Thời kỳ xây nền tự chủ
admin100
2021-10-26T16:12:00-04:00
2021-10-26T16:12:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/kho-tri-thuc/thoi-ky-xay-nen-tu-chu-11039.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/source/nhan-vat-ls.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ ba - 26/10/2021 16:12
Tự chủ là thời kỳ đầu khôi phục lại nền độc lập của Việt Nam đầu thế kỷ 10 sau hơn 1000 năm Bắc thuộc. Thời kỳ này người Việt đã tự cai trị lãnh thổ nhưng chưa xưng làm vua, và chưa đặt quốc hiệu.
Bề ngoài, Việt Nam vẫn là một phần lãnh thổ của "thiên triều" phương bắc ở trung nguyên với tên gọi "Tĩnh Hải quân" và người đứng đầu chỉ nối tiếp nhau làm chức Tiết độ sứ như một quan cai trị của Trung Quốc trước đây.
Thời kỳ tự chủ bắt đầu từ khi họ Khúc nổi dậy nắm quyền thay các Tiết độ sứ người Trung Quốc (905) và kết thúc khi Ngô Quyền tiêu diệt Kiều Công Tiễn và đánh thắng quân Nam Hán, lập ra nhà Ngô (938).
Dương Đình Nghệ (874 – 937)
Dương Đình Nghệ, có sách như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép là Dương Diên Nghệ, người Ái châu, làm tướng cho Khúc Hạo. Đời Hậu Lương, Lưu Nghiễm của nước Nam Hán tiếm hiệu vua ở đất Quảng Châu, lấy cớ Khúc Hạo chiếm cứ đất Giao Châu, sai Lý Khắc Chính và Lý Tri Thuận đánh chiếm Giao Châu. Con trai Khúc Hạo là Khúc Thừa Mĩ bị bắt. Dương Đình Nghệ dấy binh đánh bại Lý Khắc Chính. Vua Nam Hán cho Lý Tiến thay làm Thứ sử Giao Châu, Dương Đình Nghệ lại vây hãm. Vua Nam Hán sai Trần Bảo đem quân cứu Lý Tiến, Dương Đình Nghệ đón đánh chém Trần Bảo, giữ thành, xưng là Tiết độ sứ. Được 8 năm, Dương Đình Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn làm phản, giết chết lên thay.
Phía Bắc nước Việt tồn tại 2 nước lớn là nhà Nam Hán và nhà Lương. Năm 919, Khúc Thừa Mĩ sai sứ sang nhà Lương xin được lĩnh tiết việt, nhà Lương trao cho. Vua Nam Hán cả giận.
Mùa thu, tháng 7, năm 923 vua Hán sai tướng là Lý Khắc Chính đem quân sang đánh Giao Châu. Lý Khắc Chính bắt được Tiết độ sứ Khúc Thừa Mĩ đem về. Vua Hán phong tước cho Dương Đình Nghệ, cho Lý Tiến làm Thứ Sử Giao-Châu, cùng với Lý Khắc Chính giữ thành.
Năm 931, Dương Đình Nghệ tìm cách báo thù cho họ Khúc, ông nuôi 3.000 giả tử (con nuôi), đặt ra trường đánh vật, chiêu tập các hào kiệt, lấy đại nghĩa khuyến khích họ.
Lý Tiến lo sợ, sai người cấp báo cho vua Hán, cùng năm ấy, Dương Đình Nghệ đem quân vây Lý Tiến. Vua Hán sai Trần Bảo đem quân sang cứu, nhưng đến nơi thì Dương Đình Nghệ đã hạ được thành. Lý Tiến trốn về nước, Trần Bảo vây thành, Dương Đình Nghệ đem quân ra đánh giết chết Trần Bảo.
Dương Đình Nghệ giữ lấy thành, tự xưng là Tiết độ sứ nhận lĩnh việc châu.
Mùa xuân, tháng 3, năm 937, Dương Đình Nghệ bị nha tướng của mình là Kiều Công Tiễn giết chết. Một nha tướng khác của ông là Ngô Quyền kéo quân từ Ái Châu ra đánh Kiều Công Tiễn.
Ba đời dòng họ Khúc đặt nền móng tự chủ
1. Khúc Thừa Dụ (830 – 907)
Khúc Thừa Dụ (905-907) quê ở Cúc Bồ (Ninh Thanh, Hải Dương), vốn là một hào phú, tính khoan hoà, được nhân dân kính phục. Thấy nhân dân ta vô cùng thống khổ dưới ách đô hộ của nhà Đường, ông khởi binh tiến công thành Tống Bình (Hà Nội), đuổi giặc về nước tự xưng là Tiết độ sứ. Thế cùng, nhà Đường buộc phải công nhận Khúc Thừa Dụ là người đứng đầu đất Việt.
“Thời thế tạo anh hùng”, câu nói ấy chính ứng vào Khúc Thừa Dụ. Cuối thế kỷ IX, Nhà Đường đi vào giai đoạn suy vong. Sự suy yếu đến tận gốc rễ của một trong những triều đại hùng mạnh nhất Trung Quốc đã tạo điều kiện cho vương quốc của người Bạch và người Di tên là Nam Chiếu hùng mạnh lên. Nam Chiếu đã tấn công thẳng vào An Nam, cạnh tranh nhà Đường. Nhưng sự suy yếu của nhà Đường cùng sự đi xuống của Nam Chiếu theo thời gian viễn chinh đã dẫn đến một cuộc chiến tương tàn mà cả hai bên đều thất bại, cuối cùng chỉ có người Việt chiến thắng. Sự rối ren đã đưa quyền lực đến cho quyền thần Chu Toàn Trung. Lúc này, Chu Toàn Dục là Tiết độ sứ An Nam nhưng sau đó lại được thay bằng tiết độ sứ Độc Cô Tổn. Độc Cô Tổn lại không được lòng quyền thần Chu Toàn Trung, cuối cùng bị giết. Đất An Nam không có Tiết độ sứ, còn chính quyền đô hộ như rắn mất đầu. Chính lúc này vị anh hùng của chúng ta là Khúc Thừa Dụ bước chân lên vũ đài lịch sử. Ông là một hào trưởng thuộc đất Hồng Châu, tỉnh Hải Dương. Được dân chùng ủng hộ, ông đã cùng vói bộ thuộc tiến quân ra chiếm đóng phủ thành Tông Bình (Hà Nội) và tự xưng là Tiết độ sứ. Việt sử thông giám cương mục (Tiền biên, quyển 5) chép lại: “Họ Khúc là một họ lớn lâu đời ở Hồng Châu. Khúc Thừa Dụ tính, khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy tôn. Gặp thời buổi loạn lạc, nhân danh là hào trưởng một xứ, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ.” Như vậy, Khúc Thừa Dụ đã thực hiện một màn cướp chính quyền trong âm thầm và đẩy nhà Đường vào thế sự đã rồi, buộc phải công nhận tước vị của ông. Sự khôn khéo của Khúc Thừa Dụ nằm ở chỗ, ông không dựng cờ để gây sự chú ý mà âm thầm xây dựng một chính quyền của người Việt và cho người Việt. Ông đứng trên danh nghĩa là Tiết độ sứ của nhà Đường, là người thuộc bộ máy đô hộ, nhưng phía sau lại làm công việc của một người giành độc lập. Đây là chuyển quyền tự chủ dân tộc sang cho người Việt, một cách khéo léo. Chính cách làm trí tuệ ây của Khúc Thừa Dụ khiến nhà Đường đành phải phong cho ông tước Đổng bình chương sự. Rồi dùng chính chức tước ấy, ông phong cho con là Khúc Hạo chức vụ Tĩnh Hải hành quân tư mã quyền tri lưu hậu, tức là chức vụ chỉ huy quân đội và sẽ thay thế nắm quyền hành Tiết độ sứ khi cha mất đi. Ông muốn rằng, nếu một ngày mình tạ thế thì quyền lực vẫn ở trong tay người Việt. Ngày 23 tháng 7 năm 907, Khúc Thừa Dụ mất, người đời sau thướng mến gọi ông là Khúc Tiên chủ, dù cho ông chưa hề xưng đế hay xưng vương. Con ông – Khúc Hạo – lên nắm quyền chức Tiết độ sứ thay cha, và lúc này, Khúc Hạo chứng minh bản lĩnh của một người kế thừa xứng đáng. Khúc Hạo là một nhà cải cách lớn ngay từ thế kỷ X, một nhân tài trị quốc dường như đã bị bỏ quên và cần ghi công lại trong dòng chảy của lịch sử dân tộc.
2. Khúc Hạo (860 - 917)
Lúc này, nhà Đường đã mất, Trung Quốc bước vào giai đoạn Ngũ đại Thập quốc (Ngũ đại Thập quốc: Là thời kỳ mà phiên trấn các nơi tự lập quốc, kéo dài từ khi nhà Đường diệt vong đến khi nhà Tống thống nhất Trung Quốc.) Nhà Hậu Lương một lần nữa muốn quay trở lại thôn tính nước ta. Vua Hậu Lương là Chu Ôn (tức Chu Toàn Trung) phong cho Lưu Ấn chức Thanh Hải Tiết độ sứ, cát cứ vùng Lưỡng – Quảng. Nhưng lại kiêm thêm tĩnh Hải quân tiết độ, An Nam đô hộ, như một cách gián tiếp cho phép Lưu Ấn được quyền quay lại An Nam nắm quyền. Đứng trước tình thế nguy hiểm ấy, Khúc Hạo mềm mỏng xưng tôi với vua Hậu Lương, đưa vàng bạc qua thương thuyết. Ông đối ngoại khôn khéo và giữ yên được bờ cõi, tránh được một cuộc can qua. Cùng với đó là đường hướng đối nội, Khúc Hạo tiến hành cải cách ở hại mặt hành chính và kinh tế để giúp nước Việt vững mạnh, nhằm đương đầu khi có chiến tranh, xác lập tự chủ lâu bền. Cho đến bây giờ, chúng ta đều nắm rõ, để một vương triều tồn tại lâu dài cần phải có sự gắn kết trong bộ máy hành chính: cai trị từ trung ương đến địa phương. Vào thế kỷ X, Khúc Hạo đã nghĩ đến điều đó. Một chiến thắng ngoài mặt trận không thể giúp đất nước vững bền, nhưng một hệ thống hành chính kiện toàn có thể làm được điều đó. Theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, Khúc Hạo chia cả nước thành đơn vị hành chính các cấp: lộ, phủ, châu, giáp, xã. Thời thuộc Đường, dưới châu là hương, Khúc Hạo đổi hương là giáp. Mỗi giáp có một quản giáp và một phó tri giáp để trông nom việc thu thuế. Theo sách An Nam chí nguyên, Khúc Hạo đặt thêm 150 giáp cả thảy bao gồm trước đó, tổng cộng trên cả nước ta có 314 giáp. Dưới giáp là xã, mỗi xã có xã quan, một chánh lệnh trưởng và một tá lệnh trưởng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Nam có một cuộc cải cách sâu rộng đến như thế. Chính những cải cách gần dân và ở cấp cơ sở này sẽ là tiền đề để 30 năm sau, Ngô Quyền châm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc một cách đường đường chính chính. Cần phải nhấn mạnh: Ở bộ máy cải cách do Khúc Hạo đặt ra có một điểm đặc biệt quan trọng để sau này không chỉ giúp nước ta giành được độc lập, đứng lên chống lại sự xâm lược qua từng thời kỳ mà còn củng cố văn hóa nghìn năm của dân tộc này, đó là “văn hóa lũy tre làng“. Làng xã Việt Nam phía sau lũy tre đã quây tròn lại cùng nhau, kể cho nhau thuở Hồng Bàng, Văn Lang, Âu Lạc, đã nhắc nhở nhau và giữ gìn truyền thông ăn trầu, nhuộm răng, để hơn 1000 năm mất nước vẫn không quên đi nguồn gốc đất tổ. Khi Khúc Hạo cơ cấu phân khu xã làng, ông đã gián tiếp thu gom lực lượng, chính thức hóa một nét Việt và bảo vệ mãi mãi truyền thống ấy. Cải cách thứ hai của Khúc Hạo là kinh tế. Khúc Hạo châm dứt tình trạng tô thuế, lao dịch và công nạp nặng nề mà người Việt phải chịu đựng trong quá trình Bắc thuộc trước đó. Ông cho ban hành chính sách “bình quân thuế ruộng”, có nghĩa là phân phối ruộng đất theo chế độ công xã, và tiến hành đánh thuế bình quân theo ruộng đất mà các hộ được phân chia. Điều này giúp nông dân đẩy mạnh sản xuất và an tâm cày cấy. Ngoài ra, Khúc Hạo còn sửa đổi lại chế độ điền tô, tha bỏ lực dịch, lập sổ hộ khẩu, kê rõ quê quán, giao cho giáp trưởng (quản giáp) trông coi. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã viết về các chính sách cải cách của Khúc Hạo bằng 11 chữ sau: “Cốt khoan dung giản dị, nhân dân đều được yên vui.” Mặc dù hoàn cảnh dân tộc khi ấy khiến cho những cải cách của Khúc Hạo chưa được toàn diện và triệt để nhưng tính từ khi lập nước, cải cách của Khúc Hạo đã đưa dân tộc ta tiến một bước dài đến tự chủ và độc lập. Một ngôi nhà chỉ yên ấm khi nền móng chắc chắn, một con người chỉ thành công khi cái gốc vững vàng. Câu chuyện từ dòng họ Khúc lặng lẽ xây dựng vun đắp nước Việt để tạo nên chiến thắng cho dân tộc sau đó hơn 30 năm chính là bài học lịch sử vĩ đại mà tiền nhân đã dạy chúng ta.
3. Khúc Thừa Mỹ (917 – 923 hoặc 917 – 930)
Năm 917, Khúc Hạo mất. Con trai ông là Khúc Thừa Mỹ lên thay. Khúc Thừa Mỹ không có được tính nhẫn nại của cha và ông, đã vội vàng gây sự với quân Nam Hán. Kết quả, gây ra cuộc chiến tranh vào năm 930. Quân Nam Hán tiến quân thẩn tốc, đánh bại quân Việt, Khúc Thừa Mỹ bị bắt, phủ thành Đại La (Hà Nội) bị chiếm. May sao một vị ái tướng nhà họ Khúc tên là Dương Đình Nghệ đã đem quân vây lấy quân Nam Hán, chém chết hai tướng, rồi giành quyền tự chủ về lại cho nước Việt, ông là vị Tiết độ sứ kế thừa dòng họ Khúc. Nhưng Dương Đình Nghệ chỉ ở cương vị Tiết độ sứ được 7 năm thì bị nha tướng Kiều Công Tiễn giết hại. Con rể của ông là Ngô Quyền (cưới con gái của Dương Đình Nghệ là Dương Như Ngọc) đã đưa bộ thuộc từ Thanh Hóa đến bảo vệ Đại La, giao chiến trên sông Bạch Đằng. Phần còn lại, hẳn chúng ta đều đã biết. Lời kết Dẫu chi tồn tại đúng 25 năm nhưng dòng họ Khúc đã đặt nền móng tự chủ cho dân tộc Việt Nam một cách vững vàng. Từ chiến thắng ngoài trận tiền cho đến việc kiến quốc, dựng nước, tạo nền tảng hành chính – kinh tế mà các triều Ngô, Đinh và Tiền Lê đã kế thừa. Sử gia Lê Tung nhà Hậu Lê thế kỷ XVI đánh giá công lao của Khúc Hạo: “Khúc Trung Chúa (tức Khúc Hạo) nối nghiệp mở nước, khoan hòa, có phong thái trù mưu định kế quyết thắng, ngoài ý mọi người, chống chọi các nước Bắc triều, thật là bậc chúa hiền của nước Việt.”
(Nguồn: https://bienniensu.com/dong-ho-khuc-dat-nen-mong-tu-chu/)