Để gia đình thực sự là tổ ấm

Chủ nhật - 28/06/2020 04:24
Chẳng hiểu sao khi gõ bàn phím bài viết này, trong đầu tôi lại văng vẳng câu hát: Ba thương con vì con giống mẹ/Mẹ thương con vì con giống ba/Cả nhà ta cùng thương yêu nhau/Xa là nhớ gần nhau là cười.
Lời bài hát nhí nhảnh, ngộ nghĩnh trẻ thơ nhưng chừng ấy cũng đủ khái quát lên được, gia đình quả đúng là tổ ấm của mỗi chúng ta, không riêng gì con trẻ. Vì là tổ ấm nên nó luôn tràn ngập tiếng cười và lòng yêu thương giữa các thành viên trong cái tổ ấm đặc biệt ấy. Một gia đình như thế là mơ ước, là mục đích phấn đấu của mọi người.

Ở một góc nhìn khác, gia đình được xem là tế bào của xã hội. Quan niệm này cho thấy, vai trò của gia đình hết sức quan trọng nếu đặt trong mối quan hệ tổng hòa với xã hội. Nếu xã hội là một cơ thể thì gia đình là tế bào. Tế bào khỏe mạnh thì cơ thể cường tráng. Gia đình hạnh phúc thì xã hội bình yên, phát triển.
Có lẽ vì nhận ra tầm quan trọng của gia đình như thế cho nên trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của nhân loại, gia đình luôn là mối quan tâm hàng đầu của xã hội loài người.

Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, khi nói về tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, C.Mác và Ph.Ăngghen đã coi gia đình là một trong ba mối quan hệ của con người: Quan hệ thứ nhất là giữa con người với tự nhiên; Quan hệ thứ hai là giữa con người với con người trong quá trình sản xuất; và Quan hệ thứ ba là gia đình. Quan hệ gia đình “tham dự ngay từ đầu vào quá trình phát triển của lịch sử: Hằng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nẩy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái”. Ba quan hệ này tồn tại đan xen với nhau, hòa quyện và cùng tồn tại bên nhau.

Ở Việt Nam, gia đình mang những nét đặc trưng của văn hóa, lịch sử dân tộc.

Từ giữa thế kỷ XX trở về trước, gia đình Việt tồn tại trong thể thức đậm chất văn hóa Việt. Gia đình truyền thống là khái niệm được dùng để chỉ về gia đình Việt trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm từ khi dựng nước cho đến Cách mạng tháng Tám 1945, thậm chí còn đến đầu những năm 60 của thế kỷ trước.

Có thể khái quát mấy điểm cơ bản về gia đình Việt truyền thống.

Đó trước hết là việc nhiều thế hệ, gồm ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt - tứ đại đồng đường – cùng chung sống trong một mái ấm. Đây chính là yếu tố đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong giáo dục gia đình. Nền nếp gia phong được hình thành và giữ vững nhờ mối quan hệ ràng buộc hàng ngày giữa các thế hệ với nhau.

Giáo dục gia đình trở thành cốt lõi trong việc giáo dục con người thời phong kiến khi mà đại đa số người dân mù chữ, trường học kém phát triển, quy mô nhỏ lẻ, hiếm hoi. Các mối quan hệ xã hội hạn chế, bị ràng buộc trong phạm vi dòng tộc, làng xã.

Trong hoàn cảnh đặc biệt như thế, văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, truyện nôm khuyết danh,…) trở thành phương tiện, công cụ giáo dục có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh và đem lại hiệu quả tốt nhất. Một câu ca dao đặt đúng chỗ thấm sâu vào lòng người còn hơn cả những bài học đạo đức khô khan, sáo rỗng trôi tuột như nước đổ lá môn: “Cá không ăn muối cá ươn/Con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư” hay “Anh em như thể tay chân/Anh em hòa thuận hai thân vui vầy”.

Tính tôn ti trật tự được tạo ra từ “thể chế” tứ đại đồng đường cũng là yếu tố quan trọng để giáo dục con người về lễ nghi và cách ứng xử có trên có dưới.

Sự chung sống của nhiều thế hệ trong cùng một nhà tạo điều kiện để các bậc bề trên giám sát, điều chỉnh, uốn nắn hành vi ứng xử của con cháu theo đạo lý, gia phong đã mặc nhiên thừa nhận.

Đó là những giá trị nhân bản đáng trân trọng của gia đình Việt truyền thống.

Tuy nhiên, bước sang thời hiện đại, mô hình gia đình truyền thống khó tồn tại. Mấy chục năm trở lại đây, gia đình Việt hầu như chỉ có hai thế hệ chung sống là cha mẹ và con cái. Sự suy giảm các thế hệ chung sống trong một mái nhà là hệ quả tất yếu của việc giải phóng con người khỏi những ràng buộc kỷ cương, gia phong theo nếp sống cũ. Các thế hệ trong dòng tộc bây giờ tự do hơn, tự quyết, tự chịu trách nhiệm về bản thân, việc làm và thu nhập. Đó cũng chính là hệ quả của giao thoa văn hóa Đông – Tây.

Và dĩ nhiên, kéo theo sự tự do đó là sự ràng buộc lỏng lẻo các thế hệ trong một gia đình. Áp lực cuộc sống, học hành, công việc đè nặng lên vai mỗi người, nhất là thế hệ trẻ. Các thành viên trong một gia đình ngày càng ít có cơ hội gần gũi, quan tâm, chia sẻ lẫn nhau. Đặc biệt là khi công nghệ thông tin phát triển, mạng xã hội bùng nổ thì hố ngăn cách đó ngày càng rộng ra. Sau giờ học tập, làm việc căng thẳng trở về nhà, ai nấy lại vào phòng riêng của mình, lại chúi mũi, dán mắt vào điện thoại thông minh. Bữa cơm gia đình, vốn rất quan trọng đối với gia đình truyền thống thì nay chẳng mấy ai quan tâm.

Giáo dục gia đình cứ thế nhạt dần bởi cha mẹ không còn thời gian, công sức để ý đến con cái; bởi suy nghĩ, nhận thức của các thế hệ lệch pha nhau. Nếu có quan tâm thì đó là sự o bế thái quá về mặt vật chất, cùng với quan niệm luôn coi con cái mình là khuôn vàng thước ngọc, là nhất thiên hạ. Hậu quả của cách giáo dục gia đình như thế, ai cũng đã rõ nhưng dám phá vỡ nó để “tái cấu trúc” một nền tảng giáo dục gia đình mới mà ở đó những giá trị nhân văn và tri thức đích thực được đề cao, tôn trọng là điều đáng quan tâm nhất hiện nay.

Và rồi, chuyện gì đến đã đến. Có một thứ bé nhỏ, thậm chí là vô hình đã khiến con người ngộ ra một điều đơn giản: Cho dù xã hội có tiến xa đến đâu thì gia đình vẫn là số một! Thứ vô hình nhưng lại có thế lực siêu nhiên ấy chính là con virus corona đang khiến cả thế giới chao đảo suốt mấy tháng qua.

Trong những ngày cách ly vì dịch bệnh, trở về với mái ấm gia đình, con người ta mới nhận ra sâu sắc hơn những giá trị thiêng liêng mà bấy lâu nay bị bỏ rơi hay quên lãng vì cuộc mưu sinh.

Hãy trở lại với những nhận thức đã thành chân lý: Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng trước hết để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, chống lại những tác động xấu của xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Suy cho cùng, gia đình là nền tảng của một quốc gia, dân tộc. Chăm lo cho gia đình cũng chính là chăm lo cho đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Hãy luôn giữ ấm tình cảm gia đình thiêng liêng để sau những giờ lao động vất vả, sau những ngày đi xa trở về ta được sống trọn vẹn trong niềm vui, hạnh phúc; trong tình thương vô bờ bến; trong sự ủi an, nâng đỡ, chăm sóc của những người ta quý ta yêu.

Tháng 6, 2020
Nguyễn Duy Xuân
 
 Tags: thương yêu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
45 năm chiến tranh biên giới
45 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH
BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
17/2/1979


 
Gạc Ma
CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN
 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập300
  • Hôm nay35,562
  • Tháng hiện tại676,754
  • Tổng lượt truy cập53,977,803
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây