Có nên xếp hạng đạo đức giáo viên?

Chủ nhật - 14/03/2021 23:39
Việc phân hạng giáo viên theo tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp chắc chắn sẽ gây tổn thương và tăng thêm áp lực nghề nghiệp không đáng có đối với giáo viên.
 
“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Câu nói nổi tiếng đó của Thủ tướng Phạm Đồng lúc sinh thời đã bao hàm những phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo. Làm thầy, không chỉ cao quý ở nghề mà còn cả ở phương diện đạo đức. Đạo đức nhà giáo là khuôn mẫu từ ngàn xưa đến nay (mô phạm). Đó là điều được mặc định một cách tự nhiên trong truyền thống giáo dục hàng ngàn năm của nước nhà. Câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thêm một lần nữa khẳng định thái độ ứng xử, sự đánh giá đặc biệt của xã hội đối với với người thầy và nghề dạy học.

Chuyện đạo đức nhà giáo hay đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo tưởng không còn gì để bàn cãi.

Thế nhưng, gần đây nó lại bị xới lên khi hồi đầu tháng 2/2021, Bộ Giáo dục-Đào tạo ban hành loạt Thông tư số 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT có nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo.

Chẳng hạn, thông tư Số 03//TT-BGDĐT: Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp Giáo viên trung học cơ sở hạng III:

a) Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục trung học cơ sở;

b) Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh;

c) Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp;

d) Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo; quy định về hành vi, ứng xử và trang phục.

Các hạng I, hạng II tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp tương tự như hạng III nhưng yêu cầu cao hơn theo trình tự: hạng I cao hơn hạng II, hạng II cao hơn hạng III.
Các Thông tư Số 01,02,04/ TT-BGDĐT cũng có nội dung tương tự.

Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT Quy định về đạo đức nhà giáo, đạo đức nghề nghiệp. Năm 2018 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiếp Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT. Những văn bản pháp quy đó cho đến nay vẫn còn hiệu lực.

Vấn đề đáng bàn ở đây là, với bốn Thông tư đã ban hành, cơ quan quản lý giáo dục đã tách bạch đạo đức nhà giáo với đạo đức nghề nghiệp, đồng thời chính thức quy định đối với giáo viên hạng thấp, tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp sẽ thấp hơn giáo viên hạng cao hơn. Nghĩa là, trong con mắt của người dân, phụ huynh và học sinh rồi đây ngành giáo dục sẽ có giáo viên hạng thấp hạng cao, thậm chí có người không có hạng nếu quy theo tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp – một khái niệm rất dễ bị dư luận xã hội đánh đồng với đạo đức nhà giáo.

Không ít thầy cô giáo tâm tư, cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương khi vấn đề đạo đức (cho dù là đạo đức nghề nghiệp) của họ được đưa lên bàn cân để xét tiêu chuẩn xếp hạng. Liệu điều này có là động lực để đội ngũ giáo viên tâm huyết với nghề hay chỉ lo tìm cách đối phó, dối trá bởi phải đối mặt với những áp lực không đáng có và nay lại thêm chuẩn chức danh nghề nghiệp, thăng giữ hạng,…? Chuyện dạy dỗ học trò – công việc “cao quý nhất” của nhà giáo dường như đang bị gạt ra một bên.

Cũng xin nói thêm rằng, quy định về “đạo đức nghề nghiệp” trong bốn thông tư mới ban hành chỉ áp dụng cho nhà giáo – những người trực tiếp đứng lớp. Còn đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục (chiếm khoảng 1/8 biên chế của ngành) cùng công tác trong môi trường sư phạm như giáo viên thì không thuộc phạm vi áp dụng. Lẽ nào những cán bộ quản lý của ngành không cần đạo đức nghề nghiệp? Câu hỏi này xin dành cho lãnh đạo Bộ và cơ quan ban hành chính sách của Bộ.

Từ những phân tích ở trên, có thể thấy, việc phân hạng Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp đối với nhà giáo là không cần thiết. Đã là nhà giáo, dù công tác ở cấp nào, từ mầm non cho đến đại học, trường công hay trường tư và ở đâu trên đất nước này thì đạo đức nhà giáo hay đạo đức nghề nghiệp đều như nhau.
 
Đạo đức nhà giáo hay đạo đức nghề nghiệp, suy cho cùng chính là lòng yêu người yêu nghề. Sự hơn kém nhau của nhà giáo quan trọng là ở năng lực chuyên môn, năng lực tổ chức dạy học. Nhà giáo, một khi đã có vấn đề về đạo đức thì đương nhiên không đủ tư cách làm nhà giáo.

Việc phân hạng giáo viên theo tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp chắc chắn sẽ gây tổn thương và tăng thêm áp lực nghề nghiệp không đáng có đối với giáo viên.

Xin đừng trói buộc người thầy bằng những “giấy phép con” vô hình, để họ yên tâm với công việc trồng người bằng tâm huyết của nhà giáo muôn đời chứ không phải là những viên chức hành chính chỉ biết làm công ăn lương với đủ thứ quy định ràng buộc của nhà quản lý.

10-3-2021
Nguyễn Duy Xuân


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gạc Ma
CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN
 
45 năm chiến tranh biên giới
45 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH
BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
17/2/1979


 
Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập373
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm360
  • Hôm nay27,875
  • Tháng hiện tại669,067
  • Tổng lượt truy cập53,970,116
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây