Chuyện ghi ở bệnh viện

Thứ tư - 18/09/2024 02:57
Căn phòng mấy chục mét vuông nhưng có đến mười lăm giường dành cho bệnh nhân. Cảm giác ban đầu không khí thật ngột ngạt.

Dễ đến một thập kỷ rồi, nay mới tái ngộ bệnh viện Đ vì sếp xã bất ngờ ngã bệnh. Chỉ là sốt, nhức đầu thôi nhưng đang giữa mùa dịch sốt xuất huyết nên cứ phải là nhập viện cho nó yên tâm. Vả lại, bệnh viện gần nhà nên cũng thuận tiện cho việc thăm nom. Nhà chỉ nhõn hai thanh niên tra.

Ngày…

Làm các thủ tục nhập viện xong, cô điều dưỡng dẫn đến phòng bệnh đã đầy người. Căn phòng mấy chục mét vuông nhưng có đến mười lăm giường dành cho bệnh nhân. Cảm giác ban đầu không khí thật ngột ngạt. Trước khi rời phòng, cô điều dưỡng dặn rõ to: Chú nhớ mang theo chậu, ba bốn cái khăn mặt, phích nước nóng để chườm hằng ngày khi lên cơn sốt cao nhé. Ok, tôi đáp.

Sếp nhà tôi nằm giường giữa, sát phía trong. Tôi quan sát xung quanh, bệnh nhân, người nhà ai nấy nằm ngồi ngả nghiêng, chuyện như sáo. Bỗng thấy phía trên tường nơi chiếc giường kế bên kê sát góc tường có dán mẩu giấy hình chữ nhật in dòng chữ màu xanh đậm: GIƯỜNG ƯU TIÊN. Tôi thốt lên trong đầu: Ủa, trong căn phòng chật chội, giường chõng chen chúc nhau thế này mà cũng có ưu tiên sao?

Một lát, cặp đôi nữ bác sĩ (cứ gọi cả hai là bác sĩ cho chắc, vì mắt già lem nhem, chả mà dám giương mục kỉnh soi nhìn tấm biển nhỏ xíu ghi chức danh ỉn trên ngực áo bên trái) đến thăm khám, nghe nghe, đo đo, viết viết, đưa cho tờ giấy yêu cầu người nhà đi mua 25 gói điện giải để pha nước uống rồi khẩn trương đưa bệnh nhân đi xét nghiệm máu.

Chiều, 14 giờ, vẫn cặp đôi nữ bác sĩ trẻ tuổi đến thăm khám cho các bệnh nhân trong phòng. Họ hỏi như được lập trình sẵn: Có mệt không? Có đau lắm không? Có nhức đầu không? Có ho không? Ho đờm hay ho khan?,… Đại loại là những câu mà thỉnh thoảng người nhà vẫn hỏi bệnh nhân của mình mỗi khi thấy cơn đau hay sốt không thuyên giảm. Sau khi hai cô rời phòng một lát thì nữ điều dưỡng (hay y tá?) mang thuốc đến. Không có xe thuốc lỉnh kỉnh đủ thứ vẫn thường thấy ở các bệnh viện mỗi khi đến giờ bệnh nhân phải vô thuốc. Mỗi bệnh nhân được phát vài ba viên thuốc giảm đau hay trị ho gì đấy để uống trong ngày. Đơn giản vậy nên có lẽ cũng chẳng cần chi xe pháo cho phức tạp.

Tối, phòng bệnh bỗng thoáng đãng hẳn lên, dễ thở hơn vì đa phần bệnh nhân chẳng hiểu sao, gói ghém đồ đạc về hết. Quả đúng như lời cô điều dưỡng sáng nay dẫn vợ chồng tôi về phòng bệnh, khi thấy tôi than sao mà phòng nhiều bệnh nhân thế: Chú yên tâm đi, chiều là rảnh thôi à. Chừ thì đúng là rảnh thật. Cả phòng còn lại 6 bệnh nhân.

Ngày…

Mới 6 giờ kém 15 mà nữ bác sĩ trực đã vào tận giường bệnh, gọi tên, phát cho mỗi bệnh nhân một cái phiếu in sẵn bảo đi lấy máu xét nghiệm tiếp.

Tôi giục sếp nhà chịu khó đi lấy mẫu máu ngay để tranh thủ về húp chén cháo chứ chiều qua ăn được tí cơm nôn thốc nôn tháo hết rồi. Toàn thân cứ gọi là mệt xoài.

8 giờ. Cặp đôi nữ bác sĩ đến thăm khám. Lại những câu hỏi như chưa bao giờ cũ. Rồi xịt xịt, bấm bấm, ghi ghi kiểm tra huyết áp.
Tôi đề xuất nguyện vọng: Nhà tôi sốt cao liên tục, mệt mỏi khắp người, đề nghị bác sĩ cho truyền dịch.

Một trong hai cô bảo: Bệnh nhân đang trong quá trình theo dõi chưa biết sốt kiểu gì nên không thể truyền dịch được.

- Nhưng bà ấy mệt lắm!

- Đây là phác đồ điều trị mới của Bộ Y tế, chúng tôi phải tuân thủ.
Nghe nhắc đến ông Bộ, tôi đành ngậm miệng. Thì còn biết mần răng nữa.

- Chú nhớ cho cô uống nước điện giải đúng liều lượng và uống bù thêm nước lọc cho đủ hai lít/ngày chống mất nước. Nữ bác sĩ nhắc nhở trước khi kết thúc cuộc thăm bệnh buổi sáng. Một lát, điều dưỡng đến, phát thêm cho lọ bổ phế.

Buổi chiều, 14 giờ lặp lại công việc tương tự. Cả phòng mấy bệnh nhân tịnh không ai được truyền dịch hay bất kỳ loại thuốc gì đưa vào cơ thể qua đường truyền. Thứ mà khi đến bất cứ bệnh viện nào cũng đều bắt gặp không chỉ ở phòng cấp cứu mà cả khi bệnh nhân đã được đưa về phòng điều trị. Đảo mắt nhìn khắp phòng (và cả những phòng khác bên cạnh) không có một cây cọc inoc nào, loại dụng cụ hỗ trợ luôn cắm đầu giường bệnh nhân để đỡ các chai dịch truyền.

15 giờ, lại thêm một bệnh nhân đăng ký tạm trú. Cặp đôi bác sĩ đến đo huyết áp, hỏi han kỹ lưỡng: Vì sao lại nhập viện? Đau ở đâu? Sốt lâu chưa? Đã uống thuốc gì rồi? Trước đây đã sốt như thế này chưa? Người nhà đưa đi lấy máu ngay nhé. Vân vân và mây mây…

Ngày…

6 giờ kém. Giọng cô nhân viên lại oang oang xướng tên bệnh nhân đi lấy máu. Đến lượt cậu thanh niên người dân tộc phía Bắc nằm giường bên cạnh, chỗ có dán biển GIƯỜNG ƯU TIÊN dù trông cậu chẳng có chút phong độ gì để xứng với cái gọi là ưu tiên. Khi nữ nhân viên bệnh viện hỏi tên xong và trao tờ giấy chỉ định lấy máu, cậu hét lên: Không xét nghiệm chi hết. Ngày nào cũng lấy máu mà chẳng thấy mặt kết quả đâu. Không lấy nữa. Không lấy nữa. Về đây!

Nói xong, cậu đùng đùng thu dọn chăn gối, đồ đạc. Quay sang bảo chúng tôi: Cháu về đây cô chú. Nhà bao việc. Rồi về thật. Rứa là GIƯỜNG ƯU TIÊN không còn bệnh nhân “ưu tiên”. Ka ka…

Gần trưa, một bà cụ được người nhà dìu lên giường bên lối cửa ra vào. Cụ nằm co quắp, thân hình gày gò, nhỏ bé. Bỗng cụ vật vã, đau đớn. Người nhà vội chạy sang kêu bác sĩ. Ba bốn cô nhân viên bệnh viện chạy tới. Một cô tiếp cận bệnh nhân, hỏi: Bà tên gì? Ở đâu? Bà đau lắm hả? Nào, co chân lên. Rồi, giơ tay lên xem nào? Thế, thế… Cao lên, lên nữa. Thế. Giờ bà đã thấy đỡ chưa?

Ngày…

Lại tiếp tục bài ca không quên những ngày trước: sáng sớm đi xếp hàng lấy máu, về phòng bệnh nằm chờ; cặp đôi nữ bác sĩ tới hỏi những câu hỏi muôn thuở; nhận mấy viên thuốc không biết tên, và ráng ăn để tiếp tục chào đón công việc ngày mai…

9 rưỡi sáng, tôi liều mình xông vô phòng trực của các bác sĩ để hỏi cho ra nhẽ về bệnh tình của sếp nhà bởi hôm nay đã là ngày thứ tư nhập viện rồi. Tôi hỏi vị nam bác sĩ ngồi ở đầu bàn:
- Xin bác sĩ cho người nhà biết bệnh nhân X mắc loại sốt gì?
 
Vị này nhìn tôi từ đầu đến chân rồi đưa mắt cho cô bên cạnh, người vẫn đến phòng bệnh đều đặn ngày vài lần:

- Cô bị sốt siêu vi chú nhé.

- Thế từ hôm qua đến giờ nhà tôi đã hết sốt, hết nhức đầu nhưng người thì mệt lắm, bác sĩ xem cho chuyền tí gì mau hồi phục sức khỏe để ra viện?

- Cô hết sốt nhưng đang ở giai đoạn nguy hiểm, không thể chuyền dịch được. Mà chưa ra viện được đâu. Hiện cô còn bị ho, cần tiếp tục theo dõi để điều trị.

Lời bác sĩ là “lời non nước”, hì, ai mà dám cãi.

Tôi tiu nghỉu về phòng, bảo nhà tôi, thôi yên tâm nằm thêm vài ngày cuối tuần nữa cho trọn bộ bảy ngày bảy đêm. He he… Có chi mô nơ.

Ngày…

Tôi về nhà lo chuẩn bị cơm nước. Nói cho oai rứa thôi, chứ đàn ông (lại là đàn ông già) thì làm được món chi cho ra hồn. Chém to kho mặn là chính. Vợ dù nhạt mồm nhạt miệng cũng cố mà khen động viên, ngon, ngon, cơm bố nấu có khác.

Đang loay hoay trong bếp thì nghe tiếng chó sủa. Nhìn ra cổng thấy vài bóng người đứng chờ. Vội vàng chạy ra. Tưởng ai, té ra là bà xã từ bệnh viện về, tay xách nách mang, lỉnh kỉnh đủ thứ.

- Ủa, ra viện hả? Đang chuẩn bị mang cơm nước đi đây.

Thì ra, có cô bạn tới thăm, tiện thể, và trong không khí chung của cả phòng bệnh, nhà tôi kiên quyết ra viện. Bác sĩ bảo muốn ra phải viết cam kết. Ừ thì viết.

Bản cam kết lòng thòng đến hai trang A4, lời lẽ do bác sĩ đọc cho chép. Kệ.

Xong trở về phòng thu xếp hành lý. Không khí trong phòng lúc này có vẻ chộn rộn. Một số bệnh nhân cũng đã thu xếp đồ đạc, nhấp nhỏm đứng ngồi không yên. Người ta bàn tán, người ta xì xào về những gì đã chứng kiến tại nơi mà ai nấy trước khi đến đều tràn trề niềm tin và hy vọng. Vậy mà…

Có lẽ họ cũng sẽ chuồn trong chốc lát nữa thôi.

Những ngày cuối tháng 8/2024
Y Nguyên


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập138
  • Hôm nay18,009
  • Tháng hiện tại156,968
  • Tổng lượt truy cập60,040,775
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây