Trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ
admin100
2020-12-13T20:30:00-05:00
2020-12-13T20:30:00-05:00
http://nguyenduyxuan.net/van-de-hom-nay-39/trach-nhiem-xa-hoi-cua-nguoi-nghe-si-9910.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2016_09/vo-cam.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Chủ nhật - 13/12/2020 20:30
Tác phẩm văn chương không đơn thuần là trò chơi chữ nghĩa. Cao hơn thế, tác phẩm văn chương là nơi nhà văn gửi gắm tư tưởng, tình cảm của mình đối với con người và cuộc sống.
Nguyenduyxuan.net - Nhân Đại hội lần thứ VII Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk, báo Đắk Lắk cuối tuần số 6463, ra ngày 13-12-2020, giành trọn 3 trang báo đăng tải các bài viết, phỏng vấn và tác phẩm của một số VNS trong tỉnh, trong đó có bài viết "Trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ" của tác giả Nguyễn Duy Xuân - Hội viên Hội VHNT tỉnh, cộng tác viên báo Đắk Lắk.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tôi muốn mở đầu bài viết này bằng mấy câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu:
Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao
(Xuân Diệu, Những đêm hành quân)
Bốn câu thơ trên có thể coi như một tuyên ngôn về trách nhiệm của người cầm bút đối với nhân dân, đối với tổ quốc.
Ngược dòng thời gian, nhiều nhà văn, nhà thơ khác cũng đã từng bày tỏ quan niệm của mình về trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ. Nhà văn Nam Cao viết: “Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.” (Trăng sáng). Nhà thơ Hồ Chí Minh: “Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong” (Cảm tưởng đọc Thiên gia thi).
Trong lịch sử văn học trung đại, Nguyễn Trãi từng khẳng định: “Văn dĩ tải đạo”, còn Nguyễn Đình Chiểu thì quyết liệt, rạch ròi: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Quan niệm văn chương nói trên của các bậc tiền bối tuy có khác nhau về cách thể hiện nhưng đều gặp nhau tại một điểm: Đó là trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với xã hội. Đây là vấn đề muôn thuở, không bao giờ cũ, luôn mang tính thời sự, tính thời đại sâu sắc.
*
Đối với người nghệ sĩ dù sống ở bất cứ thời đại nào cũng đều có hai con người tồn tại trong họ: Con người công dân và con người nghệ sĩ. Nó như hai mặt của một vấn đề, rạch ròi nhưng thống nhất biện chứng. Trước khi là nghệ sĩ, anh phải là công dân như hàng triệu người khác. Trong nội hàm bài viết này, chúng tôi không nhìn nhận trách nhiệm của người nghệ sĩ chỉ riêng với tư cách công dân. Bởi nói về trách nhiệm công dân thì nghệ sĩ cũng như bao người khác đều bình đẳng trước pháp luật. Không thể là người nghệ sĩ chân chính khi bản thân là một công dân tồi.
Vậy vấn đề chúng ta cần trao đổi ở đây là gì? Đấy là mối quan hệ giữa yêu cầu xã hội và khát vọng chân chính của người nghệ sĩ. Giải quyết tốt mối quan hệ này cũng có nghĩa là người nghệ sĩ đã thực hiện đúng thiên chức của mình đối đối với nhân dân và đất nước.
Để đạt được mục đích cao cả đó, suy cho cùng cũng chỉ có hai điều căn bản: Tâm và tài. Đại thi hào Nguyễn Du thì khẳng định: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Lâu nay chúng ta chỉ chú ý đến những vấn đề cao siêu: Lập trường tư tưởng, thái độ chính trị, con mắt nhìn, quan điểm sáng tác,… Những vấn đề cốt lõi ấy, theo chúng tôi, đều xuất phát từ cái tâm của người nghệ sĩ. Tâm không sáng, trí sao ngời?
Tác phẩm văn chương không đơn thuần là trò chơi chữ nghĩa. Cao hơn thế, tác phẩm văn chương là nơi nhà văn gửi gắm tư tưởng, tình cảm của mình đối với con người và cuộc sống. Nó là đứa con tinh thần của nhà văn. Nó không chấp nhận những ai có trái tim lạnh lùng, vô cảm trước đời sống xã hội, không biết rung động trước niềm vui, nỗi đau của con người. Thế cũng có nghĩa là nhà văn không thể thoát li, quay lưng nhắm mắt làm ngơ trước hiện thực cuộc sống. Nhà văn phải nói lên tiếng nói của hàng triệu con người đang ngày đêm bươn chải, lặn lộn với cuộc sống ngoài kia; đang bất chấp hiểm nguy nơi biên cương, hải đảo vì sự vẹn toàn và bình yên của đất nước. Không thể có nghệ thuật đích thực khi người nghệ sĩ chỉ biết đắm mình trong tháp ngà văn chương, trốn tránh trách nhiệm với đời.
Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng đã khẳng định vai trò nhiệm vụ của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người; trong việc đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Đó cũng chính là sứ mệnh của người nghệ sĩ với tư cách là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng- văn hóa.
Hiện thực cuộc sống thời nào cũng vậy, vô cùng phong phú và sinh động. Có niềm vui, nỗi buồn; có hạnh phúc, khổ đau; có bất công, nghịch lí; có người tốt kẻ xấu… Vấn đề là ở chỗ người nghệ sĩ ứng xử với thái độ như thế nào đối với hiện thực ấy thông qua tác phẩm của mình?
*
Đội ngũ văn nghệ sĩ ở Đắk Lắk trong suốt mấy chục năm qua đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển văn hóa, văn nghệ tỉnh nhà. Những năm gần đây, có thể nói văn nghệ Đắk Lắk đã tiến bộ vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng. Thành công đó trước hết là nhờ sự nỗ lực hết mình của các văn nghệ sĩ.
Tạp chí Chư Yang Sin là nơi hội tụ, phản ánh tương đối đầy đủ, chính xác diện mạo của văn nghệ Đắk Lắk trong những năm vừa qua. Theo dõi thường xuyên các số tạp chí trong những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà là những người có tâm huyết đối với lao động nghệ thuật, luôn nêu cao ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa văn nghệ nói riêng và sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh nhà nói chung.
Hoạt động sáng tác của các văn nghệ sĩ luôn theo sát hiện thực cuộc sống ở địa phương cũng như trên toàn quốc. Rất nhiều tác phẩm văn xuôi (bút kí, tùy bút, tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết), thơ ca, âm nhạc, hội họa,… đã phản ánh một cách chân thực đời sống xã hội ở một vùng đất đa dạng về văn hóa và giàu tiềm năng về mọi mặt. Có thể kể ra đây một số tên tuổi mà sự thành công của họ đã góp phần không nhỏ làm nên diện mạo mới của văn nghệ tỉnh nhà: Lĩnh vực văn học có Phạm Doanh, Đặng Bá Tiến, Niê Thanh Mai, Đỗ Toàn Diện, Nguyễn Hồng Chiến, Nguyên Hương, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Anh Đào, Lê Thành Văn, Bùi Minh Vũ, Nguyễn Văn Thiện,…; lĩnh vực hội họa có Lê Vấn, An Quốc Bình, Trần Thanh Long, Hồ Hậu,…; lĩnh vực âm nhạc có Mạnh trí, Lê Nhật Thanh, Y Phôn Ksơr,…; lĩnh vực nhiếp ảnh có Vương Quốc Kim, Đào Thọ, Phạm Huỳnh, Bảo Hưng,…
Các tác phẩm văn học như Rừng cổ tích và Hồn cẩm hương của Đặng Bá Tiến, Bí mật của H’Loan của Nguyễn Hồng Chiến, Đom đóm lập lòe của Nguyễn Anh Đào, “Mùa gọi” của Huệ Nguyên, “Quỉ út” của Nguyên Hương, Nước mắt màu xanh thẫm của Nguyễn Văn Thiện,… đã gây được sự chú ý của độc giả trong và ngoài tỉnh.
Một vùng đất đa dạng và phong phú bản sắc văn hóa như Đắk Lắk sẽ là môi trường lý tưởng nuôi dưỡng và ươm mầm cho những tài năng nghệ thuật. Thành công đang chờ phía trước. Nhất định văn nghệ tỉnh nhà sẽ gặt hái được những “vụ mùa” bội thu trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Đắk Lắk giàu đẹp.
Nguyễn Duy Xuân
Đăng Đắk Lắk cuối tuần, chuyên mục chào mừng ĐH Hội VHNT tỉnh lần thứ VII, số 6463, ngày 13-12-2020. BBT lược bớt đoạn đầu.