Đêm bắt đầu buông xuống khi xe vượt qua Eo Gió. Dường như vào đêm, vạn vật trở nên mềm dịu hơn, xe cũng chạy êm ru như con thuyền nhỏ đang lướt trên dòng sông quê lặng như tờ.
Chuyến bay chiều của hãng Vietjet Air cất cánh từ sân bay Buôn Ma Thuột vào lúc 16 giờ 15 phút đúng như dự kiến. Hình như thời gian gần đây, trước sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận về chuyện máy bay trễ chuyến như cơm bữa, các hãng bay trong nước đã bắt đầu rục rịch, cố gắng khắc phục tình trạng kém văn minh này giữa lúc cả nước đang “ào ạt” tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Sau hơn một giờ bay, máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Vinh. Ra khỏi sảnh nhà ga, tắc-xi “Nhung Nga” – tên của hai vợ chồng chú em ruột – do chính chú cầm lái đã chờ sẵn tại cửa số 4.
Một chiếc Xpander láng coóng của hãng Mitsubishi đập vào mắt tôi. Dù đã biết trước qua hình ảnh mà chủ nhân của nó đã quảng cáo trên mạng xã hội, tôi vẫn không giấu được sự ngạc nhiên trước vẻ hào nhoáng, mạnh mẽ của con xe 7 chỗ này.
Xe mới toanh, tài xế cũng mới toanh. Cảm giác thật thích thú.
Tôi bắt tay chúc mừng em trai mình, thay cho lời chào. Hai anh em lên xe, hướng quê nhà thẳng tiến. Lúc đó, trời đã về chiều, hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Tiết trời tháng Chín mát mẻ, dễ chịu. Quê nhà vừa trải qua một đợt mưa khủng khiếp do ảnh hưởng của cơn bão số 4 Noru cực mạnh quét qua “khúc ruột” miền Trung. Cách nơi đây hơn 300 km - phía tây Nghệ An - Kỳ Sơn vừa phải hứng chịu một trận lũ quét kinh hoàng. Nghĩ, mình và bà con miền xuôi thật quá may mắn dù nhiều nơi cũng đã phải nếm cảnh “ngâm nước lũ” cả tuần trong những ngày qua.
Con Xpander nhẹ nhàng lướt phố, rồi theo đường Nghệ An – Xiêng Khoảng qua eo gió về Kim Chung, Xuân Lâm. Tôi muốn nhắc lại đây cái tên cúng cơm của làng tôi xưa.
Những năm 70 của thế kỷ 20 trở về trước, cái tên Kim Chung quá đỗi quen thuộc đối với mỗi người dân quê tôi. Làng Kim Chung (thuộc xã Nam Lâm, xưa hơn nữa là xã Xuân La) lúc đó gồm xóm Đồng và xóm Vụng.
Sau năm 1970, cơn lốc “hợp tác xã toàn xã, “hợp tác xã bậc cao” đã sáp nhập 3 xã Nam Lâm, Nam Quang, Nam Mỹ thành xã Xuân Lâm, rồi ngay sau đó tiến lên “Hợp tác xã toàn xã”. Các tên đất, tên làng bị thay thế ngay tắp lự với những xóm, tức là đội sản xuất mang chữ số Ả Rập vô hồn vô cảm. Kim Chung bị chia nhỏ thành các xóm 1, 2, 3. Gần đây lại nhập, “châu về hợp phố”, ba xóm giờ thành 1 xóm, mang tên số 1. Lại vẫn là những cái tên số khô khốc, thẳng đuột mà mỗi khi xướng lên, những người con đi làm ăn xa về không thể hình dung nổi dáng hình, địa giới của xứ sở.
Tên làng Kim Chung đã đi vào lịch sử, vào tâm thức của bao thế hệ người Kim Chung biến mất. Giới trẻ của quê hương mấy ai biết đến cái tên cúng cơm ấy của làng?
Phía trước là quê hương
Đêm bắt đầu buông xuống khi xe vượt qua Eo Gió. Dường như vào đêm, vạn vật trở nên mềm dịu hơn, xe cũng chạy êm ru như con thuyền nhỏ đang lướt trên dòng sông quê lặng như tờ.
Tôi miên man trong suy tư. Mừng cho vợ chồng chú em đã toại nguyện ước mơ tưởng chừng như chỉ là mơ ước của mình.
Cha mẹ tôi sinh được bảy người con. Tôi là anh cả, chú là con thứ 5. Hai anh em cùng cầm tinh con gà nhưng chú thua tôi một giáp. Thời gian đúng là “bóng câu qua cửa sổ”. Bây giờ tôi đã lên lão, còn chú cũng vừa bước qua tuổi “tri thiên mệnh”.
Ở cái tuổi ngoài năm mươi mà mới được hưởng chút lộc của đời thì kể ra cũng hơi muộn. Thôi thì giàu sang người ta cũng có số, dẫu suy cho cùng, cái số của mỗi người phần lớn đều tự mình mà ra cả.
Vợ chồng chú là nông dân chính hiệu. “Cặp đôi hoàn hảo” này chăm chỉ, cần mẫn, chỉn chu, không hổ danh là “dâu hiền, rể thảo”. Chuyện ni thì có hàng xóm chứng giám, tôi kể ra e mang tiếng “mẹ hát con khen hay”. Riêng vợ chú - em dâu tôi – vừa hiền thục vừa đảm đang, vừa giỏi việc nước lại đảm việc nhà.
Hai đứa con chú, một trai một gái, chuẩn mười của gia đình hạnh phúc. Học xong phổ thông, thằng anh đi học nghề, rồi đi làm. Con em thì sang Nhật làm việc theo diện xuất khẩu lao động. Một năm sau, cu anh cũng theo em gái sang đất nước Phù Tang mưu sinh.
Điều đáng mừng là cả hai cháu đều rất chăm chỉ, biết lo lắng, trân quý những đồng tiền được làm ra bằng mồ hôi, công sức của chính mình. Vừa rời khỏi vòng tay cha mẹ, sang xứ người mưu sinh không phải cô cậu nào cũng khiến các bậc phụ huynh yên lòng được như thế.
Những năm gần đây, phong trào xuất khẩu lao động bùng nổ mạnh mẽ, nhất là ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An quê tôi. Bộ mặt vùng quê nghèo thay đổi sau những chuyến xuất khẩu - bán sức lao động nơi xứ người - của con em trong làng. Nhiều gia đình đổi đời, xây được nhà cửa khang trang, mua sắm được những tiện nghi, đồ dùng hiện đại, đắt tiền. Nhưng không phải ai đi xuất khẩu lao động cũng ăn nên làm ra cả. Thu nhập cao hơn làm công nhân ở quê nhà đấy, nhưng xứ người không có chỗ cho những ai lười nhác, nuôi mộng “nằm ngửa chờ sung”.
Sau ba bốn năm chịu khó, chắt chiu bằng sức lao động của chính mình, hai anh em cũng tích cóp được ít nhiều mà nếu làm nông ở quê dẫu có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Chưa giàu có gì nhưng cũng đủ giúp bố mẹ trang trải nợ nần, sửa chữa, nâng cấp nhà cửa, mua sắm đồ đạc để cha mẹ nở mày nở mặt với thiên hạ. Và món quà lớn nhất mà hai đứa tặng đấng sinh thành chính là con xe Xpander đang cõng tôi, băng băng lướt nhẹ trên đường thảm nhựa phẳng lỳ, đưa tôi về với quê hương.
Tiếng còi xe bỗng reo lên khiến tôi giật mình, tỉnh giấc suy tư. Thì ra xe đã rẽ vào con ngõ quen thuộc. Lòng tôi rưng rưng khi nhìn thấy cha mình đang đứng chờ trước cổng, chỗ ngày xưa mẹ vẫn thường hay đợi mỗi lần được tin tôi từ Ban Mê ra đang trên đường về đến nhà.
Quê Xuân Lâm, Rằm tháng Chín, 10/10/2022 Nguyễn Duy Xuân