Vụ thầy giáo đánh học trò: xử nghiêm hay nương nhẹ?
admin100
2021-05-04T23:14:00-04:00
2021-05-04T23:14:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/vu-thay-giao-danh-hoc-tro-xu-nghiem-hay-nuong-nhe-10458.html
/themes/default/images/no_image.gif
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ ba - 04/05/2021 23:14
Trong vòng chưa đầy 30 giây, 4 em học sinh lớp 10 đã phải hứng chịu 3 cái tát vào mặt, 1 cú đá vào ngực “hạ gục đối thủ” ngay tại chỗ và 2 cú đấm trời giáng vào đầu.
Một clip lan truyền trên mạng xã hội dài 46 giây, ghi lại hình ảnh một người rất trẻ, được cho là thầy giáo, liên tục xưng hô mày tao và chửi tục “địt mẹ mày” cùng hành động thượng cẳng chân hạ cẳng tay đối với 4 em học sinh vì lỗi không mặc đồng phục đúng quy định của nhà trường.
Sự việc xảy ra vào ngày 29/04/2021 tại một lớp học của Trung tâm GDTX huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.
Trong vòng chưa đầy 30 giây, 4 em học sinh lớp 10 đã phải hứng chịu 3 cái tát vào mặt, 1 cú đá vào ngực “hạ gục đối thủ” ngay tại chỗ và 2 cú đấm trời giáng vào đầu.
Thầy giáo trong clip nói trên là Khúc Xuân H., sinh năm 1997, giáo viên Chủ nhiệm lớp 10A3, Trung tâm GDTX huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.
Xem clip, có thể rút ra mấy điều đáng suy ngẫm:
- Cách ăn mặc của người được cho là thầy không xứng với tư cách người thầy: áo bỏ ngoài quần, tay áo xăn móng lợn, tức là không nghiêm túc. Trong lúc đó, anh ta lại đang xử học sinh vì lỗi ăn mặc không đúng quy định?
- Dùng ngôn từ chợ búa, liên tục xưng hô mày tao, chửi bới tục tĩu, lăng mạ học sinh – một dạng bạo lực tinh thần.
- Bạo lực thể xác: dùng vũ lực tát, đấm, đá học sinh một cách thô bạo.
Những hành vi như thế không thể tồn tại trong môi trường giáo dục, huống chi nó lại được xuất phát từ người thầy.
Xem đi xem lại đoạn clip thì thấy, hành vi của thầy H. không thể là do “thiếu kiềm chế” như thầy tự nhận. Coi học sinh như con em trong nhà (theo tường trình của thầy H.) lẽ nào thầy lại tự cho mình quyền mạt sát, thượng cẳng chân hạ cẳng tay đối với họ.
Thầy H. đã qua đào tạo ít nhất 4 năm ở trường sư phạm (nếu bằng cấp của thầy là chuẩn) lại được thử thách suốt một năm nay trong môi trường dạy học. Một người thầy được rèn luyện như thế không dễ gì để ứng xử mất kiểm soát dẫn đến bạo hành học sinh của mình.
Nhưng điều đáng buồn nhất là phản ứng của lãnh đạo nơi thầy H. công tác ngay sau khi vụ việc xảy ra.
Thay vì nhận rõ mức độ, tính chất nghiêm trọng của vụ việc thì ông Nguyễn Minh Vỹ, giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Lục Ngạn lại cho rằng: "Một số đối tượng xấu lợi dụng video này để làm phức tạp tình hình giai đoạn này. Nhà trường có văn bản đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra".[1]
Ông Vỹ còn cho biết thêm, lãnh đạo trung tâm đã họp toàn bộ cán bộ, giáo viên nhà trường, yêu cầu cán bộ giáo viên không phát tán, chia sẻ thông tin.
Đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Trung tâm, Sở Giáo dục và đào tạo Bắc Giang cũng chỉ đạo địa phương “không để các trang mạng xã hội lợi dụng xuyên tạc sai bản chất sự việc (người viết nhấn mạnh)”.
Như vậy là, thay vì chỉ đạo xử lý nghiêm minh sai phạm của thầy H thì lãnh đạo Trung tâm cũng như Sở GD Bắc Giang lại lo “bịt miệng” dư luận, che đậy sự thật.
Ông Vỹ còn tỏ vẻ hài lòng khi cho phóng viên biết: "Phía phụ huynh bày tỏ thông cảm cho thầy H. và cũng cam kết không kiện cáo thầy H.". Thông tin này, sự thật được bao nhiêu phần trăm? Thiết nghĩ, chẳng có phụ huynh nào vô cảm đến mức “thông cảm” cho người thầy mà họ gửi gắm dạy dỗ con em mình lại hành xử chúng bằng sự sỉ nhục và bạo lực không nương tay.
Sai phạm của thầy H., nhìn nhận một cách thẳng thắn là hết sức nghiêm trọng. Môi trường giáo dục không chấp nhận một người thầy có hành vi thô bạo như thế đối với học trò. Lẽ ra lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Lục Ngạn cũng như Sở GD-ĐT Bắc Giang phải thấy được điều này. Thế nhưng, họ đang làm điều ngược lại vì họ sợ ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của đơn vị, của ngành và của… cá nhân họ. Người lãnh đạo không dám nhìn thẳng vào sự thật, không dũng cảm đấu tranh với những cái xấu, cái ác trong cơ quan, ngành mình thì bạo lực học đường không thể chấm dứt, môi trường giáo dục ngày thêm hoen ố và giả dối bởi những người thầy mất tư cách đạo đức vẫn nghiễm nhiên đứng trên bục giảng “răn dạy” học trò.
Còn nhớ, ngày 9-4, sau khi nhậm chức một ngày, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi tâm thư tới thầy cô giáo và công chức, viên chức ngành GD cả nước. Tâm thư của tân Bộ trưởng có đoạn: “Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn. Điều này cần nhiều phía và liên quan nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta. Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn chúng ta mới dần làm cho nghề giáo tôn nghiêm thêm”.[2]
Bộ trưởng bày tỏ lòng mình: “Rất mong toàn thể các nhà giáo, người lao động, nhà quản lý trong ngành và ngoài ngành chung sức ủng hộ”, và ông kêu gọi: “Chúng ta cùng chung tay ngay bây giờ, từ lúc này”.
Nhìn cách nhận lỗi của thầy H. và cách chỉ đạo xử lý vụ việc của lãnh đạo nơi thầy công tác, thì xem ra, những lời tâm huyết của Bộ trưởng dường như chưa thấu đến các vị.
03-5-2021
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
[1]. https://tuoitre.vn/thay-giao-tat-da-hoc-sinh-truoc-ca-lop-toi-coi-cac-em-nhu-con-em-muon-tot-cho-cac-em-20210502085512982.htm
[2]. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/thu-bo-truong-nguyen-kim-son-gui-thu-cho-giao-vien-ca-nuoc-726606.html