Nguyễn Cung Thông[1]
Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm cùng thời hay sau đó. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false.
Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức), TNNL (Thiên Nam Ngữ Lục) …v.v… Kí còn viết là ký (tên người, tên sách) và trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt cổ hay Hán cổ).
- Con nít – con ít – con bé
1.1 VBL trang 561 ghi rõ các cách dùng tương đương con nít – con ít – con bé. Có thể con ít là bị in sai không? Tra lại thì không thấy phần ghi lỗi chính tả ở trang cuối VBL ghi con ít.
VBL trang 561
Tự điển Việt Bồ chép tay của LM Philiphê Bỉnh, hầu như chép lại hoàn toàn VBL phần tiếng Việt và tiếng Bồ, không thấy ghi con ít nhưng thêm con trẻ (VBL không ghi cách dùng này). Một tự điển Việt Bồ chép tay khác (trích từ bản điện tử Thư Viện Toà Thánh La Mã Borg.tonch.23) lại cho thấy dạng “con tít”? Hình như chữ t- (thêm vào trước chữ ít) là sau này và có vẻ khập khiểng … Như vậy phải giải thích ra sao?
1.2 Một cách giải thích cách dùng con ít
Cụm danh từ con bé, con nhỏ (VBL còn ghi dạng dỏ), con trẻ cho thấy tính từ bé, nhỏ bổ túc nghĩa cho danh từ con (cũng hàm ý phần nào nhỏ, bé rồi) so với tiểu HV (tiểu đồng, chú tiểu, cô tiểu, cái tiểu …). Do đó còn có khả năng dùng tính từ ít (hàm ý không nhiều tuổi, không lớn hay là nhỏ, trẻ) sau danh từ con: cách dùng này không thấy phổ thông và khá đặc biệt (so sánh cấu trúc ít con và con ít, con nhỏ và nhỏ con – xem phần sau).
1.3 Tài liệu chép tay của LM Morrone (đầu TK 19)
Không những chỉ có một LM de Rhodes (hay cộng sự viên nào đó) ghi cách dùng con ít, mà người viết (NCT) còn thấy một tài liệu khác cũng ghi nhận dạng này. Không có bằng chứng nào cho thấy tài liệu này[2] chép lại hay dựa vào VBL. Đó là vào năm 1838, nhà ngôn ngữ Mỹ Peter Stephen Du Ponceau (1760-1844) đăng bài viết “A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing” xuất bản bởi the American Philosophical Society (M’Carty and Davis). Bài viết chép lại tác phẩm “Lexicon Cochin-sinense Latinum” của LM Josepho Maria Morrone, cùng thời với LM Philiphê Bỉnh, trao cho trung úy hải quân Mỹ John White ở Sài Gòn trước khi ông này rời Việt Nam trở về Mỹ năm 1820.
Trong tài liệu “Vocabulaire domestique Cochichinois Francois”, LM Morrone ghi con ít (chữ quốc ngữ) và 昆乙 (côn ất HV) hay un enfant (m. hay f.):
Trong phần giải thích 333 cấu trúc chữ Nôm và tương quan chữ Hán, LM Morrone cũng giải thích cách viết con ít bằng chữ Nôm (côn ất HV) trong mục 102:
Trích từ “A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing”
Tuy nhiên trong tài liệu “Lexicon Cochin-sinense Latinum” chỉ thấy ghi con nít. Điều này cho thấy chính tác giả/người chép tay (LM Morrone) cũng không nhất trí dùng dạng con ít so với con nít. Nếu dạng con ít đã từng hiện diện, thì có cơ sở nào hợp lý để giải thích không?
