Hãy nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi!

Thứ năm - 15/04/2021 20:15
Theo phản ánh của báo chí gần đây, một số học sinh lớp Trường THCS - THPT Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đọc, viết khó khăn. Có em đọc không liền câu và phải đánh vần từng chữ, viết chậm, viết sai chính tả nhiều.
 
Chuyện này thực ra không có gì mới. Đầu năm học 2016-2017, dư luận từng sốc nặng khi ngành giáo dục thành phố Sóc Trăng công bố kết quả kiểm tra tất cả trường tiểu học trên địa bàn và phát hiện hơn 70 học sinh "ngồi nhầm lớp".

Đây là câu chuyện muôn thuở của Giáo dục - “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” – mặc dù đã được dư luận lên tiếng cảnh báo nhưng cho đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Về trường hợp nhiều học sinh lớp 6 không đọc được chữ ở Trường THCS - THPT Tân Mỹ nói trên, Sở GD&ĐT Đồng Tháp thừa nhận có cơ sở giáo dục còn gây áp lực cho giáo viên bằng chỉ tiêu thi đua không phù hợp. Đây có lẽ là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp đáng báo động bấy lâu nay.

Bệnh thành tích gây áp lực cho nhà trường lẫn giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm, đến mức học sinh dẫu có muốn lưu ban vì học lực yếu kém cũng không được.

Bà Nguyễn Thị Kim H. (phụ huynh của một trong những học sinh lớp 6 nói trên) cho biết, thấy con học lớp 4 mà đọc viết chưa rành nhưng vẫn được nhà trường cho lên lớp 5, bà đã xin cho con được ở lại lớp nhưng không được chấp nhận.[1]

Có những em mặc cảm vì học yếu mà bỏ học. Lại thêm một gánh nặng nữa trút lên vai giáo viên. Nếu không đảm bảo sĩ số lớp học 100%, giáo viên sẽ bị cắt danh hiệu thi đua.

Áp lực chỉ tiêu thành tích, áp lực duy trì sĩ số,… là những rào cản giáo dục phát triển và làm thui chột động lực làm việc của giáo viên.

Nó xuất phát từ những quy định bất cập đã tồn tại hàng chục năm nay, ví như Thông tư số 36/2009/TT-BGDĐT đã tước đi “quyền” lưu ban của học sinh do quy định độ tuổi phổ cập giáo dục tiểu học đạt chuẩn mức độ 1, 2 là 11 tuổi.

Trong thông tư số 32/2020/TT mới ban hành cách đây mấy tháng, Bộ vẫn quy định: "Tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11 tuổi”. Mặc dù thông tư này tăng số lần học sinh được lưu ban (không quá 03 lần trong một cấp học) so với trước đây nhưng trong thực tế, thật hiếm hoi một cơ sở giáo dục nào dám “phá rào” quy định đó của Bộ bởi vòng kim cô “thành tích”, “thi đua” vẫn siết chặt trên đầu họ. Nó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến bi kịch của ngành khi không chỉ riêng các nhà quản lý giáo dục mà chính quyền các cấp và dư luận xã hội nói chung đều thích con số đẹp hơn là chất lượng thực tế. Thế cho nên, bản báo cáo nào cũng lặp đi lặp lại điệp khúc “chất lượng… năm sau cao hơn năm trước”.

Và mặc dù từ năm học 2006-2007, Bộ GD-ĐT đã phát động mạnh mẽ cuộc vận động “Hai không”: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” nhưng xem ra những căn bệnh này không có chiều hướng thuyên giảm.

Trăm dâu đổ đầu tằm. Giáo viên là người trực tiếp giơ đầu chịu báng nếu số lượng học sinh bỏ học, lưu ban, học lực yếu vượt quá chỉ tiêu quy định.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có lần khẳng định, để xảy ra tình trạng trên (học sinh ngồi nhầm lớp), trước hết do giáo viên thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện đúng quy chế chuyên môn, không báo cáo thật chất lượng học sinh, không có giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém.[2]

Phận “trên đe dưới búa”, thử hỏi có giáo viên nào đủ dũng cảm để báo cáo sự thật và dù có báo cáo đúng sự thật thì ai là người đủ dũng khí chấp nhận sự thật đó?

Mới đây, ngay sau khi nhậm chức, tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã viết tâm thư gửi nhà giáo cả nước. Trong thư, tân Bộ trưởng thể hiện sự trăn trở, tâm huyết đối với giáo dục nước nhà, đặc biệt là vị thế của người thầy, đặt kỳ vọng “nghề giáo tôn nghiêm thêm” bởi ông “có niềm tin không gì lay chuyển vào đội ngũ nhà giáo, giáo chức”.

Một nhà giáo có gần 40 năm trong nghề - TS Nguyễn Hoàng Chương (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã viết những lời tâm huyết gửi tới tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sau khi đọc tâm thư của ông: “Bộ GD – ĐT hãy nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá trung thực để thay đổi, để tạo dựng lại niềm tin. Có niềm tin, có tất cả! Nhà giáo chúng tôi đặt niềm tin vào tân Bộ trưởng Bộ GD – ĐT”.[3]

Nhà giáo Nguyễn Hoàng Chương nói rất trúng, hãy nhìn thẳng vào sự thật để tạo dựng niềm tin, để thay đổi; để không còn những học sinh học đến bậc THCS mà vẫn chưa đọc thông, viết thạo; để môi trường giáo dục là môi trường sống thật, làm thật, kết quả thật.

11-4-2021
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:


[1]. https://soha.vn/vu-nhieu-hoc-sinh-lop-6-khong-doc-duoc-chu-co-phu-huynh-tung-xin-cho-con-o-lai-lop-nhung-khong-duoc-20210410013514436.htm
[2]. http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/749235/khan-truong-khac-phuc-tinh-trang-hoc-sinh-ngoi-nham-lop-
[3]. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/tam-thu-gui-tan-bo-truong-gd-dt-xin-nhin-thang-vao-su-that-de-thay-doi-726749.html


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

2025
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
XUÂN ẤT TỴ 2025
Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập138
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm135
  • Hôm nay38,911
  • Tháng hiện tại445,767
  • Tổng lượt truy cập64,047,692
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây