Sao lại là “Di biến động dân cư”?
admin100
2021-08-18T08:55:23-04:00
2021-08-18T08:55:23-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/sao-lai-la-di-bien-dong-dan-cu-10824.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2016_08/tieng-viet.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ ba - 17/08/2021 20:21
Theo phản ánh của nhiều tờ báo, TP.HCM vừa triển khai phần mềm "di biến động dân cư" nhằm quản lý công dân vùng dịch cho tất cả các chốt nội thành. Ứng dụng này có thể giúp cho việc truy vết lộ trình di chuyển của người dân một cách nhanh chóng.
Theo phản ánh của nhiều tờ báo, TP.HCM vừa triển khai phần mềm "di biến động dân cư" nhằm quản lý công dân vùng dịch cho tất cả các chốt nội thành. Ứng dụng này có thể giúp cho việc truy vết lộ trình di chuyển của người dân một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, thành phố buộc phải tạm dừng việc triển khai ứng dụng 'di biến động dân cư' ở nhiều chốt kiểm soát vì gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, nguy cơ gây lây lan dịch bệnh là rất cao.
Bài viết này không bàn đến ứng dụng “di biến động dân cư” và việc triển khai ứng dụng này vào thực tế. Vấn đề chúng tôi đề cập ở đây thuộc phạm trù ngôn ngữ.
Ngay từ đầu khi báo chí đăng tải thông tin, độc giả đã không khỏi thắc mắc về cụm từ nghe lạ tai này.
Lần tìm trong các cuốn từ điển tiếng Việt hiện hành, không hề có cụm từ “di biến động” hay “di biến động dân cư”.
Mục từ DI (trang 202-205) trong cuốn “Hán - Việt từ điển” nổi tiếng của Đào Duy Anh cũng không hề có cụm từ này.
Trong bài Di biến động dân cư - tối nghĩa và phi ngữ pháp, tác giả Thụy Bất Nhi viết: “Cấu trúc ghép từ Hán Việt “di+biếnđộng+dâncư” không thuộc trường phái quy tắc nào trong quy ước ngữ pháp tiếng Việt lâu nay. Việc ghép hai từ “di động” và “biến động” để tạo ra từ mới “di biến động” là phi ngữ pháp”. "Khi thử tra theo các công cụ trực tuyến, cụm từ Di biến động dân cư (移變動民居) dùng trong tiếng Trung Quốc hiện đại, sẽ cho kết quả có phần gượng ép là… tái định cư, tương đương với từ an trí (安置) của Trung văn, có nghĩa là bố trí (chỗ ở) an toàn". [1]
Vậy “di biến động” hay “di biến động dân cư” có phải là cụm từ mới được tạo ra trong tiếng Việt?
Tác giả Đỗ Thành Dương trong bài “Di biến động - hiện tượng nói gộp trong tiếng Việt” đăng trên Tuổi trẻ Online cho rằng đây là từ gộp: “Thực ra đây không phải là một từ, mà là một tổ hợp từ gồm 2 từ ghép "di động" và "biến động" kết hợp lại, rút gọn một từ tố thứ hai, tạo nên đơn vị từ ngữ mới, theo mô hình cấu trúc: Ax + Bx = ABx; các nhà ngôn ngữ học tạm gọi là hiện tượng "nói gộp", tạo nên "từ gộp". Ông cũng dẫn một loạt từ gộp Hán Việt đang được cộng đồng sử dụng hằng ngày như: y bác sĩ, thanh kiểm tra, quân dân y, đông tây y, thanh quyết toán, ca nhạc sĩ, phối kết hợp...[2]
Cũng theo tác giả Đỗ Thành Dương, hơn 15 năm trước, trong Luật số 64/2006/QH11 ban hành ngày 29-6-2006 của Quốc hội: Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã có "Điều 16. Phòng, chống HIV/AIDS trong các nhóm người di biến động"; và ở điều 2, mục 14 giải thích từ ngữ nêu rõ: "Nhóm người di biến động là những người thường xuyên sống xa gia đình, thay đổi chỗ ở và nơi làm việc".
Không phủ nhận hiện tượng nói gộp trong tiếng Việt nhưng cần phải thấy rằng, không phải trường hợp nói gộp nào cũng được xã hội chấp nhận. Những trường hợp nói gộp chỉ có thể tồn tại khi cả tổ hợp không tối nghĩa, không gây hiểu sai nghĩa.
Cụm từ “di biến động” dù đã được đưa vào sử dụng trong “Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)” nhưng rõ ràng với đa số người dùng thì rất xa lạ. Điều đó cũng có nghĩa là cụm từ (hay thuật ngữ) này không mang tính phổ quát, bởi sự rườm rà, khó hiểu, cấu trúc xa lạ với ngữ pháp tiếng Việt.
Phải chăng vì thế mà trên Tuổi trẻ Online đã có sự thay đổi tên gọi chỉ sau một ngày triển khai phần mềm quản lý "di biến động dân cư": “Chiều 15-8, một số chốt kiểm soát giao thông tại TP.HCM đã tạm dừng khai báo di chuyển nội địa (di biến động dân cư) bằng mã QR gây ùn ứ hai ngày qua”.[3]
Một từ, ngữ mới hay thuật ngữ mới muốn tồn tại phải đảm bảo tính chuẩn mực về từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt. Trong trường hợp này, “di biến động” là cụm từ được tạo ra không thỏa mãn những tiêu chí cơ bản của tiếng Việt. Nó không khác gì những trường hợp nói gộp, viết tắt khác đã từng chết yểu như “cao xà lá” (cao su, xà phòng, thuốc lá), “tâm thần kinh” (tâm lý thần kinh) hay những trường hợp chỉ xuất hiện rất hạn chế trong khẩu ngữ như “thanh kiểm tra”, “ca nhạc sĩ”, “phối kết hợp”.
Những cụm từ được tạo ra kiểu như “di biến động” dẫu có tồn tại đâu đó cũng không làm giàu đẹp thêm kho từ vựng tiếng Việt hiện đại mà ngược lại, càng làm mất đi sự trong sáng của tiếng nói dân tộc.
16-8-2021
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
[1] https://dulich.laodong.vn/cong-dong/di-bien-dong-dan-cu-toi-nghia-va-phi-ngu-phap-942116.html
[2] https://tuoitre.vn/di-bien-dong-hien-tuong-noi-gop-trong-tieng-viet-20210815153538909.htm
[3] https://tuoitre.vn/tp-hcm-tam-dung-khai-bao-di-chuyen-noi-dia-tai-mot-so-chot-giao-thong-20210815153239025.htm
Đăng VCPN: https://vanchuongphuongnam.vn/sao-lai-la-di-bien-dong-dan-cu.html