Đổi mới giáo dục, hãy bắt đầu từ cơ quan Bộ
admin100
2021-07-06T21:29:00-04:00
2021-07-06T21:29:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/van-de-hom-nay-39/doi-moi-giao-duc-hay-bat-dau-tu-co-quan-bo-10677.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2017_02/giao-an-mau.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ ba - 06/07/2021 21:29
Ngày 23-6 Bộ GDĐT ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH, nhằm điều chỉnh Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH vốn đang bị dư luận phản đối mạnh mẽ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên bậc trung học.
Tuy nhiên, xem kỹ công văn 2613 thì không thấy một sự điều chỉnh nào đáng kể đối với Công văn 5512 mà Bộ chỉ cụ thể hóa lộ trình thực hiện công văn này để giáo viên tạm “yên lòng”. Theo đó, năm học 2021-2022 lớp 6 mới thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512, và tất nhiên, những năm tiếp theo sẽ là lớp 7, lớp 10, ...
Vậy là Công văn 5512 vẫn tồn tại, chỉ khác là thay vì phải thực hiện ngay và đồng loạt thì nó được thực hiện theo... lộ trình từng năm.
Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học vẫn khẳng định “những hướng dẫn trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH là phù hợp, chẳng qua là giáo viên không hiểu cứ làm theo mẫu (phụ lục IV) dài 20-30 trang”. Ông Thành cho rằng, lỗi không phải ở Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH mà do cấp dưới triển khai chưa đến nơi đến chốn và giáo viên thì “chưa xác định đúng vấn đề” mà thôi”, tác giả bài báo cho biết.[1]
Chẳng hay Vụ trưởng Thành và các vị lãnh đạo Bộ có được đọc những cái tít này trên báo chí thời gian qua: “Giáo án mẫu theo Công văn 5512: Vì sao giáo viên rối bời?”, “Sôi động "chợ" giáo án theo Công văn 5512 của Bộ GDĐT”, “Nếu phải đứng lớp và soạn giáo án theo mẫu 5512 Vụ trưởng Thành đã không nói thế”, “Vụ trưởng làm ơn cho xem mẫu giáo án 5512 chỉ 3-5 trang, chớ nói cho qua chuyện”, “Giáo viên phản biện Vụ trưởng Thành: giáo án mẫu 5512 cần bỏ, đừng cố đấm ăn xôi”,... Và mới đây nhất là bài viết “Thưa Bộ trưởng Sơn, các mẫu giáo án, kế hoạch 5512 là hình thức cần bỏ hẳn” trên GDVN như đã nêu ở trên.
Trước đó vài ngày, trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Giang, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai, thực thi cho một tinh thần lớn, đó là coi trọng thực tế, thực tiễn và thực chất”.[2]
Theo Bộ trưởng, “những gì là hình thức, không cần thiết, gây phiền phức cho người dạy, người học thì kiên quyết sàng lọc, loại bỏ, để hướng tới đời sống giáo dục thực chất nhất”.
Dư luận hoàn toàn đồng tình và ủng hộ tinh thần chỉ đạo đó của Bộ trưởng. Đã đến lúc nền giáo dục nước nhà phải “lột xác” thực sự mà sự “lột xác” đầu tiên và trước hết là phải kiên quyết sàng lọc, loại bỏ “những gì là hình thức, không cần thiết, gây phiền phức cho người dạy, người học”.
Theo tinh thần đó, lẽ ra mẫu giáo án và công văn 5512 phải là những đối tượng bị loại bỏ ngay lập tức bởi không thể chấp nhận loại văn bản hành chính nặng hình thức, gây phiền hà, tạo áp lực cho giáo viên và rất có thể, làm cho căn bệnh giả dối trong ngành ngày càng thêm trầm trọng.
Nhưng thật không thể hiểu nổi, vì sao ông vụ trưởng vẫn kiên quyết bảo vệ công văn 5512 và mẫu giáo án ăn theo công văn này? Chả nhẽ ông Thành bận đến mức không có thời gian đọc báo, lên mạng xã hội để tìm hiểu, nghe ngóng phản ứng của dư luận?
Một văn bản hành chính ban ra chưa phù hợp với thực tiễn thì thu hồi, sai thì sửa. Chuyện đơn giản vậy mà xem ra thật khó đối với lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học. Nếu các vị thực tâm thì hãy ngẫm điều mà dư luận đang yêu cầu (tuy không bao giờ xảy ra): “Vụ trưởng hãy soạn bài theo mẫu giáo án và dạy thử đi!”. Đó là tinh thần chung trong comment của rất, rất nhiều độc giả dưới mỗi bài báo đề cập đến công văn 5512 đã liệt kê ở trên.
“Hãy để thầy cô giáo tự do, thăng hoa trong từng tiết dạy, đừng “nhốt” giáo viên bằng những văn bản, chỉ thị hành chính cứng nhắc như Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH”.[3]
Và không thể không nhắc lại lời nhắn nhủ của Bộ trưởng: “Tôi mong rằng mỗi cán bộ quản lý chung quyết tâm, chung tinh thần, tận dụng các điều kiện để hoàn thành tốt đổi mới giáo dục phổ thông”.[4]
Nhưng xin thưa với Bộ trưởng, giáo viên cũng mong rằng, đổi mới giáo dục, phải bắt đầu từ lãnh đạo Bộ trở xuống.
29-6-2021
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
[1]. https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vu-truong-thanh-van-bao-ve-cong-van-5512-mau-giao-an-van-ton-tai-theo-lo-trinh-post218920.gd
[2, 4]. https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-truong-giao-duc-loai-bo-nhung-gi-hinh-thuc-de-huong-toi-giao-duc-thuc-chat-post218910.gd
[3]. https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-phan-bien-vu-truong-thanh-giao-an-mau-5512-can-bo-dung-co-dam-an-xoi-post218483.gd