Đệ Tử
admin100
2022-12-16T02:07:47-05:00
2022-12-16T02:07:47-05:00
https://nguyenduyxuan.net/nguyen-duy-xuan-van/de-tu-11136.html
https://nguyenduyxuan.net/uploads/news/cuocsong/ninh-sep.jpg
Nguyễn Duy Xuân
https://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ bảy - 11/12/2021 20:48
Năm ấy, Đệ như người trúng số độc đắc, đang từ thường dân, sau một đêm thức dậy bỗng thành ông quan phó.
Dạo này Đệ như người mất hồn, đôi khi còn nổi khùng vô cớ. Những lúc như thế vợ con hắn sợ chết khiếp. Từ hồi nảo đến giờ có thấy hắn vậy đâu. Người ta bảo hắn hiền như đất, chỉ chăm chắm việc cơ quan từ sáng cho đến tối mịt, chẳng biết rượu chè cờ bạc là gì. Thời buổi này đàn ông công sở được như hắn là “năm bờ oăn” trong mắt các bà vợ.
Thế mà…
Chuyện xảy ra từ cái ngày tay Đểu, sếp bề trên của hắn bị thôi chức. Nói thôi chức cho đẹp ngôn từ xã giao. Còn theo nguyên văn của phòng nhân sự thì là “Do nhu cầu công tác, nay điều động ông…” Đây quả là một tuyệt chiêu trong nghệ thuật ngôn từ của cấp trên. Chỉ cần miết một câu văn, ngoặt một chữ kí là cứu được sinh mệnh chánh trị cho những tài năng hiếm hoi của đất nước. Không ít kẻ đang mấp mé bờ vực của sự sụp đổ bởi những tai tiếng do mình gây ra, nhưng rồi nhờ áp dụng chiến thuật “phút 89” thế là thoát hiểm, lại ung dung bước tiếp trên con đường quan lộ trải đầy thảm đỏ.
Lão Đểu mất chức. Nói có trời chứng giám, đáng ra còn phải hơn thế kia. Cho nên Đệ mới rơi vào cảnh ngộ trớ trêu như bây giờ. Hai mươi ba năm trong nghề. Hơn mười năm lăn lộn vùng sâu vùng xa, nơi có những địa danh mà bây giờ nhớ lại còn khiến Đệ rùng mình. Thời ấy, từ chỗ hắn công tác đi ra thị xã phải mất cả ngày, bụi đỏ phủ kín người, đỏ cả tóc, cả lông mi lẫn lông mày, hai con mắt như chực toét ra. Có lần đợi xe về quê, hắn ghé thăm thầy giáo cũ mà cứ nhớ mãi câu nói của thầy: “Nếu có một danh hiệu nào đó như là anh hùng chẳng hạn thì các bạn xứng đáng lắm!” Cái đầu mu mơ của hắn cũng mang máng hiểu ra điều ấy. Không có những người như hắn, những chàng trai, cô gái từ miền Bắc vô, từ dưới xuôi lên ấy với nhiệt tình tuổi trẻ cháy bỏng thì liệu ánh sáng văn hóa có rọi tới được nơi vùng sâu vùng xa trên mảnh đất cao nguyên lộng gió này? Hơn mười năm ở nơi thâm sơn cùng cốc cho đến khi có cơ may được chuyển ra vùng ven thành phố, hắn vẫn chỉ là một anh nhân viên quèn. Vợ con thì nheo nhóc. Gia sản gom lại có giá không bằng cái toilet nhà giàu.
Cuộc sống đã dạy cho hắn bài học nếu chỉ làm phó thường dân thì suốt đời không thoát khỏi kiếp tôi đòi. Biết thế nhưng người như hắn thì làm được gì? Hắn căm cho cái số kiếp của mình. Không nhà mặt phố, không bố làm to, đã thế thân xác lại chỉ một mẩu, nhỏ thó. Bù lại những khiếm khuyết đó, giá như trời phú cho hắn cái ma mãnh thì còn có cơ hi vọng. Đằng này hắn lại hiền như đất. Hắn như con trâu của bác nông dân, đập đi, hò đứng. Nhưng ông trời cũng có mắt, người ta bảo thế, chẳng lấy hết của ai nhưng cũng chẳng cho không ai bao giờ.
*
Cơ quan hắn tiếng là ở phố nhưng cũng chẳng khác gì vùng sâu, vùng xa. Đó là cái nơi tạm trú của đám con ông cháu cha đợi ngày thực thi cái chủ trương luân chuyển cán bộ để về nơi trung tâm đô hội. Cho nên chuyện đi ở của đồng nghiệp cứ như cơm bữa. Có khi chưa kịp nhận mặt đặt tên đã thấy mất hút rồi.
Năm ấy, Đệ như người trúng số độc đắc, đang từ thường dân, sau một đêm thức dậy bỗng thành ông quan phó.
Chả là chị Chánh, gọi là chị vì còn phốp lắm, sắp sửa nghỉ hưu. Trước khi tàn cuộc chơi, chị bèn sắp xếp lại bàn cờ, đẩy mã, chuyển xe, sang tốt… Đấy là đóng góp cuối cùng mang tên “phút 89” cho công cuộc cải cách hành chánh mà chị học được từ các bậc tiền bối. Nhờ tay phó sếp đưa đường chỉ lối nên Đệ được thế chân hắn, bù lại hắn vù lên phố một cách êm ru nhờ có thêm hai tấn cà phê mà Đệ vừa “sang nhượng”.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Hai hôm sau chị Chánh rời ghế, sếp mới về thế chỗ. Cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra trong sự lo âu, phấp phỏng của biết bao kẻ trong đó có Đệ. Thấy thiên hạ điều binh động mã, chuẩn bị đạn dược mà Đệ cứ như ngồi trên đống lửa. Nhìn quanh nhìn quắt, trong nhà chẳng còn gì đáng giá. Cà phê thì mãi tới cuối năm mới thu hoạch mà cũng chẳng nhằm nhò gì, chỉ đáng hộp bánh so với người ta.
Nhưng rồi cuối cùng thì Đệ cũng kiếm được món quà ra mắt sếp. Vừa đặt chân vào nhà chưa kịp định thần, bởi Đệ trông thế mà cũng nhát lắm, mỗi lần gặp các sếp là run như cầy sấy, thì sếp đã dội cho một gáo nước lạnh: “Tôi nghe anh em họ nói cậu chả có gì đặc biệt, nhẩy. Thế mà cậu lên phó được, kể cũng khá đấy, nhẩy?” Những tiếng “nhẩy” liên tiếp rỉ theo nước dãi từ hai bên kẽ mép sếp làm Đệ rối lên, miệng lắp bắp chỉ còn biết phát mỗi một tiếng “dạ” mà thôi. Nói chuyện một chặp, sếp bảo:
- Trông cậu hiền lành, chân chỉ hạt bột, người như cậu thời buổi này kể cũng hiếm, nhẩy. Nhà tớ dạo này neo quá. Con cái chúng nó đi suốt ngày, còn tớ thì cậu thấy đấy, không còn thời gian để mà thở nữa.
- Hay là lúc rỗi, cậu ghé qua giúp bà xã nhà mình một tay, nhẩy?
Từ đó việc nhà Đệ phó mặc cho vợ con. Ngày thường tan tầm Đệ không về ngay mà ngược lên phố để ghé qua nhà sếp, không có việc gì làm thì cũng dạo qua đám cây cảnh đáng giá bạc tỉ một lượt. Nghe đâu những thứ đắt tiền này đều là chút quà mọn của các đệ tử dưới trướng mừng sếp khai trương nhà mới. Cuộc khai trương không tổ chức lễ lạt rầm rộ vì sếp bảo mình phải làm gương cho anh em. Bọn đệ tử mồm thì dạ dạ vâng vâng nhưng trong đầu chúng đã tính toán cả. Nhân lúc sếp đi nhiệm sở, chỉ có sếp bà ở nhà thế là họ thuê xe chuyên dụng chở đến nào là sanh, lộc vừng, bằng lăng… Có cặp sanh bảy tán, cây bằng lăng người ôm không xuể phải dùng cẩu mới di chuyển nổi. Khi việc đã xong, sếp chỉ còn biết nói mỗi một câu: Các cậu làm mình khó xử quá!
Ngày chủ nhật Đệ dành trọn cho sếp. Thôi thì đủ thứ việc: Rửa sân, lau xe, tỉa cây, đổ rác… Nhìn cái dáng cần mẫn của Đệ, hàng xóm ai cũng tưởng nhà có người giúp việc mới. Khi rõ thực hư thì họ chép miệng: Sao đời còn có những kẻ như hắn không biết?
Mấy tháng sau, như thường lệ, hôm ấy tan tầm Đệ lại ghé qua nhà sếp. Khác mọi lần, hôm nay ra mở cổng không phải là bà chủ đã ngót nghét U50 nhưng vẫn còn làm cho bao kẻ như hắn mòn mắt, mà là một gã trai còn trẻ lắm, ý không phải thằng con cả của sếp. Hắn là ai nhỉ, bà con với sếp mới ở quê lên chăng? Đầu óc Đệ dội lên bao câu hỏi còn hai chân thì cứ thoăn thoắt theo hắn vào nhà. Chừng như biết ý Đệ, sếp bà từ nhà dưới vội chạy lên vồn vã, cái vẻ khinh khỉnh của chủ mọi khi đối với hắn bỗng biến mất:
- Chú Đệ đấy à. Đây là cậu Tử. Anh em làm quen với nhau đi!
Thì ra là thế. Một thằng em với mình, thằng em giúp việc. Chẳng biết hắn giúp được việc gì?
*
Tử mới hai mươi tám, hai mươi chín gì đó, cái tuổi đang thanh niên nhưng với hắn đã một vợ hai con rồi. Cũng như Đệ trước đây, hắn mới chân ướt chân ráo từ huyện chuyển về, nhưng khác Đệ ở chỗ hắn được ở ngay mặt phố. Đấy là nhờ ơn to của sếp, dù không ruột thịt gì nhưng với tấm lòng nhân hậu sếp đã chìa tay dìu dắt. Vụ chuyển nhượng công tác của hắn là thước đo đầu tiên giá trị thặng dư của sếp ngay sau khi được ngồi vào ghế nóng để thực thi trọng trách mà nhân dân giao phó. Tử chịu ân huệ sếp từ đó.
Thế rồi, một hôm đến nhà thăm sếp nhân ngày lễ tạ ơn (thường là cuối tuần), Tử lọt vào quầng mắt thâm của quan bà:
- Chị làm cái trình chiếu còn lóng ngóng, lúc nào rỗi chú đến chỉ giúp chị nhé.
Tử nghe mà giật cả mình. Hồi ở huyện xa lắc xa lư, đến cái phòng làm việc còn tạm bợ, một anh viên chức nghèo như hắn nào đã được đụng tay đến bàn phím đâu mà biết trình với chiếu là cái gì. Về phố mới được mấy ngày công việc ngập đầu còn đâu thời gian mà tin với chả học. Nhưng chẳng hiểu sao lúc ấy hắn cũng đánh liều dạ cho xong chuyện.
Thế là từ đó Tử có chân phụ việc. Chưa biết gõ bàn phím, không sao, sếp bà bảo thế. Chú cứ việc đến nhà là vui rồi. Mà vui thật. Bởi sếp ông ngày nào cũng như ngày nào, có về sớm thì cũng không trước mười giờ đêm, bỏ mặc phu nhân vò võ đợi cơm một mình. Có mặt Tử, bà như hoa héo nụ được rưới nước, bỗng nhiên từ cánh cho đến nhụy bừng dậy.
Bây giờ, mỗi lần đến nhà, Đệ không còn thấy cái vẻ mặt cau có của bà chủ nữa. Đệ đâm ghen với cái thằng ranh con này. Hắn được chủ chiều như chiều vong. Đã thế lại còn lên mặt.
*
Nhưng nỗi ghen tức của Đệ không được lâu. Sáng hôm ấy đến cơ quan, Đệ thấy hành tung của mọi người có vẻ khác ngày thường. Đang túm tụm với nhau nhưng thấy mặt Đệ là ai nấy lảng lơ. Đệ cũng mang máng đoán ra bởi mấy ngày nay hắn đã lờ mờ nghe dư luận đồn thổi về sếp. Bây giờ thì đã thành chuyện rồi. Sếp bị thôi chức? Đệ cảm thấy như bị ai đó dội gáo nước lạnh. Chân tay lóng ngóng, Đệ lập bập quay xe ra khỏi cổng cơ quan. Nhưng đi đâu? Lên gặp sếp ư? Biết sếp bây giờ ở đâu mà gặp? Mà thôi, thế không được!
Đầu óc Đệ trống rỗng. Hắn chạy xe như ma đuổi. Một lúc sau, không hiểu sao hắn lại có mặt trước cổng nhà sếp. Cũng cái cổng ấy, mới chiều qua Đệ còn thấy tươi rói mà giờ đây xám xịt, não nề. Đệ định bấm chuông nhưng chân tay cứ lóng ngóng, run rẩy phải đến lần thứ ba mới nhấn nổi. Không một tiếng động. Con Mi-sa mọi lần nhanh nhảu là thế mà bây giờ nằm phủ phục, cúp mắt. Thằng Tử đâu? Bà chủ đâu? Mặt bần thần, Đệ cảm thấy mình bị bỏ rơi, cô độc trước tòa biệt thự lạnh ngắt. Bỗng nhiên hắn thấy như tiêng tiếc một cái gì.
Ngẩn ngơ lúc lâu rồi Đệ cũng quay xe ra về. Đi được một quãng, hắn còn ngoái cổ nhìn lại. Cái cổng ốp đá xám xịt của nhà sếp nghiêng nghiêng, mờ dần rồi khuất hẳn.
Buôn Ma Thuột, tháng Ba năm 2012
Nguyễn Duy Xuân