Nhiều sai sót trong “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh”

Thứ hai - 08/07/2024 03:06
Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh (Hà Quang Năng chủ biên – ThS Hà Thị Quế Hương – ThS Dương Thị Dung – ThS Đặng Thuý Hằng – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2019, trong bài gọi tắt là Nhóm HQN); đơn vị liên kết xuất bản Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên Thương mại và Dịch vụ văn hóa Minh Long (Minh Long Book).

“Lời giới thiệu” cho biết: “Cuốn từ điển tiếng Việt (dành cho học sinh) được biên soạn nhằm phục vụ rộng rãi nhu cầu giảng dạy, học tập và trau dồi tiếng Việt cho đối tượng chính là học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh. Từ điển được biên soạn theo tinh thần chuẩn hoá và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.

Vậy, có đúng cuốn từ điển này “biên soạn theo tinh thần chuẩn hoá và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” hay không?

1. “Tràng ba mươi khoát không được một tấc”

-“Lời giới thiệu” cho biết, “quyển từ điển thu thập khoảng 30.000 mục từ”. Tuy nhiên, sách có 519 trang, khổ 11 x 18cm, trừ đầu trừ đuôi, nội dung giải nghĩa từ vựng còn lại 500 trang, mỗi trang chỉ có từ 7 – 9 mục từ. Cứ tính 10 mục từ/trang, thì tối đa cũng chỉ đến mức 5.000 mục từ.

Theo đây, Nhóm HQN đã quảng cáo số lượng từ cao gấp 6 lần so với thực tế. Đây là cách làm thường thấy ở loại “từ điển rác”, mà chúng tôi đã nhiều lần lật tẩy. Ví dụ Từ điển tiếng Việt (Khang Việt – NXB Thanh Niên – 2016; khổ 10x18cm, 1006 trang) giới thiệu ngoài bìa là “giải thích rõ ràng”; “cập nhật nhiều từ mới”; “tiện lợi để tra cứu”; “370.000 từ”, nhưng nội dung thì sai sót tùm lum, sai đến mức ngớ ngẩn, số lượng từ bị nói vống lên gấp… hơn 70 lần so với thực tế!

-Từ điển của Nhóm HQN giới thiệu sẽ cập nhật “từ ngữ mới được sáng tạo gần đây, được sử dụng tương đối phổ biến, ổn định, chứng tỏ sự chấp nhận của xã hội, như kích cầu, xuất toán, du lịch sinh thái, kinh tế tri thức,…”.

Tuy nhiên trong thực tế, không những soạn giả không thu thập từ mới (ví dụ, chỉ tính những từ ngữ được sử dụng liên quan đến máy tính hoặc mạng xã hội: đăng nhập, đăng xuất, truy cập, thoát, lưu, mạng xã hội, cư dân mạng, tài khoản,…hoàn toàn vắng bóng), mà ngay cả những từ ngữ được tác giả nêu cụ thể làm ví dụ tiêu biểu (“kích cầu, du lịch sinh thái, kinh tế tri thức,…”) chúng tôi cũng không hề tìm thấy.

-Từ điển cho biết, còn thu thập cả những “yếu tố Hán Việt có khả năng tạo từ lớn, không chỉ tạo ra từ Hán – Việt mà cả một số từ ngữ không phải Hán – Việt như bất, phi, vô, tặc, siêu, hoá, đại,…”.

Nói thì to tát như vậy, nhưng sách không những không thu thập những yếu tố Hán Việt thông dụng, có khả năng tạo từ (kiểu như: vi, đại, tiểu, hoá, tính, đồng…) nói chung, mà ngay cả những yếu tố được soạn giả đưa ra trong Lời giới thiệu như “bất, phi, vô, tặc, siêu, hoá, đại,…” cũng hoàn toàn không có!

-Từ điển đưa ra một số hướng dẫn cách viết chính tả những từ ngữ vay mượn như: “internet, video, fax, protein, ba lô, xà phòng, xi măng…”; ví dụ về “những dạng chính tả hiện không được coi là chuẩn, không làm thành mục từ độc lập, nhưng có thể chú thêm vào mục từ”, như: “a cn. B (cũng nói B): tụ điện cn. tụ”; “a cv. (cũng viết B): hidrô cv. hydorogen”.

Tuy nhiên, ngoại trừ “internet” và “xà phòng”, chúng tôi hoàn toàn không thấy những mục từ còn lại, với cách thức trình bày như hướng dẫn của Nhóm HQN.

Phải chăng nhóm soạn giả đã sao chép nội dung giới thiệu của 1 cuốn từ điển khác mà quên mất phải biên tập lại cho nó khớp với những gì quyển từ điển này thể hiện?

2. “Tam sao thất bản”, “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”

Trong danh mục tài liệu tham khảo, Nhóm HQN có kể đến Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – Trung tâm từ điển học Vietlex) và Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – Viện Ngôn ngữ). Hầu như tất cả phần giải nghĩa đều được sao y hoặc tóm lược từ hai cuốn sách này. Tuy nhiên, điều đáng nói là do hạn chế về trình độ, cộng thêm sự cẩu thả, vô trách nhiệm, nên đã xảy ra những sai sót mang tính hệ thống, kiểu “tam sao thất bản”, “râu ông nọ cắm cằm bà kia” rất nguy hại cho các em học sinh.

Một số ví dụ:

-Mục từ mưu lược, Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (gọi tắt là Hoàng Phê), giảng 2 nghĩa, gồm d. (danh từ) và t. (tính từ): “mưu lược I d. Mưu trí và sách lược (nói khái quát)” ; “mưu lược • II t. (id.). Có nhiều mưu trí.”. Nhóm HQN chép lấy nghĩa II thuộc tính từ, nhưng khổ nỗi lại chú từ loại là danh từ: “mưu lược • d. có nhiều mưu trí.”!

-Tương tự, mục mưu mẹo, Hoàng Phê giảng hai nghĩa, một là danh từ, và một là tính từ: “mưu mẹo • I d. Cách khôn khéo để đánh lừa đối phương nhằm thực hiện một ý định nào đó (nói khái quát)”; và “mưu lược II t. (kng) Có nhiều mưu mẹo”. Nhưng thật tai hại, Nhóm HQN tiếp tục chép lấy nghĩa II (tính từ), rồi lại đem chú từ loại là danh từ: “mưu mẹo d. Có nhiều mưu mẹo”(!)

-Mục va vấp, Hoàng Phê-Vietlex giảng 3 nghĩa, Nhóm HQN có lẽ định chép lấy 2 nghĩa, nhưng chép xong được nghĩa 1, thì quên mất dự định ban đầu, nên từ điển có đánh số nghĩa 1 (động từ), nhưng không thấy nghĩa 2 (danh từ) ở đâu.

Hài hước hơn nữa, ở mục từ “va vấp” này, dù chỉ ghi nhận nghĩa 1 (động từ), nhưng Nhóm HQN lại lấy ví dụ của danh từ, để đem dùng cho nghĩa 1 (động từ)!

Cụ thể, Nhóm HQN viết: “va vấp đg. 1. Đâm mạnh vào khi đang đi do không chú ý [nói khái quát]”, rồi chép ví dụ “Cho đến lúc này anh càng thấy sự va vấp đã khiến em trở nên sâu sắc rất nhiều (Thời xa vắng, Lê Lựu)”. Theo đây, trong câu “Cho đến lúc này anh càng thấy sự va vấp đã khiến em trở nên sâu sắc rất nhiều”, thì “va vấp” ở đây đã có sự chuyển loại từ động từ sang danh từ, có nghĩa là “trở ngại, khó khăn gặp phải” (thuộc nghĩa II d. trong từ điển Hoàng Phê-Vietlex), chứ không phải nghĩa là “đâm mạnh vào khi đang đi do không chú ý” (động từ, nghĩa 1) trong từ điển của Nhóm HQN.

Lưu ý, những sai sót kiểu này mang tính hệ thống, nên số lỗi là rất nhiều.

3. “Nói một đằng, làm một nẻo”

Về “cách thể hiện mục từ”, từ điển hướng dẫn và lấy ví dụ: “Các mục từ có quan hệ với nhau về ý nghĩa nhưng thuộc các từ loại khác nhau (thường được gọi là hiện tượng chuyển loại hay đồng âm cùng gốc) được đặt trong một mục từ và dùng chữ số La Mã để phân biệt, kiểu như: cày I.d và II. đg.”.

Tuy nhiên, thật đáng trách là Nhóm HQN lại làm ngược lại hoàn toàn so với quy ước do chính mình đặt ra.

Ví dụ, mục từ cày, soạn giả giảng 2 nghĩa: “cày1.d Nông cụ dùng để lật xới đất”, và “cày2. Đg. Lật xới đất lên bằng cái cày”. Theo đây, cày1 và cày2 là những “mục từ có quan hệ với nhau về ý nghĩa nhưng thuộc các từ loại khác nhau”. Đáng lẽ phải “dùng chữ số La Mã để phân biệt, kiểu như: cày I.d và II. đg.”, theo đúng như quy ước ở phần Lời giới thiệu, thì Nhóm HQN lại dùng ký hiệu chữ số A Rập (“cày1 d.” và “cày2 đg.”), theo quy ước là dùng cho những từ đồng âm, nhưng không có quan hệ về nghĩa (ví dụ cày = cái cày, và cày = con chó).

Tương tự, các mục từ khác như:

-“cân1. d. 1. Dụng cụ để đo khối lượng”.

-“cân2. đg. Đo khối lượng bằng cái cân”.

Đây là “mục từ có quan hệ với nhau về ý nghĩa nhưng thuộc các từ loại khác nhau”, đáng lẽ phải dùng chữ số La Mã, và sắp xếp từ cùng nằm trong một mục từ như quy ước, nhưng Nhóm HQN lại đánh số A Rập và chia làm 2 mục từ khác nhau (quy ước dùng cho những từ đồng âm, nhưng không có quan hệ về nghĩa).

-“cuốc1 đg. Bổ, xới đất bằng cái cuốc”.

-“cuốc2 d. Nông cụ gồm một lưỡi sắt tra vuông góc vào cán dài, dùng để bổ, xới đất”.

 Đây cũng đều là “mục từ có quan hệ với nhau về ý nghĩa nhưng thuộc các từ loại khác nhau” đáng lẽ phải đánh số La Mã, và xếp chung vào một mục, nhưng lại số A Rập và chia làm 2 mục từ khác nhau.

Còn có thể kể ra hàng loạt mục từ bị chỉ dẫn sai khác như: buồn1/buồn2/buồn3; bước1/bước2; chán1/chán2; châm1/châm2; công tác1/công tác2; cuộn1, cuộn2…,v.v…Nếu phụ huynh và các em học sinh cứ tin theo sách, thì chuyện tiền mất tật mang là không thể tránh khỏi.

Vì là lỗi hệ thống, nên những cái sai kiểu này không thể kể hết.

4. “Đầu Ngô mình Sở”

Ở phần Lời giới thiệu, Nhóm HQN cho chúng ta biết cấu trúc của từ điển là một chỉnh thể thống nhất từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, trong thực tế, đây là cuốn từ điển không chỉ bị lỗi hệ thống mà còn “đầu Ngô mình Sở”:

- Phần đầu của từ điển (từ vần A cho đến hết vần M, chiếm ½ nội dung), quy ước đánh số La Mã cho những “từ có quan hệ với nhau về ý nghĩa nhưng thuộc các từ loại khác nhau”, hoàn toàn không thấy ở bất cứ mục từ nào. Bắt đầu từ vần N, quy ước này mới được áp dụng.

- Phần đầu từ điển (cũng từ vần A cho đến hết vần M), Nhóm HQN thu thập từ theo kiểu hoàn toàn tự do. Tuy nhiên, bắt đầu từ vần N, các soạn giả lại vừa bám vào từ ngữ có trong các sách Tiếng Việt và Ngữ văn (từ Tiểu học đến Trung học phổ thông) để giải thích kèm ngữ liệu trong sách giáo khoa, lại vừa thu thập từ và ngữ liệu trên sách báo để giải thích một cách rất “ngẫu hứng” (chúng tôi sẽ nói đến ở phần sau). Điều đáng nói là những cái sai kiểu “Đầu Ngô, mình Sở”, “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” thì vẫn giống như từ vần M trở về đầu sách. Ví dụ:

Mục “nuôi” (động từ), từ điển giảng 2 nghĩa:

1-   “Cho ăn uống để duy trì sự sống”.

