Sáng nay 17-2, người cựu chiến binh từng chiến đấu anh dũng tại đồn biên phòng Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh) là ông Hoàng Như Lý gọi điện cho tôi và báo: "Các bố đang lên đài tưởng niệm liệt sĩ ở bên cạnh đồn Pò Hèn để thắp hương cho các đồng đội của mình. 42 năm rồi, nhanh quá con ạ".
Ông Hoàng Như Lý là một trong số ít những cựu binh còn sống sau những trận chiến đấu ác liệt với quân Trung Quốc trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2-1979 ở Đồn Biên phòng Pò Hèn (Quảng Ninh). Người cựu binh năm xưa hiện đang sống ở TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Những ngày này 42 năm trước, ông Lý là chuẩn úy, trinh sát đồn Pò Hèn.
Bà Nguyễn Thị Đạo, 83 tuổi, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh - chiến sĩ Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 149, Sư đoàn 356 - bên bia mộ của con trai mình tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) - Ảnh: Văn Duẩn
Cũng trong sáng nay 17-2, Đại tá Triệu Văn Điện gọi điện cho biết: "Chiều nay, các chú cũng lên trận địa năm xưa để dâng hương cho các đồng đội". Trận địa mà ông nói chính là Pháo đài Đồng Đăng và hang Đền Mẫu. "Tầm này 42 năm trước là bọn mình chiến đấu và chuẩn bị bắn những viên đạn cuối cùng trước khi hết đạn"- Đại tá Triệu Văn Điện nói.
Ông Triệu Văn Điện nguyên trưởng phòng PC52 (Phòng cảnh sát truy nã tội phạm) Công an tỉnh Lạng Sơn. Trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc năm 1979, ông là tay súng trung liên xuất sắc nhất của tiểu đoàn, sau này đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, với những chiến công hiển hách trong những ngày chống quân Trung Quốc tại mặt trận Đồng Đăng - Lạng Sơn.
42 năm trước ông đã cùng các đồng đội của mình phá vòng vây quân Trung Quốc ở thị trấn Đồng Đăng, để đưa được những người dân còn mắc kẹt khi quân Trung Quốc tràn sang, về được tuyến sau an toàn. Thành tích một mình tiêu diệt 62 quân Trung Quốc của ông khi ấy được đưa thành gương điển hình trên báo Quân đội nhân dân và Đài tiếng nói Việt Nam.
Tấm bia khắc ghi tội ác kinh hoàng ở Tổng Chúp
43 người, phần lớn là công nhân, người già và trẻ em ở trại lợn Đức Chính (Cao Bằng), đã bị quân Trung Quốc bắt khi trên đường di tản. Quân Trung Quốc đã đưa mọi người về thôn Tổng Chúp (Hòa An) nhốt và sau đó hành hạ, giết hại một cách dã man rồi quăng xuống giếng nước.
Ông Đoàn Ngọc Sỹ, ở Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An (nay là xóm 1 Ngọc Quyến, xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng), là một cựu binh công an vũ trang. Năm 1978, ông xuất ngũ trở về Tổng Chúp thì sáng sớm ngày 17-2-1979, quân Trung Quốc tràn sang xâm chiếm. Ông Sỹ khi ấy là trung đội phó dân quân ở xã Hưng Đạo, đã cùng dân quân xã tham gia chiến đấu anh dũng để bảo vệ, đưa dân đi sơ tán an toàn. Khi Trung Quốc buộc phải rút quân, ông ở lại làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản của dân.
Ông Sỹ cho biết chính ông là người đầu tiên phát hiện ra những nạn nhân bị quân Trung Quốc sát hại ở Tổng Chúp. "Trong một lần đi tuần cùng bộ đội ở gần bụi tre trong xóm, thấy ruồi nhặng bu đầy, ông cùng các đồng đội đi vào thì hỡi ôi, xác người, cả già, cả trẻ bị sát hại nằm la liệt dưới giếng nước" - ông Sỹ ngậm ngùi.
Theo ông Sỹ, những nạn nhân bị quân Trung Quốc giết hại, không có ai là người của Tổng Chúp, tất cả đều là công nhân và người dân ở khu trại lợn Đức Chính (nay là xóm Đức Chính, xã Vĩnh Quang, TP Cao Bằng). "Lúc ấy chưa biết bao nhiêu người bị giết, vì xác người chồng lớp lên nhau" - ông Sỹ nhớ lại.
Dấu tích còn sót lại chỉ duy nhất ở Tổng Chúp là một tấm bia khắc những dòng chữ: "Vụ thảm sát tại Tổng Chúp, xã Hưng Đạo huyện Hòa An. Quân Trung Quốc xâm lược dùng cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em quăng xuống giếng nước".
Tháng 2-1979, bà Đoàn Thị Niếm, ở Tổng Chúp, mới 16 tuổi. Nhưng là chị cả trong nhà, nên vào rạng sáng ngày 17-2 khi quân Trung Quốc tràn sang, bà đã dẫn mẹ già, bế em nhỏ, tạm sơ tán vào hậu cứ ở xã Bình Dương, huyện Hòa An. Sau khi quân Trung Quốc rút, trở về nhà, thì tất cả bản làng chỉ còn lại một đống tro tàn. Nhà cửa, thóc lúa đều bị đốt; bàn thờ tổ tiên cũng bị phá sạch.
Đặc biệt, khi trở về quê hương thì bà Niếm được biết quân Trung Quốc đã giết hại dã man 43 dân thường vô tội và quăng xuống giếng ở ngay sát nhà. "Chúng đã dùng những thủ đoạn cực kì dã man để giết người dân vô tội, như dùng búa, dùng lưỡi lê đập và đâm chết rồi vứt xuống giếng. Phần lớn là phụ nữ, người già và trẻ em. Nhiều xác đã bị phân huỷ, không nhận ra được là ai nữa" - bà Niếm nói.
Ông Đào Nguyên An, quê ở Ninh Giang, Hải Dương. Tốt nghiệp trường trung cấp nông lâm trung ương, sau đó lên Ty nông nghiệp Cao Bằng công tác từ năm 1966. Từ 1976-2016, ông là Giám đốc nông trường chăn nuôi lợn tỉnh Cao Bằng. Trại lợn giống Đức Chính là một trong những thành viên của nông trường.
Nhắc lại sự kiện đau thương trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, ông An khẳng định không ai biết chính xác ngày quân Trung Quốc giết hại 43 đồng bào vô tội và quăng xuống giếng. Nhưng ngày ông và một số người dân phát hiện những thi thể ở dưới giếng nước là ngày 9-3-1979, nên có thể mọi người lấy ngày đó để làm ngày giỗ cho các nạn nhân. Giếng nước có đường kính khoảng 3 m, sâu 7 m. Nhìn xuống dưới, thấy xác người la liệt. Có người nằm sấp, có người nằm ngửa, có người nằm nghiêng.
Ngày vớt thi thể các công nhân trại lợn Đức Chính, ông An là người chỉ huy. Khi vớt các thi thể lên, thật không thể tưởng tượng nổi bọn chúng lại tàn bạo đến thế. "Có người bị chặt chân, chặt tay; có người bị đâm nhiều nhát lê, đâm gậy tre vào ngực, vào bụng; có chị còn bị khoét vú, rạch cả "cửa mình". Vợ của anh Nông Văn Ất, trưởng trại lợn Đức Chính, đang mang bầu cùng với 4 người con và 1 mẹ già, cũng bị giết hại dã man rồi quang xuống giếng" - ông An bùi ngùi.
Nhìn những công nhân và người thân của họ bị sát hại dã man, với tư cách là lãnh đạo nông trường, ông An vô cùng đau xót. "Lúc ấy làm gì đã kịp đóng quan tài. Vớt thi thể lên, có người còn nguyên vẹn, có người đã bị phân huỷ, phải gọi người nhà đến nhận dạng. Sau đó, dân quân đi chặt tre, rồi chẻ ra đan thành phên. Thi thể vớt lên, quấn vào nilon rồi đặt lên phên tre quấn lại rồi đem đi chôn ở một ngọn đồi cạnh ngã ba Cao Bình"- ông An nói và cho biết sau đó ông ốm đúng 3 tháng trời vì ám ảnh và bị viêm gan cấp.
Những người may mắn còn sống, có thân nhân bị quân Trung Quốc sát hại, dường như họ cũng cố quên đi và không muốn trở lại nơi này, bởi nó quá đau thương. Ba mươi lăm chữ ghi trên tấm bia, dù không thể nói hết, kể hết tội ác và sự bạo tàn của quân Trung Quốc đối với nhân dân nơi đây, nhưng nó cho chúng ta hôm nay biết phần nào về những đau thương đã xảy ra ở Tổng Chúp năm xưa.
"Không bao giờ quên được những đau thương đó. Đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại, những hình ảnh đó lại ám ảnh, hình bóng anh chị em công nhân và người dân bị quân Trung Quốc sát hại lại hiện ra trước mắt mình. Hình ảnh đó, thê thảm quá" - ông Đào Nguyên An chia sẻ.
Tuổi xuân gửi lại biên cương
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, Bộ đội biên phòng Lào Cai có nhiều tấm gương tiêu biểu về tinh thần dũng cảm, kiên quyết tấn công kể địch với phương châm dù còn một người cũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Cuộc chiến đấu ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Lào Cai (Đồn 125) diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt. Ngay từ 5 giờ sáng ngày 17-2-179, khi các đợt pháo kích dữ dội của địch vừa dứt, bộ binh Trung Quốc đã vượt cầu phao bao vây đánh phá thị xã Lào Cai.
Trong tình thế hết sức phức tạp, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Lào Cai đã phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ Vạn Hòa chiến đấu kìm chân quân Trung Quốc tại chỗ, tiến công làm tiêu hao sinh lực địch. Khi bộ binh Trung Quốc tràn được vào đồn cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ Đồn cửa khẩu Lào Cai cùng trung đội tự vệ Vạn Hòa do Nguyễn Văn Hòa chỉ huy mưu trí chia làm nhiều mũi tấn công trong lòng địch.
Trung sĩ Quách Văn Rạng, trung đội phó Đồn 125 là người chiến đấu kiên cường bám trụ đến cùng. Mặc dù bị thương rất nặng nhưng Quách Văn Rạng vẫn nhận nhiệm vụ ở lại cản bước chân quân Trung Quốc để cho đơn vị rút về tuyến sau. Bị quân Trung Quốc bắt và tra tấn rất dã man nhưng Quách Văn Rạng vẫn kiên quyết không khai báo. Bọn chúng đã dùng lưỡi lê chọc vào 2 mắt anh hòng khuất phục ý chí ngoan cường của người chiến sĩ biên phòng. Nhưng chúng đã lầm, các đòn tra tấn và những lời dụ dỗ ngon ngọt của chúng đều không lay chuyển được tinh thần gang thép của anh. Sau khi không đạt được mục đích, chúng đã hèn hạ bắn chết anh.
Với những chiến công xuất sắc và quên mình để cứu đồng đội, liệt sĩ Quách Văn Rạng đã được truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 19-12-1979, liệt sĩ Quách Văn Rạng đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đồn Biên phòng Pha Long (Lào Cai) cũng đã phối hợp với đại đội 3 cơ động chiến đấu kiên cường, dũng cảm. Sáng 17-2-1979, 2 tiểu đoàn sơn cước Trung Quốc vượt sông Xanh từ phía đông tràn qua xã Dìn Chin đánh chiếm dãy đồi 3 cây thông ở ngoại vi phía nam đồn, cắt đứt con đường dài 20 km từ Pha Long đi Mường Khương, Lào Cai. Ngoài ra, 2 tiểu đoàn bộ binh Trung Quốc vượt mốc 16 ở phía tây chiếm lĩnh điểm cao Lao Táo, xã Tà Ngải Chồ. Cùng lúc ở hướng Bắc, quân Trung Quốc đánh vào trạm biên phòng Lồ Cô Chin, cạnh mốc 21 là chốt cửa khẩu cách đồn 5 km. Đồn bị rơi vào thế cô lập.
Trong bối cảnh chiến đấu phòng ngự cực kỳ ác liệt, đồn Pha Long vẫn trụ vững trong 4 ngày từ 17 đến 20-2-1979. Cũng trong cuộc chiến tại đồn Pha Long, thượng úy đồn phó Nguyễn Anh Đức đã đi lên chốt, đi sát các khẩu đội cối, đại liên, chỉ huy các tổ đánh bật nhiều đợt tấn công của địch. Ngày 18-2, anh Đức trở về đồn, chỉ huy đơn vị chiến đấu phòng ngự. Anh đã ngã xuống chiến hào và hy sinh khi đợt tấn công cuối cùng trong ngày của địch bị đập tan.
Ở Đồn biên phòng Pha Long hiện nay, nằm phía bên trái đồn (nhìn từ ngoài vào) là một tấm bia trấn ải được dựng lên. Bên phải đồn là đài tưởng niệm 41 anh hùng liệt sĩ trong đó 27 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu năm 1979.
Pò Hèn - Khúc tráng ca bất tử
45 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn (Quảng Ninh) đã giành giật từng tấc đất, từng mét giao thông hào, để bảo vệ đồn và anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu diễn ra sáng 17-2-1979 với quân Trung Quốc.
Đồn Biên phòng Pò Hèn thành lập 1959, khi lực lượng Công an vũ trang, tiền thân của Bộ đội biên phòng ngày nay ra đời. Đồn Pò Hen hay còn gọi là Đồn 209, phụ trách đoạn biên giới Việt-Trung qua hai xã Pò Hèn và Thán Phún, thuộc xã Hải Sơn, TP Móng Cái.
Ông Hoàng Như Lý, một trong số ít những cựu binh còn sống sót trong trận chiến ác liệt ở đồn Biên phòng Pò Hèn năm xưa, hiện đang sống ở TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Khi đó ông Lý là chuẩn úy, trinh sát Đồn Pò Hèn và cũng mới về nhận nhiệm vụ chưa lâu.
Đó là buổi chiều thứ 6 ngày 16-2-179, tình hình rất bình thường. Hôm ấy, anh em còn tập luyện bóng chuyền để sáng hôm sau tổ chức thi đấu giao lưu với đội bóng chuyền của Lâm trường Hải Ninh. "Thực ra chúng tôi đã nắm được tình hình, vẫn biết rồi chiến sự cũng sẽ xảy ra, nhưng không ngờ quân Trung Quốc lại đánh nhanh đến vậy" - ông Lý hồi tưởng.
Đêm 16-2 bình yên là thế. Vậy nhưng khoảng hơn 5 giờ sáng ngày 17-2-1979, khi trời còn chưa tỏ mặt người, anh Nhặt là cấp dưỡng của đơn vị dậy nấu cơm. Bỗng thấy ánh sáng lập lòe ở phía hàng rào và đang di chuyển. Với tay cầm khẩu CKC, anh Nhặt nhả đạn về phía ánh đèn đang di chuyển về phía đồn. Sau phát đạn đầu tiên của anh Nhặt, pháo của quân Trung Quốc đã bắn dồn dập vào đồi nơi đơn vị đóng quân.
Ngay loạt pháo kích đầu tiên, một số chiến sĩ của đồn đã hy sinh. Trung úy Đỗ Sĩ Họa, Đồn phó quân sự, bị thương bởi mảnh đạn pháo găm vào đầu, máu me tràn ra đầy mặt. Dù bị thương nặng nhưng trung úy Họa và Chính trị viên Phạm Xuân Tảo, đã chỉ huy đơn vị kiên cường chiến đấu để bảo vệ đồn và chống lại cuộc tấn công của quân Trung Quốc.
Ông Lý bảo rằng tuy bị thương nhưng hai vị chỉ huy của đồn đã đi dọc chiến hào để nắm lại tình hình và kiểm tra việc chuẩn bị của các chiến sĩ trước khi bước vào đợt chiến đấu mới. Đi đến đâu, đồng chí Họa động viên và hô hào các chiến sĩ chiến đấu đến đó. Vì vậy, dù chỉ có chưa đến 50 cán bộ, chiến sĩ, đồn Pò Hèn đã đánh lui hàng chục đợt tấn công của một tiểu đoàn quân Trung Quốc có pháo, súng cối và xe tăng yểm trợ trong suốt 7 giờ đồng hồ.
"Đồn phó Đỗ Sĩ Họa dù bị thương nặng nhưng vẫn quyết tâm ở lại để chiến đấu cùng đồng đội. Đi tới từng ụ súng, đồng chí động viên chiến sĩ quyết tâm bảo vệ đồn, bảo vệ Tổ quốc" - ông Lý nói.
"Nhìn người chỉ huy mặt bê bết máu, ánh mắt rực lửa căm thù, các chiến sĩ vô cùng xúc động, tin tưởng. Noi gương người chỉ huy, cả đơn vị ngoan cường chiến đấu, tiêu diệt hàng trăm tên địch và giữ vững trận địa. Anh Họa dù bị thương rất nặng nhưng anh vẫn không rời trận địa"- ông Lý kể.
Cựu binh Hoàng Như Lý cho biết câu nói nổi tiếng của đồn phó Đỗ Sỹ Họa trong trận chiến ấy khi đã bị thương nặng, người đầm đìa máu, sau này đã trở thành một biểu tượng cho tinh thần những ngày biên giới tháng Hai năm 1979. "Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết".
"Đến tận hơi thở cuối cùng anh Họa vẫn gào thét ra lệnh cho các chiến sĩ xung phong đối mặt với địch để nhằm lấy lại đồn" - ông Lý kể.
Sau nhiều lần tấn công chưa khuất phục được các chiến sĩ đồn Pò Hèn, quân Trung Quốc lại tiếp tục mở đợt tấn công ồ ạt mới hòng chiếm Đồn Pò Hèn, nhằm tiến sâu vào đất liền nước ta. Trận chiến diễn ra rất ác liệt, chúng ngày một tiến sát chiến hào của đồn. Đỗ Sỹ Họa cùng các chiến sĩ đã dùng lựu đạn, tiểu liên và lưỡi lê đánh giáp lá cà với địch. Họ đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trước lúc hy sinh.
Nếu như hình ảnh chiến đấu ngoan cường đến giây phút hy sinh của Đồn phó Đỗ Sỹ Họa tiêu biểu cho tinh thần không lùi bước của các đồn công an vũ trang ngày đó, thì câu chuyện về nữ anh hùng Hoàng Thị Hồng Chiêm, lại cho thấy tinh thần của người Việt từ ngàn đời "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh".
Chị Hoàng Thị Hồng Chiêm, sinh năm 1954 tại phường Bình Ngọc, TP Móng Cái, chị từng là bộ đội chống Mỹ. Sau khi miền Nam giải phóng, chị đã xin về làm nhân viên thương nghiệp của cửa hàng bách hóa ở dưới chân núi Pò Hèn.
Cựu binh Hoàng Như Lý cho biết chiều tối 16-2, chị Hoàng Thị Hồng Chiêm tiến hành thu dọn tài sản của cửa hàng tại khu vực Pò Hèn để cất dấu đi nơi khác, vì nơi đây được cho là sẽ bị quân Trung Quốc tấn công. Vì chưa dọn hết hàng nên chị Chiêm cùng anh Định, anh Vượng, là cửa hàng trưởng và anh Thắng, chủ tịch UBND xã Hải Hà, phải ở lại để hôm sau tiếp tục sơ tán nốt hàng hóa.
Thế nhưng, mờ sáng17-2-1979, hàng loạt đạn pháo của quân Trung Quốc đã bắn dồn dập vào khu vực Pò Hèn. Chị Chiêm định chạy ra khu vực bên ngoài xem có bị thiệt hại gì không thì thấy quân Trung Quốc lố nhố đang áp sát và tiến về phía cửa hàng. Chị liền chạy vào bên trong nói với anh Vượng, Định và Thắng, rằng cửa hàng đã bị bao vây, phải làm sao để thoát được ra ngoài tham gia chiến đấu cùng bộ đội biên phòng và nhân dân Pò Hèn.
Sau khi bàn bạc xong, vốn từng là người lính có ba năm phục vụ trong quân ngũ, chị Chiêm đã rút chốt lựu đạn ném về phía quân Trung Quốc, phá vòng vây và mở đường máu để chạy lên đồi nơi có trận địa chốt của đồn biên phòng Pò Hèn.
Chị Hoàng Thị Hồng Chiêm là người yêu của anh Bùi Văn Lượng, một chiến sĩ của đồn Pò Hèn, cũng đang chiến đấu ở đây. Lên đến nơi, gặp Đồn phó Đỗ Sỹ Họa, chị Chiêm nói: "Địch tấn công rồi, em chạy lên đây xin được chiến đấu cùng các anh và xin anh giao nhiệm vụ".
Đồn phó Đỗ Sỹ Họa đã giao cho chị Chiêm đi tiếp đạn tại các hướng chiến đấu và làm nhiệm vụ băng bó vết thương cho những chiến sĩ cũng như đưa những chiến sĩ bị thương về nơi trú ẩn. Hoàn thành những việc do đồn phó Họa giao, chị Chiêm đã cầm súng trực tiếp xuống một đoạn giao thông hào chiến đấu cùng các chiến sĩ biên phòng.
Sau khi tiêu diệt được một số tên địch, thì bỗng một loạt đạn pháo của Trung Quốc lại dội vào trận địa. Chiêm bị thương ở tay, khi được các chiến sĩ của đồn đến băng bó vết thương và yêu cầu rút về hầm trú, Chiêm đã dứt khoát không chịu và tiếp tục ở lại chiến đấu.
Cuộc chiến đấu mỗi lúc càng ác liệt hơn. Đồn phó, Chính trị viên và nhiều chiến sĩ đã hy sinh. Thượng sĩ Hoàng Tiến Cờ đứng lên chỉ huy đơn vị tiếp tục chiến đấu. Quân Trung Quốc với số lượng đông áp đảo, chúng tiếp tục xông lên. Thượng sĩ Cờ đã kêu gọi các chiến sĩ hãy anh dũng tiêu diệt quân Trung Quốc, quyết bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc.
Đạn hết, các chiến sĩ đồn Pò Hèn đã lao ra khỏi giao thông hào đánh giáp lá cà với quân Trung Quốc. Khẩu AK của Hoàng Thị Hồng Chiêm cũng đã hết đạn, chị nhặt khẩu súng K44 của một cán bộ chỉ huy đồn đã hy sinh và tiếp tục bắn về phía địch. Chị cứ nhắm bắn đến viên đạn cuối cùng rồi hy sinh anh dũng.
"Chiêm rất dũng cảm, kiên cường khi đã sát cánh cùng các anh em biên phòng đồn Pò Hèn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng" - cựu binh Hoàng Như Lý tự hào về người nữ Anh hùng chống quân Trung Quốc trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc những ngày này cách đây 42 năm.
Văn Duẩn
Nguồn
https://nld.com.vn/thoi-su/khong-bao-gio-lang-quen-thang-hai-nam-1979-20210217102826816.htm