1.4 Khuynh hướng đồng hoá âm thanh – phụ âm cuối
1.4.1 Một số ngôn ngữ trên thế giới thuộc vào loại chắp dính (agglutinative/synthetic language) so với loại hòa kết (fusional/inflectional language). Loại ngôn ngữ chắp dính dùng nhiều phụ tố (affix) như tiền tố (prefix), hậu tố (suffix) để tạo từ mới cũng như các cấu trúc câu (sentence) hay một nhóm từ (đoản ngữ/phrase), khác với loại ngôn ngữ hòa kết thường thay đổi các dạng tiền tố, hậu tố khi nhập các thành phần này vào cấu trúc mới. Thí dụ của loại hình chắp dính là tiếng Nhật, Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ, Armenia, Esquimo-Aleut, Basque …v.v… Thí dụ của loại hình hòa kết là tiếng Phạn, La Tinh, Hi Lạp, Nga, Đức (họ Ấn-Âu). Khác với các ngôn ngữ nói trên là loại đơn lập (isolating/analytical language), thường mỗi hình vị (morpheme) đều có nghĩa riêng biệt, như tiếng Việt, Trung (Quốc)…v.v… Khuynh hướng đồng hóa âm thanh thường gặp trong các ngôn ngữ chắp dính hay hòa kết vì khả năng kết hợp các hình vị với nhau rất cao. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp hoà đồng âm thanh trong ngôn ngữ đơn lập, nhất là trong cấu trúc từ láy[3] (vì lặp lại âm tiết nên cấu trúc tương tự như loại hình chắp dính):
馥馥 phức phức > phưng phức
rọc rọc > ròng rọc
vặc vặc > vằng vặc
…v.v…
Trong trường hợp con ít (con chưa lớn, con bé, con trẻ), phụ âm cuối -n của âm con có thể bắt đầu cho âm ít để đọc cho nhanh (trôi chảy) và để cho ra dạng con nít:
con ít > con nít (VBL trang 561)
1.4.2 Bàn thêm về hiện tượng đồng hoá phụ âm trong khẩu ngữ như mô hình con ít > con nít ở trên: LM Léopold Cadière[4] (1869-1955) đã từng nhận xét về hiện tượng chắp dính (agglutination) trong tiếng Việt, dù ông cho rằng kết quả này rất ‘là lạ’ cho loại hình ngôn ngữ đơn lập. Trường hợp này xẩy ra cho phụ âm cuối t (đầu lưỡi, tắc) như khi một số người Việt phát âm một họ thì giống như một sọ, nhứt hạng trở thành nhứt sạng. Hiện tượng điều hoà phụ âm (đồng hoá âm thanh cho dễ phát âm, nói cho thuận/nhanh) cũng từng hiện diện vào thời VBL: (a) phụ âm họng cuối -h trở thành phụ âm đầu lưỡi/xát -s/x (b) phụ âm cuối vô thanh/môi -p trở thành phụ âm vô thanh/đầu lưỡi -t.
(a) hắt hơi > hắt xơi (VBL trang 317[5]) –
(b) hạp nhau > hạt nhau (VBL trang 316)
VBL trang 317
Một trường hợp đáng chú ý là cụm danh từ ap hien (~ opium/L – VBL trang 12): các tài liệu chép tay (cuối TK18/đầu TK 19) đều cho thấy dạng a phiền, Taberd (1838) ghi a phiên bổ túc cho Béhaine (1772/1773 không ghi mục này), Theurel (Đàng Ngoài/1877) ghi a phiện và thêm dạng a phiến (thuốc phiện[6]) … Âm tiết đầu a cho thấy khả năng từ này đến từ tiếng Tàu 鴉片 hay 阿片 nha phiến hay a phiến. Tuy nhiên, VBL ghi là ap hien với phụ âm p- ở âm tiết đầu thay vì âm tiết 2, có thể là kết quả của hiện tượng điều hoà âm thanh (phụ âm đầu/cuối).
VBL trang 12
1.4.3 Đồng hoá phụ âm cuối – hăm/hâm (hai mươi), băm/bâm (ba mươi)
Hiện tượng đồng hoá phụ âm cuối xẩy ra gần đây hơn với các số đếm hai mươi và ba mươi (không thấy các tác giả de Rhodes, Béhaine/Taberd, Theurel nhắc đến)
hai mươi > hăm/hâm
ba mươi > băm/bâm
hai mươi mốt > hăm mốt
ba mươi tám > băm tám
…v.v…
Hiện tượng này còn gọi là nhược hoá (âm tiết rút ngắn lại) hay hiện tượng gộp âm/nhập âm/nuốt âm …
- Một cách giải thích khác của cách dùng con nít thời VBL
So sánh với một số phương ngữ Mường, dạng nít tương ứng với các dạng đet và net theo dữ kiện từ bảng so sánh của Maspero bên dưới – trích từ bài viết “Etudes sur la phonétique historique de la langue annamite. Les initiales” của học giả Henri Maspero, đăng trong tạp chí Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient năm 1912 12 pp. 1-124. Bảng so sánh[7] cho thấy tương quan của hai phụ âm đầu hữu thanh/đầu lưỡi n – đ rất rõ nét:
Xem lại các dữ kiện trong tiếng Mường Bi (Từ Điển Mường Việt, sđd), đét có nghĩa là đứa bé (enfant/P, infant/A), con đét ~ con nít như trong các cách nói
đét con ~ trẻ con
đét nhó ~ trẻ nhỏ
đét tlu ~ trẻ chăn trâu, td. “Mẩy thàng đét tlu nì ngoan” ~ mấy đứa trẻ (chăn) trâu này ngoan.
chở cho con đét pổl tao ~ đừng (chớ) cho con nít nghịch dao
…
Ngoài ra, đếch (Mường Bi ) còn có nghĩa là nứt, đếch đé ~ nứt nẻ – td. “Nà cãn đác đếch đé hết rồi” ~ ruộng cạn nước, nứt nẻ hết rồi.
Các cách dùng trên tương ứng với ghi nhận trong VBL: nít (con nít) và nít còn là nứt. Chữ Nôm[8] nít dùng niết HV 涅, cũng như nứt: giải thích phần nào nít và nứt là hai dạng tương đương vào thời VBL.
VBL trang 561
Tiếng Việt có động từ tét cùng nét nghĩa với đếch (Mường Bi). VBL còn ghi tẹt (blái tẹt là trái hư vì khí hậu, hàm ý trái không chín được hay còn nhỏ/sống), cũng tương tự như nét nghĩa hậu kì là xẹp xuống như mũi tẹt …v.v… Do đó có cơ sở để liên hệ đẹt – đét – tẹt – dẹt, một biến âm[9] của đẹt là dẹt (đ > d), cũng như điẹt > *niet > nít (đ > n).
VBL trang 221
Ngoài ra, thời VBL còn ghi tính từ điếc (chữ Nôm dùng đích HV 的) để chỉ tình trạng không lớn hay phát triển được, bé/nhỏ hay bị đẹt (hay đét) vậy; td. blái điếc. Tự điển Béhaine/Taberd (sđd) ghi cau điếc là cau hư (không lớn được). Do đó có thể liên hệ dạng điếc này với đét, đet và dẹt.
Béhaine[10] (1772/1773), Taberd sao lại (1838)
- Một tương quan bất ngờ với âm điệt HV
Trong vốn từ Hán có chữ điệt bộ qua (dưa) là loại chữ hiếm (ít dùng). Chữ điệt 瓞 và các dị thể 𤫰𤫴𤫼𤬈𤬎, có các cách đọc theo phiên thiết
徒結切,音絰 đồ kết thiết, âm điệt (TVGT, ĐV, TV, LT) QV/TV/CV ghi nhập thanh
徒結反 đồ kết phản (LKTG)
徒結乀 đồ kết phật (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)
大結切 đại kết thiết (NT, TTTH)
大節反 đại tiết phản (NKVT 五經文字)
杜結切 đỗ kết thiết (CV, TVi)
佗列切 đà liệt thiết (CTT)
…v.v…
Giọng BK bây giờ là dié (theo pinyin). Học giả Khổng Đĩnh Đạt 孔颖达 (540-648) từng giải thích điệt là loài dưa nhỏ[11], tiếng Việt thời VBL gọi là dưa chuột hay dưa bọ. Để ý[12] điệt bộ nữ 姪 hàm nghĩa nhỏ (~ cháu), điệt bộ thổ 垤 là đống đất nhỏ… Một âm trung cổ phục nguyên của điệt là *det, rất gần với âm đét (Mường Bi – xem phần trên) và đều hàm ý bé, nhỏ. Tương quan của điệt HV và *điét (đét) phản ánh giao lưu ngôn ngữ lâu đời của hai nền văn hoá Việt (Mường) và Hán (td. tên gọi 12 con giáp) hay chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Cần nhiều dữ kiện nữa để cho kết quả so sánh chính xác hơn, nhất là chiều vay mượn (từ Việt cổ hay Hán cổ).
Tóm lại, cách dùng tương đương với con nít là con ít – ghi nhận trong VBL – là trường hợp đặc biệt vì ít thấy hiện diện trong văn viết vì có thể là lỗi in ấn hay có thể là trong khẩu ngữ qua hiện tượng đồng hoá âm thanh (phụ âm cuối) con ít > con nít; phụ âm cuối tắc/đầu lưỡi -n của âm tiết thứ nhất con phần nào xúc tác cho quá trình đồng hoá phụ âm để đổi *đíet thành nít. Tuy là rất hiếm (chỉ thấy LM Morrone trong các tài liệu người viết từng đọc qua) nhưng không khó giải thích khi so sánh các dạng con bé, con trẻ, con ít (ít tuổi). Một cách giải thích khác của dạng nít là biến âm của *điết từ các phương ngữ của tiếng Mường (thuộc nhánh Việt Mường) để cho ra các dạng đét, đẹt, tẹt, dẹt và nít: con *điet > con nít. Hiện tượng đồng hoá âm thanh (phụ âm đ ~ n) còn gọi là đồng hoá bộ phận, td. cười tít mắt > cười típ mắt với phụ âm đầu lưỡi -t trở thành phụ âm môi -p cho phù hợp với phụ âm đầu môi môi m- của âm tiết đứng sau (mắt). Chữ Nôm cũng được dùng để kiểm lại các cách đọc cho thêm chính xác: như ít dùng ất HV 乙 để kí âm và nít dùng niết HV 𣵀 để kí âm. Một điều đáng chú ý là khi đi ngược dòng thời gian và xem lại số vốn từ Hán cổ[13], một chữ hiếm là điệt 瓞 với một dạng trung cổ phục nguyên là *det, từng có nghĩa là dưa nhỏ (~ dưa chuột, dưa bọ/VBL). Các tương quan Việt Hán cần nhiều dữ kiện hơn nữa để có thể xác định nguồn gốc của âm *đet/*điet chắc chắn hơn. Một trường hợp khác cần nhắc ở đây là cách nói cảm ơn (cảm ân HV 感恩). Hiện tượng đồng hoá thanh điệu (tone assimilation) dẫn đến dạng cám ơn – thanh hỏi và sắc đều cùng một âm điệu (trắc) và thường gặp hơn so với dạng cám mơn (phụ âm cuối -m nối qua âm tiết thứ nhì ‘ơn’). Hiện tượng điều hoà phụ âm như cám mơn ít gặp hơn trong văn viết (có lẽ một phần là do quy ước chính tả) và được ít người ‘chấp nhận’ trong loại hình ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt, dầu rằng kết quả này hiện diện trong tiếng nói hàng ngày của toàn dân (khẩu ngữ). Hi vọng bài viết nhỏ này gợi ý cho người đọc tìm hiểu sâu xa hơn về lịch sử phong phú của tiếng Việt, cũng như khám phá nhiều kết quả thú vị hơn nữa trong quá trình tra cứu.
- Tài liệu tham khảo chính
1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).
2) Philiphê Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.
(1822) “Phép Giảng Tám Ngày”, “Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị” … Các tài liệu viết tay của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã như tự điển Việt Bồ, tự điển VBL, Phép Giảng Tám Ngày …v.v…
3) Léopold Cadière (1911) “Le dialecte du Bas-Annam, esquisse de phonétique” bài viết đăng trong tạp chí Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient (19110 11 pp. 67-110
(1902) “Phonétique annamite (dialecte du Haut-Annam)” Quyển III Publications de l’École française d’Extrême-Orient
4) J.M.J. Caspar/Louis Caspar ~ Cố Lộc (1877/1879) “Dictionnaire annamite-francais” nhà in Tân Định xuất bản năm 1877, 1879.
5) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).
6) J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).
7) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).
8) Gustave Hue (1937) “Dictionnaire annamite-chinois-français” Imprimerie Trung-hoà – NXB Khai Trí (Sài Gòn) in lại năm 1971 theo bản gốc năm 1937.
9) Nguyễn Văn Khang (Chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (2002) “Từ điển Mường Việt” NXB Văn Hóa Dân Tộc (Hà Nội).
10) Vương Hữu Lễ/Hoàng Dũng (1994) “Ngữ âm tiếng Việt” NXB Đại Học Sư Phạm Hà Nội
11) Henri Maspero (1912) “Études sur la phonétique historique de la langue annamite – les initiales” tạp chí Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient năm 1912 12 pp. 1-124.
12) Josepho Maria Morrone (khoảng đầu TK 19) “Lexicon Cochin-sinense Latinum” đăng trong cuốn “A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing” viết bởi nhà ngôn ngữ Mỹ Peter Stephen Du Ponceau (1838), in lại bởi NXB Kessinger Publishing. Kèm thêm bảng từ vựng căn bản có 333 chữ Nôm và chữ quốc ngữ với giải thích về cấu trúc và nghĩa.
13) Hội Khai Trí Tiến Đức – ban văn học (1931/1954) “Việt Nam Tự Điển” NXB Trung Bắc Tân Văn (Hà Nội).
14) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.
(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).
“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).
“Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).
15) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale) và cuốn tự điển La Tinh – Việt (1838).
16) J. S. Theurel (1877) “Dictionarum Anamitico-Latinum” LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT) – Ninh Phú (Đàng Ngoài).
17) Nguyễn Cung Thông (2016) “Tản mạn về tiếng Việt – hiện tượng đồng hoá âm thanh” – có thể tham khảo loạt bài này (4 phần) trên trang mạng này chẳng hạn http://chimvie3.free.fr/91/nguyencungthong/ncthong_DongHoaAmThanh91.htm …v.v…
18) Pierre-Gabriel Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” NXB F.H. Schneider (Hà Nội).
(1905) “Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin” Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi.
Phụ Trương
Trích từ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (trang 291, cuốn 1/sđd) – cách dùng con đẹt hàm ý nhỏ bé, cho thấy đẹt không chỉ dùng cho cây trái (blái đẹt/VBL) và cho từ láy như đì đẹt, lẹt đẹt. Để ý cách dùng âm HV để kí âm Nôm
Điệt 姪 đẹt
Niệt 涅 nít, nét, nứt
Liệt 烈 lét, lẹt
…
[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@gmail.com
[2] Các tài liệu viết tay của LM Morrone – trích lại trong bài viết/phần 40 này – cho thấy chữ quốc ngữ thời này rất gần với chính tả hiện đại hay giống như hệ thống chữ viết cùng thời Béhaine và Taberd.
[3] Tham khảo thêm chi tiết trong bài viết cùng tác giả (NCT) trên mạng này chẳng hạn https://dongtac.hncity.org/spip.php?article6365 …v.v…
[4] Léopold Michel Cadière, 1905 “Phonétique annamite (dialecte du Haut-Annam)” Ecole française d’Extrême-Orient,Volume 3 of Publications de l’Ecole française d’Extreme-Orient (113 trang). Linh Mục Cadière nhận xét rằng trường hợp phụ âm cuối một chữ bị ảnh hưởng của phụ âm đầu của chữ sau đó (khi phát âm một họ thành một sọ): “C’est un cas curieux d’agglutination …” (tạm dịch/NCT: đây là trường hợp kỳ lạ của hiện tượng chắp dính …” (trang 56).
[5] lại có khả năng in lầm từ chữ viết tay h và x khá giống nhau? Tuy phần sửa lỗi chính tả VBL không thấy ghi …
[6] nha phiến, a phiến còn gọi là anh túc 罂粟, ngu mỹ nhân 虞美人 … A phiến có lẽ là chất gây mê và gây nghiện ngập đầu tiên trong lịch sử loài người! Tiếng La Tinh opium (a phiến) có gốc Cổ Hi Lạp ὄπιον (ópion).
[7] Maspero so sánh tiếng Tonkinois (Đông Kinh/Đàng Ngoài) và các phương ngữ Mường ở Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An … Q. -Ng là chữ Quốc Ngữ (gần như chính tả hiện đại của tiếng Việt). Ông có nhận xét là Đông Kinh không dùng con nít (phù hợp với các tài liệu đồng thời như tự điển của Vallot, Ravier/Dronet) nhưng Theurel (1877) lại có ghi cách dùng này.
[8] Các chữ Nôm khác thêm chữ tiểu vào chữ niết HV như dạng 𡮛 hay thêm chữ thiếu vào như dạng 𣻾 cho âm nít dễ hiểu hơn (rõ nghĩa hơn: tiểu, thiếu hàm ý nhỏ, bé, trẻ).
[9] Xem thêm chi tiết về liên hệ đ – d trong bài viết “Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng đừng, chẳng khi nào đừng, chẳng có khi đừng” (phần 35) cùng tác giả (NCT) – trên mạng như https://nghiencuulichsu.com/2022/04/04/tieng-viet-tu-tk-17-cach-dung-dung-chang-khi-nao-dung-chang-co-khi-dung-phan-35/ …v.v…
[10] Tự điển chép tay của Béhaine ghi điết (âm cuối -t) sửa lại thành điếc (âm cuối -c).
[11] 瓜之族類本有二種,大者曰瓜,小者曰瓞 qua chi tộc loại bổn hữu nhị chủng, đại giả viết qua, tiểu giả viết điệt (tạm dịch/NCT loài dưa có hai giống: lớn gọi là dưa, nhỏ gọi là điệt).
[12] Nhưng điệt 耋 lại là người già 80 tuổi (TVGT: 年八十曰耋 niên bát thập viết điệt).
[13] Một số vốn từ Hán cổ có liên hệ đến tiếng Mường (Việt) như chữ hiếm đắc 淂 có nghĩa là nước, có hình dạng nước (ướt) So với dạng dak3 (Mường Bi, Nguồn), dak2 (Chứt), tik/tưk (Khme), dak (Môn, Rơngao, Sakai, Biat), đek/đak (Mnông), đaq (Tà Ôi, Chơro, Kơho) …v.v… Một số địa danh, sông ngòi cũng dùng *đak (nước) cho thấy rõ ràng âm này đến từ phương Nam: đak > nác > nước (tiếng Việt hiện đại). Các từ cổ này không thích hợp với văn hoá Hán và trở thành chữ ‘hiếm’. Xem thêm chi tiết trong bài viết Tản mạn về tiếng Việt và Hán Việt: tại sao Trung Quốc dùng danh từ khoái 筷 còn Việt Nam dùng đũa (trợ 箸)? (phần B) cùng tác giả (NCT) trên trang này chẳng hạn