2- “Chăm sóc giữ gìn để phát triển”.

Với nghĩa 1 (Cho ăn uống để duy trì sự sống), từ điển lấy 2 ví dụ minh hoạ: 1- “Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội” và chú thích là TV4 (từ có trong sách Tiếng Việt 4) ; và 2-“Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền” trong sách NVNC12 (Ngữ văn nâng cao 12). Tuy nhiên, “nuôi” trong “Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền” thuộc nghĩa 2 (Chăm sóc giữ gìn để phát triển) chứ không thuộc nghĩa 1 (Cho ăn uống để duy trì sự sống).

Học sinh khi xem đến mục từ này hẳn sẽ vô cùng bối rối, bởi không hiểu vì sao “nuôi chí” mà cũng phải “cho ăn uống để duy trì sự sống” giống như… nuôi gà, nuôi vịt vậy!

5. “Rối như canh hẹ”

Từ điển tiếng Việt của Nhóm HQN bám vào sách giáo khoa để thu thập các mục từ, hay thu thập từ tự do, hay cả hai? Điều này không có sự thống nhất. Mặt khác, cách giải nghĩa từ cũng hoàn toàn ngẫu hứng. Ví dụ, có những mục, nghĩa của từ được giải thích khá phong phú, nhưng có mục, dù từ chứa bao nhiêu nghĩa, thì Nhóm HQN cũng chỉ cho 1 nghĩa duy nhất, kèm theo 1 ngữ liệu duy nhất. Ví dụ:

- Từ “đóng”, Nhóm HQN ghi nhận 8 nghĩa, nhưng đến mục từ “tay”, có ít nhất 9 nghĩa, lại chỉ ghi nhận 1 nghĩa duy nhất (dẫn chứng từ sách báo); mục từ “tán” có ít nhất 10 nghĩa, nhưng chỉ giải thích 1 nghĩa (có trong SGK); ở mục từ khác thì lại vừa giải nghĩa có trong SGK vừa giải nghĩa của những từ thu thập trên sách báo, khiến độc giả chẳng biết đâu mà lần.

- Mục “gia tài: Tài sản của người chết để lại cho người thừa kế. Chèo ghe vượt sóng đan nia/ Có chồng con một khỏi chia gia tài (Ca dao)”.

Mục này giải nghĩa đã thiếu chính xác, mà ngữ liệu cũng không đúng so với nghĩa từ vựng. Nguyên do: 1. “Gia tài” là tài sản của gia đình hoặc cá nhân, bất kể do người chết để lại hay người sống đang sở hữu; 2. Ngữ liệu “Có chồng con một khỏi chia gia tài”, thì “chia gia tài” ở đây hoàn toàn có thể hiểu là cha mẹ còn tại thế chia gia tài cho con cái, chứ không dứt khoát phải là “người chết để lại…”.

Sai sót này vẫn là lỗi “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Cụ thể, khi giảng về từ “gia tài”, Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê – Vietlex), đưa ra 2 nghĩa: 1. “tài sản của người chết để lại cho người thừa kế”;  2. “của cải riêng của một người, một gia đình”. Nhóm HQN chép lấy nghĩa 1, nhưng ví dụ đưa ra lại thuộc nghĩa 2.

Việc chú thích ngữ liệu cũng hết sức rối rắm, thiếu khoa học và không theo 1 thể thức nào. Ví dụ, có chú thích chỉ ghi ngắn gọn tên tờ báo, nhưng nhiều mục lại ghi chi tiết và lặp lại nhiều lần tên tác phẩm, tác giả hoặc tập thể tác giả được trích dẫn, khiến chúng còn dài hơn cả phần giải nghĩa từ.

6. Nhiều sai sót khác

Nhóm tác giả căn cứ vào Từ điển Hoàng Phê để giải thích. Tuy nhiên, việc “chép lại” này không chỉ xảy ra lỗi tam sao thất bản, mà những gì tạm gọi là “của riêng” nhóm biên soạn cũng rất nhiều sai sót. Ví dụ, hàng loạt từ láy bị qui về nghĩa của tiếng gốc. Ví như: mục “ù ù”, được chú là “láy” và hướng dẫn xem “ù”; mục “ừng ực” chú là “láy”, và hướng dẫn xem “ực”; “ươn ướt” chú là “láy” và hướng dẫn xem “ướt”; “ùm ùm” chú “láy”, xem “ùm”; “thoang thoảng”, chú là “láy” và hướng dẫn xem “thoảng”,v.v…

Cách giải nghĩa theo kiểu chuyển chú này hoàn toàn sai, vì “ù ù” và “ù” là hai từ khác nhau. Ví như “ù ù” dùng cho tiếng gió thổi, hay tiếng máy bay có âm thanh, cường độ lúc to lúc nhỏ, lúc xa lúc gần vọng về, trong khi “ù” lại là tiếng kêu ổn định phát ra từ chiếc ampli hỏng, hoặc tiếng “ù” trong tai, hay tai bị “ù”. Tương tự, “ừng ực” mô tả tiếng uống/nuốt mạnh chất lỏng từng ngụm liên tiếp, trong khi “ực” chỉ là một lần uống/nuốt mạnh và gọn; “ươn ướt” là hơi ướt, trong khi “ướt” lại chỉ tình trạng thấm nước ở mức độ sâu hơn; “ùm ùm” là tiếng nhảy liên tiếp của lũ trẻ xuống tắm, trong khi “ùm” chỉ là một lần nhảy…

- Mục “xiềng xích” được mô tả là “xích lớn bằng sắt có khóa để trói chân tay”, và ví dụ “… Tôi nói toang mấy câu trên nầy ra, là có ý nói sơ những cái xiềng xích trong vòng tình ái của người đời một chút…”. Tuy nhiên, “xiềng xích trong vòng tình ái” không phải là dụng cụ “xích lớn bằng sắt có khóa để trói chân tay”, mà có nghĩa là sự áp bức, trói buộc, đè nén (nghĩa bóng).

- Mục “xồm” giải nghĩa: “[râu, tóc, lông] nhiều, dài và rậm”. Tuy nhiên, râu tóc, lông “nhiều, dài và rậm” mà không “xù” lên, thì làm sao có thể gọi là “xồm” được?

- Mục “nhe” giải thích là “bành môi ra”. Tuy nhiên, đã gọi là “nhe” mà không chìa răng, chìa lợi ra thì làm sao gọi là “nhe”?

Tương tự, một loạt từ khác bị giải nghĩa thiếu chính xác như: xâm phạm, xung phong, tia, thuốc, thiên  nhiên, tán, sàng lọc, sang trọng, ruộng… Thậm chí có mục như “ý tứ” hoàn toàn không có phần giải nghĩa từ, mà chỉ có ví dụ “Nó tuy còn nhỏ nhưng làm việc nhà rất có ý”, mà ví dụ đưa ra cũng không hề chứa từ “ý tứ” như đã nêu(!). Điều này càng cho thấy Nhóm HQN biên soạn từ điển cẩu thả đến mức nào. Và điều đáng nói thêm, PGS.TS Hà Quang Năng cũng chính là chủ biên cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt (NBX Đại học Quốc gia Hà Nội - 2017) đã bị đình chỉ phát hành năm 2020 do có quá nhiều sai sót.

Có thể nói Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh do PGS.TS Hà Quang Năng chủ biên là cuốn sách có chất lượng quá kém, biên soạn cẩu thả, dẫn đến sai sót mang tính hệ thống, rất có hại cho tiếng Việt. Đặc biệt đối với học sinh - cấp học đang trau dồi, học hỏi, hoàn thiện về kỹ năng sử dụng tiếng Việt, thì sự phương hại càng lớn. Theo đây, để bảo vệ quyền lợi của độc giả và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tránh tác hại xấu đến các em học sinh, Cục Xuất bản cần xem xét, ra quyết định đình chỉ phát hành và thu hồi Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh - một cuốn từ điển không được phép có mặt trên bất cứ một giá sách nào.

HOÀNG TUẤN CÔNG/3/2024
Nguồn: http://tuancongthuphong.blogspot.com/2024/03/nhieu-sai-sot-trong-tu-ien-tieng-viet_13.html#more

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập129
  • Hôm nay16,029
  • Tháng hiện tại154,988
  • Tổng lượt truy cập60,038,795
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây