Nhân cách như thế, các cô sao có thể dạy văn, dạy người?

Thứ tư - 02/06/2021 20:23
Là thầy giáo mà thiếu trung thực, tâm không sáng, trí không ngời thì thử hỏi, các cô sẽ truyền dạy được gì cho học trò về tri thức, về nhân cách đạo đức và kỹ năng sống?

Chuyện ứng xử với đồng nghiệp qua tin nhắn của hai cô giáo dạy văn ở trường THPT Nguyễn Huệ (Thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận) có người bảo chỉ là con muỗi, sánh sao được với những lùm xùm của giới showbiz trong mấy ngày qua hay những vụ đại tham nhũng đang gặm nhấm đất nước bấy lâu nay. Ừ thì nó bé thật nhưng ngẫm kỹ ra cái bé xíu ấy lại chính là gốc rễ sâu xa của những chuyện động trời đối với xã hội kia. Nó là hệ quả - hệ quả của một nền giáo dục mà người thừa hành, trong đó có hai cô, phải chịu một phần trách nhiệm. Nói như thế không phải là không có cơ sở.

Cô L.T.M. và cô Đ.T.K.H đều là giáo viên dạy bộ môn Văn, một môn học rất đặc thù vì ngoài việc cung cấp tri thức văn học nó còn giáo dục con người những vấn đề thuộc phạm trù đạo đức, tư tưởng và nhận thức thông qua ngôn ngữ và hình tượng văn học.

Người thầy là mẫu mực của đạo đức tư cách. Người thầy dạy văn càng phải mẫu mực hơn nhất là trong ứng xử. Chuẩn mực ấy không bó hẹp trong phạm vi nhà trường. Chuẩn mực ấy còn phải được thể hiện trong mọi môi trường giao tiếp hằng ngày. Thầy cô ai cũng phải ý thức được điều đó để giữ cho mình hình ảnh đẹp về người thầy trong con mắt học sinh và xã hội.

Cái sai của hai cô giáo là đã buông thả mình, chí ít trong vụ việc này bởi thái độ ứng xử vô văn hóa, ăn nói khiếm nhã, coi thường đối với đồng nghiệp. Đoạn tin nhắn đã bộc lộ đầy đủ “phẩm chất” của hai cô giáo dạy văn: - “Tiết đó có cẩn, huệ, hà oanh” - “Đù phe mình không” - Dập cho nó chết bà nhà đó đi, chứ thấy bệnh quá” - “Cho chết không kịp ngáp”.

Ở góc nhìn đời thường, lời ăn tiếng nói của hai cô đậm chất xã hội đen, coi mạng người như cỏ rác (Dập cho chết… không kịp ngáp). Ai có thể nghĩ những lời đó được thoát ra từ đầu óc của những người mang trong mình các thiên chức trời phú: Thục hiền, đoan trang?

Ở góc nhìn sư phạm, các cô – hơn nữa là cô giáo dạy văn – còn chưa biết viết đúng chính tả tên riêng đồng nghiệp “cẩn, huệ, hà oanh”. Đừng ngụy biện đây là tin nhắn riêng tư, muốn viết sao thì viết. Tôi muốn nhấn mạnh: Các cô là giáo viên dạy văn.

Ở góc nhìn chuyên môn, các cô dạy văn mà tâm hồn cho đến ngôn từ đều có vấn đề, thô tục và độc ác đến ghê sợ. Tôi không hình dung nổi, trên bục giảng, hình ảnh các cô sẽ như thế nào. Có lẽ là thao thao bất tuyệt với những lời hoa mỹ khi dạy các tác phẩm thơ văn. Diễn! Tất cả chỉ là để đánh lừa cảm giác của học sinh. Tôi tin, hầu hết các em đều nghĩ thế trong những ngày qua sau khi đọc tin nhắn của cô giáo – thần tượng của mình – được phơi bày trên mặt báo.

Ở góc độ nội bộ cơ quan, các cô là trung tâm của mất đoàn kết, chia phe kết cánh, trong tổ Văn – Giáo dục công dân của nhà trường.

Khi sự việc xảy ra, các cô đã quên mất câu “quay đầu lại là bờ” để rồi phạm tiếp sai lầm đáng tiếc. Qua nhiều buổi làm việc, các cô tuy thừa nhận tin nhắn là của mình nhưng vẫn quanh co, chối lỗi và đều cho rằng mình nhắn nhầm chứ không có ý xấu đối với đồng nghiệp. Các cô bịa ra chuyện con cô L.T.M đi qua nhà cô Đ.T.K.H. bị chó cắn vào chân để vin cớ nhắn nhầm nhưng lại không trưng được chứng cứ. Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ nhận xét về thái độ của các cô: “Chưa thấy rõ vấn đề; Thiếu trách nhiệm, không chân thật”.

Sự việc diễn ra giữa lúc toàn ngành đang nỗ lực thực hiện theo tinh thần của Thủ tướng, giáo dục phải trở về quỹ đạo thật, trước hết phải thật về con người mà cốt lõi là nhà giáo. Những dòng tin nhắn của các cô về đồng nghiệp, cũng có cái hay của nó, đó là bộc lộ một phần chữ “thật” bên trong tấm áo giáo viên mà các cô đang khoác trên mình.

Là thầy giáo mà thiếu trung thực, tâm không sáng, trí không ngời thì thử hỏi, các cô sẽ truyền dạy được gì cho học trò về tri thức, về nhân cách đạo đức và kỹ năng sống?

Mong rằng, sau khi báo chí và mạng xã hội lên tiếng, các cô L.T.M và Đ.T.K.H. sẽ bình tĩnh hơn mà tự vấn. Sửa sai vẫn chưa muộn.
 
Một lời xin lỗi nghiêm túc, thành khẩn đối với đồng nghiệp, học trò và hội đồng sư phạm là cách tốt nhất để các cô lấy lại hình ảnh của mình trong con mắt mọi người. “Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn chúng ta mới dần làm cho nghề giáo tôn nghiêm thêm”. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã từng nhắn nhủ thế, các cô vẫn nhớ chứ?

30-5-2021
Nguyễn Duy Xuân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

22/12
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM
80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP
QĐND VIỆT NAM
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập268
  • Hôm nay41,417
  • Tháng hiện tại321,030
  • Tổng lượt truy cập62,391,683
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây