Phan Khôi và Tạp chí Nam Phong

Chủ nhật - 05/09/2021 18:50

Nhà văn Phan Khôi

Nhà văn Phan Khôi
- Trong tất cả các bài viết trên Nam Phong, chữ Quốc ngữ hay chữ Hán, Phan Khôi đều dùng bút danh Chương Dân. Vì sao ông đã không ký bằng họ tên thật (Phan Khôi) ngay lúc đầu có bài đăng báo? Vì sao ông duy trì tình trạng này suốt thời gian từ 1918 đến tận mười năm sau, hầu như đến 1929?
 


1914 – 1916 Mở lớp dạy học tại nhà

Một trong những nghề mà mỗi nhà Nho thường làm rất sớm trong đời mình, là dạy học, có khi ngay từ lúc chính mình còn đang đi học. Dạy học, đối với nhà Nho, thường không phải là dạy những nội dung tri thức bất kỳ nào khác, mà chính là dạy chữ Hán (kỹ năng viết thứ chữ Hán cổ và đọc chúng bằng âm Hán[1]Việt) và vốn tri thức, đúng ra là vốn liếng những phương châm đạo lý, rút từ các sách gốc của Nho giáo, gọi là “tứ thư ngũ kinh”. Dạy học, đối với nhà nho, vừa là nghề kiếm sống, lại vừa là công việc truyền bá đạo lý và tri thức Nho gia.

Phan Khôi mở lớp dạy chữ Nho tại nhà lần đầu tiên là khi nào? Ngay sau khi từ trường Pellerin (Huế) trở về nhà (khoảng 1911-1912) hay sau khi cưới vợ (1914)? Hãy nghe lại điều ký giả Phan Thị Nga viết (sau khi nghe chính Phan Khôi kể):

“Mãn tù ra ông ra Huế xin học trường dòng.[….] Gặp đại tang ông thôi học về quê mở lớp dạy chữ Nho và quốc ngữ. Hai năm sau có nghị định bỏ thi, ông thôi dạy, bảo học trò: “Dạy các anh cho giỏi chữ Nho tôi vẫn dạy được, nhưng bây giờ các anh học giỏi ra chẳng làm được gì, hãy học chữ Tây đi”. Thôi dạy, ông lại cắp sách tới trường học với thầy Lê Hiển; ông cùng học với lớp học trò của ông. Qua năm sau, ông Nguyễn Bá Trác giới thiệu ông vào làm Nam Phong.”(1)

Hồi ức của người con gái lớn (Phan Thị Mỹ Khanh) cho thấy rõ hơn về một cột mốc sự kiện trong nhà:

“Cưới vợ rồi, cha tôi mở lớp dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ tại nhà, được học trò xa gần đến học rất đông, vì ông có cải tiến lối giảng dạy dễ hiểu hơn so với các thầy đồ xưa. Về cách thức tổ chức lớp học, ông theo kiểu các trường công ở Hội An, sắm bàn ghế đàng hoàng, học trò không còn ngồi lê la dưới nền nhà nữa. Năm 1916 có tin Triều đình Huế bãi bỏ chế độ khoa cử ở miền Bắc, ông giải tán lớp và khuyên học trò học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp”.(2)

Vậy là có thể tin chắc chuyện mở lớp tại nhà dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ của Phan Khôi là vào những năm 1914-1916.

Cũng trong hồi ức, Phan Thị Mỹ Khanh còn giữ được bài vè “Khuyên học” do Phan Khôi viết lúc dạy học tại nhà. Đó là một sáng tác nằm trong văn mạch cổ động duy tân tự cường, nhắc người ta nhớ mình đang sống ở thời đại cạnh tranh “mạnh được yếu thua”, khuyên người đi học phải tập rèn cả “văn chương” lẫn “máy móc”, rèn cả những “y khoa cứu thế, công thương giúp đời”, “tập trồng dâu, tập xắt tằm, /học đi dưới nước, học cầm máy bay”; “Em ơi phải biết nghĩ xa / học rồi giúp nước giúp nhà mới nên / chí trai phải giữ cho bền”…(3). Trong những lời ca này vừa có việc khuyên nhủ các học trò tuổi trẻ, lại vừa có sự khuyên nhủ chính mình, vì chặng đường đời trước mắt còn dài.

Đối với Phan Khôi, làm công việc dạy học tại nhà, dẫu sao cũng là việc tạm thời, bất đắc dĩ, bởi ý nguyện của người trai trẻ này là vươn khỏi cổng làng chứ không phải là ngược lại. Trong khi đó, thâm ý của người cha lại là giữ chân con trai tại nhà lâu thêm để con dâu sinh thêm cháu. Ấy là chưa kể đến vị trí Phan Khôi là tù quốc sự, tuy đã mãn hạn vẫn chịu sự quản thúc của giới chức địa phương.

“Ra tù từ năm 1911, cho đến năm 1917, chẳng có cơ hội nào cho mình vượt khỏi cổng làng. Điều ấy, tôi tự lấy làm uất ức đã đành, mà tiên quân tôi, người lại còn lo cho tôi hơn nữa. Muốn đi ra, cái chí của tôi ở chỗ khác; nhưng thầy tôi thì chỉ mong làm sao cho tôi có đường xoay xở hầu mau thoát cái lốt tù”(4).

1917-1918: Cộng tác rồi làm trợ bút tại Tạp chí Nam Phong, Hà Nội

1/ Nam Phong hay Nam Phong tạp chí (1917-1934) là tạp chí về văn hóa, khoa học, xuất bản hàng tháng, số 1 ra ngày 1.7.1917; số cuối cùng, số 210, ra ngày 16.12.1934. Tòa soạn ban đầu đặt tại số 1 phố Hàng Trống, Hà Nội, từ năm 1926 chuyển đến số 5 phố Hàng Da, Hà Nội.(1)

Mỗi số Nam Phong tạp chí có hai phần: phần bằng chữ Quốc ngữ (tiếng Việt ghi bằng các chữ cái Latin) và phần bằng chữ Hán (cũng gọi là chữ Nho, văn tự của Trung Hoa cổ và trung đại, thông dụng ở toàn vùng Đông Á cổ trung đại); mỗi phần này gồm một hệ thống bài vở riêng, tuy ít nhiều tương ứng nhau song không phải là đồng nhất. Ngoài ra, trong mỗi số còn có một số bài bằng chữ Pháp.

Tạp chí Nam Phong được lập ra theo chủ trương của Chính phủ liên bang Đông Dương do Toàn quyền Albert Sarraut đề xướng với mục tiêu nâng cao vai trò văn hóa và chính trị của nhà nước bảo hộ; hoạt động của tạp chí được Chính phủ cấp kinh phí. Tất nhiên Nam Phong là phương tiện tuyên truyền cho chế độ thực dân Pháp, song tác động khách quan của nó là hướng xã hội Việt Nam phát triển sang mô hình hiện đại. Tôn chỉ của Nam Phong là diễn đạt, truyền bá tư tưởng, học thuật đông tây kim cổ; luyện quốc văn cho hoàn thiện, bồi dưỡng tiếng Việt cho phong phú, uyển chuyển, gãy gọn, lấy đó làm nền tảng cho bản sắc dân tộc. Được Phạm Quỳnh dẫn dắt một cách mềm dẻo, thâm thúy, các tôn chỉ trên được thể hiện sinh động vào những chuyên mục như: Lý thuyết, Văn hóa bình luận, Khoa học bình luận, Triết học bình luận, Văn uyển, Tạp văn, Thời đàm, Tiểu thuyết, v.v. Một loạt trí thức có trình độ học vấn cao đã tham gia công việc biên tập, trứ tác, dịch thuật, cộng tác với Tòa soạn, góp phần tạo nên một loại ấn phẩm tiềm tàng nhiều giá trị tri thức, văn hóa, lịch sử.

Nam Phong là một trong những tạp chí ít ỏi ở Việt Nam thực hiện được tính chuẩn mực cao về quy cách, thể thức trứ tác, biên tập, ấn loát. Tồn tại liên tục trong 17 năm, với 210 số tạp chí, hàng chục ngàn trang Nam Phong tạo nên một tập đại thành những tri thức hiện tại và quá khứ, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trí thức Việt Nam thế kỷ XX. Không ít nhà văn, nhà báo, nhà biên khảo người Việt đã học hỏi tri thức, học nghề và vào nghề, từ chỗ ban đầu là độc giả thân tín và trung thành của NamPhong.

2/ Từ đầu năm 1918, Phan Khôi từ quê nhà Quảng Nam ra Hà Nội, vào làm trợ bút của tạp chí Nam Phong. Theo lời ông, được nữ ký giả Phan Thị Nga thuật lại (1936), thì người giới thiệu Phan Khôi vào làm ở Nam Phong chính là Nguyễn Bá Trác.

Nguyễn Bá Trác (1881-1945) là một trong những người bạn học cùng quê, cùng Phan Khôi dự thi khoa Thành Thái bính ngọ (1906) và đỗ Cử nhân (trong khi Phan Khôi chỉ đỗ Tú tài); rồi cả hai, cùng với Lê Dư, Mai Dị và một số người khác, được hội Duy tân Quảng Nam cử ra Hà Nội (1908); khi Phan Khôi và Mai Dị bị bắt tại Hà Nội thì Nguyễn Bá Trác lại thoát được, kế đó Trác và Lê Dư đi du học Nhật Bản, rồi vì chính phủ Nhật chịu sức ép của chính phủ Pháp giải tán phong trào Đông du, Nguyễn Bá Trác chạy sang Trung Quốc rồi trở về nước (1914), chọn cách sống cộng tác với chính quyền thực dân Pháp; vào làm việc ở Phòng báo chí Phủ Toàn quyền Đông Dương, rồi làm chủ bút phần Hán văn của tờ Cộng thị (1916); khi Phạm Quỳnh sáng lập tạp chí Nam Phong với sự bảo trợ của Louis Marty, Trưởng phòng chính trị Phủ Toàn quyền, thì Nguyễn Bá Trác làm chủ bút phần Hán văn của Nam Phong. Từ 1925, Nguyễn Bá Trác thôi làm Nam Phong, chuyển sang ngạch quan triều Nguyễn, làm Tá lý bộ Học rồi chuyển đi làm các chức vụ: Tuần vũ Quảng Ngãi, Thị lang Bộ Binh, Tổng đốc Thanh Hóa, Tổng đốc Bình Định. Khi Việt Minh lên nắm chính quyền (1945), Nguyễn Bá Trác bị bắt và xử bắn công khai tại Quy Nhơn.

3/ Sau khi vào làm việc ở tòa soạn NamPhong ít lâu, Phan Khôi có chuyến tháp tùng chủ nhiệm Phạm Quỳnh từ Hà Nội vào kinh đô Huế quan sát lễ tế Nam Giao của triều đình, (từ 19.3 đến 3.4.1918)(2) nhân đó xúc tiếp với nhiều nhân sĩ kinh đô, trở về Hà Nội biên soạn một số Nam Phong gần như chuyên đề về lễ tế Nam giao (N.P. số 10, tháng 4.1918). Nhưng chỉ 8 tháng sau, Phan Khôi xin nghỉ việc, về quê. Lý do trước sau chỉ là tự Phan Khôi thấy không hợp, “không thể cùng đường” với cả hai người chủ trì tạp chí này: Phạm Quỳnh chủ trì phần chữ Việt, Nguyễn Bá Trác chủ trì phần chữ Hán.

Toàn bộ các bài viết bằng chữ Quốc ngữ đăng tạp chí này của Chương Dân (Phan Khôi) đã được soạn giả Nguyễn Khắc Xuyên thống kê đầy đủ trong công trình Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong (in lần 1, Sài Gòn, 1968; in lần 2, Huế-Hà Nội, 2002).(2) Các bài viết bằng chữ Hán của tác giả Chương Dân trên tạp chí này, cũng đã có thông tin thống kê chi tiết trong công trình của nhà nghiên cứu Phạm Văn Khoái nhan đề Tổng mục lục phần chữ nho “Nam Phong” trong sự đối chiếu với phần quốc ngữ, được thực hiện năm 2008, chưa chính thức in thành sách riêng; tôi may mắn liên lạc với soạn giả và được ông cho tham khảo công trình này; nhân đây xin tỏ lời cảm ơn nhà nghiên cứu Phạm Văn Khoái.

Nếu tính theo Nam Phong phần chữ Hán thì Phan Khôi đã có bài đăng từ số 2 (tháng 8.1917); bút danh Chương Dân cũng xuất hiện lần đầu tiên ở đây. Như vậy, Phan Khôi ở quê nhà Quảng Nam đã gửi bài và được Nam Phong đăng tải trước khi ông ra Hà Nội làm việc tại Tòa soạn.

Ở phần chữ Quốc ngữ, Phan Khôi bắt đầu xuất hiện từ Nam Phong số 8 (2.1918) dưới bút danh Chương Dân trong mục “Nam âm thi thoại”, một mục phê bình thơ Nôm, đăng tạp chí này được sáu kỳ, về sau sẽ được Phan Khôi viết tiếp trên các báo khác, và đến năm 1936 thì cho in thành sách riêng (Chương Dân thi thoại, tác giả xuất bản, nhà in Đắc Lập, Huế, 1936), là cuốn sách Phan Khôi đưa in trước 1945, cũng được coi là cuốn “thi thoại” đầu tiên của soạn giả người Việt.

Trong tất cả bài vở đăng Nam Phong, Hán cũng như Việt (Quốc ngữ), có thể nhận ra sự thử nghiệm ngòi bút của tác giả Chương Dân trong một phổ khá rộng các thể tài của báo chí và văn chương. Phan Khôi viết bằng chữ Hán (thứ đang trở thành cổ tự nhưng lúc ấy vẫn còn khá đông công chúng và đồng nghiệp sử dụng) và viết bằng chữ Quốc ngữ (thứ văn tự mới nhưng vốn có sự gắn bó ở cả chiều rộng lẫn chiều sâu với số đông người bản ngữ). Làm thơ hoặc từ (khá nhiều sáng tác “thi”, “từ” chữ Hán, kể từ bài “Hương Giang trúc chi từ”, Nam Phong số 2, tháng 8.1917, nhiều nhất là ở Nam Phong số 16, tháng 10.1918, được gọi là “số quốc trái”, ông có tới hai chùm thơ và từ: một chùm gồm bốn bài “Chinh phụ từ”, một chùm gồm năm bài tứ tuyệt nhân đọc lược truyện tướng Ferdinand Foch, 1851-1929, người hùng quân sự của khối Đồng minh trong Thế chiến I) và viết văn xuôi.

Ngay ở văn xuôi, cả Hán tự lẫn Quốc ngữ, có thể thấy cây bút này can dự cả các thể loại hư cấu (“Hoạn hải ba đào”, Nam Phong số 15, tháng 9.1918, được ông gọi là “đoản thiên tiểu thuyết”; “Mộng trung mộng”, Nam Phong số 18, tháng 12.1918, số 19, tháng 1.1919, số 20, tháng 2.1919, số 21, tháng 3.1919, được ông gọi là “xã hội tiểu thuyết”); cả các thể loại phi hư cấu, từ tản văn nghệ thuật (“Cái sầu”, Nam Phong số 12, tháng 6.1918), phê bình thơ (“Nam âm thi thoại” đã kể trên), đến các loại văn xuôi báo chí (“Chuyện các bậc tiền bối”: Thái sư Nguyễn Đăng Tuân, số 19, tháng 1.1919, Hiệp biện Phạm Phú Thứ, số 22, tháng 4.1919), dịch thuật (“Bàn về việc giáo dục gia đình”, dịch sách Tàu, Nam Phong số 20, tháng 2.1919), và nhất là văn xuôi nghị luận, khảo luận (bài chữ Hán “Luận Nam quốc bách niên lai học thuật chi biến thiên cập hiện thời chi cải lương phương pháp” đăng hai kỳ: Nam Phong số 5, tháng 11.1917; số 6, tháng 12.1917; bài “Giao chi nghiên cứu” đăng Nam Phong chữ Hán số 10, tháng 4.1918, chính là bài “Bàn về tế Giao” cũng số này, phần chữ Quốc ngữ; bài “Về việc cấm rượu ở các nước cùng việc rượu lậu ở nước ta”, NamPhong số 23, tháng 5.1919), du ký điền dã (“Đô hạ tạp ký”, ghi chép ở đô thành Huế dịp tế Giao: Bác lãm hội, Đấu hoa hội, Chiêm Lăng Cung ký, Nữ thi nhân, Nam Phong số 10, tháng 4.1918).

Theo dấu các bài viết của Phan Khôi đăng trên Nam Phong thì bài muộn nhất ông đăng ở đây là ở số 23 (tháng 5.1919), song vài ba năm sau, đôi khi vẫn thấy tạp chí này đăng một vài bài khác của ông, chủ yếu là thơ chữ Hán (ví dụ “Thiết bút ca”, Nam Phong số 45, tháng 3.1921, hoặc Nam Phong số 77, tháng 11.1923 cũng có trích đăng thơ chữ Hán của ông).(3)

Trong tất cả các bài viết trên Nam Phong, chữ Quốc ngữ hay chữ Hán, Phan Khôi đều dùng bút danh Chương Dân. Vì sao ông đã không ký bằng họ tên thật (Phan Khôi) ngay lúc đầu có bài đăng báo? Vì sao ông duy trì tình trạng này suốt thời gian từ 1918 đến tận mười năm sau, hầu như đến 1929? Có thể tin rằng, một trong những lý do chủ yếu chính là việc ông vẫn là cựu chính trị phạm đang bị quản thúc vô thời hạn kể từ khi được thả (1911).

LẠI NGUYÊN ÂN

___________________

(1) Phan Thị Nga (1936): “Lối tự học của những bực đàn anh nước ta. Ông Phan Khôi học chữ Tây và làm quen với cô Luận Lý”, Hà Nội Báo, H., s. 10 (11 Mars 1936).

(2) Phan Thi Mỹ Khanh (2001): Nhớ cha tôi, Phan Khôi, Nxb. Đà Nẵng, 2001, tr. 35-36.

(3) Phan Khôi (1914?): “Khuyên học (làm sau khi ở tù ra, về dạy học tại nhà)”, dẫn theo: Phan Thị Mỹ Khanh (2001): Nhớ cha tôi, Phan Khôi (phần phụ lục, tác phẩm Phan Khôi), Nxb. Đà Nẵng, 2001, tr. 147-148.

(4) Phan Khôi (1940): “Bạch Thái công ty thơ ký viên, Một của Phan Khôi tự truyện”, Dân Báo, Sài Gòn, s. 201 (số tết 1940).

(1) Về tạp chí NamPhong, tôi tham khảo mấy nguồn sau: 1/ Bộ sưu tập pdf Nam Phong của Viện Việt học, Hoa Kỳ; 2/ Nguyễn Khắc Xuyên (2002): Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong, bản in lần 2, Nxb. Thuận Hóa, Huế – Trung tâm Văn hóa-Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2002, tr. 5-464; 3/ Huỳnh Văn Tòng (2000): Báo chí Việt Nam, từ khởi thủy đến 1945, bản tái bản, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2000, tr. 124-133; 4/ Nguyễn Thành (2001): Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Nxb. Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 2001, tr. 345-346; 5/ Nguyễn Hồng Lĩnh, Nguyễn Gia Quý (đồng chủ biên, 2004): Sơ thảo lịch sử báo chí Hà Nội 1905-2000, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tr. 34-40; 53-56.

(2) Phạm Quỳnh thuật lại khá chi tiết về chuyến đi này trong bút ký “Mười ngày ở Huế”, NamPhong, Hà Nội, s. 10 (19.8.1918), tr. 198-222.

(3) Hầu hết các dữ liệu về bài vở của Phan Khôi (Chương Dân) trên tạp chí Nam Phong phần chữ Hán dẫn dụng ở đây đều căn cứ vào: Phạm Văn Khoái (2008, bản thảo chưa in): “Tổng mục lục phần chữ Nho Nam Phong trong sự đối chiếu với phần Quốc ngữ”, bản PDF của soạn giả. Xin cảm ơn soạn giả Phạm Văn Khoái.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
Luong truy cap
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập344
  • Hôm nay36,739
  • Tháng hiện tại741,366
  • Tổng lượt truy cập54,856,070
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây