Nguyên Ngọc là một trong số ít nhà văn Việt Nam mà văn nghiệp không bị đứt đoạn bởi bất cứ lý do nào: chiến tranh, biến động thời cuộc, tuổi tác…
Trước năm 1954 (trước khi hai miền Nam Bắc bị chia cắt)
Gia nhập Quân đội Nhân dân (1950), chủ yếu hoạt động ở Tây Nguyên.
Trước năm 1962 (trước khi rời miền Bắc vào chiến trường miền Nam)
Tập kết ra miền Bắc (1954). Phóng viên quân đội. Viết tiểu thuyết Đất nước đứng lên dưới bút danh Nguyên Ngọc và được Giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam (1955). Trong những truyện Nguyên Ngọc viết giai đoạn này gây chú ý là tập truyện ngắn Rẻo cao tạo được tiếng vang về văn phong; truyện Mạch nước ngầm gây nhiều tranh cãi vì đã đề cập khác với nhận thức của số đông thời ấy về cách nhìn con người, kể cả con người có thành tích, danh hiệu.
Trước năm 1975 (trước khi chiến tranh kết thúc và đất nước tái thống nhất)
Hoạt động ở chiến trường Khu V viết văn với bút danh Nguyễn Trung Thành. Tác phẩm được phổ biến và nhiều người biết tới: Đường chúng ta đi (bút ký, 1965), Đất Quảng (1971, tiểu thuyết, tập 1), Rừng xà nu (tập truyện ký, 1969, Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu, Giải thưởng Hoa Sen của Hội Nhà văn Á Phi).
Trước năm 1986 (trước thời kỳ Đổi mới)
Là Đại biểu Quốc hội khóa IV, Bí thư đảng đoàn kiêm Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam; viết và trình bày bản Đề dẫn thảo luận tại Hội nghị Nhà văn đảng viên (từ 10.3 đến 12.3.1979).
Trong Đề dẫn 1979 này, bên cạnh việc khẳng định những thành tựu của văn học nghệ thuật đóng góp vào công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, còn đề cập đến tình trạng trì trệ, khủng hoảng của văn học: “có nhiều sách nhưng không có tác phẩm gây được thành “sự kiện văn học” mới, sách viết ra không để lại được dấu vết sâu sắc, đậm nét trong đời sống tinh thần của xã hội; tình trạng không ít phổ biến là “người viết vẫn cứ viết nhưng không thật tin ở chính điều mình viết ra”. “Người là muối mà chính người lại không mặn thì biết lấy gì để muối người”. Văn học, nói theo một cách nào đó là lòng tin. Không có lòng tin lớn thì không bao giờ có thể có văn học lớn.
Từ thực trạng đó của văn học những năm đầu sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, Đề dẫn nêu ra suy nghĩ: nhiệm vụ của nghệ thuật không chỉ là ở chỗ biểu hiện hiện thực như nó đã có, một hiện thực tĩnh tại, mà chính là ở chỗ mô tả hiện thực như là một cái gì có thể thay đổi được và bồi dưỡng lòng tin, sự khát khao mãnh liệt muốn thúc đẩy sự thay đổi ấy.
Đề dẫn cũng đã mạnh dạn chỉ ra những nguyên nhân góp phần vào sự “trì trệ” và “khủng hoảng” của văn học. Đó là sự thô thiển kéo dài trong công tác lý luận và phê bình văn học, trước hết ở một điểm rất cơ bản: quan niệm về chức năng của văn học. Quan niệm này đã dung tục hóa mối quan hệ giữa hiện thực và văn học, nó tuyệt đối hóa hiện thực, nó buộc văn học phải khiếp nhược trước hiện thực, buộc người nghệ sĩ phải khiếp nhược trước đời sống.
Quan niệm ấy hạ thấp văn học xuống thành một sự sao chép hiện thực, cho rằng “hiện thực đã tốt đẹp đến mức không còn gì có thể tốt hơn, đẹp hơn”, từ đó mà gián tiếp phủ nhận khả năng cải tạo trở lại hiện thực của con người, của văn học. Quan niệm ấy từng biểu hiện thành chủ trương tuyệt đối hóa thể tài “người thật, việc thật” trong văn học, muốn lấy đó làm dòng chủ đạo, thậm chí dòng duy nhất của văn học nước ta.
Trong khi văn học bắt nguồn từ cuộc sống, nếu muốn phục vụ trở lại cuộc sống thì nó phải sáng tạo ra một cái gì đó khác, mới mẻ, chưa từng có, cao hơn về chất so với cái nguyên liệu cuộc sống cung cấp cho nó. Ví như con tằm ăn dâu thì phải nhả ra tơ, nếu nó lại nhả ra những cái lá dâu thì bản thân sự có mặt của nó trở thành vô nghĩa.
Đề dẫn 1979 cũng đã chỉ ra tình trạng tuyệt đối hóa sự chi phối tất yếu của chính trị đối với văn học, trong khi chính văn học nghệ thuật với sức mạnh riêng của nó đã làm phong phú thêm cho chính trị bằng những khám phá và sáng tạo của riêng mình, không thay thế được.
Chính những quan niệm thô thiển đó về mối quan hệ giữa văn học và thực tiễn, giữa văn học và chính trị đã tạo ra những định kiến xã hội đơn giản, dung tục đối với văn học, xói mòn năng lực thẩm mỹ của người đọc, thấm cả vào chính người cầm bút, xói mòn ý chí sáng tạo, dũng khí sáng tạo nghệ thuật và ý thức trách nhiệm xã hội đúng đắn của nhà văn, tạo nên sự cản trở vừa ở ngoài họ, quanh họ, vừa ở trong chính họ.Và, không thể nói không có sự liên hệ nào giữa các quan niệm thô thiển và định kiến dung tục đang diễn ra với lối làm ăn tệ hại, thiếu phẩm chất rất đáng trách trong một số người cầm bút.
Trước năm 1995 (trước khi nghỉ hưu)
Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn Nghệ, Trưởng ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam. Đóng góp lớn vào thời kỳ sôi động, rực rỡ nhất của báo Văn Nghệ, bằng chủ trương: mở đường cho hiện thực tràn vào văn học, đánh thức văn học sau giấc ngủ mệt mỏi hậu chiến và bao cấp.
Khôi phục thể loại phóng sự đã từng nổi tiếng vài chục năm trước đó với các cây bút Vũ Trọng Phụng, Trọng Lang, Tam Lang. Đánh thức dòng truyện ngắn với cách viết mới, lạ. Triển khai loạt bài lý luận về văn nghệ và chính trị, về văn nghệ và hiện thực.
Hàng loạt tên tuổi văn học mới đã xuất hiện từ báo Văn Nghệ thời kỳ này: Nguyễn Huy Thiệp, Trần Huy Quang, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Hoàng Minh Tường… Tờ báo của Hội Nhà văn Việt Nam, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, được người đọc xếp hàng chờ mua, số lượng in lên tới hơn vạn bản… Góp phần quan trọng vào việc xét trao các giải thưởng văn học xứng đáng của thời kỳ đầu Đổi mới.
“Tôi cũng như nhiều nhà văn trẻ, ai cũng yêu mến, kính trọng tài năng, tâm huyết của Nguyên Ngọc, nhưng đôi lúc e ngại, băn khoăn trao đổi với nhau: “Sao anh ấy cực đoan thế nhỉ, cực đoan cả trong lý luận suy nghĩ cả trong phong cách sống”, nhưng rồi lại cười xòa vui vẻ: “Là Quảng Nam hay cãi ấy mà!” –nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai nguyên Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ.
Nhà văn Bảo Ninh thì chia sẻ: “Dường như càng năm càng tuổi, thầy Ngọc của tôi càng muốn sống nhiều hơn trong không gian đường trường. Sài Gòn – Gia Định, mũi Cà Mau, miền Tây, miền Đông, Quảng Trị, Thừa Thiên, miền Nam Trung Bộ, các tỉnh huyện đồng bằng miền Bắc, vùng núi non biên giới, hải đảo… từ năm 1975 tới nay có còn ngả đường nào, có còn miền quê nào của đất nước mà ông chưa dọc ngang trải qua. Ông đi nhiều nhưng không chỉ để ngao du sơn thủy, không đi chỉ để thưởng thức phong cảnh, không lang bang phiêu bạt chỉ để nhìn ngó nghe ngóng lớt phớt, mà đi như vậy là cách ông nhập thân, hoặc còn hơn thế nữa, xả thân vào với thực trạng đất nước và dân tình để có thể không ngừng suy nghĩ và viết, thực thi nghĩa vụ nhà văn theo đúng với tín niệm nhân sinh và văn chương của ông”
Từ năm 1995 (sau khi nghỉ hưu)
Tham gia tích cực trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và chấn hưng giáo dục Việt Nam. Là thành viên chủ chốt trong các hoạt động: Quỹ Văn hóa và Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh; Dự án và Giải thưởng Sách Hay; Đại học Phan Châu Trinh; Viện Phan Châu Trinh.
Sách dịch đã in: Độ không của lối viết (Rolland Barthes), Nghệ thuật tiểu thuyết (Milan Kundera), Văn học là gì? (Jean – Paul Sartre, NXB Văn học 2013), Rừng, Đàn bà, Điên loạn (Jacques Dournes, NXB Hội Nhà văn 2013).
Sách viết đã in: Tản mạn nhớ và quên, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2004; Nghĩ dọc đường, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2005; Lắng nghe cuộc sống, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2006; Bằng đôi chân trần, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2008.
Bút ký Các bạn tôi ở trên ấy viết về Tây Nguyên của ông (NXB Trẻ 2013) được giải thưởng văn xuôi năm 2013 của Hội Nhà văn Hà Nội. Được xem là một chuyên gia về Tây Nguyên, trong buổi hội thảo vào tháng 4.2009 về vấn đề khai thác bauxite ở Việt Nam, ông biểu lộ chưa đồng tình với chính sách của Chính phủ.
Cuốn Có một con đường mòn trên Biển Đông của ông (NXB Trẻ tái bản, 2014) được dịch ra tiếng Nhật và phát hành tại Nhật Bản tháng 10.2017.