, tình thầy trò, tình bè bạn.

Từ chuyện lựa chọn, sử dụng cầu thủ của HLV Park Hang Seo nghĩ đến chuyện “dụng nhân” trong các cơ quan công quyền mà không khỏi “tâm tư”.

Cơ chế tuyển dụng hiện nay trao cho người đứng đầu quyền lựa chọn nhân sự là rất lớn. Nhưng không ít người trong số họ sử dụng quyền đó không phải nhằm mục đích cao cả là chọn đúng người đúng việc vì lợi ích đất nước.

Họ dùng quyền để chọn cánh hẩu, phết lên lớp son “đúng quy trình”, “tập thể đồng thuận” để mưu lợi cá nhân và tập đoàn lợi ích. “Màu cờ sắc áo” với họ chỉ là đồ trang sức để đánh bóng bản thân. Tóm lại, họ chỉ vì họ và nhóm lợi ích thân hữu.

Hàng loạt vụ tiêu cực tham nhũng bị phanh phui trong thời gian qua là minh chứng sống động cho việc “dụng nhân” bất cập hiện nay. Đó là những Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phan Văn Vĩnh, Bùi Văn Thành, Nguyễn Văn Hiến, Tất Thành Cang,… và một loạt cán bộ cấp cao khác bị xử lý từ bí thư, chủ tịch tỉnh đến bộ trưởng, phó thủ tướng.

Nhìn vào quá trình phạm tội của họ, người dân tự hỏi, tại sao những kẻ cơ hội, bất tài, thoái hóa biến chất vẫn được tổ chức đặt lên ngồi ghế cao? Thậm chí có người vừa phạm phải khuyết điểm nghiêm trọng vẫn được luân chuyển, đề bạt?

Rõ ràng là cơ chế “dụng nhân” hiện nay đã và đang bị lỗi. Lỗi lớn nhất là những người được giao trọng trách “dụng nhân” vừa không có tầm vừa không có tâm; quy trình “dụng nhân” lại thiếu minh bạch, nhân dân không thể giám sát. Trong bối cảnh đó thì những người mà họ tập hợp dưới trướng chỉ có thể là “cánh hẩu” (chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh) với nhau.
 
Thật buồn khi tại phiên tòa xét xử vụ MobiFone mua AVG ngày 17/12 vừa qua, trước những câu trả lời "ngây ngô" đến khó tin của những kẻ đã từng giữ trọng trách là “tư lệnh ngành”, thẩm phán Trương Việt Toàn phải thốt lên chua chát: "Các bị cáo đều là bộ trưởng, chủ tịch HĐTV mà cứ trả lời là không biết. Không biết thì làm bộ trưởng làm gì?".

“Không biết thì làm bộ trưởng làm gì?”. Câu hỏi của vị thẩm phán làm nhói lòng dân. Đất nước sao có thể phát triển được khi có những bộ trưởng như thế.

Khi “dụng nhân” không còn như “dụng mộc”, đất nước vắng nhân tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo về bệnh “cánh hẩu” trong Đảng: “… tung hô nhau, ủng hộ nhau, dùng số đông, lợi dụng và bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ, dồn những người tốt, có tài  nhưng không “hẩu” xuống để “tiêu diệt”, để cát cứ, thao túng; Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống”.

Lời dạy của Người vẫn còn nóng hổi nhưng cháu con học mãi mà không thuộc.

Thành công của bóng đá nói riêng và thể thao nói chung đã từng được ví như một cú hích cho đất nước phát triển. Có lẽ đấy là hệ quả của thói lạc quan tếu, của phép thắng lợi tinh thần?

Nhưng tài “dụng nhân” của ông Park là bài học thực sự. Bài học cho những ai còn tâm huyết với đất nước, với nhân dân suy ngẫm.

Đất nước chỉ thực sự phát triển bền vững khi triệu triệu người đồng lòng chung sức, hiền tài được trọng dụng, không còn những “hoại nhân” cản bước đường đi tới tương lai tươi đẹp của dân tộc.

17-12-2019
Nguyễn Duy Xuân

Đăng VHNA số 403, 25/12/2019

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
Luong truy cap
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập69
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm62
  • Hôm nay16,665
  • Tháng hiện tại984,350
  • Tổng lượt truy cập55,099,054
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây