Những cột nước lao từ vách đá thẳng đứng, vỡ bọt trắng xóa, bắn tung lên muôn vàn hạt ngọc long lanh như giọt nước mắt của những người vợ “vọng thác” mòn mỏi chờ chồng.
Nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 25 km (theo quốc lộ 14 đến xã Hòa Phú rẽ về phía nam), thác Dray Nur hùng vĩ, như một tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng cho con người. Đray Nur nằm trong cụm 3 thác liền kề: Gia Long - Đray Nur - Dray Sáp trên dòng sông Serepôk.
Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một mối tình “Romeo và Juliet” của núi rừng Tây Nguyên. Đôi trai gái ở hai buôn yêu nhau tha thiết nhưng bị người đời ngăn cấm do hai buôn đang có xung đột với nhau. Đau khổ trước mối tình không được mọi người chấp nhận, vào một đêm trăng, cả hai đã nhảy xuống khúc sông này để giữ cho tình yêu trọn đời bất diệt. Trời xót thương đôi trẻ và tức giận dân làng ích kỉ đã nổi cơn giông bão, cuộn nước, chia sông thành hai nhánh, ngăn cách đường đi của hai dòng tộc, tạo nên ngọn thác Dray Nur – như một chứng tích về huyền thoại tình yêu đôi lứa.
Ở một truyền thuyết khác, cho rằng hang động phía sau thác, là nơi ở của vua Thủy tề, có hoàng tử Nur rất khôi ngô tuấn tú. Trong một chuyến chu du ngắm cảnh, gặp hai nàng công chúa xinh đẹp nhưng do vua cha mất sớm nên lâm cảnh nghèo khó. Thương hai nàng vất vả, chàng theo họ về nhà, làm phép để thạp gạo đầy tràn, và sống hạnh phúc cùng hai nàng. Rồi một hôm, chàng bỗng nhớ vua cha, muốn về thủy cung, nhưng hai người vợ không muốn chàng đi, tìm cách giữ lại. Chàng đành phải hóa thân thành con dũi vàng, vượt màn thác nước vào động thăm cha. Hai người vợ đứng bên ngoài, ngóng đợi mãi vẫn không thấy Nur trở lại. Từ đó, người dân nơi đây gọi ngọn thác này là Dray Nur, nghĩa là thác con dũi vàng.
Những cột nước lao từ vách đá thẳng đứng, vỡ bọt trắng xóa, bắn tung lên muôn vàn hạt ngọc long lanh như giọt nước mắt của những người vợ “vọng thác” mòn mỏi chờ chồng.
Ngày nay, những đôi uyên ương trước khi làm lễ cưới thường chọn Dray Nur như một điểm đến lí tưởng cho tình yêu của mình. Huyền thoại và hiện thực hòa vào nhau dệt nên bức tranh đẹp, cùng cất lên bài ca bất diệt của tình yêu muôn thuở.
21-10-2012 Nguyễn Duy Xuân
(Rút trong tập "Dã quỳ và em", NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 9/2021)